Ukraine nên tiến hành
chiến tranh du kích
Keith L. Carter, Jennifer Spindel, và Matthew
McClary - Foreign
Affairs
Viên
Đăng Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/05/ukraine-nen-tien-hanh-chien-tranh-du-kich/
Khi
cuộc chiến tranh Ukraine bước sang mùa xuân thứ ba, các nhà lãnh đạo từ Brazil,
Trung Quốc, Vatican và những nơi khác đã kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga. Lập
luận cho rằng lực lượng Ukraine khó có thể xuyên thủng các phòng tuyến kiên cố
của Nga, và Kyiv nên công nhận một cách thực tế việc Nga sáp nhập lãnh thổ.
Ukraine đã thành công trong việc sử dụng drone để do thám và tấn công các mục
tiêu của Nga, nhưng chỉ riêng drone thì không thể giành chiến thắng trong cuộc
chiến. Vì vậy, bị cản trở bởi sự thiếu hụt vũ khí và nhân sự, Ukraine sẽ không
thể giành lại lãnh thổ. Nga đã thành công biến cuộc chiến này thành một cuộc
chiến tranh tiêu hao, nơi Moscow nắm giữ nhiều lợi thế: dân số đông hơn, năng lực
công nghiệp quốc phòng lớn hơn và hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng ở
Donbas, Kherson và đặc biệt là Crimea. Xét đến sự mệt mỏi của các quốc gia
phương Tây và sự không nhất quán trong việc hỗ trợ về vật chất, đây là kiểu chiến
tranh mà Ukraine đơn giản là không thể thắng.
Đúng
là việc đối đầu trực tiếp với Nga không còn là chiến lược khả thi đối với
Ukraine. Nhưng Kyiv không nhất thiết phải bỏ cuộc; thay vào đó, họ cần một cách
tiếp cận mới. Một chiến lược tốt hơn sẽ giúp Ukraine tiết kiệm việc sử dụng lực
lượng và bảo tồn nguồn vật chất hạn chế mà họ nhận được từ Mỹ và các đối tác
châu Âu. Ukraine phải điều chỉnh cách thức tổ chức, trang bị và tư duy về cuộc
chiến, chuyển đổi từ đối đầu trực diện với lực lượng Nga sang một cách tiếp cận
phi đối xứng, theo kiểu du kích. Điều này chắc chắn sẽ kéo dài cuộc chiến,
nhưng chuyển hướng sang chiến tranh phi quy ước mang lại cơ hội tốt nhất cho
Ukraine để bào mòn quyết tâm của Nga, cả ở tiền tuyến và trong nước.
Một
cuộc tấn công thất bại
Cho
đến mùa hè năm 2023, quân đội Ukraine, với tinh thần quả cảm vượt trội, dường
như đã có thể đánh bại quân đội Nga. Cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022
nhanh chóng bộc lộ yếu điểm của xe tăng và các loại phương tiện chiến đấu khác
của họ trước các loại đạn dược mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Sự kiên định và sáng
tạo trong thực hành chiến thuật của Ukraine, trang thiết bị Mỹ, cùng với sự quản
lý yếu kém của Nga đã dẫn đến tổn thất nặng nề cho phía Nga và thậm chí cả những
lời bàn tán về sự bất mãn trong nước. Nga khi đó cũng đang thua trên mặt trận
chiến lược. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt,
bóp nghẹt nền kinh tế Nga, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, các nước châu
Âu bắt đầu giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã
đánh giá thấp cả cam kết và khả năng chống lại sự xâm lược của người dân
Ukraine, cũng như sự kiên quyết của Tổng thống Volodymyr Zelensky với tư cách
là một nhà lãnh đạo thời chiến. Có thể là do phản ứng yếu ớt của quốc tế đối với
cuộc xâm lược Georgia năm 2008 và việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Nga, Putin
cũng không lường trước được chiều sâu của việc phương Tây chia sẻ thông tin
tình báo với Kyiv hay dòng vũ khí tràn vào Ukraine.
Mùa
xuân năm 2023, phương Tây lạc quan cho rằng quân đội Ukraine có thể giành lại
vùng đất bị chiếm đóng bởi lực lượng Nga dọc theo sông Dnieper. Vì mục tiêu đó,
các cố vấn quân sự Mỹ đã phối hợp với các lực lượng Ukraine để lên kế hoạch phản
công vào mùa hè 2023. Nhưng đà tiến công của Ukraine bị đình trệ, và quân đội
ngày càng lo ngại rằng họ thiếu vũ khí thích hợp cho một chiến dịch lớn trên bộ.
Trong khi Ukraine chờ đợi nguồn cung cấp từ phương Tây, Nga đã củng cố phòng thủ.
Đến thời điểm chiến dịch bắt đầu, ngay cả quân đội Mỹ được trang bị tốt hơn và
giàu kinh nghiệm hơn cũng sẽ phải chịu thương vong nặng nề khi xuyên thủng các
phòng tuyến của Nga.
Để
chiếm lại lãnh thổ do Nga kiểm soát và tiêu diệt các lực lượng hoạt động ở đó,
quân đội Ukraine cần tập trung lực lượng của mình và thực hiện một cuộc huy động
vũ trang phối hợp quy mô lớn. Điều này sẽ đòi hỏi phải triển khai nhiều sư đoàn
lên tới 50.000 quân, xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, được hỗ trợ bởi hỏa lực
pháo binh và không kích, trong khi các hệ thống phòng không bảo vệ các vị trí của
Ukraine. Nếu được thực hiện đúng, một chiến dịch như vậy có thể cho phép
Ukraine thâm nhập và cuối cùng phá hủy các công sự của Nga. Nó có thể củng cố vị
thế đàm phán của Ukraine và thậm chí buộc Nga phải lựa chọn giữa việc tiếp tục
nghĩa vụ quân sự hoặc rút lui khỏi cuộc chiến. Nhưng Ukraine thiếu huấn luyện,
vũ khí sẵn có và sự hỗ trợ về mặt thể chế cần thiết để thực hiện chiến dịch như
vậy.
Quan
trọng là, các lực lượng Ukraine cần các loại vũ khí khác so với những gì họ đã
nhận được. Thay vì những loại vũ khí tầm trung chiếm phần lớn sự hỗ trợ từ
phương Tây, cuộc phản công đòi hỏi phải có xe tăng Abrams, máy bay tiêm kích
F-16, bệ phóng tên lửa HIMARS và tên lửa Patriot. Ukraine đã yêu cầu các hệ thống
vũ khí này trước chiến dịch, và nếu nhận được chúng với số lượng đủ, cuộc phản
công có thể đã thành công. Không có chúng, cuộc phản công đã thất bại. Mỹ và
các đối tác khác ban đầu từ chối cung cấp những vũ khí này vì lo ngại leo thang
căng thẳng, và đến khi họ bật đèn xanh cho các lô hàng thì đã quá muộn để tạo
ra sự khác biệt trong chiến dịch mùa hè.
Trong
khi Ukraine dành cả mùa hè để chờ đợi vũ khí, Nga đã củng cố các tuyến phòng thủ,
huy động lực lượng lớn lính nghĩa vụ từ các tù nhân và hồi sinh ngành công nghiệp
quốc phòng. Moscow đã học hỏi từ những thất bại ban đầu và thích nghi. Điện
Kremlin đã thành công trong việc lôi kéo Ukraine vào một cuộc chiến tranh tiêu
hao. Ví dụ, tại Bakhmut, Ukraine hoàn toàn tập trung mọi nguồi lực vào trấn giữ
thành phố ngay cả khi nó gần như bị bao vây bởi lực lượng Nga và chịu thương
vong nặng nề. Trận chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II này kết thúc
bằng việc Nga kiểm soát phần lớn chiến trường và tuyên bố giành chiến thắng vào
tháng 5 năm 2023.
Một
chiến lược mới
Ukraine
có rất ít khả năng để sánh ngang với lợi thế về nhân lực và vật chất của Nga.
Nga đơn giản là có nền kinh tế lớn hơn và quan trọng là dân số đông hơn. Họ đã
có thể liên tục gia tăng quy mô lực lượng hoạt động ở Ukraine, ngay cả sau sự sụp
đổ của tập đoàn lính đánh thuê Wagner, bằng cách huy động ngày càng nhiều nguồn
lực do nhà nước kiểm soát. Ngược lại, Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng
thiếu hụt nhân lực. Quyết định gần đây của họ về việc hạ độ tuổi tòng quân từ
27 xuống 25 và bắt đầu tuyển mộ một số tù nhân sẽ khó có thể thay đổi sự mất
cân bằng hiện tại.
Mặc
dù gói viện trợ gần đây của Mỹ sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt vũ khí cấp
bách của Ukraine, nhưng các cuộc đấu pháo qua lại và những nỗ lực giành lại
lãnh thổ nơi quân đội Nga đã xây dựng công sự phòng thủ sẽ nhanh chóng làm cạn
kiệt nguồn cung cấp vũ khí vốn vẫn còn hạn chế của Ukraine. Các quan chức
Ukraine có thể hy vọng Washington sẽ tăng thêm viện trợ, giảm bớt những hạn chế
về vật chất của họ. Nhưng viện trợ cho Ukraine ngày càng bị chính trị hóa ở Mỹ,
và với cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, sẽ không khôn ngoan nếu Kyiv phụ thuộc hoàn toàn
vào sự hỗ trợ liên tục và kịp thời của Mỹ.
Hiện
tại, Ukraine cần phải tìm cách đạt được nhiều thắng lợi hơn với ít tổn thất
hơn. Họ phải tránh các trận chiến tranh tiêu hao, bảo toàn nhân lực và vật chất
để có thể ứng phó với tình hình luôn thay đổi. Để đánh bại Nga đòi hỏi các lực
lượng Ukraine phải được tổ chức để chiến đấu trong một cuộc chiến tiêu hao kéo
dài hơn bằng cách sử dụng các chiến thuật du kích phi đối xứng.
Đây
có thể không phải cuộc chiến mà Ukraine mong muốn: một cuộc chiến tranh tiêu
hao, được thiết kế để hy sinh lãnh thổ nhằm bảo tồn lực lượng và kéo dài cuộc
xung đột. Nó thiếu tính chắc chắn và nhanh chóng của một cuộc đối đầu trực tiếp
có thể phá hủy các vị trí của Nga. Vào mùa xuân và mùa hè năm 2023, khi có vẻ
như một cuộc phản công mang tính quyết định là điều khả thi, thì việc Kyiv áp dụng
một chiến lược phi đối xứng và kéo dài cuộc chiến sẽ là điều ngu ngốc. Giờ đây,
khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và vật chất không chắc chắn,
thì việc không làm như vậy mới là điều ngu ngốc. Cuộc chiến tranh tiêu hao cho
phép Ukraine phát huy những lợi thế của mình. Các lực lượng Ukraine đang chiến
đấu trên lãnh thổ của họ, và sự quen thuộc với địa hình mang lại cho họ lợi thế
về tình báo so với Nga. Bất cứ khi nào có thể, họ nên tránh đối đầu trực diện với
lực lượng Nga và bảo toàn binh lính và đạn dược thay vì giành lại lãnh thổ đã mất.
Nếu Nga thực hiện một cuộc tấn công trực tiếp vào Kyiv, Ukraine sẽ không có lựa
chọn nào khác ngoài việc đối đầu với quân đội Nga trên chiến trường. Nhưng ngay
cả trong tình huống này, các chiến binh Ukraine nên tập trung vào việc tối đa
hóa thương vong của Nga và nếu đến lúc cần thiết, sẵn sàng rút khỏi Kyiv. Thủ
đô có vai trò quan trọng, nhưng chúng không phải là yếu tố sống còn để chống lại
kẻ chiếm đóng: lực lượng kháng chiến Pháp đã chiến đấu thành công với quân Đức
sau khi mất Paris trong Thế chiến II, và quân nổi dậy Iraq tiếp tục chiến đấu với
quân Mỹ sau khi mất Baghdad. Nếu cần, Ukraine có thể tiếp tục cuộc chiến tranh
phi đối xứng ngay cả khi Nga kiểm soát Kyiv.
Sự
chuyển dịch này đòi hỏi phải thay đổi chiến thuật. Quân đội Ukraine cần được tổ
chức lại thành các nhóm nhỏ, độc lập thay vì các lữ đoàn lớn. Những lực lượng
không chính quy này sẽ được phân tán khắp cả nước thay vì tập trung ở một hoặc
hai khu vực trung tâm. Được hỗ trợ bởi tình báo Ukraine và phương Tây, các nhóm
này sẽ xác định và tấn công các mục tiêu dễ bị tổn thương của Nga trước khi tái
hòa nhập lại vào quần chúng nhân dân và lẩn trốn vào địa hình – nơi lực lượng
Nga khó có thể nhắm vào họ – để hạn chế thương vong về nhân sự và thiết bị. Các
nhóm này cũng sẽ giúp xây dựng lực lượng kháng chiến ở các vùng lãnh thổ đang
tranh chấp. Kiểu chiến tranh phi đối xứng này là một chiến lược đã được chứng
minh giúp cho bên yếu hơn dần dần đánh bại kẻ thù mạnh hơn. Ít nhất, nó giúp
cho bên yếu hơn có thời gian để tái thiết và chờ đợi các điều kiện chính trị hoặc
hoạt động thuận lợi hơn, chẳng hạn như sự gia tăng hỗ trợ quốc tế hoặc tình trạng
bất ổn nội bộ ở quốc gia mạnh hơn. Như Mỹ đã học được khi chiến đấu với các lực
lượng không chính quy ở Afghanistan và Việt Nam, cách tiếp cận này hiệu quả và
làm giảm sĩ khí đối phương. Nhưng nó cũng diễn ra một cách chậm chạp; cả hai cuộc
xung đột này đều kéo dài gần 20 năm.
Mục
tiêu không phải là bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ đến cùng. Thay vào đó, khi quân
đội Nga chiếm đóng lãnh thổ, binh lính Ukraine sẽ sử dụng chiến thuật đánh
nhanh rút gọn để nhắm vào các tuyến tiếp tế và các vị trí phòng thủ yếu kém. Nếu
Nga tiếp tục tiến quân, quân đội của họ sẽ buộc phải phân tán lực lượng và kéo
dài các tuyến đường tiếp tế và liên lạc. Theo logic của một chiến dịch không
chính quy, quân đội Nga càng đi sâu vào lãnh thổ Ukraine thì càng dễ bị tổn
thương trước các cuộc phục kích và tập kích của Ukraine nhằm vào các mục tiêu
thuận lợi.
Ukraine
cũng cần phải đưa cuộc chiến sang nước Nga. Sau khi huấn luyện các lực lượng đặc
nhiệm – có thể với sự hỗ trợ của Mỹ và NATO – Ukraine có thể cử các đơn vị nhỏ
thực hiện các cuộc tập kích xuyên biên giới để phá hủy các trung tâm hậu cần,
khu vực huấn luyện và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Phần
lớn do răn đe hạt nhân của Putin, các nhà lãnh đạo phương Tây đã cảnh báo rằng
các hoạt động xuyên biên giới sẽ leo thang căng thẳng không cần thiết. Nhưng
các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các trung tâm dân cư
của Ukraine đã được coi là hành vi leo thang chiến tranh. Ở giai đoạn này của
cuộc xung đột, các cuộc tập kích xuyên biên giới trực tiếp nhắm vào bộ máy chiến
tranh của Nga là một rủi ro được tính toán kỹ lưỡng. Không thực hiện các nhiệm
vụ như thế chỉ đơn giản là cho phép Nga tạo ra một không gian an toàn để tấn
công Ukraine. Nếu các đối tác phương Tây của Kyiv cấm tiến hành các cuộc tấn
công như vậy bên trong lãnh thổ Nga, họ sẽ khiến Ukraine thất bại.
Để
bổ sung cho các cuộc tập kích xuyên biên giới, các lực lượng an ninh mạng
Ukraine nên tiếp tục tham gia vào cuộc chiến tranh thông tin kỹ thuật số. Mục
tiêu của các hoạt động trên không gian mạng là nhằm làm giảm sự ủng hộ của người
dân Nga đối với cuộc chiến và chống lại những luận điệu của Nga về cuộc xung đột.
Cụ thể, Ukraine nên nhấn mạnh những thành công chiến thuật của lực lượng kháng
chiến Ukraine và sự kém cỏi của quân đội Nga. Do đó, một chiến dịch thông tin
nhằm mục đích làm suy yếu quyết tâm của dân thường Nga là một phần của chiến lược
bào mòn rộng lớn hơn.
Nga
chắc chắn sẽ cố gắng tiến hành xâm nhập xa hơn, và Ukraine cần phải chuẩn bị
phòng thủ. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, Ukraine cần phải sẵn sàng tạm
thời nhượng lại một số lãnh thổ để bảo toàn lực lượng và kéo dài thời gian.
Nhưng khi quân đội Nga tiến quân, các lực lượng Ukraine nên tập trung vào việc
gây thương vong và phá hủy thiết bị vũ khí. Họ có thể đạt được những mục tiêu
này bằng việc sử dụng các đội thâm nhập và du kích nhỏ mang theo vũ khí mang
vác: quân đội Ukraine đã có chuyên môn về drone, và họ có thể tiếp tục sử dụng
chúng để xác định mục tiêu và cung cấp thông tin tình báo thời gian thực; tên lửa
Javelin vác vai và các vũ khí dễ dàng mang vác có thể nhắm vào các thiết bị và
cơ sở quân sự lớn hơn của Nga; và pháo hạng nặng có thể được sử dụng hạn chế
hơn để hỗ trợ hoạt động của các nhóm nhỏ. Khi Ukraine chuyển sang chiến tranh
không theo quy ước, Lực lượng Đặc nhiệm của Quân đội Mỹ sẽ là những cố vấn lý
tưởng để cung cấp cho quân đội Ukraine lợi thế cạnh tranh. Các lực lượng Mỹ
chuyên về việc cung cấp huấn luyện tích hợp công nghệ mới, và họ có thể huấn
luyện binh lính Ukraine về chiến thuật du kích và các hoạt động thâm nhập.
Để
áp dụng chiến lược này, Ukraine cần phải chấp nhận một khái niệm khác về chiến
thắng – một chiến thắng dựa trên việc trụ vững trong cuộc chiến và chống lại sự
xâm lược của Nga, thay vì đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ
Ukraine. Khi sức mạnh vũ khí và ý chí chính trị của Nga dành cho chiến tranh
suy yếu, Ukraine có thể tiếp tục một cuộc đối đầu trực tiếp nhằm đẩy lùi quân đội
Nga. Đối với những người Ukraine, những người vẫn cam kết giải phóng từng tấc đất
bị chiếm đóng, đây sẽ là một thách thức khó nhằn. Nhưng mục tiêu hiện tại của họ
đơn giản là không thể đạt được trong khi Putin vẫn nắm quyền. Do đó, Kyiv không
còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi chiến lược.
Đổi
lại, các đối tác của Ukraine có nghĩa vụ tiếp tục hỗ trợ nước này; sự thay đổi
chiến lược này sẽ không rũ bỏ trách nhiệm của họ. Ngoài việc huấn luyện, Mỹ và
các nước khác sẽ cần tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, mặc dù sự thay đổi
chiến thuật có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ tiêu hao vũ khí chậm hơn. Các đối
tác quốc tế của Ukraine cũng phải hỗ trợ làm suy yếu Nga bằng cách thực thi các
lệnh trừng phạt kinh tế và tuyên bố rõ ràng rằng các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ
nếu Nga rút quân. Điều quan trọng nhất, Kyiv cần có sự hỗ trợ sau khi chiến
tranh kết thúc. Một cuộc chiến tranh tiêu hao sẽ tàn phá Ukraine, và người dân
nước này cần biết rằng họ sẽ không bị bỏ lại một mình. Các đối tác của Ukraine
nợ đất nước này sự đảm bảo đó vì những hy sinh của họ.
------------------
Keith
L. Carter
là phó giáo sư tại Đại học Hải chiến Mỹ tại Trường Cao học Hải quân; Jennifer
Spindel là phó giáo sư môn Khoa học Chính trị và Giám đốc Quan hệ Quốc tế tại Đại
học New Hampshire; Matthew Mcclary là một sĩ quan lực lượng đặc biệt của Mỹ.
Nguồn: Keith L. Carter, Jennifer Spindel, và Matthew McClary, “How Ukraine Can Do
More With Less”, Foreign Affairs, 29/05/2024
No comments:
Post a Comment