Tuesday, June 25, 2024

TU THEO THẦY THÍCH MINH TUỆ? (Ngô Nhân Dụng / Blog VOA)

 



Tu theo Thầy Thích Minh Tuệ?  

Ngô Nhân Dụng

25/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/tu-theo-thay-thich-minh-tue-/7669360.html

 

HÌNH : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-74c3-08dc7621146d_w1023_r1_s.png

Sư Minh Tuệ (ở giữa hình), người tu theo Hạnh Đầu Đà, đã và đang là một hiện tượng tại Việt Nam.

 

Ông Trần Đình Sơn ở London, Anh Quốc, không đồng ý với một nhận xét trong bài tuần trước viết về thầy Thích Minh Tuệ, “… chỉ đi ngoài đường sẽ không có cơ hội … thực chứng những giáo nghĩa sâu xa như Tánh Không, như Lý Duyên Khởi …” Ông Sơn nhận xét thấy, “…Lục Tổ Huệ Năng mù chữ nhưng khi đắc ngộ thì bất cứ giáo lý thâm sâu nào của ĐỨC PHẬT cũng đều giảng giải rất rõ ràng minh bạch … cư sĩ Duy Ma Cật … chỉ kinh doanh và cũng không sống trong tu viện nhưng đã đắc ngộ Phật Pháp cao thâm …”

 

Chúng tôi không phản đối kết luận của ông: “… sư Minh Tuệ khi đạt tới tột đỉnh của Giới thì đạt Định ngay lập tức … Định rồi là Tuệ xuất hiện ngay tức đắc pháp thượng thừa mà không cần phải học gì trong chùa, viện.” Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì ngài Duy Ma Cật đã tu trong rất nhiều kiếp, trước khi thác sinh làm một thương gia. Ngài Huệ Năng đã tu học trong chùa rồi được thầy gửi qua một chùa khác, khi đang quét sân ngài chợt nghe câu “Ưng vô sở trụ.”

 

Nhưng không nhất thiết phải vào chùa mới có thể thực tập Giới, Định, Tuệ. Thời Phật tại thế, có một người theo Đạo Jain (Kỳ Na Giáo) quy y tam bảo. Đức Thích Ca đã khuyên ông ta hãy tiếp tục hành trì tín ngưỡng cũ của gia đình mình. Đạo Jain cũng theo nhiều giới giống đạo Phật; đầu mùa mưa cũng an cư kiết hạ để tránh vô tình sát hại côn trùng. Các mùa an cư này dẫn tới việc thành lập các tu viện, do những Phật tử dựng lên để cung dưỡng người xuất gia.

 

Cuộc sống chung với nhiều người khiến phải đặt ra giới luật. Giới luật do chính các vị đệ tử của Phật xướng xuất, thảo luận cho đến khi mọi người đều chấp thuận. Sau khi Đức Thích Ca nhập diệt mấy tháng, các đệ tử họp nhau ôn lại các lời Phật dạy (Kinh). Họ cũng nhắc lại để ôn tập các giới luật. Ông Upali là người nhớ đầy đủ nhất, khi đọc mỗi giới ông có thể cho biết trong hoàn cảnh nào nhu cầu đặt ra giới luật đó được đưa ra.

 

Giới luật của Nam Tông và Bắc Tông phần lớn giống nhau, với hai phần chính: Thứ nhất là những quy định về hành vi của mỗi cá nhân, như 5 giới căn bản, 10 giới cho người mới vào chùa, các Bồ tát giới cho người tại gia hoặc xuất gia, vân vân. Thứ hai là những quy định về cuộc sống tập thể. Thí dụ, một người gia nhập tăng đoàn phải được một vị thầy đã thọ giới lớn ít nhất 10 năm thâu nhận; người thọ giới tỳ kheo cần có năm vị thầy như vậy chứng minh. Các tông phái cũng đồng ý về các trường hợp một tu sĩ phạm lỗi bị phạt, nhẹ thì sám hối, nặng có thể bị trục xuất, vân vân.

 

Tuy giới luật thi hành trong các tự viện phần lớn giống nhau nhưng một điều đặc biệt là trong cùng một tu viện, mỗi người có thể chú tâm hành trì theo các giáo lý khác nhau; không ai bị coi là theo “tà giáo.” Thầy Huyền Trang, thế kỷ thứ 7, đã ghi nhận tại Đại học Nalanda có các tăng sĩ thuộc cả Nam Tông và Bắc Tông. Các tông phái đều tôn trọng giới luật và hệ thống truyền thừa của tông phái khác. Tinh thần bao dung này thể hiện trên các “cột đá” của vua Asoka (cai trị từ 268 đến 231 trước Công Nguyên) dựng trong bán đảo Ấn Độ và gửi sang tận Trung Đông, Hy Lạp, và miền Trung Á. Asoka không đề cao đạo Phật, chỉ cổ động việc thực hành Phật Pháp. Ngoài các khuyến cáo như không sát sanh, phải cấp thuốc men hoặc thức ăn cho người thiếu thốn, nhà vua còn yêu cầu phải tôn trọng các tín ngưỡng khác biệt.

 

Thi hành giới luật nhắm đạt hai mục tiêu chính: Giữ cho đoàn thể tu học thuần nhất và hòa hợp để nâng cao trình độ tu chứng, và tạo mối ràng buộc giữa các người tu và xã hội chung quanh. Không được giữ tiền, không được dự trữ thức ăn trừ khi bị bệnh, tránh không tự nấu bếp, mỗi người chỉ được giữ tám món đồ riêng: ba bộ áo để thay đổi, một thắt lưng, một bình bát, một dao cạo, một cái kim, và bầu nước. Do đó người tu phải khất thực. Tức là những người “xuất gia,” ra khỏi cuộc sống bình thường, vẫn phải sống với những người khác. Giữa người tu và đại chúng có một “hợp đồng ngầm.” Một bên sống theo giới luật, chứng tỏ mình chỉ theo đuổi mục tiêu giải thoát, trở thành “ruộng phước” (phúc điền) cho mọi người cùng chia hưởng. Bên kia lo “cung dưỡng” để những người xuất gia tiếp tục sống.

 

Ông Trần Đình Sơn nói đến khi Thầy Minh Tuệ “đạt tới tột đỉnh của Giới,…” Đạt tới tột đỉnh nghĩa là gì? Trong số 227 giới lớn ở Nam Tông, 258 giới ở phía Bắc, có những giới quan trọng hoàn toàn giống nhau. Những giới nhỏ quy định tới các chi tiết trong đời sống. Tất cả đều có tác dụng giúp người tu lúc nào cũng ý thức đến từng hành vi, cử chỉ, từng lời nói của mình, tức là luôn luôn sống trong chánh Niệm, con đường dẫn tới Định.

 

Chính các giới luật tạo nên tăng đoàn, một bộ phận trong Tam Bảo. Gia nhập tăng đoàn, tuân theo giới luật, là con đường tìm đạo giải thoát. Nhưng trong kinh điển cũng công nhận nhiều người đã tự đạt đến giác ngộ, như các Phật Duyên Giác (pratyeka – Độc giác Phật). Cùng thời với Đức Thích Ca, có rất nhiều vị đạo sĩ tìm đường giải thoát như vậy. Thầy Huyền Trang kể một câu chuyện trước khi tới Kashgar, bên bờ sa mạc Takla Makan thuộc tỉnh Tân Cương bây giờ trên đường đi tới Khotan (Tân Cương) để trở về Tràng An.

 

Tại một địa điểm nay mang tên là Och, Huyền Trang thấy một ngôi tháp lớn, hỏi dân sống chung quanh được biết tháp được dựng lên để thờ một vị La Hán. Theo truyền thuyết, vị la hán này đã ngồi nhập định tại chỗ đó từ bao nhiêu đời, không ai biết; thân xác ông ta đã khô đét nhưng tóc dài vẫn phủ trên mặt, trên vai. Một ông vua đến chiêm bái, tò mò hỏi có thể đánh thức vị la hán dậy hay không. Người ta nói rằng nếu đụng tới thì lớp da khô sẽ tan vỡ, bộ xương bên trong sẽ rụng xuống hết. Một tu sĩ khuyên nhà vua dùng chất dầu và kem sữa thoa lên hình hài cho mềm đi, có thể vị la hán sẽ trở lại bình thường.

 

Ông vua là người mộ đạo, đã kiên nhẫn làm công việc thoa dầu như thế trong nhiều ngày, cho đến khi cái xác khô từ từ sống lại. Khi mở mắt, vị la hán hỏi: “Ông Thích Ca Mâu Ni đã đạt được ‘vô thượng chính đẳng chính giác’ chưa?” Mọi người trả lời rằng Đức Thích Ca đã thành đạo và nhập niết bàn từ mấy trăm năm rồi. Vị la hán khép mắt lại, từ từ nâng thân thể mình lên trên không, đặt hai tay lên đầu và dùng nhiệt lượng của chính mình tạo thành ngọn lửa, tự đốt cháy nhục thân. Ông vua đã gom nhặt các miếng xương “xá lợi” lại, dựng ngọn tháp để thờ, Huyền Trang còn được chiêm bái ngôi bửu tháp. Câu chuyện trên được Richard Berstein kể trong “Ultimate Journey,” nhà xuất bản Knofp in năm 2001, cuốn du ký thuật lại chuyến đi của ông cố gắng theo lộ trình của Tam Tạng Pháp Sư gần 1,400 năm trước.

 

Câu chuyện thầy Huyền Trang kể có thể do dân địa phương thêu dệt qua cả ngàn năm nhưng có một điều được xác nhận là: Cùng thời với Đức Phật có rất nhiều đạo sĩ cũng tìm đạo giải thoát và đã chứng ngộ, biến vào cõi không sinh không diệt. Đức Thích Ca đi xa hơn những vị khác. Ngài ngồi yên 7 ngày chiêm nghiệm những điều mình thấy được trong giây phút giác ngộ. Theo truyền thuyết kể lại, Phật đứng dậy, suốt 7 ngày nhìn xuống nơi mình ngồi, rồi bước đi qua lại trong 7 ngày nữa. Trong 7 ngày sau, Phật ghi nhận những điều mình đã chứng ngộ, xếp đặt thành bảy bộ trong Abhidharma; người Trung Hoa phiên âm là A tỳ đàm, A tỳ đạt ma, hoặc dịch nghĩa là Vô tỷ pháp, Đối pháp, Thắng pháp, nghĩa là những hiểu biết “đi xa hơn,” theo Hòa thượng Thích Thiện Siêu. Nhưng Đức Phật rất thực tế, chỉ trình bày các sự thật Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho các đệ tử đầu tiên, biết rằng mọi người không thể hiểu ngay các giáo pháp cao sâu. Sau này, khi có cơ duyên Ngài mới chỉ cho thầy Xá Lợi Phất, Sàriputta, toàn thể bộ A tỳ đạt ma – gồm toàn thể các hiện tượng, từ thế giới vật chất đến tâm linh. Thầy Vasubandhu đã phân tích các pháp làm thành bài học, trong Abhidharmakosa, Câu Xá Luận.

 

Tu viện, chùa chiền là nơi những người tu học theo Phật có thể được học các giáo pháp đó. Cho nên, dù người hành đạo có thể một mình tìm đường “độc giác” nhưng nếu có dịp học hỏi thêm Vô tỷ pháp thì chắc càng thêm ích lợi.

 

 




No comments: