Hồ Anh Thái
Thứ
Tư, 12 tháng 6, 2024
https://vandoanviet.blogspot.com/2024/06/tren-con-uong-hoc-ao.html
Thái
tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) rời bỏ hoàng cung năm Ngài hai mươi chín tuổi. Sáu
năm sau, Ngài được khai minh, trở thành Đấng Giác Ngộ. Đệ tử đông dần cho đến
khi hình thành một giáo đoàn, và Ngài nổi danh khắp xứ Ấn Độ. Người ta gọi Ngài
là hiền triết xứ Kashi, là đại sư của bộ tộc Thích Ca.
Tin bay về thành Kapilavastu rằng thái tử
Siddhattha nay đã thành Phật và có rất nhiều đệ tử. Vua cha của Ngài bán tín
bán nghi bèn cho quân đi điều tra. Quân do thám về tâu lại rằng quả đúng như
tin đồn. Thái tử nay đã được thiên hạ gọi là Buddha Đấng Giác Ngộ và sống đời
Sadhu, tức là giáo sĩ du hành.
Năm
528 trước Công nguyên thái tử thành đạo thì cũng phải hai năm sau, năm 526 Ngài
mới trở lại kinh thành quê hương. Vua cha của Ngài tự thân đến yết kiến vị giáo
chủ tại giáo đoàn. Nhà vua bàng hoàng khi biết vị giáo chủ cùng đệ tử hàng ngày
đi khất thực vào buổi sáng. Họ đi thành từng nhóm, qua cửa từng nhà, nhận thực
phẩm cúng dường rồi trở về ăn một bữa vào trước buổi trưa. Trời ơi, con trai của
nhà vua, một thái tử dòng dõi, đã trở thành kẻ ăn mày.
Các
nhà sư đi khất thực trên đường phố Luang Prabang, Lào. Ảnh: HAT.
Vẫn
chưa tin vào mắt mình, nhà vua hỏi và Phật khẳng định rằng đó là tập quán của
người tu hành.
-
Tập quán nào? - Nhà vua cố kìm nén cơn giận - Ngươi sinh ra trong dòng họ các
nhà vua chưa một lần trong đời biết xin xỏ cái gì hết. Tập quán của chúng ta là
ăn thức ăn trong bát đĩa bằng vàng bằng bạc, chứ không phải trong cái bát gỗ.
Đức
Phật ôn hòa đáp lời:
-
Thưa phụ vương, Người xuất thân dòng dõi hoàng gia, đó là sự thật. Nhưng con
thuộc dòng dõi các nhà sư, những Người Giác Ngộ. Chẳng phải những người này
không biết làm lấy mà ăn, nhưng khi đi xin bố thí, họ muốn khơi gợi ở người đời
lòng trắc ẩn, lòng muốn làm điều thiện, và gieo phúc lại cho người thành tâm
cúng dường. Con nói "tập quán" là tập quán của những Người Giác Ngộ
này.
***
Ngày
nay, nếu ta muốn hình dung cách thức một giáo đoàn đi khất thực như thế nào thì
có lẽ dễ hiểu hơn cả là đi một chuyến sang Sri Lanka hoặc Lào, những nước mà tập
quán Phật giáo còn ít bị pha tạp.
Mỗi
buổi sớm, khoảng từ năm giờ sáng, ta có thể thấy trên đường phố những sắc áo
vàng đi khất thực. Họ đi thành từng nhóm khoảng dăm bảy người. Các thí chủ rất
thành tâm đã mang ghế ra ngồi sẵn trước cửa nhà, có người thì trải chiếu rồi quỳ
lên đó mà chờ. Thí chủ ôm trong lòng một cái thẩu đan bằng mây tre, trong ấy là
xôi như ở Lào hoặc bánh mì roti như ở Sri Lanka. Các nhà sư lần lượt đi đến và
dừng lại trước mặt thí chủ, chìa chiếc bình bát cũng bằng mây tre ra để cho thí
chủ bỏ thức ăn vào đó. Người cúng dường không nói, người nhận cũng không nói.
Sau vài khoảnh khắc, khất sĩ này đi qua thì khất sĩ đằng sau bước tới. Lại chìa
bình bát ra để nhận. Hoàn toàn yên lặng trên những đường phố thanh bình. Không
ai thấy lạ, không ai gây huyên náo rồng rắn chạy theo các nhà sư.
Như
ở thành phố Luang Prabang xứ Lào, hơn 50.000 dân hoan hỉ nuôi hơn 1.000 nhà sư,
tức là cứ 100 dân thì có 2 tu sĩ. Trên một đường phố, chỉ cần bước đi dăm chục
mét là gặp một ngôi chùa cổ kính, mái chùa lượn xuống là là mặt đất như nghiêng
mình xuống chào. Xứ Phật giáo là quốc đạo cho nên đã hình thành một nghi thức,
một nếp sống, một bộ luật ứng xử rõ ràng.
Sáng
sớm bước ra đường phố Luang Prabang, ta lại ngỡ đang ở chính giữa sinh thời Đức
Phật. Không khí cổ kính ấy còn ở ngay trong lời văn của bản quy định của chính
quyền thành phố về việc cúng dường. Chính quyền coi việc các nhà sư đi khất thực
là một nét đẹp của thành phố. Vật cúng dường phải được mua từ chợ mang về, hoặc
được chế biến tại nhà, như vậy mới thành tâm. Đồ cúng dường nhất thiết không được
vội vàng đường đột mua ở hàng quán ngay tại chỗ các nhà sư đi ngang. Du khách
có thể chụp ảnh, nhưng không được để đèn flash hoặc chạy cắt ngang lối đi của
nhà sư. Người ta không thể ngồi trên ô tô buýt đuổi theo đoàn nhà sư mà chụp ảnh,
chính vì thế chính quyền không cho phép ô tô buýt hoạt động trong thành phố.
Cũng như vậy, để tỏ lòng thành kính, không ai được nhìn xuống các nhà sư từ
trên cao như ban công tầng gác hoặc trèo lên cây để nhìn xuống...
Hầu
như du khách nào đọc quy định này cũng đồng tình với chính quyền Luang Prabang.
Nhờ vậy mà cố đô có thể bảo tồn nguyên vẹn một tập tục tưởng đã thất truyền gần
ba thiên niên kỷ.
***
Thời
Phật, các nhà sư đều là khất sĩ, chưa phải là giáo sĩ an cư trong “văn phòng
hành chính” như những thời đại về sau. Các giáo đoàn đầu trần chân đất đi khất
thực trên khắp vương quốc của mình, có khi du hành sang vương quốc bên cạnh.
Không chỉ ở thành thị mà cả ở hang cùng ngõ hẻm làng quê. Bằng cách ấy các sư
mang ánh đạo vàng của Phật đến với mọi tầng lớp dân chúng. Dừng đâu là quê, nghỉ
đâu là nhà, màn trời chiếu đất nhưng khắp cõi người đi đâu cũng không ra khỏi cửa
Phật. Món khất thực có được, các sư dừng chân ăn một cách thành tâm. Dừng chân
để ăn chứ không được đến nhà các thí chủ ăn uống linh đình ba hoa tán tụng.
Có
những khất sĩ tu khổ hạnh hơn, đi mải miết không nghỉ, ban ngày phơi mình giữa
trời nắng chang chang hơn bốn mươi độ, ban đêm mùa đông mới chịu vào nghỉ trong
hang đá để qua cơn giá lạnh.
Còn
tăng đoàn thì vẫn tuân theo hành trình đi khắp xứ sở, nhưng buổi trưa nắng cháy
vẫn dừng lại tìm bóng mát dưới những cổ thụ để ngồi thiền. Cũng không phải đi
suốt năm suốt tháng. Mấy tháng mùa mưa trở ngại cho hành trình, các sư ngồi an
cư trong những tinh xá (hoặc tịnh xá) là thiền viện ashram mà các vị đại vương
hoặc các bậc phú thương xây dựng cho Phật. An cư chính là thời gian để các sư
dành nhiều thời gian tu tập, tinh xá trở thành trung tâm nghiên cứu. Các cuộc
thuyết giảng và luận bàn sôi nổi suốt mùa mưa. Phật tử và cư sĩ cũng tận dụng
thời gian này để đến các tinh xá tham dự các cuộc hội thảo và luận bàn. Mãi sau
thời Phật, một ít vị tu hành rao giảng ý nghĩa của mùa kiết hạ là dịp để Phật tử
đến “phát tâm cúng dường”. Chữ “cúng dường” là sau này mới đèo thêm vào, chứ thời
Phật thì mùa kiết hạ chỉ là để tu tập và khai sáng.
No comments:
Post a Comment