Friday, June 14, 2024

QUỐC TẾ LO NGẠI THÁI LAN DẪN ĐỘ ÔNG Y QUYNH BĐÁP VỀ VIỆT NAM (BBC Tiếng Việt)

 



Quốc tế lo ngại Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam

BBC Tiếng Việt

14 tháng 6 năm 2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1667kjygzzo

 

Ông Y Quynh Bđăp, người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý, vừa bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đang có nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam, một nguồn tin cho BBC News Tiếng Việt hay.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9b71/live/5309bce0-2a1d-11ef-a427-217fb9597453.jpg.webp

Ông Y Quynh Bđăp (thứ ba, trái qua) cùng các thành viên Tổ chức Người Thượng Vì Công lý

 

Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn.

 

Ông bị bắt hôm 11/6 và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Remand ở Bangkok để chờ xét xử xem ông có bị dẫn độ về Việt Nam hay không.

 

“Y Quynh Bđăp khi đó đang trốn trong một khách sạn nhưng tối đó có tin anh ấy ra ngoài đi mua dép. Vừa ra ngoài thì cảnh sát Thái Lan ập tới bắt,” mục sư A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 14/6.

 

Ông A Ga cũng cho hay ông Y Quynh Bđăp thường xuyên liên lạc với ông và trước khi bị bắt đã gọi điện nói rằng “tình hình rất nguy hiểm”.

 

Ông A Ga thuật lại:

“Ông Y Quanh Bđăp vừa có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada hôm 4/6 và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.

"Việc Y Quynh bị bắt không có gì đáng ngạc nhiên vì Y Quynh đã báo trước vấn đề này. Thời gian qua công an đã theo sát và truy lùng anh ấy.

"Hôm 4 và 5/6, Y Quynh báo cho tôi là cảm thấy không ổn vì cảnh sát đã biết nơi ở của anh ấy.

"Sau đó Y Quynh phải tách rời vợ con, nhờ một tổ chức cho trốn vài ngày ở khách sạn.

"Lúc anh ấy ở trong khách sạn thì cảnh sát bao vây bên ngoài.

"Vào ngày thứ Hai vừa rồi (11/6), tôi gọi cho Y Quynh thì không nghe máy. Sau đó nhận được tin Y Quynh đã bị bắt.”

 

Theo đánh giá của ông A Ga, có khả năng cao là ông Y Quynh sẽ bị dẫn độ về Việt Nam nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp mạnh

 

Trong video dài 1 phút 30 giây ông Y Quynh được cho là thực hiện trước khi bị bắt mà BBC đang có trong tay, ông nói bản thân và gia đình đang gặp nguy hiểm khi cảnh sát Thái truy lùng.

 

Ông cũng nói rằng ông mong các tổ chức nhân quyền lên tiếng để gia đình ông được an toàn và tự do.

 

 

Vì sao Việt Nam yêu cầu Thái Lan can thiệp?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c2e1/live/e4b0cec0-2a1f-11ef-9749-cd6cde939cc7.jpg.webp

Một buổi thờ phượng Chúa của người Thượng tại Thái Lan

 

Chính phủ Việt Nam đã phát lệnh truy nã và yêu cầu chính quyền Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp với cáo buộc “khủng bố”, liên quan đến vụ nổ súng vào trụ sở công an ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến 9 người tử vong.

Ông Y Quynh đã bị kết án 10 năm tù vắng mặt vào tháng 1/2024.

 

Bộ Công an Việt Nam nhận định vụ tấn công này là "đặc biệt nghiêm trọng", xếp vào dạng "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".

 

Bộ này cũng nói rằng "vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài", trong đó, nhóm "Lính Đêga" thực hiện vụ khủng bố.

 

Theo Bộ Công an Việt Nam, nhóm “Lính Đêga” móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để “tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập 'nhà nước riêng' ở Tây Nguyên.”

 

Bộ Công an xác định Y Quynh Bđăp là “một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này”.

Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 14/6 ra thông cáo cho hay họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng nói trên, “nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam”.

 

Bà Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, kêu gọi chính phủ Thái Lan "trả tự do và và đảm bảo ông Y Quynh Bđăp không bị tổn hại

 

"Trao trả nhà hoạt động Việt Nam Y Quynh Bđăp về Việt Nam sẽ khiến ông ấy gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Chính quyền Thái Lan nên công nhận tình trạng tị nạn của Y Quynh Bđăp,” bà Elaine Pearson nói.

 

Theo nhận định của mục sư A Ga, chính quyền Việt Nam cáo buộc ông Y Quynh liên quan đến vụ “khủng bố” ở Đắk Lắk nhưng thực tế là do họ "đang rất lo ngại vì Y Quynh là người sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý để bảo vệ nhân quyền cho người Thượng ở Tây Nguyên".

 

"Anh Y Quynh đã được đào tạo ở Thái Lan 12 tháng và đã trở thành người thu thập thông tin, viết báo cáo gửi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam bắt bớ, vi phạm tự do tôn giáo.

"Tại Hội nghị Nhân quyền và Dân chủ ở Geneva vừa rồi, biết bao nhiêu bản báo cáo như vậy đã được gửi cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

"Thì đương nhiên chính quyền Việt Nam sẽ nhắm vào ông này và tổ chức của ông để dập tắt.

"Như thế thì không ai còn thông tin về sự vi phạm của chính quyền ở trong nước nữa.

"Do đó họ tìm bằng mọi cách bắt Y Quynh cho bằng được."

 

Mục sư A Ga nhận định rằng tình trạng hiện nay của những người Thượng tị nạn ở Thái Lan là rất đáng lo ngại.

 

Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng chính quyền Việt Nam tới nhà của một số người tị nạn để sách nhiễu, yêu cầu gia đình gọi con em về nước đầu thú thì sẽ được cấp đất, được khoan hồng. Nếu không chính phủ sẽ sang Thái bắt đưa về Việt Nam, ông A Ga kể lại.

 

 

Khả năng Thái Lan dẫn độ người về Việt Nam?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c0fe/live/b4b41bf0-2a1f-11ef-9749-cd6cde939cc7.jpg.webp

Một hoạt động của các thành viên Tổ chức Người Thượng vì Công lý tại Thái Lan

 

Theo thông cáo của HRW, Tổ chức Người Thượng vì Công lý đã tìm cách bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam.

 

Chính phủ Việt Nam từ lâu đã đàn áp những người Thượng theo đạo Thiên Chúa thuộc các giáo hội tại gia độc lập, những người ủng hộ các yêu cầu độc lập hoặc tự trị bất bạo động, và những người phản đối việc chính phủ giao đất Tây Nguyên cho các doanh nghiệp, theo HRW.

 

Ngày 12/6, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các nhà bảo vệ nhân quyền, Mary Lawlor, đã bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ ông Y Quynh Bđăp và cho rằng việc dẫn độ ông về Việt Nam có nghĩa là Thái Lan “không đủ tư cách để được bầu” vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.

 

Báo cáo gần đây của HRW, "‘Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn’: Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan,” ghi lại một mô hình đàn áp xuyên quốc gia trong đó chính quyền Thái Lan giúp các chính phủ láng giềng thực hiện các hành động trái pháp luật nhằm vào người tị nạn và người bất đồng chính kiến đang tìm nơi trú ẩn ở Thái Lan.

 

Đổi lại, chính quyền Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận “trao đổi” người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.

 

Vào tháng 5/2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan - Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai - đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã “biến mất”.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nên chấm dứt hành vi ngược đãi của các chính phủ Thái Lan trước đây và đảm bảo rằng Y Quynh Bđăp không bị trả về Việt Nam.

 

Thái Lan có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc không trục xuất của luật pháp quốc tế, nghiêm cấm các quốc gia trục xuất bất kỳ ai đến nơi mà họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp, tra tấn hoặc bị đe dọa đến tính mạng.

 

Nguyên tắc này được quy định rõ ràng trong Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Thái Lan là thành viên.

 

Ngoài ra, Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực vào tháng 2/2023, quy định rằng “không tổ chức chính phủ hoặc quan chức nào được trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác nơi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc bị mất tích.”

 

----------------

Tin liên quan

·         

Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk?

17 tháng 1 năm 2024

·         

Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?

21 tháng 6 năm 2023

·         

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: 'Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo'?

19 tháng 6 năm 2023

 





No comments: