Saturday, June 15, 2024

NHÓM G7 QUYẾT ĐỐI ĐẦU VỚI LỐI CẠNH TRANH THƯƠNG MẠI 'BẤT CÔNG' CỦA TRUNG QUỐC (Người Việt Online)

 



Nhóm G7 quyết đối đầu với lối cạnh tranh thương mại ‘bất công’ của Trung Quốc

Người Việt

June 14, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/nhom-g7-quyet-doi-dau-voi-loi-canh-tranh-thuong-mai-bat-cong-cua-trung-quoc/

 

BORGO EGNAZIA, Ý (NV) – Hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Sáu, nhóm các nước giàu G7 thế quyết đối phó với điều mà họ gọi là lề thói cạnh tranh thương mại chuyên gây thiệt hại cho công nhân và kỹ nghệ của các nước khác, căn cứ vào một bản tuyên ngôn vào ngày cuối của cuộc họp thượng đỉnh của nhóm trong năm nay, thông tấn xã Reuters loan tin.

 

Nhóm G7 cũng còn cảnh cáo các cơ sở tài chánh của Trung Quốc về hành vi trợ giúp Nga mua sắm võ khí để tiếp tục cuộc chiến tranh chống Ukraine.

 

Điều đặc biệt trong kỳ họp G7 này là Đức Giáo Hoàng Francis đã đến viếng hội nghị để hội đàm với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và còn có kế hoạch đàm luận với các nhà lãnh đạo khác nữa, trong đó có Tổng Thống Mỹ Joe Biden.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/GettyImages-2156863125-1536x955.jpg

Đức Giáo Hoàng Francis và các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia ngày 14 Tháng Sáu, 2024 ở Fasano, Ý (Hình: Christopher Furlong/Getty Images)

 

Bản thảo tuyên bố chung của hội nghị G7 nhấn mạnh rằng khối G7 không có dụng ý gây thiệt hại cho Trung Quốc hoặc cản trở tiến trình phát triển kinh tế của họ, nhưng nhóm sẽ phải “tiếp tục hành động nhằm bảo vệ các hoạt động kinh doanh của chúng ta khỏi những lề lối làm ăn bất công, để đem lại bình đẳng trên thương trường và ngăn chặn các thiệt hại khỏi tiếp diễn.”

 

Washington trông đợi sẽ chứng kiến sự đồng lòng khắp nơi trong nhóm G7 nhắm đối phó với các chính sách và hoạt động vượt ra khỏi giới hạn của nguyên tắc giao thương, theo lời một giới chức cao cấp trong phái đoàn Mỹ tại hội nghị.

 

Hồi tuần này, Hoa Kỳ đã áp đặt thêm các cấm vận lên những công ty có cơ sở làm ăn tại Trung Quốc đang cung cấp các sản phẩm có chất bán dẫn cho Nga giữa lúc Tây Phương đang lo ngại về thái độ hiếu chiến gia tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan cùng các cuộc va chạm với Philippines liên quan tới những đòi hỏi chủ quyền biển đảo đối nghịch nhau tại nhiều vùng trên Biển Đông, tức South China Sea.

 

Tuy Trung Quốc không trực tiếp cung cấp võ khí nhưng lại cung cấp khả năng chế tạo các võ khí đó, và như vậy là, trên thực tế, họ đã giúp võ khí cho Nga rồi,” Tổng Thống Joe Biden nói với các ký giả như thế vào hôm Thứ Năm sau khi ông đã ký bản hiệp ước an ninh với Tổng Thống Ukraine Zelenskyy bên lề cuộc hội nghị. (TTHN)

 

============================

.

.

Thượng đỉnh G7 tập trung vào hồ sơ Trung Quốc trợ giá xuất khẩu

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 14/06/2024 - 12:05

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240614-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-g7-t%E1%BA%ADp-trung-v%C3%A0o-h%E1%BB%93-s%C6%A1-trung-qu%E1%BB%91c-tr%E1%BB%A3-gi%C3%A1-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u

 

Hôm nay, 14/06/2024, ngày làm việc thứ hai của thượng đỉnh G7 tại Ý, lãnh đạo của bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới (Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nhật Bản), tập trung vào các biện pháp đối phó với việc Trung Quốc trợ giá hàng xuất khẩu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/04a28256-2a33-11ef-837d-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP24165569861409.webp

G7 tại Ý, trong ngày họp thứ nhì tập trung vào vế thương mại và Trung Quốc. Ảnh 13/06/2024 từ Borgo Egnazia. AP - Alex Brandon

 

Liên Hiệp Châu Âu, tham dự thượng đỉnh G7 với tư cách là đối tác không chính thức, cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản đều lên tiếng tố cáo tình trạng ‘‘sản suất công nghiệp dư thừa’’ của Trung Quốc, do được Nhà nước trợ giá, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như tấm pin mặt trời, ô tô điện, bình điện lithium.

 

Theo CNA (Channelnewsasia), hôm nay, tiếp xúc với báo giới trước thềm thượng đỉnh, ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định: “Chúng tôi sẽ chống lại các chính sách phi thị trường của Trung Quốc đang dẫn đến các tác hại trên quy mô toàn cầu”.

 

Hoa Kỳ đang thúc đẩy một mặt trận G7 thống nhất để đối phó với Trung Quốc. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản nói với AFP : “Các nước G7 có cùng quan điểm về Trung Quốc” trong hồ sơ này. Bộ trưởng Tài Chính G7 trong cuộc họp hồi tháng trước cảnh báo sẽ xem xét lộ trình hành động để ‘‘bảo đảm bảo một sân chơi bình đẳng’’ cho tất cả các nước. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cũng báo trước là châu Âu muốn tránh ‘‘một cuộc chiến tranh thương mại’’ với Trung Quốc.

 

Thượng đỉnh G7 cũng sẽ đề cập đến chính sách của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các kim loại hiếm, như gallium, germanium, graphite, thiết yếu đối với ngành viễn thông hay điện tử. 

 

 

G7 ‘‘sẽ phối hợp hành động’’ để ngăn chặn việc giúp Nga tiến hành chiến tranh

Trợ giúp của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quân sự Nga là một quan ngại khác của G7. Hôm 13/06, trong cuộc họp báo chung với đồng nghiệp Ukraina Volodymyr Zelensky, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định: G7 ‘‘sẽ phối hợp hành động’’ để chống lại việc Trung Quốc ‘‘cấp các phương tiện cần thiết cho cỗ máy chiến tranh Nga’’.

 

Hôm 12/06, Hoa Kỳ công bố một loạt các trừng phạt mới nhắm vào hơn 300 thực thể, trong đó có nhiều định chế tài chính Nga và các định chế nước ngoài có quan hệ với Nga, đặt tại Trung Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Theo một phát ngôn viên Nhà Trắng, các thông báo trừng phạt mới được đưa ra trước thượng đỉnh G7 là một tín hiệu mạnh của tổng thống Mỹ gửi đến lãnh đạo Nga.

 

 

 




No comments: