Wednesday, June 26, 2024

MẤY Ý KIẾN, THẮC MẮC NHỎ VỀ VỤ "VƯƠNG TẤN VIỆT BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT THẦN TỐC TRONG 2 NĂM" (Trần Vũ Hải / Facebook)

 



Mấy ý kiến, thắc mắc nhỏ về vụ “Vương Tấn Việt bảo vệ luận án tiến sĩ luật thần tốc trong 2 năm"  

Trần Vũ Hải

26-6-2024   01:04   

https://www.facebook.com/htranezlawfirm/posts/pfbid02dHK6VsbmGt1ft3hwpr7fQzfmebtZvYGVXbSGqPrFkZVST5mi3r77nmg6emvReah4l

 

Hôm qua 25-6-2024, Trường Đại học Luật Hà Nội (“ĐHLHN”) ra thông cáo báo chí (“TCBC”) giải trình về việc về việc ông Vương Tấn Việt (“VTV”) đã bảo vệ luận án tiến sĩ luật thần tốc trong hai năm. Sau khi đọc TCBC này (được đăng trên baophapluat.vn) và nghiên cứu các thông tin, tài liệu liên quan, tôi có mấy ý kiến, thắc mắc nhỏ như sau:

 

1. Việc tuyển sinh học văn bằng 2 khóa 1, hình thức vừa học vừa làm của ĐHLHN mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt (mà ông VTV là một học viên) có dựa trên một văn bản hợp pháp, công khai, minh bạch của ĐHLHN hay không?

 

Theo TCBC, học viên VTV trúng tuyển văn bằng 2 khóa 1 trình độ đại học Luật hình thức vừa học vừa làm của ĐHLHN mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, TP.HCM tính từ ngày 16/1/2017 và ngày 15/1/2019 được công nhận tốt nghiệp văn bằng 2 của ĐHLHN loại Giỏi. Khi tra cứu trên website của ĐHLHN (HLU.edu.vn), tôi thấy nhiều thông báo về việc tuyển sinh văn bằng 2 vừa học vừa làm vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 tại một số cơ sở đào tạo trên cả nước, trong mỗi thông báo đều có chữ ký của lãnh đạo ĐHLHN, và căn cứ vào một quyết định về việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đại học luật hình thức vừa học vừa làm của hiệu trưởng ĐHLHN; tuy nhiên tôi không thấy có thông báo nào của ĐHLHN tuyển sinh văn bằng 2 (theo) hình thức vừa học vừa làm tại Trường Cao đẳng Bách Việt.

 

2. Báo cáo khoa học của học viên vừa học vừa làm, vừa mới nhập học VTV in trong kỷ yếu hội thảo khoa quốc tế có phản biện năm 2017 là báo cáo khoa học nào, trong hội thảo nào?

 

Trong TCBC, có nêu báo cáo khoa học năm 2017 của VTV (một điều kiện tiên quyết để học viên VTV được công nhận nghiên cứu sinh), nhưng không nêu rõ là báo cáo khoa học nào. Trong những tài liệu được coi là báo cáo khoa học của VTV liệt kê trong luận án tiến sĩ của VTV, tôi không thấy tài liệu nào được coi là của VTV thực hiện năm 2017 (chỉ có những tài liệu được coi là thực hiện từ năm 2019 trở đi).

 

3. Quyết định số 3696/QĐ-ĐHLHN ngày 1/11/2021 về thành lập hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh VTV có phải là quyết định chấp nhận Đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo ngày 3/11/2021 của nghiên cứu sinh VTV hay không (tức sinh con rồi mới sinh cha hay không)? Nếu không phải, vậy quyết định nào của ĐHLHN là quyết định chấp nhận Đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo của VTV?

 

4. Thời gian đào tạo nghiên cứu sinh của VTV thực tế là khoảng 22 tháng hay khoảng 27 tháng?

 

Theo TCBC, tổng thời gian đào tạo của học viên VTV kể từ khi được công nhận Nghiên cứu sinh (tháng 12/2019) đến khi có Quyết định công nhận học vị và cấp bằng Tiến sĩ (tháng 3/2022) là 2 năm 3 tháng (tức 27 tháng). Tuy nhiên chúng tôi được biết theo thông lệ, thời gian đào tạo nghiên cứu sinh được tính từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh (27/12/2019 đối với VTV) cho đến khi có quyết định thành lập hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường (ngày 1/11/2021 đối với VTV, tức khoảng 22 tháng sau ngày 27/12/2019) vì thời điểm thành lập hội đồng này, nghiên cứu sinh đã phải hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo (tức không cần đào tạo nữa). Vậy tại sao ĐHLHN lại tính cho ông VTV thời gian đào tạo nghiên cứu sinh là khoảng 27 tháng chứ không phải là khoảng 22 tháng như thực tế và theo thông lệ?

 

Trên đây là mấy ý kiến, thắc mắc nhỏ của tôi (một cử nhân luật), rất mong được ĐHLHN giải đáp, thông tin cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, giới luật học và giới tri thức khác trong cả nước, vì vụ việc ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) sau khi học luật văn bằng 2, hình thức vừa học vừa làm, đã hoàn thành luận án tiến sĩ thần tốc trong 2 năm, được dư luận, nhân dân và các nhà khoa học rất quan tâm.

 

.

67 BÌNH LUẬN    

 





No comments: