Hợp
tác quân sự Nga-Bắc Triều Tiên : « Đe dọa trực tiếp đến an ninh Hoa Kỳ
»
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 19/06/2024 - 15:32
Việc
Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược, tiếp tay Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina để
đối lấy công nghệ quốc phòng của Nga trong những lĩnh vực nhậy cảm nhất,
« trực tiếp đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ ». Trong bài viết
đăng trên trang mạng của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, ngày
17/06/2024, chuyên gia Victor Cha đã nhận định như trên.
Cờ
Nga và ảnh tổng thống Vladimir Putin trên đường phố thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều
Tiên. Ảnh ngày 19/06/2024. AP - Gavriil Grigorov
Lãnh
đạo Nga và Bắc Triều Tiên vừa ký kết « thỏa thuận đối tác chiến lược », tăng
cường hợp tác quân sự. Tổng thống Putin nói đến một « nền tảng trong
quan hệ lâu dài » giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim
Jong Un ca ngợi tình « hữu nghị thắm thiết » gắn liền
hai quốc gia đang bị phương Tây trừng phạt.
Trong
bài tham luận trên trang nhà của CSIS, Victor Cha lấy làm tiếc là chính quyền
Biden quá thụ động trước mối đe dọa đang lớn dần từ Bắc Triều Tiên. Ông Victor
Cha nguyên là giám đốc đặc trách châu Á trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Hoa Kỳ và
ông cũng từng là nhân vật số hai trong phái đoàn chính thức của Mỹ trong các
vòng đàm phán Sáu Bên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
« Có
qua, có lại »
Mở
đầu bài viết tác giả nhắc lại từ tháng 11/2022 Hoa Kỳ đã có thông tin Bắc Triều
Tiên cung cấp đạn dược cho Nga. Chính xác hơn là cho tổ chức bán quân sự Wagner
trong tay Yevgeny Prigozhin. Nhưng mãi đến gần đây ngoại trưởng Antony Blinken
mới nhìn nhận rằng Wagner đã nhận 5 triệu đầu đạn của Bình Nhưỡng và kể cả hàng
chục tên lửa đạn đạo của quốc gia Đông Bắc Á này. Đáng lo ngại hơn cả là « những
gì Nga nhượng bộ Bắc Triều Tiên ».
Dù
rất cần dầu hỏa, nông phẩm của Nga, nhưng đó không phải là lý do « mà
chủ tịch Bắc Triều Tiên trải thảm đỏ và long trọng tiếp đón tổng thống Vladimir
Putin ». Dầu hỏa và lương thực của Nga chỉ là « chuyện nhỏ »
trong quan hệ song phương. Món quà đáng giá nhất Vladimir Putin có thể trao tặng
cho Kim Jong Un nằm ở vế « hợp tác quân sự ».
Cuối
tháng 3/2024, Nga - thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã
dùng quyền phủ quyết, ngừng triển hạn công tác của nhân viên quốc tế giám sát
các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Kế
tới trong tháng 6/2024 « một nhóm các chuyên gia của Nga được điều
sang Bắc Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh quân sự ». Ông
Kim Jong Un tuyên bố « hài lòng trước tiến triển của các dự án
phát triển tàu ngầm hạt nhân ». Trong tuần này, một chuyên gia cũng trực
thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS báo động « có dấu
hiệu Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm » và
đó có thể là các loại tên lửa đạn đạo hải đối không SLBM và tên lửa hành trình
SLCM.
Đành
rằng Nga tiếp tục cần đạn dược của Bắc Triều Tiên nhưng đổi lại thì Bình Nhưỡng
đang cần « công nghệ tiên tiến của Nga cho các chương trình tàu ngầm hạt
nhân, cho các dự án phóng vệ tinh do thám, vệ tinh quân sự, cho tham vọng làm
chủ công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM »
Kim
Jong Un đã có sẵn « 50 quả bom nguyên tử »
Bắc
Triều Tiên mà được Nga hỗ trợ trong các lĩnh vực này thì đây là điều không hay
cho nước Mỹ, bởi Bình Nhưỡng sẽ có thêm vũ khí gây bất ổn cho an ninh trên bán
đảo Triều Tiên và châu Á.
Hệ
quả tiếp theo là « an ninh của bản thân nước Mỹ cũng bị đe dọa ».
Vệ tinh và tàu ngầm của Bắc Triều Tiên có thế nhắm tới lãnh thổ Hoa Kỳ,
trong lúc mà Washington « khó lòng diệt trừ hiểm họa hạt nhân của
Bình Nhưỡng ». Victor Cha trích dẫn thẩm định của một số chuyên
gia Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên dường như đã có « 50 quả bom nguyên tử ».
Từng
trực tiếp tham gia các vòng đàm phán 6 bên phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tác
giả bài viết lấy làm tiếc là trước những hành vi khiêu khích càng lúc càng dồn
dập trong thời gian gần đây của chế độ Kim Jong Un, chính quyền Biden chỉ « ghi
nhận », rồi « lên án » Bình Nhưỡng đồng thời
tiến hành các cuộc tập trận quy mô hơn, thường xuyên hơn với hai đồng minh Đông
Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có
điều theo Victor Cha, vào lúc mà Bình Nhưỡng chưa bao giờ có nhiều phương tiện
như hiện nay để « khiêu khích » cộng đồng quốc tế,
nhất là gần đến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thì ở góc đài bên kia chính quyền
Biden vẫn bổn cũ soạn lại. Nhà Trắng « vẫn giữ lập trường từ thời
Barack Obama, đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạn nhân ». Chế độ
Kim Jong Un đã ít nhất « 20 lần bác bỏ mọi đề xuất của Mỹ khởi động
lại đàm phán ».
Vậy
Mỹ phải làm gì ?
Cựu
quan chức trong chính quyền Mỹ tán đồng việc Washington mở rộng các chương
trình tập trận chung với Tokyo và Seoul, tăng thêm khả năng răn đe cho cả ba
bên. Nhưng thay vì cứ một mực đòi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình nguyên tử
và tên lửa đạn đạo, thì Hoa Kỳ cần « gấp rút tìm cách ngăn cản các
khoản giao thương về quân sự, vũ khí giữa Bắc Triều Tiên và Nga ».
Làm
thế nào để ngăn chận cả trên bộ lẫn trên biển các khối đạn dược Bình Nhưỡng
chuyển đến tay Matxcơva, bởi vì ở thời điểm này sau chiến tranh Ukraina và xung
đột tại Gaza ông « Biden không cần trông thấy rộ lên thêm một cuộc
xung đột vũ trang khác ».
Victor
Cha khó hiểu vì sao Washington không phản ứng mạnh hơn trước việc Nga tháng 3 vừa
rồi đã phủ quyết việc triển hạn công tác của ủy ban chuyên gia Liên Hiệp Quốc
giám sát lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Bởi với quyết định này coi như
Matxcơva mặc nhiên để cho Bình Nhưỡng « muốn làm gì thì
làm », đồng thời tự cho mình quyền giúp Bắc Triều Tiên hiện đại
hóa cỗ máy quân sự, kể cả trong lĩnh vực hạt nhân và chế tạo tên lửa.
Còn
nước còn tát
Song
theo chuyên gia của trung tâm nghiên cứu CSIS, Mỹ vẫn còn có khả năng can thiệp.
Victor
Cha nhắc lại : Washington tuy không có liên hệ trực tiếp với Bình Nhưỡng
nhưng một số nước châu Âu vẫn để ngỏ cánh cửa với chế độ Bắc Triều Tiên. Bản
thân Kim Jong Un dường như cũng muốn xem châu Âu là một cửa ngõ mở ra với thế
giới phương Tây. Vậy thì tại sao không sử dụng đến công cụ này để gây sức ép,
ngăn chận vũ khí của Bắc Triều Tiên trên hành trình được đưa sang Nga ?
Một
khả năng thứ nhì là tại sao chính quyền Biden không lôi kéo Trung Quốc về phía
mình khi biết rằng Trung Quốc bất bình thấy Bình Nhưỡng đang ngả vào vòng tay của
Matxcơva ?
Một
công cụ thứ ba mà Mỹ có thể sử dụng đó là chiến tranh « tuyên truyền ». Chủ
nhiệm chương trình châu Á của trung tâm CSIS đơn cử một thí dụ cụ thể là vào
lúc Bắc Triều Tiên dùng bóng bay thả rác thải sang lãnh thổ Hàn Quốc thì Seoul
cũng đáp trả bằng bóng bay nhưng là để thả truyền đơn và đĩa hát của ban nhạc nổi
tiếng K-POP BTS sang sứ sở của ông Kim.
Quyền
lực mềm của Hàn Quốc có lẽ còn khiến Bình Nhưỡng lo sợ hơn các cuộc tập trận
chung Mỹ-Hàn.
Cựu
quan chức Hoa Kỳ Victor Cha cho rằng đã đến lúc Washington cần mạnh dạn tìm kiếm
những phương pháp mới để hóa giải mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Trong khi chờ đợi,
Vladimir Putin và Kim Jong Un đang thực sự hài lòng với một « cuộc
hôn nhân hoàn hảo ». Matxcơva mượn tay Bình Nhưỡng gây khó khăn cho
Hoa Kỳ tại châu Á. Còn Bắc Triều Tiên thì trông thấy ở Nga một đối tác đáng tin
cậy để « hiện đại hóa » và tăng tốc các chương trình
hạt nhân. Phó chủ nhiệm chương trình châu Á và Triều Tiên của trung tâm nghiên
cứu CSIS kết luận : đã đến lúc Hoa Kỳ phải chuyển sang thế phản
công !
No comments:
Post a Comment