Thursday, June 6, 2024

GIẢI MÃ SẮC LỆNH CỦA TỔNG THỐNG BIDEN VỀ HẠN CHẾ XIN TỊ NẠN (Aline Barros  /  VOA)





Giải mã sắc lệnh của Tổng thống Biden về hạn chế xin tị nạn

Aline Barros  /  VOA

06/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7644917.html

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 4/6 công bố một sắc lệnh hành pháp mà qua đó tạm thời giới hạn các điều kiện xin tị nạn tại biên giới giữa Mỹ với Mexico một khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp lên tới mức trung bình hàng ngày là 2.500 người.

 

https://gdb.voanews.com/7ba2153b-6581-4d58-804e-eaf52462eaaa_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 4/6/2024, công bố sắc lệnh ngăn di dân bất hợp pháp xin tị nạn.

 

Sắc lệnh hành pháp của ông Biden quy định những người nhập cảnh trái phép vào Mỹ sẽ không đủ điều kiện để xin tị nạn trừ phi họ có những lý do đặc biệt để được phép ở lại Mỹ.

 

“Chỉ riêng những hành động này không thôi sẽ không thể khắc phục được hệ thống di trú của chúng ta, nhưng chúng có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc quản lý tốt hơn tình huống khó khăn này,” ông Biden nói trong bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc.

 

Theo các quan chức Mỹ, các giới hạn tị nạn tạm thời này sẽ được áp dụng khi số di dân bất hợp pháp bị bắt gặp ở biên giới trung bình hàng ngày vượt quá 2.500 và lệnh này sẽ được đình chỉ một khi con số đó giảm xuống dưới 1.500.

 

Những hạn chế này có hiệu lực ngay lập tức. Dữ liệu cho thấy các quan chức Biên phòng Hoa Kỳ hôm 20/5 ghi nhận 3.000 vụ chặn bắt di dân bất hợp pháp, và từ đầu tháng 5 cho tới ngày 20/5, trung bình mỗi ngày có 3.700 vụ.

 

Ai bị ảnh hưởng?

 

Bất kỳ ai vượt biên trái phép dọc biên giới phía Nam, không phân biệt quốc tịch.

 

Trong khi quy định này có hiệu lực, những di dân băng qua biên giới Mexico-Mỹ và đang được xử lý để trục xuất nhanh sẽ có cơ hội được viên chức phụ trách tị nạn sàng lọc nếu họ thuyết phục được rằng họ có nỗi sợ hãi thực thụ khi hồi hương - nghĩa là ‘sợ bị đàn áp hoặc tra tấn’ - hoặc họ có ý định xin tị nạn, một quan chức Bộ An ninh Nội địa cho biết.

 

Những người ủng hộ di dân gọi đây là một cuộc trắc nghiệm tiếng kêu cứu.

 

“Nếu quý vị có thể hét lên kêu cứu và xin tị nạn thì quý vị có thể vượt qua được. Nhưng điều chúng tôi biết là không phải lúc nào mọi người cũng nói được tiếng Anh. Họ không phải lúc nào cũng biết đó là cách họ phải tìm kiếm sự an toàn,” Amy Fischer, giám đốc phụ trách về quyền của người tị nạn và di dân tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, nói với VOA.

 

Một quan chức của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết: “[Những biện pháp này] sẽ áp dụng cho cả các cá nhân từ bán cầu của chúng ta cũng như những di dân từ phía đông bán cầu. Về vấn đề trở lại Mexico, chúng tôi sẽ tiếp tục hồi hương các công dân của Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela theo thỏa thuận trước đây”.

 

Miễn trừ

 

Một số di dân được miễn trừ, bao gồm trẻ em không có người đi kèm, nạn nhân buôn người, các di dân phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế và những người có thị thực hợp lệ hoặc có giấy phép hợp pháp vào Hoa Kỳ.

 

Những người sử dụng quy trình nhập cảnh hợp pháp, như ứng dụng di động CBP One của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ hoặc các cách thức đã được chỉ định khác thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định này.

 

Hậu quả

 

Những người vượt biên bất hợp pháp trong thời gian các hạn chế này được thực thi mà không chứng minh được rằng họ sẽ bị đàn áp hay tra tấn khi hồi hương thì sẽ bị “loại ngay lập tức và sẽ phải chịu lệnh cấm không được tái nhập cảnh Mỹ ít nhất 5 năm và có khả năng bị truy tố hình sự,” quan chức Bộ An ninh Nội địa cho biết.

 

Tại sao bây giờ có sắc lệnh này?

 

Trả lời báo giới, các quan chức của Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp cho biết những hạn chế này là cần thiết khi đối mặt với mùa hè, khi số lượng di dân thường gia tăng.

 

Lập trường cứng rắn hơn của chính quyền Biden về an ninh biên giới cũng là phản ứng trước mối lo ngại ngày càng tăng của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 liên quan tới vấn đề di trú bất hợp pháp.

 

Sự chỉ trích

 

Một số đảng viên Cộng hòa nói ông Biden ban hành sắc lệnh này có tính đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

 

“Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử, tổng thống hy vọng việc ban hành sắc lệnh hành pháp này sẽ chứng tỏ rằng ông ấy quan tâm đến cuộc khủng hoảng này và đang cố gắng khắc phục nó”, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell nói.

 

Những người ủng hộ di dân cực lực chỉ trích động thái này của chính quyền Biden, gọi đó là ‘sự cắt đứt’ các biện pháp bảo vệ người tị nạn.

 

Amy Fischer, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng sắc lệnh này sẽ ngăn cản nhiều người tiếp cận cơ hội tị nạn và khiến mọi người gặp khó khăn hơn trong việc trình bày yêu cầu tị nạn của mình.

 

“[Lệnh cấm này] không loại ra những người có đơn xin tị nạn gian dối hay không đáng tin, mà loại ra những người dễ bị tổn thương nhất.”

 

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho biết họ sẽ khởi kiện để yêu cầu chấm dứt các hạn chế này.

 

Lee Gelernt, phó giám đốc phụ trách Dự án Quyền của Di dân trong ACLU, cho biết trong một email: “Chúng tôi dự định thách thức lệnh này trước tòa. Khi ông Trump làm như vậy trước đây đã là bất hợp pháp và bây giờ cũng không kém phần bất hợp pháp”.

 

Các quan chức của chính quyền Biden không đồng ý, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình.

 

Quan chức Bộ An ninh Nội địa nói các bước đi này sẽ củng cố hệ thống tị nạn, ngăn không cho hệ thống này bị quá tải.

 

“… Nhưng chúng ta thấy rõ rằng các hành động hành pháp hôm nay không thể thay thế cho việc Quốc hội xem xét và thông qua dự luật cứng rắn nhưng công bằng của lưỡng đảng ở Thượng viện, điều đó sẽ củng cố đáng kể những hậu quả hiện có ở biên giới.”

 






No comments: