Cuộc đàn áp Hồi
giáo của Bắc Kinh đang nhắm đến trẻ em
Ruslan Yusupov
| Foreign
Policy
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/21/cuoc-dan-ap-hoi-giao-cua-bac-kinh-dang-nham-den-tre-em/
Các
kỹ thuật từng được phát triển ở Tân Cương đang được bình thường hóa để chống lại
các mục tiêu mới.
Vào
ngày 15/03 vừa qua, ngày thứ ba của tháng ăn chay Ramadan linh thiêng của người
Hồi giáo, những người Hồi giáo sống ở Ngọc Khê, một thành phố thuộc tỉnh Vân
Nam của Trung Quốc, đã thức dậy với một tin nhắn bất thường lan truyền trên
trang WeChat của họ. Cục Sự vụ Dân tộc và Tôn giáo của tỉnh đã ban hành một
“thông báo công khai khẩn cấp” cho phép giám sát việc nhịn ăn của học sinh.
Thông
báo nêu rõ: “Đảng ủy, chính quyền, các cơ quan giáo dục và thể thao các cấp nên
điều tra việc trẻ vị thành niên tham gia nhịn ăn và các hoạt động tôn giáo
khác.” Nó còn yêu cầu các cơ quan này “tuân thủ toàn diện nguyên tắc tách biệt
giữa giáo dục và tôn giáo, đồng thời tăng cường giáo dục và định hướng cho giáo
viên, học sinh, và đại đa số thanh niên.”
Ngọc
Khê là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể người Hồi giáo thuộc một dân tộc
thiểu số được nhà nước công nhận gọi là người Hồi (Hui). Một phần là hậu duệ của
các thương nhân Ả Rập và Ba Tư từ thời Con đường Tơ lụa, họ nói tiếng Quan Thoại
và không thể phân biệt về mặt chủng tộc với người Hán chiếm đa số. Bất chấp lịch
sử hòa nhập lâu dài này, ngày nay, người Hồi đang trở thành tâm điểm của một
chiến dịch Hán hóa trên toàn quốc bắt đầu sau diễn đàn về công tác tôn giáo của
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 4/2016. Tại diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận
Bình đã chỉ thị các nhóm tôn giáo “tuân thủ sự lãnh đạo” của ĐCSTQ và “kết hợp
[giáo lý của họ] với văn hóa Trung Quốc.”
Giấc
mộng phục hưng dân tộc nổi tiếng của Tập không có nhiều chỗ cho chủ nghĩa đặc
thù văn hóa của thời Xô-viết, nơi phong tục và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số
được công nhận. Thay vào đó, ĐCSTQ hiện đại ngày càng thúc đẩy việc đồng hóa tất
cả các dân tộc thiểu số vào một hạt nhân duy nhất, như được xác định bởi văn
hóa Hán.
Cho
đến nay, chiến dịch này đã tập trung dỡ bỏ các biển hiệu thực phẩm halal viết bằng
tiếng Ả Rập và sửa đổi “kiến trúc nước ngoài” của các nhà thờ Hồi giáo, những
hành động được cho là để ngăn chặn sự lan rộng của cái gọi là xu hướng “Saudi
hóa và Ả Rập hóa” trong cộng đồng người Hồi. Giờ đây, sau khi hầu hết các nhà
thờ Hồi giáo đã bị buộc phải bỏ mái vòm và tháp nhọn, thông báo ở Ngọc Khê đã
chuyển hướng sang cho một khía cạnh thậm chí còn quan trọng hơn của chiến dịch:
lập hồ sơ thanh niên người Hồi theo Hồi giáo dưới danh nghĩa tách biệt giữa tôn
giáo và giáo dục.
Các
kỹ thuật hiện đang được sử dụng đối với người Hồi trước đây đã được Bắc Kinh áp
dụng lần đầu tiên với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ
theo Hồi giáo sinh sống ở Tân Cương phía tây bắc. Việc an ninh hóa khu vực suốt
thập kỷ qua đã dẫn đến sự phát triển của một nhà nước giám sát công nghệ cao,
theo dõi hầu hết mọi khía cạnh hành vi của người Hồi giáo. Các hồ sơ cảnh sát bị
rò rỉ cho thấy người dân bị giam giữ hàng loạt vì nhịn ăn trong tháng Ramadan,
đội khăn trùm đầu, hoặc đọc kinh Quran. Bắc Kinh tuyên bố rằng các biện pháp
này – được gọi là “Chiến tranh Nhân dân Chống Khủng bố” – đã phát huy hiệu quả
trong việc chống khủng bố và hội nhập Tân Cương với phần còn lại của Trung Quốc.
Thông
báo ở Ngọc Khê cho thấy cách đối xử của Trung Quốc đối với “nhóm thiểu số Hồi
giáo kiểu mẫu” của đất nước đang ngày càng giống với Tân Cương. Báo cáo cho thấy
“các đồn cảnh sát tiện lợi,” được thiết lập rải rác khắp Tân Cương, cách nhau
chỉ vài trăm mét, để theo dõi hành vi của người dân, đang lan sang các tỉnh lân
cận là Cam Túc và Thanh Hải. Trong khi đó, các cán bộ đảng từ tỉnh Ninh Hạ – một
thành trì khác của người Hồi – đang tới khu vực này để được “huấn luyện chống
khủng bố.”
Cách
đây không lâu, tại Tân Cương trong tháng Ramadan năm 2015, đã xảy ra “sự cố dưa
hấu” nổi tiếng, trong đó các giáo sư tại Đại học Y đã trao những lát dưa hấu
cho sinh viên vào giữa ngày, khi các tín đồ Hồi giáo đang phải nhịn ăn. Những
người từ chối ăn dưa hấu đã bị đe dọa không được cấp bằng tốt nghiệp. Tiết lộ
này đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây áp lực ngoại giao
lên Bắc Kinh lớn đến mức Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền đã phải tham
gia cùng các đại diện Hồi giáo địa phương để tổ chức iftar ăn
mừng ngày cuối cùng của tháng Ramadan, sự kiện diễn ra lần đầu tiên trong lịch
sử Tân Cương hiện đại.
Phản
ứng dữ dội trong khu vực, cũng như sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu, đều là
các sự kiện chưa từng có tiền lệ, nhưng khi người Hồi nghe những câu chuyện về
các sự kiện tương tự vụ dưa hấu, họ nhận ra đó là tiền đề của một chế độ giám
sát tăng cường đối với người Duy Ngô Nhĩ, điều sớm biến thành một chiến dịch cưỡng
chế và đồng hóa toàn diện.
Tôn
giáo có tổ chức bị hạn chế nghiêm ngặt ở Trung Quốc, dù Bắc Kinh tuyên bố duy
trì quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được ghi nhận trong hiến pháp. Người Hồi
giáo bị đối xử đặc biệt khắc nghiệt: Việc tổ chức tang lễ theo nghi thức Hồi
giáo bị hạn chế ở Tân Cương, trong khi các giáo sĩ Đạo giáo lại được mời và được
trả tiền để thực hiện các nghi lễ tiễn biệt thích hợp cho người đã khuất trên
khắp Trung Quốc. Cha mẹ và trẻ em người Hán đổ xô đến các đền chùa Phật giáo và
Nho giáo để cầu nguyện trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng trẻ vị thành
niên người Hồi lại bị cấm học giáo lý. Ví dụ, vào năm 2016, các trường mẫu giáo
ở tỉnh Cam Túc bị cấm giảng dạy về Hồi giáo sau khi một video quay cảnh một bé
gái mẫu giáo đọc Kinh Quran lan truyền trên mạng. Nhà chức trách cho biết hành
vi này vi phạm “nguyên tắc tách biệt giữa tôn giáo và giáo dục.” Lý do tương tự
cũng được sử dụng để đóng cửa các trung tâm chăm sóc trẻ em và trường học tôn
giáo do người Hồi điều hành ở Hà Nam, Ninh Hạ, và Vân Nam.
Trẻ
em người Hồi chỉ là mục tiêu mới nhất trong nỗ lực chính thức nhằm tách rời trẻ
em thuộc các dân tộc thiểu số khỏi đức tin và văn hóa của cha mẹ chúng. Thanh
niên ở khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã bị hạn chế học tiếng mẹ đẻ và lịch
sử của họ, trong khi trẻ em ở Tây Tạng bị tách khỏi gia đình và gửi đến các trường
nội trú xa nhà để học tiếng Quan Thoại. Sau khi trở thành “trẻ mồ côi” bởi cha
mẹ chúng đã bị bắt giữ hàng loạt và đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương, trẻ
em Duy Ngô Nhĩ được gửi đến các trường học hay cái gọi là trung tâm phúc lợi, vốn
được cho là nhằm mục đích tuyên truyền về ý nghĩa thế nào mới là người Trung Quốc.
Vào
thời điểm xảy ra sự cố dưa hấu, tôi đang thực hiện nghiên cứu thực địa dân tộc
học ở Sa Điện, một cộng đồng người Hồi nhỏ nhưng giàu có, nằm cách Ngọc Khê khoảng
145 km, nơi có hơn 1.600 cư dân người Hồi bị thảm sát vào tháng 7/1975 vì dám
chống lại các chính sách của cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông trong Cách
mạng Văn hóa. Khi tôi đến đó, việc giám sát trẻ em công khai vẫn chưa được thực
hiện, nhưng việc kiểm soát Hồi giáo trong các trường học dưới danh nghĩa “tách
biệt tôn giáo và giáo dục” đã được triển khai. Ví dụ, Sở Giáo dục tỉnh đã hạn
chế việc các trường rút ngắn giờ nghỉ trưa trong tháng Ramadan và cho phép tan
học sớm hơn để các giáo viên và học sinh đang nhịn ăn không phải dành thêm thời
gian dưới trời nắng nóng.
Các
công chức nhà nước làm việc trong chính quyền địa phương cũng bị cấm đội khăn
trùm đầu. Các giáo viên người Hồi đội khăn trùm đầu phải nộp ảnh hồ sơ mới
không có khăn trùm đầu, và những bức ảnh tốt nghiệp trước đây có giáo viên và học
sinh đội khăn trùm đầu đã bị gỡ bỏ khỏi các bức tường hành lang trường học.
Những
biện pháp này được đưa ra sau vụ tấn công bằng dao vào tháng 3/2014 xảy ra tại
Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Chính quyền trung ương tuyên bố những kẻ tấn
công là những người theo chủ nghĩa ly khai Duy Ngô Nhĩ và phân loại sự kiện này
là một vụ khủng bố. Khi người ta biết được những kẻ tấn công đã chuẩn bị cho vụ
tấn công của mình ở Sa Điện, chính quyền tỉnh đã thề sẽ “đưa tôn giáo trở lại
con đường hợp pháp.” Cả giáo viên và phụ huynh đều phàn nàn với tôi rằng các hạn
chế về khăn trùm đầu không dựa trên cơ sở luật pháp nào và do đó về cơ bản là kỳ
thị người Hồi giáo.
Năm
2018, Tập Cận Bình đã sáp nhập Cục Sự vụ Tôn giáo vào Ban Công tác Mặt trận Thống
nhất Trung ương, một cơ quan do Mao thành lập để quản lý các thực thể và cộng đồng
bên ngoài phạm vi chính thức của ĐCSTQ. Tôn giáo từ một vấn đề hành chính chuyển
sang vấn đề ý thức hệ, khiến mối quan hệ hòa hợp giữa các cán bộ địa phương và
các nhóm tôn giáo xấu đi.
Ngay
sau đó, Hiệp hội Hồi giáo Trung Quốc, cơ quan giám sát các vấn đề Hồi giáo
trong nước của đảng, đã công bố kế hoạch chính sách 5 năm về “Kiên trì Hán hóa
Hồi giáo.” Các kế hoạch tương tự cũng được ban hành bởi các cơ quan giám sát đối
với các cộng đồng Tin lành và Công giáo ở Trung Quốc. Dù tất cả đều nhấn mạnh sự
cần thiết của giáo dục lòng yêu nước, nhưng chỉ có kế hoạch của Hiệp hội Hồi
giáo đề cập đến việc tách biệt tôn giáo và giáo dục như một điều kiện tiên quyết
cho lòng yêu nước.
Kế
hoạch này, vốn cũng mở rộng lệnh cấm đội khăn trùm đầu đối với học sinh, đã khiến
bất kỳ đề cập nào đến Hồi giáo trong khuôn viên trường học trở thành hành động
phải gánh chịu hậu quả. “Trước đây, học sinh thường viết bài luận về quê hương
của mình, mô tả nơi đây như một nơi có một nhà thờ Hồi giáo xinh đẹp, những lời
cầu nguyện du dương và lễ hội Ramadan,” một giáo viên dạy tiếng Trung gốc Hồi ở
địa phương nói với tôi. “Nhưng những mô tả này hiện đang rất có vấn đề. Chỉ
riêng từ ‘nhà thờ Hồi giáo’ thôi đã rất nhạy cảm. Thay vào đó, bây giờ, chúng
tôi yêu cầu các em viết rằng chính phủ đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị như thế
nào, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn như thế nào, và đường phố trở nên rộng rãi
hơn như thế nào. Nhìn chung, các bài văn giờ đây phải truyền tải được tinh thần
yêu nước.”
Đối
với nhiều người Hồi mà tôi đã nói chuyện ở Sa Điện vào thời điểm đó, nguyên tắc
tách biệt tôn giáo với giáo dục chỉ là một cách nói tắt cho mong muốn của đảng,
nhằm tách biệt những đứa trẻ người Hồi khỏi tôn giáo của cha mẹ chúng. Họ than
thở “Con cái chúng tôi là công dân Trung Quốc vì chúng tôi là cha mẹ của chúng,
nhưng bây giờ chúng tôi không được phép dạy chúng theo cách của mình.”
Ở
Sa Điện ngày nay, việc kiểm soát Hồi giáo đối với trẻ em đang trở nên phổ biến.
Trẻ em bị hạn chế tham gia các khóa tu tập và hoạt động tôn giáo, và các trường
học Hồi giáo (madrasa) không còn được phép tổ chức các hoạt động như vậy nữa.
Các giáo viên người Hán đang được đưa đến các trường madrasa như một cách để thế
tục hóa chương trình giảng dạy Hồi giáo, điều mà cả học sinh và giáo viên đều
nói là đã khiến cho các trường madrasa bị giám sát gắt gao.
Hình
thức Hán hóa thông qua giám sát này được định hình bởi sự tập trung đặc biệt của
Tập vào việc truyền bá tư tưởng và chính sách của ông. Năm 2018, Tập từng chủ
trì hội nghị giáo dục toàn quốc, nơi ông kêu gọi các giáo viên ưu tiên việc gắn
bó đồng nhất với đảng trong giới thanh niên quốc gia.
Ông
nói “Nếu cài sai nút đầu tiên, thì tất cả các nút còn lại cũng sẽ cài sai. Cuộc
sống phải được cài nút đúng ngay từ đầu.” Tập đã bắt đầu sử dụng phép ẩn dụ này
vào tháng 9/2014, trong chuyến thăm Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nơi ông gặp gỡ
các sinh viên đang được đào tạo để trở thành giáo viên.
Một
tuần sau đó, Trương Xuân Hiền, lúc đó là bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương, đã
dùng cụm từ “cài nút đầu tiên” để biện minh cho chiến dịch “phi cực đoan” và cải
tạo chưa từng có tiền lệ với người Duy Ngô Nhĩ
Mười
năm sau khi được triển khai, chiến dịch này đã dần nổi tiếng với việc sử dụng
các thiết bị nhận dạng khuôn mặt do công ty an ninh nhà nước Hikvision sản xuất.
Các báo cáo gần đây cho thấy loại công nghệ này hiện đang được đưa vào các trường
học ở phần còn lại của Trung Quốc.
Chẳng
hạn, vào tháng 7/2022, Hikvision đã trúng gói thầu Dự án Trường học Thông minh
trị giá hàng triệu đô la tại Đại học Mân Giang, nằm ở tỉnh ven biển Phúc Kiến.
Gói thầu bao gồm việc phát triển một hệ thống có tên “Hỗ trợ Phân tích Sinh
viên Dân tộc Thiểu số,” cho phép theo dõi “hồ sơ ăn uống” và gửi cảnh báo đến
ban giám hiệu trường đại học nếu sinh viên bị “nghi ngờ nhịn ăn trong tháng
Ramadan.”
Việc
một trường đại học công lập yêu cầu một phần mềm như vậy là dấu hiệu đáng lo ngại
về những gì đang chờ đợi thanh niên các dân tộc Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc
sau khi họ thoát khỏi sự giám sát ở trường học và quê hương. Giống như người
Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, họ có thể cắt đứt mối liên hệ với đức tin của mình,
nhưng họ sẽ không bao giờ hòa nhập hoàn toàn với tầng lớp thống trị trong xã hội
Trung Quốc. Lòng trung thành của họ đối với đảng sẽ luôn bị nghi ngờ – và gốc
gác của họ sẽ là lời biện minh cho việc họ tiếp tục bị xa lánh và khuất phục.
----------------------
Ruslan
Yusupov là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Hội Khoa học Nhân văn thuộc Đại học
Cornell. Được đào tạo về nhân học văn hóa xã hội, ông chuyên nghiên cứu chính
trị sắc tộc và tôn giáo ở Trung Quốc đương đại
Nguồn: Ruslan Yusupov, “Beijing’s
Crackdown on Islam Is Coming for Kids,” Foreign Policy, 17/06/2024
No comments:
Post a Comment