CPJ kêu gọi Việt Nam
bạch hóa về trường hợp nhà báo nổi tiếng Trương Huy San
RFA
06-6-2024
Cơ quan chức năng Việt Nam phải tiết lộ địa điểm hiện nay của
nhà báo độc lập Trương Huy San, trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc sắp tới đối với
ông này.
Từ Bangkok, Tổ chức Bảo vệ Phóng viên CPJ ra kêu gọi như vừa
nêu ngày 6 tháng 6.
Đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, ông Shawn Crispin,
nói rõ: “Cơ quan chức năng Việt Nam phải tiết lộ ngay lập tức nơi đang cầm giữ
nhà báo Trương Huy San và trả tự do vô điều kiện cho ông này. Việt Nam phải chấm
dứt đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả những thành
viên báo chí bị bỏ tù một sách sai trái.”
CPJ dẫn nhiều nguồn tin loan rằng ông Trương Huy San- một nhà
bình luận chính trị nổi tiếng và là một tác giả viết với bút danh Huy Đức hay
Osin- bị Công an bắt vào ngày 1 tháng 6 tại Hà Nội khi ông đang đi đến một cuộc
gặp dự kiến có lời phát biểu; nhà của ông cũng bị khám xét.
Tổ chức này dẫn bản tin của BBC hôm 4 tháng 6 nói gia đình
ông San không biết được địa điểm và tình trạng pháp lý của ông, CPJ cũng không
có được thông tin gì của ông Trương Huy San tính đến thứ năm, ngày 6 tháng sáu.
CPJ dẫn ba nguồn tin cho biết trước khi bị bắt ít ngày, trên
trang Facebook cá nhân có 350.000 người theo dõi, ông Trương Huy San viết bình
luận chỉ trích chính trị Việt Nam; rồi vào ngày 2 tháng sáu trang này bị đóng
mà không rõ lý do.
Bình luận của ông San nói về hai lãnh đạo cộng sản hiện nay
là Tổng bí thư lâu năm Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm - người vào ngày 22 tháng
5 được chỉ định làm Chủ tịch nước sau khi được Đảng tiến cử.
Ông Trương Huy San lập luận rằng phát triển của Việt Nam
không thể dựa trên sự sợ hãi và nêu ra vai trò dài lâu của ông Tô Lâm trong
cương vị Bộ trưởng Công an.
Bản thân ông Tô Lâm được nhiều người cho là ứng viên thay thế
cho ông Nguyễn Phú Trọng đã 80 tuổi trong vị trí chính trị đứng đầu Việt Nam
khi ông Trọng chấm dứt nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng lần thứ ba vào năm 2026.
Bộ Công an Việt Nam chưa trả lời thư điện tử yêu cầu bình luận
của CPJ về trường hợp của nhà báo Trương Huy San như vừa nêu.
CPJ nhắc lại ông Trương Huy San viết về nạn tham nhũng và cải
tổ chính trị tại Việt nam cho nhiều báo hàng đầu và có một trang blog với nhiều
người theo dõi trước khi ông nhận được học bổng Nieman để học tại Đại học
Harvard, Hoa Kỳ vào năm 2012 - 2013.
Việt Nam là quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo hàng thứ năm trên thế
giới. Thống kê thường niên của CPJ cho thấy tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2023,
có ít nhất 19 nhà báo đang bị giam tù tại Việt Nam.
-------------------------------
Liên quan
Vì sao nhà báo Huy Đức bị bắt khẩn cấp?
No comments:
Post a Comment