Các
vụ nước ngoài can thiệp khuấy đảo chính trường Pháp
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 04/06/2024 - 15:10Sửa đổi
ngày: 04/06/2024 - 15:12
Trong bối cảnh Pháp phải đương đầu với nhiều vụ được cho là
có bàn tay chỉ đạo từ nước khác, hôm qua, 03/06/2024, Thượng Viện Pháp đã thông
qua một luật chống can thiệp nước ngoài, tăng cường các biện pháp giám sát. Mặc
dù nhận thức được những sự can thiệp, nhưng chính phủ Pháp lại không muốn công
khai để tránh chính trị hóa vấn đề.
https://s.rfi.fr/media/display/82271396-1830-11ef-a691-005056a97e36/w:980/p:16x9/000_34RH3JL.webp
Một nhân viên của thành phố Paris, lau các vết sơn hình bàn
tay màu đỏ trên một bức tường ở Khu tưởng niệm Shoah, Paris, Pháp, ngày
14/05/2024. © Antonin Utz / AFP
Thứ
Bảy, 01/06/2024, một chiếc xe tải nhỏ mang biển số Bulgarie đã chở 5 chiếc quan
tài rỗng, phủ cờ Pháp được ghi với dòng chữ “Những người lính Pháp ở
Ukraina” và đặt gần tháp Eiffel. AFP trích dẫn thông tin từ Viện Công
Tố Paris, cho biết 3 người đàn ông mang quốc tịch Đức, Ukraina và Bulgarie đã bị
câu lưu. Một cuộc điều tra đã được mở ra để xác định liệu hành vi này có phải
là do can thiệp từ nước ngoài. Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi điện Kremlin mạnh
mẽ chỉ trích Paris gửi các chuyên gia huấn luyện quân sự đến hỗ trợ Ukraina.
Điều
đáng nói là một trong 3 người này lại có liên quan đến một vụ bị nghi ngờ là
do “can thiệp từ nước ngoài khác” mà Nga bị réo tên vào giữa
tháng Năm vừa qua. Cụ thể, trong đêm ngày 13- 14/05 vừa qua, bức tường bên
ngoài Khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc
Xã tiến hành - La Shoah ở Paris đã bị sơn đỏ xịt lên với hình bàn tay màu đỏ.
Hành động này được cho là bài Do Thái vì nó liên tưởng đến vụ hai người Israel
bị giết hại bởi những người Palestine vào năm 2000, hồi đầu cuộc nổi dậy thứ
hai của người Palestine. Những hình ảnh này sau đó đã được loan truyền rộng rãi
trên mạng xã hội bởi nhiều tài khoản ảo, với những bình luận gây phẫn nộ, kích
động cộng đồng mạng.
"Tác
nhân Nga"
Vào
tháng 10 năm ngoái, hồi đầu chiến tranh Israel-Hamas, nhiều tòa nhà đã bị xịt
sơn, in hình ngôi sao màu xanh, biểu tượng của đạo Do Thái. Các hình ảnh này
cũng đã gây « bão » trên mạng xã hội. Chính quyền
Pháp đã bắt giữ 1 cặp vợ chồng người Moldova và quy trách nhiệm cho Tổng Cục An
Ninh Liên Bang Nga (FSB). Trong cả hai vụ này, ngoại trưởng Pháp Stéphane
Séjourné khẳng định « những người thực hiện các hành vi này được
trả tiền, nhằm làm mất ổn định và gây chia rẽ xã hội Pháp ». Các
nhà điều tra Pháp cũng chỉ ra nhiều yếu tố nghi là có bàn tay của Nga đằng sau.
Chưa kể vụ Macronleeks, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, chiến dịch tranh
cử của Emmanuel Macron đã bị ảnh hưởng do một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, được
cho là do các tác nhân Nga thực hiện.
QUẢNG
CÁO
Cụm
từ “can thiệp nước ngoài” đã xuất hiện khắp các mặt báo Pháp
trong thời gian gần đây. Không chỉ trên lãnh thổ hình lục giác, mà kể cả ở các
lãnh thổ hải ngoại. Hôm 27/05, trong chuyến thăm tới Đức, tổng thống Pháp
Emmanuel Macron đã có bài phát biểu tại quảng trường Neumarkt ở Dresde, lên án
cực hữu ở châu Âu và « sức hút của chế độ độc tài » ở châu Âu. Trong
đám đông, xuất hiện cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc Kanak, thuộc phe ly khai
ở vùng hải ngoại Nouvelle Calédonie của Pháp.
Trang L'Express đặt câu hỏi, làm thế nào nào mà lá cờ này lại
xuất hiện ở một nơi cách hòn đảo hơn 15 000 km ? Chính phủ Pháp đã đặt
ra nghi vấn và tố cáo « can thiệp nước ngoài » tại
hòn đảo này, đặc biệt là sự can thiệp của cơ quan tình báo Azerbaidjan vào tổ
chức này. Hòn đảo từng là thuộc địa của Pháp cũng đã trải qua nhiều ngày bạo loạn
trong thời gian gần đây. Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Bastien Vandendyck, trả
lời đài France Info, cho rằng mục đích của Azerbaidjan trong cuộc can thiệp này
không hẳn là để ủng hộ phe ly khai ở Nouvelle-Calédonie, mà là để gây chia rẽ,
để nêu ra câu hỏi tại sao Pháp chỉ trích Azerbaïdjan chiếm đóng vùng Thượng
Karabakh trong khi chính Paris cũng đang chiếm hòn đảo này.
Can
thiệp nước ngoài - tệ nạn của Pháp
Thế
nhưng trong vụ này, theo L’Express, chỉ thị của điện Elysée là « không
đề cập đến chủ đề này một cách công khai ». Bởi vì nếu « đưa
ra cảm giác » là do can thiệp nước ngoài thì sẽ làm mất tính
chính danh của những hành động (muốn ly khai) từ vùng hải ngoại này. Một số
chính khách đã chỉ trích bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, khi
không biết "giữ miệng" vì đã công khai cáo buộc Bakou can thiệp vào nội
bộ Pháp. L’Express coi « can thiệp nước ngoài » là một
tệ nạn mà chính phủ Pháp mong muốn giới hạn chủ đề này trong ngoại giao, nhưng
lại rất khó có thể tránh khỏi các cuộc tranh luận chính trị công khai.
Không
chỉ Azerbaidjan hay Nga mà nước Pháp cũng bị Trung Quốc can thiệp. Trang La
Mariane vào tuần trước đã liệt kê lại các phương thức can thiệp của Bắc Kinh
vào Pháp, dựa trên nhiều báo cáo. Ngoài các hoạt động gián điệp truyền thống, Bắc
Kinh cũng tăng cường các hoạt động gián điệp công nghệ mở rộng đầu tư vào những
ngành trọng điểm, như hàng không hay năng lượng. Phóng sự tài liệu của kênh
France 2 cũng chỉ ra hoạt động của mạng lưới cảnh sát ngầm của Trung Quốc ở
Pháp, như vụ áp giải một người bất đồng chính kiến Trung Quốc lên máy bay về nước
hồi tháng Ba, tại sân bay Roissy Charles de Gaulle.
Trước
tình hình này, chính phủ Pháp đã tăng cường « kho vũ khí » chống lại
can thiệp nước ngoài. Ngoài luật chống tung tin giả được thông qua vào năm
2018, Quốc Hội Pháp sắp tới, chuẩn bị thông qua một luật chống can thiệp nước
ngoài. Văn bản luật, sau khi được Hạ Viện biểu quyết thuận vào tuần trước, đã
được Thượng Viện Pháp thông qua hôm 03/06 và sẽ được phê duyệt lần cuối vào thứ
Tư này. Dự luật buộc những người đại diện cho lợi ích từ nước ngoài, vận động
hành lang ở Pháp, phải đăng ký vào một hồ sơ của Cơ quan cấp cao về minh bạch
trong đời sống công cộng (HATVP). Luật cũng dự trù khả năng đóng băng các tài sản
của những người hoặc thực thể tham gia vào các hoạt động can thiệp. Một điểm nổi
bật khác trong luật này đó là cho phép cơ quan tình báo thử nghiệm giám sát bằng
thuật toán đối với các hoạt động trực tuyến đáng ngờ. Điều này khiến cánh tả phản
đối vì gây lo ngại đối với quyền tự do công cộng.
Theo
L’Express, các bóng của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đã bao trùm mọi nỗ lực chống
lại can thiệp nước ngoài của Pháp khi đã khiến việc xem xét văn bản luật này bị
chậm trễ ở Quốc Hội. Đảng của bà Marine Le Pen, từng hai lần về nhì trong cuộc
tranh cử tổng thống, đã nhiều lần bị cáo buộc có liên hệ với Nga.
Phe
đa số cho rằng luật này có thể làm suy yếu đảng Tập Hợp Dân Tộc cũng như làm mất
lòng tin của những người ủng hộ đảng này. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều chủ đề
phân tán sự chú ý của truyền thông và việc luật được thông qua lại không được
chú ý, nhất là từ những người ủng hộ đảng này. L’Express cho rằng dường như tư
tưởng « chủ quyền dân tộc » của đảng cực hữu này đã tạo ra một bức tường
thành, chống lại mọi nghi ngờ về sự phụ thuộc vào nước ngoài.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
TRUNG
QUỐC- MỸ
Tin
tặc và gián điệp Trung Quốc đặt Mỹ trong tình trạng báo động
GIÁN
ĐIỆP TRUNG QUỐC
Gián
điệp Trung Quốc bị « lộ bài » ở châu Âu ?
TRUNG
QUỐC - EU - GIÁN ĐIỆP
Bóng
đen gián điệp Trung Quốc phía sau đại sứ quán Malta ở Bruxelles
No comments:
Post a Comment