Wednesday, June 26, 2024

ĐẢNG CỰC HỮU TẬP HỢP DÂN TỘC MUỐN LOẠI NGƯỜI PHÁP SONG TỊCH KHỎI CÁC VỊ TRÍ NHẠY CẢM, CHIẾN LƯỢC (Thùy Dương / RFI)

 



Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc muốn loại người Pháp song tịch khỏi các vị trí nhạy cảm, chiến lược

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 25/06/2024 - 12:08

 https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240625-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-t%E1%BA%ADp-h%E1%BB%A3p-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-mu%E1%BB%91n-lo%E1%BA%A1i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ph%C3%A1p-song-t%E1%BB%8Bch-kh%E1%BB%8Fi-c%C3%A1c-v%E1%BB%8B-tr%C3%AD-nh%E1%BA%A1y-c%E1%BA%A3m-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c

 

Vài ngày trước vòng 1 bầu cử Hạ Viện Pháp, 30/06, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) Jordan Bardella, trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 24/06/2024, đã giới thiệu chương trình hành động của đảng RN và khẳng định « đã sẵn sàng để lãnh đạo chính phủ ». Đáng chú ý là dự luật « khẩn cấp » chống nhập cư.

 

https://s.rfi.fr/media/display/915e6d2c-3267-11ef-9de6-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24176362481493.webp

Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblemment National) Jordan Bardella giới thiệu các đường hướng chính trong chương trình tranh cử lập pháp, Paris, Pháp, ngày 24/06/2024. AP - Christophe Ena

 

Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Jordan Bardella đề xuất hủy bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh « droit du sol » và loại những người « song tịch » - người nước ngoài đã có quốc tịch Pháp nhưng vẫn giữ quốc tịch gốc - ra khỏi những vị trí công việc được xem là « cực kỳ nhạy cảm » và « những vị trí mang tính chiến lược nhất của Nhà nước ».

 

Phát biểu trên kênh TF1, chính trị gia Sébastien Chenu của đảng Tập Hợp Dân Tộc, dân biểu nhiệm kỳ vừa rồi, hôm qua 24/06 cho biết, biện pháp cấm sẽ liên quan đến những « công việc cực kỳ nhạy cảm, chẳng hạn người song tịch Pháp - Nga giữ các vị trí lãnh đạo chiến lược trong ngành quốc phòng », nhưng không cho biết chi tiết về các công việc có liên quan.

 

Theo ông Chenu, biện pháp « tự bảo vệ » này của nước Pháp sẽ được luật hóa bằng « một đạo luật về tổ chức (loi organique) và một sắc lệnh để cản trở sự can thiệp » của nước ngoài vào « các lĩnh vực nhạy cảm » của Pháp. Chính trị gia đảng cực hữu cũng nói thêm rằng nếu đảng RN đắc cử trong kỳ bầu cử Hạ Viện, có thể người nước ngoài sẽ khó được cấp quốc tịch Pháp hơn.

 

Dường như để trấn an dư luận, ngay tối hôm qua, trên mạng xã hội X, ông Bardella, người đang nhắm đến chức thủ tướng Pháp, khẳng định : « Dĩ nhiên là những người song tịch vẫn có thể đảm nhiệm mọi công việc trong lĩnh vực công (…) Việc hạn chế sẽ chỉ liên quan đến khoảng vài chục công việc rất nhạy cảm ở các vị trí chiến lược về quốc phòng, hạt nhân hoặc tình báo chẳng hạn. Danh sách ngắn này sẽ thường xuyên được điều chỉnh tùy theo tình hình địa chính trị và các hệ lụy đối với đất nước chúng ta ».

 

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo chương trình của phe cực hữu và cực tả sẽ dẫn đến « một cuộc nội chiến ». Đặc biệt đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc bị tổng thống chỉ trích gây chia rẽ nước Pháp khi « phân biệt đối xử theo nguồn gốc xuất thân hoặc tôn giáo », còn phe cực tả bị chỉ trích vì đã có những đề xuất kiểu « chủ nghĩa cộng đồng » (communautarisme)

 

Tối hôm nay 25/06 vào lúc 21 giờ, đại diện của đảng cầm quyền Phục Hưng - Renaissance - thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal ; chính trị gia Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) và Manuel Bompard, điều phối viên đảng Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise (LFI), đại diện cho liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình TF1.

 

Theo thăm dò ý kiến gần đây của Viện IFOP, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc được sẽ về đầu tại vòng 1 bầu cử lập pháp với 36% số phiếu, trước liên đảng cánh tả (29,5%) và đảng của tổng thống (20,5%).  

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐỨC - PHÁP - QUỐC HỘI

Bầu cử Quốc Hội Pháp : Thủ tướng Đức hy vọng đảng cực hữu RN không giành thắng lợi

 

PHÂN TÍCH

Bầu cử lập pháp : Pháp rời khỏi Liên Âu, nguy cơ nhãn tiền khi phe cực hữu lên cầm quyền

 

 




No comments: