Thursday, June 6, 2024

ẤN ĐỘ : KỲ VỌNG VÀO CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO ĐA LIÊN KẾT TRONG NHIỆM KỲ 3 CỦA THỦ TƯỚNG MODI (Anh Vũ / RFI)

 



Ấn Độ : Kỳ vọng vào chính sách ngoại giao đa liên kết trong nhiệm kỳ 3 của thủ tướng Modi

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 05/06/2024 - 15:35

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240605-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-k%E1%BB%B3-v%E1%BB%8Dng-v%C3%A0o-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91a-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt-trong-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-3-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-modi

 

Sau cuộc bầu cử lập pháp kéo dài một tháng rưỡi ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân, ông Narendra Modi hôm qua 04/06/2024, đã tuyên bố đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP của ông đã giành chiến thắng và sẵn sàng cho nhiệm thứ ba liên tiếp lãnh đạo đất nước Ấn Độ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/922d9332-233e-11ef-bf7f-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP24157358886404.webp

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) và bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 04/06/2024. AP - Manish Swarup

 

Trong hai nhiệm kỳ trước diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động về kinh tế và địa chính trị lớn, thủ tướng Narendra Modi với sự khôn khéo chính trị đã ghi được nhiều dấu ấn, đặc biệt là thành công trong lĩnh vực ngoại giao để đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia có có ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Modi đang thu hút sự chú ý của giới quan sát chính trị quốc tế, trong lúc ngày càng có nhiều nước, hay nhóm nước cần đến Ấn Độ.

 

Thời gian qua, với chính sách ngoại giao đa liên kết, không chọn phe, ông Modi đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi vẫn duy trì được mối quan hệ cân bằng giữa phương Tây và Nga, trong lúc hai phe này đang đối đầu quyết liệt với nhau, mà vẫn bảo đảm được những lợi ích rất quan trọng cho New Delhi. Cùng lúc, Ấn Độ của thủ tướng Modi vẫn tăng cường các hợp tác, đẩy mạnh các liên minh với Mỹ như trong khuôn khổ Bộ Tứ (Quad) hay không từ chối các quan hệ giữa Ấn Độ với Israel cũng như với các quốc gia Ả Rập trong vùng Vịnh.

 

Quốc gia lớn ở Nam Á này ngày càng được các nước Phương Tây chiều chuộng vì là một khách hàng đầy tiềm năng cho xuất khẩu vũ khí và máy bay của họ.

 

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường King’s College Luân Đôn (Anh Quốc) Harsh V Pant nhận xét : « Ông Modi sẽ là một trong những lãnh đạo quan trọng nhất trên trường quốc tế với ba chiến thắng liên tiếp trong tuyển cử. Ông ấn định những tham vọng cho bản thân và cho Ấn Độ và ít có khả năng ông thỏa hiệp ».

 

Câu hỏi được đặt ra là chính sách đối ngoại của chính phủ Modi trong nhiệm kỳ tới sẽ có thay đổi ? Về cơ bản thì không có thay đổi nhiều, khi mà chính sách đó đã được kiểm nghiệm thành công.

 

Trước tiên với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Đây là những mối quan hệ hàm chứa cả quan hệ kinh tế và các liên minh quân sự không chính thức như Bộ Tứ (Quad), giúp Ấn Độ tăng cường khả năng đối phó với những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Được cả Mỹ và Châu Âu luôn ve vãn, mối quan hệ cần được duy trì này sẽ chỉ càng được New Delhi củng cố thêm.

 

Nếu như Trung Quốc là đối thủ lớn của Ấn Độ thì nước này vẫn là đối tác kinh tế lớn thứ 2. Hai nước cùng với Nga đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OSC). Nhưng giữa New Delhi và Bắc Kinh bao lâu nay vẫn tồn tại những tranh chấp lãnh thổ trong vùng Himalaya. Chính phủ của ông Modi đã chi hàng tỷ đô la đẻ gia cố biên giới và tăng chi tiêu quân sự lên 13% vào năm 2023 - nhưng con số này vẫn chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc.

 

Ông Karthik Nachiappan tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết thủ tướng Modi khó có thể từ bỏ những tuyên bố và mục tiêu cốt lõi của mình ở biên giới. « Nhưng có khả năng Ấn Độ bắt đầu đối thoại để giải quyết bế tắc với Trung Quốc » cũng như họ đã cố gắng làm dịu mối quan hệ đầy hiềm khích với Pakistan trong thời gian gần đây.

 

Trung Quốc sẽ tiếp tục là mối quan hệ quan trọng nhất đối với Ấn Độ ở châu Á. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ. New Delhi sẽ phải dựa vào các mối liên kết đa phương khác để ngăn chặn bớt tham vọng của Bắc Kinh.

 

Với Nga, mối quan hệ New Delhi và Matxcơva đã có từ thời chiến tranh lạnh. Đến giờ Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn của Ấn Độ. Mối quan hệ được tổng thống Modi đánh giá là « đặc biệt » này sẽ vẫn được duy trì bất chấp cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga vì nó « đặc biệt » mang lại lợi ích cho Ấn Độ.

 

Ấn Độ cũng là thành viên sáng lập Nhóm các nền kinh tế mới nổi của thế giới (BRICS). Những năm gần đây giới quan sát đã ghi nhận Ấn Độ của thủ tướng Modi đã có nhiều nỗ lực chứng tỏ mình là đại diện cho các quốc gia đang phát triển (ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh).

 

Ấn Độ, nền kinh tế lớn lớn thứ năm và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các quan hệ quốc tế dưới thời thủ tướng Modi. Cuộc tổng tuyển cử lớn và kéo dài nhất thế giới đã khép lại, nhưng cũng đồng thời mở ra kỳ vọng về một chương mới cho đất nước Nam Á này.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - ẤN ĐỘ

Tổng thống Pháp công du Ấn Độ củng cố mối quan hệ chiến lược

 

ẤN ĐỘ - HOA KỲ

Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng

 

PHÂN TÍCH

Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ : Ba « cứu tinh » lớn cho nền kinh tế Nga

 

 

 

 



No comments: