Monday, June 10, 2024

ĐẢM BẢO TRẬT TỰ GIAO THÔNG LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, SAO LẠI ĐỔ HẾT CHO THÍCH MINH TUỆ? (Trần Bình Thản  -  Luật Khoa tạp chí)

 



Đảm bảo trật tự giao thông là trách nhiệm của nhà nước, sao lại đổ hết cho Thích Minh Tuệ?

Trần Bình Thản  -  Luật Khoa tạp chí

JUNE 10 202410:35 AM

 https://www.luatkhoa.com/2024/06/dam-bao-trat-tu-giao-thong-la-trach-nhiem-cua-nha-nuoc-sao-lai-do-het-cho-thich-minh-tue/

 

Đôi chân bị ngáng trở.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/Thich-Minh-Tue.jpeg

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Về bản chất, dùng lập luận ‘tránh gây cản trở giao thông’ để yêu cầu một cá nhân dừng bộ hành là nhà nước đang chuyển đổi trách nhiệm làm việc của mình sang công dân. Việc người dân đi theo gây mất trật tự giao thông không phải là trách nhiệm của Thích Minh Tuệ. Đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng hưởng lương từ thuế.

 

Mỗi lần đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam giành chiến thắng, hàng triệu người dân lại đổ ra đường ăn mừng, gây ách tắc giao thông, thậm chí khiến hàng chục người chết. [1]

 

Như vậy đội tuyển bóng đá nên dừng việc thi đấu và giành chiến thắng lại. Chỉ đến khi người dân biết kiềm chế, có thể ăn mừng mà không làm mất trật tự giao thông, thì đội tuyển bóng đá mới có thể tiếp tục hành trình ghi điểm.

 

Có lẽ nếu một ai đó đưa ra lập luận này, sẽ bị phản bác ngay lập tức là quá ngô nghê, vô lý và đi ngược lại tinh thần pháp luật bảo vệ quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của công dân. Nhưng thực tế, nó lại đang được áp dụng cho trường hợp bộ hành tu tập của Thích Minh Tuệ.

 

Chương trình thời sự VTV1, Đài truyền hình Việt Nam mới phát đi hai đoạn phóng sự phỏng vấn Thích Minh Tuệ về việc ông dừng bộ hành.

 

Bên cạnh việc lời nói của Thích Minh Tuệ không được giữ trọn vẹn từ đầu tới cuối thì biên tập viên diễn đạt những thông điệp cơ bản nhất mà chính quyền muốn đưa ra công chúng. Trong đó có đoạn: “Chỉ khi không còn tình trạng người dân tụ tập đông người, đảm bảo được an ninh trật tự và an toàn giao thông, thì ông mới tiếp tục bộ hành, còn không thì ông sẽ không bộ hành đường dài nữa”. [2]

 

Mặc dù thông tin loan truyền rằng Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng bộ hành, nhưng quyết định này không được ông thông báo một cách rộng rãi qua nhiều kênh truyền thông và mạng xã hội như cách ông đã chia sẻ nhiều thông điệp trước đó.

 

Trong cộng đồng mạng cũng tồn tại cách nói tương tự như thông điệp của VTV, hàm ý Thích Minh Tuệ hay các vị sư khác không nên đi chung đoàn để tránh việc người dân đi theo, gây ách tắc giao thông.

 

 

Trách nhiệm của ai?

 

Về bản chất, sử dụng lập luận “tránh gây cản trở giao thông" để yêu cầu một cá nhân dừng bộ hành là nhà nước đang chuyển đổi trách nhiệm làm việc của mình sang công dân.

 

Mỗi công dân có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình. Đối với những người tu hành như Thích Minh Tuệ, đi bộ khất thực là một việc làm để có hạnh phúc cho bản thân. Ông không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam.

 

Mặt khác, đối với các cơ quan công quyền, cụ thể nhất là lực lượng cảnh sát giao thông lại có nhiệm vụ “tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công”. [3]

 

Như vậy, một người bộ hành không vi phạm luật giao thông, không có nghĩa vụ về vấn đề giao thông của khu vực.

 

Việc “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" là nghĩa vụ của cảnh sát giao thông, những người được hưởng lương từ tiền thuế của dân để làm việc. Ngoài trách nhiệm này, cảnh sát giao thông và cơ quan có chức năng khác cũng phải bảo đảm an toàn cho người đi bộ, trong đó có Thích Minh Tuệ và các vị sư khác đi cùng.

 

Có các ý kiến khác cho rằng vị Thích Minh Tuệ phải chịu một phần trách nhiệm vì đã khiến nhiều người đi theo và điều này làm ách tắc giao thông. Hãy xem lập luận này áp dụng cho các trường hợp khác ra sao?

 

Một tiệm bánh trung thu rất đắt khách, năm nào ngay dịp tết Trung thu, người dân rồng rắn xếp hàng mua bánh, đỗ xe tràn xuống đường, cảnh sát giao thông phải tăng cường làm việc. Tiệm bánh này đang “góp phần" gây cản trở giao thông? Nên cấm? [4]

 

Mỗi năm, gần khu vực chùa Phúc Khánh có hàng ngàn người ngồi tràn ra đường chen nhau cúng sao giải hạn gây tắc nghẽn một đoạn đường lớn ở Hà Nội. [5]

 

Khi ban nhạc Black Pink biểu diễn ở Việt Nam, hàng chục ngàn người hâm mộ khóc cười, chen chúc nhau khiến khu vực Mỹ Đình Hà Nội bị kẹt cứng. [6]

 

Cũng giống như việc không ai có thể yêu cầu đội bóng đá ngừng thi đấu, cấm cửa hàng đắt khách phải ngừng bán, đại nhạc hội phải hủy vé, chùa phải đóng cửa để đảm bảo an ninh và trật tự giao thông, người ta không thể vin vào cái cớ này để bắt Thích Minh Tuệ ngừng bộ hành.

 

Thay vào đó, người dân có quyền yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông phải nâng cao năng lực hơn, làm việc thông minh hơn, có kế hoạch, chiến lược tốt hơn để đảm bảo an ninh giao thông trong địa bàn của họ.

 

Đối với các hành vi tràn xuống đường làm cản trở giao thông, nhà nước đã có các công cụ pháp luật khác như luật giao thông để xử lý. Cảnh sát chỉ có thể phạt và bắt những người vi phạm chịu trách nhiệm.

 

Hiến pháp Việt Nam 2013 có những câu chữ như nhà nước phải “bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” và “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân [...] mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. [7] 

 

Nếu chiếu theo đúng những câu chữ như trên vào trường hợp như Thích Minh Tuệ, một người có ước nguyện được bộ hành suốt đời, không nhận đệ tử, không thiết lập đoàn thể, chưa bao giờ vi phạm pháp luật, thì nhà nước phải bảo đảm công dân đó cũng được “tôn trọng, bảo vệ” để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

 

Bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn an toàn giao thông là nhiệm vụ của cơ quan chức năng nhà nước, nhận lương bằng tiền thuế của dân để làm việc. Các cơ quan này không thể đổ hết trách nhiệm cho một công dân chỉ vì cá nhân đó được rất nhiều người kính trọng và cúi chào.

 

---------

 

Chú thích

 

[1] 50 vụ tai nạn, 31 người chết trong ngày “đi bão” ăn mừng chiến thắng. (2024). Phunuonline.com.vn. https://www.phunuonline.com.vn/50-vu-tai-nan-31-nguoi-chet-trong-ngay-di-bao-an-mung-chien-thang-a1397010.html

 

[2] Liên Liên, Chương trình Thời sự 19h, VTV1 ngày 9/6/2024. 

 

[3] thuvienphapluat.vn. (2024, February 15). Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT; thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Thong-tu-65-2020-TT-BCA-quy-trinh-tuan-tra-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-ve-giao-thong-duong-bo-427300.aspx?anchor=dieu_7

 

[4] TUOI TRE ONLINE. (2021). Video: “Rồng rắn” xếp hàng mua bánh trung thu từ 4 giờ sáng ở Hà Nội. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/video/video-nguoi-dan-ha-noi-xep-hang-dai-mua-banh-trung-thu-luc-luong-chuc-nang-phai-dung-loa-nhac-nho-111972.htm

 

[5] Hàng nghìn người ngồi tràn ra đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. (2019, February 12). VOV.VN. https://vov.vn/tin-24h/hang-nghin-nguoi-ngoi-tran-ra-duong-cung-sao-giai-han-o-chua-phuc-khanh-874842.vov

 

[6] Đỗ Quyên - Trạch Dương - Như Ý - Trọng Tài. (2023, July 29). 30.000 người đổ về xem show BlackPink, khu vực Mỹ Đình kẹt cứng nhiều giờ. Báo Điện Tử Tiền Phong; Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/30000-nguoi-do-ve-xem-show-blackpink-khu-vuc-my-dinh-ket-cung-nhieu-gio-post1555844.tpo

 

[7] thuvienphapluat.vn. (2024, February 15). Hiến pháp 2013. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT; thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

 





No comments: