Vì sao “Báo chí cách mạng”
câm miệng trước việc tử hình oan?
Chủ Nhật, 08/06/2023 - 21:15 — Gió Bấc
https://www.rfavietnam.com/node/7727
Ba ngày qua, trước nguy cơ cái chết
oan ức được báo trước của “tử tù” Nguyễn Văn Chưởng, dư luận xã hội mang fb sôi
sục kêu oan, kiến nghị hoãn thi hành án… Ngược lại, 800 tổ chức Báo chí cách mạng
là “cơ quan ngôn luận của đảng, là tiếng nói của nhân dân” lại đồng loạt im lặng.
Sư im lặng bối rối, sự im lặng ngoan ngoãn của đàn cừu phục tùng ngọn roi của kẻ
chăn bỏ mặc cho sinh mạng của đồng loại, đồng bào. Cơ quan ngôn luận của đảng cạn
chữ, tiếng nói của nhân dân lại yếu hơi đến thế sao? Phải giương cao chính
nghĩa chỉ ra đích danh thế lực thù địch đang chống phá đi chứ?
Ngay chiều 4-8, khi nhà báo Nguyễn Đức đưa thông tin gia đình “tử tù”
Nguyễn Văn Chưởng kêu cứu xin hoãn thi hành án, mạng xã hội fb và báo chí truyền
thông tiếng Việt đã bùng lên cơn bảo thông tin phản đối, kiến nghị. 21 giờ ngày
6-8, dùng từ khóa “tử hình Nguyễn Văn Chưởng” trên mạng tìm kiếm Google có đến
1,420,000 lượt kết quả. (1)
Từ các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, RFA, …. báo chí việt ngữ ở hải
ngoại như Người Việt, Đất Việt, Sài Gòn Nhỏ, …. các trang mạng xã hội như báo
Tiếng Dân, Chân Trời Mới, Luật Khoa tạp chí đồng loạt đăng thông tin kêu cứu từ
gia đình Nguyễn Văn Chưởng, ý kiến của những người có liên quan như Luật Sư Lê
Văn Hòa, nguyên Vụ trưởng Ban Nội Chính Trung Ương từng là tổ trưởng tổ giám
sát vụ án này 8 năm trước phân tích hồ sơ vụ án có nhiều sai phạm tố tụng
nghiêm trọng, nhiều hồ sơ bị mất, vật chứng vụ án bị đánh tráo, nhiều bị cáo
khai bị tra tấn, ép cung, chứng cứ ngoại phạm Nguyễn Văn Chưởng, vào thời điểm
xảy ra vụ án Chưởng có mặt tại Hải Dương cách hiện trường vụ án hơn 40km không
được xem xét. Tất cả các kênh thông tin này đều theo một hướng phản biện cho rằng
việc buộc tội Nguyễn Văn Chưởng giết người là không có cơ sở và thi hành án tử
hình oan là nền tư pháp tăm tối và phi nhân.
Những hình ảnh ông Nguyễn Trường Chinh cha ruột Chưởng cắt tay lấy máu viết
thư kêu oan cho con, mẹ và em Chưởng trương lời kêu gọi hoãn thi hành án liên tục
cập nhật trên mạng xã hội gây xúc động lòng người.
Đặc biệt từ ngày 5-8, trên mạng xã hội đã có trang đăng KIẾN NGHỊ HOÃN
THI HÀNH ÁN TỬ TÙ NGUYỄN VĂN CHƯỞNG thu thập được gần 3000 chữ ký và đang tiếp
tục cập nhật. Thỉnh nguyện thư này gửi đến Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng tóm tắt
ý kiến của Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho
Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai
bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ
“EC” (tức bị ép cung). "Tôi cho rằng việc kết tội Chưởng giết người là
chưa có cơ sở”.
Thỉnh nguyện thư cũng nhắc quan điểm của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
quyết nghị Giám đốc Thẩm vụ án đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình
sự phúc thẩm. Quyết định kháng nghị nêu rõ vụ án có một số vấn đề cần phải làm
rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng
từ tử hình xuống chung thân.Nhưng TANDTC đã bác bỏ kiến nghị này mà không có cơ
sở buộc tội vững chắc. Gia đình bị án liên tục kêu oan từ đó đến nay.
Thư Thỉnh Nguyện đề nghị: “chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Chủ tịch nước
ra quyết định hoãn thi hành án để bảo vệ mạng sống của công dân Nguyễn Văn Chưởng
trong vụ việc có dấu hiệu oan sai. Quyết định của Chủ tịch nước cũng là cơ hội
để thể hiện cam kết cải thiện nền tư pháp, bảo vệ quyền con người của công
dân.” (2)
Đặc biệt, nhà báo Nguyễn Đức, Biên Tập Viên Báo Pháp Luật TP.HCM liên tục
tác nghiệp và cập nhật thông tin trên fb cá nhân và kênh youtube về những diễn
tiến mới của vụ việc. Đích thân Nguyễn Đức đã gửi tin nhắn và nhận được tin nhắn
phản hồi từ Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng. Một số đại biểu Quốc Hội gửi tin nhắn
cho Chủ Tịch Nước và cũng nhận được phản hồi. Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên đại
biểu Quốc Hội nhiều khóa, hiện là Phó Ban Dân Nguyện Quốc Hội cũng gửi tin nhắn
cho Chủ tịch Nước và nhận được phản hồi.
Nguyễn Đức cũng gặp, trao đổi và ghi lại phát biểu ý kiến ông Lưu
Bình Nhưỡng khẳng định rằng “Có đủ căn cứ để Chủ tịch nước cho hoãn thi hành án
tử và giao cấp thẩm quyền xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với tử tù Nguyễn
Văn Chưởng… để tránh oan khuất.” (2b)
Ông Lưu Bình Nhưỡng đã nêu ra những vi phạm tố tụng, thiếu cơ sở buộc tội
của bản án đã được Viện Kiểm Sát Tối Cao quyết nghị, đồng thời chỉ ra Bộ Luật Tố
Tụng năm 2015 đã mở ra điều luật mới để xem xét lại các bản án Giám Đốc Thẩm có
vi phạm nghiêm trọng. Ông Nhưỡng còn khẳng định ngoài Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn
Chưởng, Việt Nam còn có nhiều bản án tử hình chưa có cơ sở vững chắc vì vậy ông
kiến nghị Chủ Tịch Nước cần cân nhắc hết sức thận trọng khi ký các quyết định
bác các đơn xin ân xá. Để khách quan, Chủ Tịch Nước không nên nghe ý kiến một
chiều từ các cơ quan giúp việc mà phải thành lập Hội Đồng Tư Vấn xét đơn ân xá
độc lập. Theo ông đây là vấn đề cần hết sức cẩn trọng vì là công lý của nền tư
pháp và còn là quyền con người.
Phải nói là các tác nghiệp của nhà báo Nguyễn Đức thật sắc sảo, nhạy bén
và rất chính danh bảo vệ sự công bằng, minh bạch của nền tư pháp. Nhưng đáng tiếc
là toàn bộ các nội dung tác nghiệp ấp không được chuyển tải lên tờ báo Pháp Luật
TP.HCM mà Nguyễn Đức đang là Biên Tập Viên mà chỉ phổ cập trên fb cá nhân.
Xét về tôn chỉ mục đích thì đề tài này đúng hoàn toàn phù hợp và là sở
trường đắc địa của báo Pháp Luật TP.HCM. Hơn 20 năm trước tờ báo này cũng từng
đi đầu đấu tranh xây dựng nền tư pháp công bằng nói chung và đấu tranh cho những
nạn nhân bị án oan. Báo từng theo đuổi đấu tranh cho một tử tù ở Đồng Nai bị
oan nhưng theo pháp luật thời đó đã hết cấp xét xử. Bị án chết vì bệnh. Ông Vũ
Đức Khiển Phó chủ Tịch Quốc Hội thời đó đã thân hành đến gia đình tử tù này thắp
nhang như một cách giải oan. Vậy tại sao trong lần này Nguyễn Đức phải đơn độc
lên tiếng với tư cách cá nhân mà không có điểm tựa từ cơ quan báo chí mà mình
đang cộng sự?
Nhìn lại kết quả tìm kiếm trên Google, không riêng báo Pháp Luật TP.HCM
mà toàn bộ 800 tờ báo lề phải đều đồng lòng ngậm miệng trước bản án oan này.
Trên 1 triệu lượt thông tin về thi hành án Nguyễn Văn Chưởng đếu từ báo chí nước
ngoài và mạng xã hội. Ngay tờ báo Tuổi Trẻ từng có những thông tin tường thuật
có giá trị về vụ án thì bài mới nhất thông tin về vụ này là “Vụ tử tù Nguyễn
Văn Chưởng đã "hết đường" kháng nghị” từ năm 2014 (3)
Vì sao 800 tờ báo đảng, báo nhà nước, báo chí cách mạng hay còn gọi là báo
lề phải báo quốc doanh lại tự nguyện câm lặng, tự khước từ quyền thông tin trước
một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến sinh mạng của công dân? Bản án đúng sai
còn là lằn ranh giữa minh bạch, công bằng, nhân đạo hoặc tối tăm, bất
công và man rợ của nền tư pháp. Lựa chọn sư im lặng trước bản án tử hình oan ức
là a tòng với nền tư pháp man rợ, phục tòng và phục vụ cho một thế lực ác quỷ đội
lốt con người.
Phải chăng đúng như người ta nói 800 tờ báo này có chung ông Tổng Biên Tập
và chính ông Tổng ra lệnh cấm hoặc chưa cho phát lệnh nói nên tất cả đồng thủ
khẩu như bình.
Nhà nước công sản hằng rêu rao vai trò của báo chí. Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã từng xưng tụng theo bài bản chung về vai trò báo chí là “Báo chí đã trở
thành lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước trên mặt trận thông
tin, tuyên truyền. Với đội ngũ hùng hậu trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, có
tính chuyên nghiệp cao và tiếp cận nhanh với công nghệ báo chí, truyền thông hiện
đại, người làm báo thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa
như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén
trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
Vị Thủ Tướng cũng chia sẻ vấn đề hết sức “xôi thịt” trong cuộc cạnh tranh
báo chí và mạng xã hội là “ "Tôi cũng xin chia sẻ những khó khăn mà báo
chí và đội ngũ những người làm báo đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh
báo chí chính thống bị mạng xã hội cạnh tranh khốc liệt cả về mức độ ảnh hưởng,
thị phần thông tin và quảng cáo..." (4)
Báo chí chiến đấu hết mình vì đảng, cạnh tranh giành quảng cáo với mạng
xã hội còn chuyện sống chết, oan ưng của dân, chuyện công bằng xã hội, chuyên
chế của ông an, bất công của tòa án, báo chí cách mạng ngậm miệng ăn tiền dành
phần cho mạng xã hội.
Một nhiệm vụ quan trọng, chiêu sở trường của báo chí cách mạng là gắp lửa
bỏ tay người đã được Tuyên Giáo đảng khẳng định trong bài “Vai trò của báo chí
trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Ngay trong vụ chuyến
bay giải cứu hàng đàn cán bộ cấp cao của 5 bộ ngành bóp cổ hút máu dân ngay cơn
hoạn nạn, báo CAND vẫn tìm thấy thế lực thù địch nói xấu nhà nước.
Sao đến nay báo chí chưa xuất chiêu này? Chắc còn bất ngờ, trí tuệ của những
con … người quen đi theo lề phải chưa phân định được Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối
Cao, ông Phó Ban Dân Nguyện Quốc Hội, nhà báo Nguyễn Đức ai sẽ là kẻ xấu, là
thù địch.
Sự dũng cảm đơn độc tác nghiệp trên mạng xã hội của nhà báo Nguyễn Đức quả
là sự đơn độc đến mong manh. Mong rằng đừng có thêm oan án mới!
--------------------------
1 https://www.bing.com/search?q=t%e1%bb%ad+h%c3%acnh+nguy%e1%bb%85n+v%c4%8...
2b-https://www.facebook.com/nxdien2k15/videos/296830626263902
3-https://tuoitre.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-da-het-duong-khang-nghi-72...
4-https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-bao-chi-dang-phai-canh-tranh-khoc...
No comments:
Post a Comment