Tuyên
giáo Việt Nam 93 năm: Ngày càng khó khăn trong thuyết phục lòng tin nhân dân
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng
Việt từ London
2023.08.01
Ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách đố to lớn trong việc thuyết phục
lòng tin nhân dân, một số ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị Việt
Nam từ trong nước và hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/8/2023.
Những thách thức to lớn
“Kể từ khi được thành lập từ 01/8/1930 cho đến
nay (93 năm-pv), ngành tuyên giáo hiện thời của ĐCSVN đang gặp rất nhiều khó
khăn, đó là thực trạng xã hội đang rất khác với những gì mà ngành tuyên giáo
này đang tuyên truyền,” nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội
nêu quan điểm với RFA.
“Ví dụ như ngành tuyên giáo có đề ra một tư tưởng
chiến lược của họ là đi trước, mở đường về mặt lý luận cho ĐCSVN xây dựng Chủ
nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội mà đang xây dựng nếu đem so ngay với
CNXH đã được xây dựng và xây dựng không thành công cho nên buộc Việt Nam phải đổi
mới kinh tế, chúng ta thấy rằng CNXH hiện nay mà Việt Nam đang có, theo nhận thức
của tôi, kém nhiều so với tính chất ‘xã hội chủ nghĩa’ mà Việt Nam có được từ
năm 1986 đổ về trước.” - ông Sinh nói tiếp.
Ông Lê Văn Sinh cho rằng mặc dù trước đây,
trong giai đoạn được coi là ‘xã hội chủ nghĩa’ với sự ‘đói kém’ tràn lan ở miền
Bắc Việt Nam trước 30/4/1975 và trên hầu như khắp cả nước nhiều năm sau mốc lịch
sử đó, hai lĩnh vực giáo dục và y tế tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác, vẫn
được nhà nước Việt Nam khi đó ‘chu cấp’ miễn phí, người dân đỡ bị khó nhọc.
Ngày nay, với riêng hai lĩnh vực này (GD-YT), người dân Việt Nam đều phải nộp
tiền, thậm chí nhiều thứ chi phí rất đắt đỏ, tính chất ‘xã hội’ do đó còn thua
kém nhiều không chỉ so với chính bản thân của Việt Nam trong quá khứ, mà còn
thua kém nhiều nước ở khu vực, trong đó có thua kém Thái Lan, nơi mà giáo dục
theo nhà nghiên cứu này là ‘hoàn toàn miễn phí’ từ khi trẻ bắt đầu đi học, cho
tới học hết phổ thông.
Về các mặt thách thức khác, ông Lê Văn Sinh
nói tiếp:
“Việt Nam vì xây dựng mô hình theo Chủ nghĩa
Marx-Lenin mà không thành công, nên buộc phải quay sang nền kinh tế thị trường,
phải thừa nhận nền kinh tế thị trường và phải thừa nhận các giai cấp chủ, giai
cấp tư sản, điều mà thời kỳ trước năm 1986 người ta không chấp nhận, bây giờ xã
hội quay sang hình thái mới, làm cách nào ngành tuyên giáo Việt Nam có thể nêu
ra được một đường lối xây dựng CNXH hay định hướng XHCN cho nền kinh tế Việt
Nam. Cái đó tôi nghĩ là một khó khăn, thách thức mà ngành tuyên giáo đang đối mặt”.
Nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng
cho rằng tuyên truyền là làm cho người khác tin theo mình và làm theo mình. Do
đó, tuyên truyền phải được đặt trên một thực tế, mà một thực tế sáng sủa, thì
tuyên truyền mới có tác dụng. Còn ở Việt Nam, ông Sinh cho rằng:
“Tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn lên,
do tài sản của các thành phần xã hội ngày càng cách xa nhau, có bộ phận không
tiêu hết tiền, bộ phận khác lại không có tiền, không có nổi một cuộc sống tối
thiểu, vậy thì tuyên truyền thế nào?”
Tham nhũng của quan chức trong hệ thống chính
quyền là một vấn đề khác được nhà nghiên cứu từ ĐHQG Hà Nội chỉ ra. Ông cho rằng
hệ thống, mạng lưới cán bộ của nhà nước VN “hễ cứ có quyền là sẽ có tham
nhũng”.
Do đó ông kết luận: “Vậy ngành tuyên giáo
tuyên truyền như thế nào để cho người ta tin?”.
Ông Sinh, qua đó, đưa ra ví dụ về hai cựu phó
lãnh đạo của Ban Tuyên giáo trung ương là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn:
“Hai ông này, viết sách dạy đạo đức cách mạng, lên
án những người mà các ông cho rằng là phản động, nhưng thực tế là các ông đã
phá hoại chính ‘sự nghiệp’ của Đảng. Các ông tham nhũng, nhận tiền của doanh
nghiệp, đến mức mà các ông phải bị đi tù. Vậy thì cách tuyên truyền như thế có
thuyết phục được không, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, khi
không còn đặc quyền nắm giữ thông tin như trước đây.” - Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói.
‘Hung thần trong kiểm duyệt và đàn áp ngôn luận’
Từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo,
nguyên trưởng Đại diện của báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội, nêu quan điểm
riêng của mình:
“Kỷ niệm 93 năm và sắp tới là 100 năm. 100 năm đối với
một đời người thì quá dài, quá kinh khủng, chỉ cần một năm hay một tháng mà làm
sai đã có thể hủy hoại cả cuộc đời rồi, thế nhưng đây là 93 năm, và tôi nghĩ nếu
có ‘kỷ niệm’ ngành tuyên giáo, thì ở đây kỷ niệm một ngành được đẻ ra dưới thời
của chế độ Cộng sản Việt Nam mà họ đã làm tròn nhiệm vụ là ‘hung thần’ trong việc
kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận, thông qua ‘vòng kim cô’ là kiểm soát báo
chí và định hướng mọi mặt trong xã hội, và bây giờ là kiểm soát tự do ngôn luận
trên tất cả mọi phương diện.
Ngành tuyên giáo cực kỳ quan trọng đối với việc bảo
vệ quyền lợi và che giấu sự thật cho rất nhiều tiêu cực của những cán bộ, đảng
viên, tóm lại là những tầng lớp cầm quyền rất đông đảo của Việt Nam, nhưng đối
với xã hội, họ đã có tác dụng ngược lại. Tức là khi họ đã ngăn chặn sự thật và
ngăn chặn tự do ngôn luận, với xã hội, ngành tuyên giáo đã hoạt động như một sự
ngăn cản tiến bộ xã hội.”
Vẫn theo bà Võ Thị Hảo, ngành tuyên giáo ở Việt
Nam nắm giữ một ‘quyền lực đáng sợ’ đối với báo chí, ngôn luận, bà nói tiếp:
“Họ là một ngành, một lực lượng ‘truy sát’ diệt trừ
tự do ngôn luận, mà họ lại là cấp trên. Ngành tuyên giáo là một ngành ‘chỉ tay
năm ngón’, và trong những cuộc họp giao ban hay những chỉ thị miệng, thường họ
chỉ thị miệng, chứ không chỉ thị bằng văn bản, vì họ sợ chứng cứ, họ thoát ra
khỏi mọi trách nhiệm và đó là những ‘chỉ thị đen’, chỉ thị miệng bằng một cú điện
thoại, hay một cuộc nói chuyện gì đó. Họ chuyên môn làm theo ý thích của cá
nhân những người có quyền lực ở trong ngành tuyên giáo… chỉ đạo báo chí hay tự
do ngôn luận.
Họ rất đáng sợ, vì họ có thể tước thẻ nhà báo này,
hoặc đóng cửa tòa báo kia. Và chưa kể, bây giờ có Luật An ninh mạng, thì đó là một
quyền lực cực kỳ lớn, và đó là một quyền lực người ta không thể hình dung được,
không thể nắm bắt được, không thể biết là sự sấm sét này có thể đến từ người
này hay từ người kia, hay từ lúc nào, và không hề có một văn bản nào để chứng
minh trách nhiệm của người ra quyết định sai ấy.”
Một người bán báo trên đường phố Hà Nội vào năm 2015 (minh họa). AFP
‘Bậc thầy tuyên truyền có bề dày lịch sử’
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A,
nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự
giải thể) bình luận với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng:
“Tất cả các chính quyền cộng sản đều là bậc thầy về
tuyên truyền và sự tuyên truyền của họ rất tinh vi và có hiệu quả không thể tưởng
tượng nổi. Những người mà không để ý nghĩ rằng sự tuyên truyền là một từ thường
được dùng theo nghĩa ‘xấu’ ở phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, ‘tuyên truyền’ là một
từ rất được coi trọng, người ta nói liên tục, hàng ngày trên báo chí và đó là một
kỹ thuật, một biện pháp mà các đảng Cộng sản coi là rất quan trọng. Không chỉ
những người cộng sản, mà cả những người tiếp thu những chính quyền như vậy, tôi
nói ví dụ như chính quyền Putin ở Nga, họ có biệt tài, là bậc thầy về việc
tuyên truyền. Nói chung, ở thế giới văn minh, người ta không để ý chuyện ấy.
Tôi có thể nói rằng… những biện pháp tuyên truyền của họ rất có hiệu quả và
ngày 01/8, họ kỷ niệm 93 năm ngành tuyên truyền của họ, để thấy rằng nó có một
bề dày lịch sử rất lâu đời, trở thành một truyền thống và tôi phải nói rằng nó
có ảnh hưởng tác động hết sức sâu sắc đến đời sống của người dân ở Việt Nam và ảnh
hưởng đến sự phát triển của Việt Nam”.
https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif
Gọi ngành tuyên truyền dưới các chính quyền cộng
sản là một dạng ‘cảnh sát tư tưởng’, liên hệ với thực tế hoạt động của ngành
này ở Việt Nam, nhất là giai đoạn gần đây và hiện nay, ông Nguyễn Quang A nói:
“Ít nhất khoảng một chục năm nay, tôi gọi họ là ‘cảnh
sát tư tưởng’ và cảnh sát tư tưởng còn nguy hiểm hơn cảnh sát bình thường. Bởi
vì cảnh sát bình thường, chí ít còn giữ được trật tự, an ninh của người dân, tức
là chống trộm cướp, làm cho người dân được sống yên bình chẳng hạn, nhưng cảnh
sát tư tưởng chỉ giám sát tư tưởng của người ta mà thôi, bằng cách uốn nắn tư
tưởng của người ta, dụ dỗ, làm cho người ta tin, hay như tôi vẫn nói một câu mà
họ rất ghét, tức là ‘nhồi sọ’ hay là ‘tẩy não’. Và như người ta nói ‘tẩy được
não của con người, thì con người trở thành nô lệ’. Cho nên, ‘cảnh sát tư tưởng’
là cảnh sát nguy hiểm nhất với đất nước và dân tộc.
Tôi nghĩ không phải chỉ tuyên giáo của Việt Nam, mà
tuyên giáo của tất cả các chế độ Cộng sản chỉ khác nhau ở mức độ thôi, điều mà
gọi là sự đe dọa không phải là cái chính, cái chính là tìm cách thuyết phục để
cho người tin vào cách suy nghĩ của họ, khiến cho tất cả mọi người nghĩ theo
cách của họ. Về mặt tâm lý và giáo dục, đó là một chuyện rất cao siêu, chứ
không phải là tầm thường. Còn việc đe dọa, trấn áp thì thực sự cũng là một biện
pháp, nhưng biện pháp ấy không phải là biện pháp chính, tuy rằng trong những
năm gần đây chúng ta thấy nó nổi trội lên. Mà thực sự không chỉ nổi trội lên mấy
năm gần đây, chúng ta chỉ cần suy nghĩ lại, vụ ‘Nhân văn – Giai phẩm’ chẳng hạn,
nó cũng là sáu, bảy chục năm rồi, chứ không phải là mới lắm đâu.”
Bộ máy kiểm soát và viễn kiến tương lai?
Liên hệ với thực tế hôm nay ở Việt Nam, vẫn từ
góc nhìn theo quan điểm riêng này, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Còn bây giờ trong Luật Hình sự của Việt Nam như là
Điều 117, 335, đấy thực sự là những điều đánh vào tư tưởng, người ta xem là ông
suy nghĩ thế nào, suy nghĩ của ông không giống chúng tôi thì chúng tôi trừng trị…
Cái đó cho thấy cả một hệ thống được phân công, phân nhiệm và vận hành một cách
nhịp nhàng để kiểm soát tư tưởng.
Kiểm soát tư tưởng một mặt là ‘nhồi sọ’, một mặt là
‘tẩy não’, một mặt là ‘thuyết phục’, và một mặt rất quan trọng của họ là ‘đánh
lộn’ khái niệm. Tức là cùng một từ như thế này, xin ví dụ như là ‘dân chủ’, hay
‘tự do’, cả thế giới người ta hiểu theo một cách như thế này, nhưng còn ở các
nước độc tài, họ cũng dùng những từ như vậy, song với hàm ý hoàn toàn khác và
nhiều khi làm cho người dân lẫn lộn. Đấy là một cách mà tôi không lấy gì làm lạ,
khi họ phối hợp tất cả các cơ quan (tuyên giáo, lực lượng vũ trang, tư pháp, mặt
trận, ủy ban dân tộc, tôn giáo v.v…) của chế độ, để thực hiện những biện pháp
hay đường lối về tuyên truyền.”
Về viễn kiến tương lai của ngành tuyên giáo của
ĐCSVN, các nhà quan sát, bình luận thời sự, chính trị Việt Nam trong dịp này
chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình:
“Tôi nghĩ về tương lai của ngành tuyên truyền của Việt
Nam, vì đây là một ngành cảnh sát tư tưởng, một ngành vô cùng quan trọng đối với
chế độ và đối với hệ thống, cho nên nó sẽ vẫn được trọng dụng, được hết sức
nâng đỡ. Tôi thấy rất đáng buồn để nói là nếu người dân chúng ta (Việt Nam) mà
không tỉnh táo, thì rất có thể số đông người dân vẫn tin vào đó.”
Từ ĐHQG Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh
nói:
“Còn tôi nghĩ rằng nếu ngành tuyên
giáo tiếp tục làm việc như việc đang làm, thì ngành này sẽ ngày một xa rời thực
trạng của xã hội Việt Nam. Đầu tiên là về mặt lý luận, tôi chưa được đọc một
bài nào của các lý luận gia Marxism ở Việt Nam, nói về định hướng xã hội chủ
nghĩa cho nền kinh tế thị trường, cái mà ngành tuyên giáo muốn ‘đi trước, đón đầu’,
muốn tìm ra, muốn đi trước về mặt lý luận. Có thể là có mà tôi chưa được đọc
chăng, nhưng những gì tôi được đọc, chưa có một tác giả, bài viết nào mà thuyết
phục tôi về tính khả thi của việc định hướng cho nền kinh tế thị trường Việt
Nam theo CNXH cả. Một nền kinh tế tự do, cạnh tranh với nhau, mà lại bị định hướng
bởi một đảng cầm quyền, bởi các nguồn thông tin nằm trong tay của một cơ quan
tuyên huấn, tuyên giáo và báo chí truyền thông, thì điều đó thật là khó cho cả
hai, tức là cho nền kinh tế đó và cho chính thể chế hiện giờ.”
Còn từ CHLB Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo
nêu quan điểm:
“Tuyên giáo sẽ còn mãi dưới những chế độ độc tài, đặc
biệt là chế độ độc tài cộng sản, cho nên nếu 100 năm mà ĐCSVN vẫn còn, vẫn độc
tài như một chính đảng duy nhất cầm quyền như thế, thì ngành tuyên giáo còn ‘rực
rỡ’ ở chỗ là họ sẽ còn rất nhiều quyền lực, quyền lực công khai, quyền lực ngầm,
và họ sẽ được hưởng rất nhiều lợi lộc. Nhưng mà ngành tuyên giáo sẽ không còn nữa,
tất cả sẽ bị hủy bỏ, không còn vai trò, không còn tên của họ nữa, dưới một chế
độ, một xã hội mà có dân chủ, thực sự có dân chủ đa nguyên.”
No comments:
Post a Comment