Trung
Quốc đã trở thành cường quốc khoa học và công nghệ như thế nào sau nhiều thập kỷ
“bắt chước”
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 18/08/2023 - 13:07
Từ lâu,
Trung Quốc được xem là một quốc gia chuyên đi “bắt chước”, “cài
gián điệp” để phát triển khoa học và công nghệ. Thế nhưng ngày
nay, Trung Quốc đã trở thành đối thủ của các cường quốc thế giới,
thậm chí còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực.
Một số khách tham quan, đứng gần màn hình hiển thị bản đồ điện tử của
Trung Quốc tại Hội chợ PT Expo, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/06/2023. AP
- Mark Schiefelbein
Chuyên gia về quan hệ quốc tế, giáo sư
Stéphane Aymard tại đại học La Rochelle của Pháp đã có bài phân tích về chủ đề
này, theo đó Trung Quốc không còn là một “lò sản xuất khoa học” chỉ
thiên về số lượng hơn là chất lượng. RFI xin giới thiệu.
Trong giai đoạn phát triển quan hệ kinh tế giữa
các nước phương Tây và Trung Quốc, sau khi Pháp công nhận Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa vào năm 1964, đến lượt Mỹ vào năm 1978, các thỏa thuận đầu tiên đã được
thực hiện dựa trên « đối tác chiến lược », với việc
triển khai các loại công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc.
Về phía Pháp, các dự án đường sắt hoặc hạt
nhân dân sự đã mở ra các hợp đồng quan trọng. Ví dụ rõ ràng nhất là nhà máy điện
hạt nhân Vịnh Đại Á - Daya Bay (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau đó, các hợp tác được
cân bằng hơn, với các hợp đồng bán và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng
không, đi kèm với các chuyển giao công nghệ. Theo thời gian, Trung Quốc đã
có được những tri thức và hiểu biết. Quốc gia này ngày càng ít
phụ thuộc vào công nghệ từ phương Tây và đã có thể tự phát triển công nghệ của
riêng mình.
Theo một báo cáo của Viện Chính sách Khoa học
Úc (Australian Sciences Policy Institute - ASPI), Trung Quốc hiện đang dẫn
đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, và đứng trước Hoa Kỳ 37 trong số 44 loại
công nghệ « quan trọng », mà ASPI đã xác định.
Các loại công nghệ như : liên lạc tần số vô tuyến 5G, 6G, hydrogen,
pin điện, vật liệu nano, siêu âm, lớp phủ tiên tiến…Trong số đó, có 8 công nghệ
mà Trung Quốc có khả năng độc quyền rất cao.
Ngay cả khi nghiên cứu này được dựa trên các cải
tiến về công nghệ và không phải về thương mại hóa các công nghệ đó, thì rõ ràng
là các chuyển giao công nghệ từ những thập kỷ trước đã cho phép Trung Quốc gặt
hái được thành quả.
Điều này đã khiến các doanh nghiệp phương Tây
bị thụt lùi trên thị trường quốc tế, trong các lĩnh vực điển hình như điện gió,
đường sắt hay hàng không. Sau khi thực hiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc,
các doanh nghiệp phương Tây trong các lĩnh vực này đã bị cạnh tranh mạnh, thậm
chí là bị các công ty Trung Quốc vượt mặt.
Cuộc đua bằng sáng chế
Tại các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng
của Trung Quốc rất ngoạn mục. Ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực xe
ô tô điện mà Trung Quốc chiếm tới 60 % thị trường thế giới vào năm 2022. Nhìn
chung, về đổi mới và công nghệ mới nổi, việc phân tích các hồ sơ xin cấp bằng
sáng chế cho phép có cái nhìn tổng quan. Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Thế
giới, World Property Office (WIPO), trực thuộc Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc
đã vượt xa và dẫn trước các nước khác từ lâu về số lượng hồ sơ xin cấp bằng
sáng chế.
Trung Quốc tập trung trên hết vào các lĩnh vực
công nghệ thông tin, viễn thông và điện tử. Ngày nay, tập đoàn Hoa Vi (Huawei),
là tập đoàn đứng đầu thế giới về đăng ký sáng chế, trước cả
Samsung.
Để đánh giá các chỉ số nói trên, tổ chức WIPO
cũng đã công bố “Global Innovation Index”, dựa trên 80 thông số, bao gồm
môi trường chính trị, quy định, đào tạo, cơ sở hạ tầng, cũng như thị trường tài
chính…, thêm vào đó là các cải tiến theo đúng nghĩa. Trung Quốc đã lên đến vị
trí thứ 11 và tiến bộ qua từng năm, cùng với các kết quả đáng chú ý đối với các
tiêu chí chủ chốt : đứng đầu trong bảng xếp hạng PISA - so sánh
chất lượng của hệ thống giáo dục, đứng thứ hai về số lượng cụm công nghệ, đứng
thứ ba về chi tiêu trong nghiên cứu và phát triển (R&D), được
tài trợ bởi các doanh nghiệp.
Tạp chí Nature đã đăng một chỉ số gồm các dữ
liệu từ 82 tạp chí khoa học lớn nhất thế giới. Chỉ số này cho phép đánh
giá các cơ quan nghiên cứu trên quy mô toàn cầu. Viện Hàn Lâm Khoa Học
Trung Quốc (CSA) dẫn đầu bảng xếp hạng, đứng trước Harvard, Max
Planck Society và CNRS của Pháp. Với hơn 60 000 nhà nghiên cứu, tổ chức
này lớn gấp đôi so với CNRS, vốn từ lâu là tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Chi tiêu dành cho khoa học và công nghệ lên đến
5 tỷ đôla, (trong khi CNRS dành 4 tỷ đôla). Viện Hàn Lâm
Khoa Học Trung Quốc có các hạ tầng nghiên cứu, nằm trong
số các tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Ấn phẩm khoa học áp đảo về số lượng và chất lượng
Về cấp độ cá nhân, nghĩa là ở cấp các nhà
nghiên cứu, Trung Quốc từ lâu đã chú trọng đến việc tuyển dụng những người giỏi
nhất thế giới, trước khi dần dần cho phép một thế hệ mới tỏa sáng trên trường
quốc tế. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng có vị trí tốt hơn
trong các bảng xếp hạng quốc tế. Để tránh gặp phải những khó khăn liên quan đến
việc phân tích « một lò sản xuất khoa học » đại
trà, chất lượng thấp, các tiêu chí đánh giá mới đã được sử dụng, như là số lần
trích dẫn trong các nghiên cứu khoa học đã được
đăng.
Trong số các chỉ số mới, AD Scientific Index
(Alper-Doger Scientific Index) là được chú ý nhiều nhất. Chỉ số này dựa vào 9
thông số, giữa những lần đăng và lần được trích dẫn lại. Theo
chỉ số này, trong bảng xếp hạng toàn cầu vào năm 2023, có 304 nhà khoa học
Trung Quốc đứng trong top 10 000, 1982 nhà khoa học trop top 50 000
và 4178 trong top 100 000.
Để so sánh, số các nhà khoa học Pháp chỉ bằng
một nửa, ít hơn nhiều so với các nhà khoa học Trung Quốc.
Với bảng xếp hạng này, vị trí dẫn đầu
của Hoa Kỳ vẫn không bị đe dọa, nhưng Trung Quốc hiện, về mặt số lượng,
như là một cường quốc khoa học, đi trước phần lớn các cường quốc phương
Tây.
Ở cấp độ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu
cao cấp, các bảng xếp hạng quốc tế cũng chỉ ra sự hiện diện lớn của Trung Quốc.
Ví dụ, 16 cơ sở của Trung Quốc nằm trong số 25 cơ sở đứng đầu theo bảng xếp hạng
Leiden, đánh giá các trường đại học theo tiêu chí số lượng (tổng số bài đăng
khoa học) và chất lượng (chỉ tính đến các ấn phẩm thuộc nhóm 10 % được
đánh giá cao nhất).
Nhìn chung, Trung Quốc ngày nay giống như là một
quốc gia có khả năng của riêng mình về nghiên cứu và cải tiến, cạnh tranh với
các nước lớn nhất trên thế giới, thậm chí vượt trước họ.
Nghi vấn gián điệp ?
Từ nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây nghi
ngờ Trung Quốc có gián điệp trên quy mô lớn, trong lĩnh vực quân sự cũng như
trong các lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ và công nghiệp. Các tác giả của
cuốn “Chinese industrial espionage : technology acquisition and
military modernisation” , 2013, phân tích các phương tiện
thu thập thông tin khoa học, nhất là từ chuyển giao công nghệ
thông qua con đường ngoại giao, các doanh nghiệp Trung-Mỹ, hoặc
Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng như cộng đồng Hoa kiều, gồm các nhà khoa học
và các doanh nhân sáng tạo hoạt động ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Việc thu hút các nhà khoa học phương Tây đến
Trung Quốc và sự dịch chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sang
Trung Quốc góp phần vào hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Tương tự như việc
huy động các sinh viên Trung Quốc đạt được kiến thức tại các trường đại học
phương Tây.
Các vụ kiện về “gián điệp mạng” gia
tăng ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như là vụ kiện liên quan đến việc ăn cắp bằng
sáng chế của doanh nghiệp công nghệ cao American Superconductor.
Tại Pháp cũng vậy, một số vụ đã thu hút sự chú ý, như trường hợp của sinh viên
Li Li Whuang, bị bắt vì làm gián điệp công nghiệp vào năm 2005 sau khi thực tập
lại Valeo.
Nhiều nghi vấn khác cũng được tiết lộ vào năm
2019 trong cuốn “France-Chine, Les liaisons dangereuses –
Pháp-Trung Quốc, những đường dây liên lạc nguy hiểm ”, của
Antoine Izambard.
Thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ
Các trường hợp này cho thấy sự tiến bộ của
Trung Quốc, ngay cả khi có được vị trí thống trị, cũng không ngăn cản
được một cuộc cạnh tranh khốc liệt, đi kèm với các hoạt động
gián điệp. Điều này có thể thấy rõ hơn trong giới kinh doanh, khi doanh nghiệp
thống lĩnh thị trường tiếp tục theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các
đối thủ cạnh tranh.
Đối mặt với các hoạt động gián điệp như vậy,
chủ nghĩa bảo hộ trở nên mạnh mẽ hơn. Tại Pháp, Cơ quan Thanh tra Tài
chính (l’Inspection générale des finances-IGF), đã đăng một báo cáo
vào năm 2022 về những thách thức trong việc bảo vệ kiến thức và kỹ năng trong
lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Thượng Viện Pháp cũng đã
công bố một báo cáo vào năm 2021, với tựa đề : Cần bảo vệ tốt
hơn di sản khoa học và những tự do học thuật của Pháp. Những nỗ lực có thể là
chưa đủ hoặc muộn màng.
---------------------
Các nội dung liên quan
Lần
đầu tiên Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc gián điệp mạng
No comments:
Post a Comment