NỘI DUNG :
BRICS
khai mạc thượng đỉnh ở Nam Phi với tham vọng lập một trật tự thế giới mới
Minh
Anh - RFI
Tham
vọng mở rộng BRICS bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ khối
Chi Phương - RFI
Thượng
đỉnh BRICS : Manh nha một trật tự thế giới mới phi Phương Tây
Anh Vũ | Thanh Hiếu
- RFI
=====================================================
.
BRICS
khai mạc thượng đỉnh ở Nam Phi với tham vọng lập một trật tự thế giới mới
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 22/08/2023 - 13:04
Hôm nay,
22/08/2023, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - năm nước thành viên của
nhóm BRICS họp thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi. Đây là cuộc họp
đầu tiên của nhóm kể từ sau đại dịch Covid-19.
Chân dung nguyên thủ các quốc gia thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ,
Trung Quốc, Nam Phi). © Screengrab Brics website
Kỳ họp thượng đỉnh năm
nay còn có sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ đến từ 40 quốc gia,
chia sẻ cùng mối bận tâm với 5 nước nhóm BRICS, khi kêu gọi tái cân bằng chính
trị và kinh tế trước một trật tự quốc tế mà họ đánh giá là do phương Tây thống
trị.
Đặc phái viên đài RFI, Nicolas Falez, từ
Johannesburg tóm tắt các mục tiêu của lãnh đạo năm nước thành viên nhóm BRICS
trong kỳ thượng đỉnh 2023 :
Thông qua nhóm BRICS, Trung Quốc khẳng định tầm ảnh
hưởng trong cuộc cạnh tranh căng thẳng với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phô
trương các mối liên hệ của ông với các đối tác trong nhóm BRICS cũng như là với
hàng chục nước khác, những nước mong muốn được gia nhập nhóm.
Với Nga, ngoài việc tìm kiếm nguồn hậu thuẫn, nước
này muốn chứng tỏ rằng họ không bị cô lập bởi vì không nước nào trong nhóm
BRICS lên án cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraina. Nhưng thượng đỉnh năm nay
diễn ra không có sự hiện diện của Vladimir Putin vì ông là đối tượng truy nã của
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Về phần Ấn Độ, cuộc họp thượng đỉnh năm nay là một
minh họa rõ nét cho chính sách "đa liên kết" của mình. Thủ tướng Modi
đã siết chặt hơn nữa các mối quan hệ với Mỹ và với Pháp qua các chuyến công du
gần đây, và bây giờ lần này, tại Johannesburg, minh họa cho điều mà người ta gọi
là phương Nam toàn cầu.
Tiếp đến là Nam Phi, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh.
Tổng thống Ramaphosa đã muốn biến cuộc họp này thành một điểm hẹn cho toàn châu
lục khi mời hàng chục nước châu Phi.
Cuối cùng, Brazil hy vọng thấy hình thành đồng tiền
của nhóm BRICS, có thể giúp các nước mới trỗi dậy bỏ qua được đồng đô la. Tổng
thống Brazil Lula còn vận động cho một cuộc cải cách Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp
Quốc.
----------------------------
Các nội dung liên quan
Thượng
đỉnh BRICS lần thứ 15 : Một kỳ họp khiến phương Tây lo lắng
Nam
Phi tổ chức thượng đỉnh BRICS, bất chấp lệnh của Tòa CPI truy nã tổng thống Nga
Trước
thềm thượng đỉnh BRICS, tổng thống Nam Phi xác định chiến lược đối ngoại
.
.
====================================================
.
Tham
vọng mở rộng BRICS bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ khối
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 22/08/2023 - 13:32
Dưới sự
thúc đẩy của Trung Quốc, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)
mong muốn mở rộng, thu nạp thêm các nước từ nam bán cầu để có thêm sức mạnh, chống
lại phương Tây. Câu trả lời sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở
Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 đến 24/08.
https://s.rfi.fr/media/display/e18dcfda-3566-11ee-a927-005056a90321/w:980/p:16x9/brics-2.webp
Ảnh minh họa
khối BRICS. © Radio Algérienne
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng
này lại bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ BRICS. RFI xin giới thiệu bài phân
tích trên The Economist đăng ngày
18/08/2023.
1/ BRICS được thành lập như thế nào ?
Vào năm 2001, ngân hàng Goldman Sachs đã
đề cập đến từ viết tắt BRIC trong một bài đăng, ám chỉ đến tiềm năng kinh tế của
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Bốn quốc gia đã thực hiện ý tưởng này với hội
nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2009. Một năm sau đó, Nam Phi đã
được mời tham gia. Lúc đó, một số nhà phân tích lo ngại rằng BRICS có thể sớm cạnh
tranh với khối G7. Tuy nhiên, trên thực tế, khối này đã nhanh chóng mất đà,
BRICS đưa ra những thông cáo chống lại phương Tây, nhưng bị phương Tây phớt lờ.
Hội nghị lần thứ 15 của BRICS khai mạc ngày
22/08/2023 tại Johannesburg, Nam Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp
đón thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Brazil và chủ tịch Trung Quốc, riêng tổng thống
Nga Vladimir Putin không đến tham dự, (vì Nam Phi là thành viên của Toà án Hình
sự Quốc tế, có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ của toà án đối với ông
Putin).
2/ Vai trò của BRICS là gì ?
Khối BRICS tồn tại nhằm phục vụ một số chức
năng, đầu tiên là nơi để các thành viên chỉ trích các tổ chức như Ngân Hàng
Thế Giới IMF, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và thường là có lý
do. Tại hội nghị các ngoại trưởng hồi tháng Sáu ở Cape Town, ngoại trưởng Ấn Độ
Jaishankar đã đề cập đến “sự tập trung quyền lực kinh tế khiến nhiều nước
phải chịu sự chi phối của một vài quốc gia.”
BRICS cũng có thể là “nguồn uy tín”, đặc
biệt là đối với các thành viên gặp khó khăn, bị cô lập. Cựu tổng thống Brazil
Jair Bolsonaro đã quay sang BRICS khi đồng minh của ông là Donald Trump phải rời
Nhà Trắng. Hiện Nga đang cần BRICS hơn bao giờ hết. Tại các cuộc họp ngoại trưởng, phóng viên đã cố
hỏi đại sứ Nga tại Nam Phi về mục đích của khối đối với Nga, ông càu nhàu trả lời “để
kết bạn nhiều hơn”.
3/ Tại sao Trung Quốc lại muốn kết nạp thêm thành
viên mới ?
Tại hội nghị Johannesburg, một trong những chủ
đề thảo luận chính mà Bắc Kinh khởi xướng, là xem xét có nên mở rộng và làm sâu
sắc quan hệ giữa các nước trong khối hay không. Bắc Kinh muốn kết nạp thêm nhiều
quốc gia từ nam bán cầu, vì việc Mỹ tập hợp các đồng minh đã thúc đẩy Trung Quốc
phản ứng tương tự, thông qua BRICS. Nếu nhìn từ phía Trung Quốc thì không có khối
nào có thể đối trọng với G7. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải “quá là
Á-Âu”. G20 thì bị các nước thành viên phương Tây chi phối. Một quan chức
Trung Quốc đã so sánh mong muốn của Bắc Kinh về một “đại gia đình
BRICS” với “một nhóm nhỏ ” các nước phương
Tây.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có ý định
này, trước đó Trung Quốc đã thành công kết nạp Nam Phi. Kể từ đó, Trung Quốc đã
nhiều lần nêu ý tưởng bổ sung thành viên, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược
Ukraina. Mặc dù các nước trong khối cho rằng các quyết định dựa trên sự đồng
thuận, nhưng vai trò của Trung Quốc khó có thể bỏ qua. Vào năm 2022, Trung Quốc
chiếm 69% tổng xuất nhập khẩu của các nước thành
viên.
4/ Những nước nào có thể gia nhập BRICS ?
BRICS cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan
tâm hoặc đăng ký muốn tham gia vào khối nhưng vẫn chưa công bố danh sách ứng
viên chính thức. Tuy nhiên, The Economist đã dự đoán 18 quốc gia có thể là ứng
viên. Đó là những nước ngày càng có lập trường chính trị quyết đoán hơn, như Ả
Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Tham gia vào BRICS giúp các
nước này điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ vốn là đồng minh lâu năm, và xích lại gần
Trung Quốc hơn. Bangladesh và Indonesia, giống như Ấn Độ, những nền dân chủ
đông dân, đã tuyên bố là “không liên kết” với nước nào, như vậy
hai nước này có thể muốn được bảo vệ trước các chỉ trích từ phương Tây trong hồ
sơ nhân quyền. Achentina, Ethiopia, Mehicô và Nigeria đều nằm trong số những quốc
gia lớn nhất trên lục địa của họ.
Nếu cả 18 quốc gia đều được kếp nạp vào BRICS
thì sẽ rất khó tìm ra một từ viết tắt mới đại diện cho khối. Điều này sẽ làm
tăng dân số của BRICS từ 3,2 tỷ (41 % dân số thế giới), lên thành 4,6 tỷ (58%),
so với 10 % dân số thế giới của G7. Tỷ lệ GDP của các nước trong khối “đại
BRICS” sẽ chiếm tới 34% tổng GDP toàn cầu, vẫn đứng sau G7, nhưng gấp đôi
Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là “sinh mệnh, linh hồn và ví
tiền” của khối, chiếm 55% tổng GDP của 23 quốc gia (trong khi Mỹ chiếm 58% của
G7).
5/ Muốn kết nạp thêm thành viên mới, nhưng BRICS lại
bốc lộ những điểm yếu, bất đồng trong nội bộ khối ?
Trong nội bộ khối đang có nhiều điểm khác biệt,
thậm chí là căng thẳng, chia rẽ. Các nước thành viên không đồng nhất như G7, mà
có nhiều khác biệt về chính trị, kinh tế và quân sự. BRICS không có điều lệ hay
tiêu chí chính thức nào để kết nạp thành viên.
Trước tiên là sự khác biệt về kinh tế. GDP
bình quân đầu người của nước thành viên nghèo nhất, Ấn Độ, chỉ bằng một phần
năm của Trung Quốc và Nga. Brazil là một trong những nhà xuất khẩu dầu lửa ròng
(net), Nga là thành viên quan trọng của OPEC+, ba nước còn lại phụ thuộc vào nhập
khẩu. Trung Quốc tích cực quản lý tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ, bốn nước còn
lại ít can thiệp hơn. Tổng thống Nga từng tuyên bố nghiên cứu về đồng tiền dự
trữ chung của khối cách nay một năm nhưng đồng tiền này sẽ sụp đổ ngay nếu được
lưu hành vì không thành viên nào chịu từ bỏ quyền lực mà Ngân Hàng Trung Ương của
nước họ nắm giữ.
Ngân hàng Phát triển mới (NDB), được ví như
Ngân Hàng Thế Giới thu nhỏ, thì lại có khởi đầu khá chậm chạp, tổng số tiền cho
vay từ năm 2015, chỉ bằng 1/3 số tiền mà Ngân Hàng Thế Giới cam kết cho vay chỉ
riêng trong năm 2021. NDB chủ yếu cho vay bằng đô la Mỹ hoặc euro, trên thực tế
đã làm suy yếu các tuyên bố của các thành viên : muốn làm giảm sức mạnh của đồng
đô la.
6/
Sự khác biệt về chính trị của các nước thành viên phải chăng cũng là những bất
cập khiến BRICS khó có thể vững mạnh ?
Theo The Economist, các nước thành
viên cũng có khác biệt về mặt chính trị. Nga và Trung Quốc là những chế độ
chuyên quyền coi thường các quyền tự do. Ngược lại, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là
những nền dân chủ “ồn ào”, và có thể còn thiếu sót. Các nước
dân chủ muốn tiếp tục là các nước “dao động”, quan tâm đến
chính sách đối ngoại “không liên kết”, hơn là các nước chuyên
quyền như Nga và Trung Quốc.
Ví dụ như Nam Phi, nước này đã tập trận chung
cùng Nga và Trung Quốc nhân kỷ niệm 1 năm chiến tranh Ukraina khiến phương Tây
phẫn nộ, nhưng Nam Phi vẫn thận trọng với phương Tây, thường tổ chức thao dượt
với các nước NATO. Brazil duy trì nhiệt tình với BRICS nhưng vẫn muốn quan hệ tốt
đẹp với phương Tây qua nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào. Ấn Độ vẫn
mua vũ khí từ Nga nhưng đa dạng hoá quan hệ quân sự, mua vũ khí cả từ Mỹ và
Pháp.
Chiến tranh Ukraina cũng đã tạo ra những rạn nứt
về ngoại giao, khi Nga xâm lược Ukraina. Trong khi đó, BRICS lại thường nhấn mạnh
đến việc tôn trọng chủ quyền, để đối lập với một phương Tây thường can thiệp
vào chủ quyền của nước khác. Ba nước dân chủ cũng phải quan tâm đến dư luận, vì
theo theo thăm dò, đa phần người dân không có thiện cảm với Trung Quốc.
Ngoài ra còn có những bất đồng quan điểm về việc
mở rộng BRICS. Trung Quốc cảm thấy mạnh lên nếu BRICS được mở rộng, nhưng các
nước khác thì lại thấy bị suy yếu đi. Nếu ngoại trưởng Brazil nhấn mạnh đến sự
cần thiết phải bảo vệ “thương hiệu” BRICS, thì Nam Phi muốn là
quốc gia thành viên duy nhất từ châu Phi.
Ấn Độ thì coi các nước ứng viên gia nhập vào
khối như Cuba và Belarus là nước Nga thu nhỏ, lặp lại quan điểm của Trung Quốc.
Bởi vì New Delhi coi mình là đối thủ của Bắc Kinh cho vị trí lãnh đạo nam bán cầu.
Ấn Độ không muốn đứng sau Trung Quốc để lôi kéo các nước đang phát triển, nhưng
đồng thời cũng không muốn là kẻ phá hoại. Ấn Độ cũng muốn giữ quan hệ tốt đẹp với
Trung Quốc về các liên kết kinh tế cũng như đường biên giới chung dài giữa hai
nước. Do vậy, New Delhi sẽ thận trọng, thảo luận về tiêu chí kết nạp thành viên
mới thay vì đơn giản là phát đồ uống chào mừng gia nhập.
-------------------------------
Các nội dung liên quan
Thượng
đỉnh BRICS lần thứ 15 : Một kỳ họp khiến phương Tây lo lắng
Trước
thềm thượng đỉnh BRICS, tổng thống Nam Phi xác định chiến lược đối ngoại
Tổng
thống Pháp Macron không được mời dự thượng đỉnh BRICS
.
.
========================================================
.
Thượng
đỉnh BRICS : Manh nha một trật tự thế giới mới phi phương Tây
Anh
Vũ | Thanh Hiếu -
RFI
Đăng ngày: 22/08/2023 - 16:46
Hội nghị
thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới trỗi dậy BRICS, mở ra tại Johanesburg, Nam
Phi từ ngày thứ 22 đến 24/08/2023 là sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm
đặc biệt, trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều biến động.
Thượng đỉnh BRICS được các báo Pháp ra hôm nay dành nhiều bài khai thác ở các
góc độ khác nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Nam Phi Cyril
Ramaphosa trong lễ khai mạc thượng đỉnh BRICS, Pretoria, Nam Phi, ngày
22/08/2023. REUTERS - ALET PRETORIUS
Nếu như nhật báo Le Figaro tập trung vào khía
cạnh Trung Quốc và Nga muốn biến BRICS thành một mặt trận chống phương Tây thì
Les Echos quan tâm đến việc mở rộng của nhóm nước hiện vẫn chỉ có 5 thành viên
chính thức :Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. La Croix cũng
như Le Monde nhìn vào một hồ sơ chính của thượng đỉnh là tìm cách hạn chế
sử dụng cũng như sự chi phối của đồng đô la Mỹ.
Trang quốc tế của Le Figaro có
bài : « Nga và Trung Quốc muốn nâng tầm BRICS đối chọi với
phương Tây ». Tờ báo nhận thấy tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg, Bắc
Kinh và Matxcơva đang tìm cách khai thác nỗi bất bình của các nước Nam bán cầu
để tính toán cho ý đồ riêng của họ. Theo Le Figaro, Nga -Trung đang đoàn kết
trong cuộc đối đầu kịch liệt với phương Tây, lần này đều quyết tâm tạo dựng
tại BRICS hình hài của một không gian địa chính trị chống phương Tây. Cuộc chiến
tranh tại Ukraina và sự gia tăng đối đầu càng khiến hai nước mong muốn tìm kiếm
các đồng minh ở những nước « Nam bán cầu », để tạo cảm giác họ cũng
có thể gây dựng được một mặt trận cô lập phương Tây.
Tờ báo nhận xét : « Sự hiện diện
của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị, cũng như của thủ tướng Ấn Độ,
Narendra Modi, và tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, minh chứng cho
tầm quan trọng của sự kiện này. Ông Putin, do bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy
nã, đành hài lòng tham gia cuộc họp qua video. Tuy nhiên, tổng thống Nga coi
đây là cơ hội để đánh bóng lại hình ảnh quốc tế của mình », để chứng tỏ
Nga đứng về những nước đại diện cho tương lai thế giới, đồng thời để mô tả
phương Tây là một thế giới đang suy sụp.
Tuy nhiên theo tờ báo, mong muốn của Matxcơva
và Bắc Kinh không phải dễ dàng thực hiện được. Bởi vì dù năm quốc gia chủ chốt
BRICS đều có cùng khát vọng thay đổi một trật tự thế giới đang ở dưới sự thống
trị của phương Tây, thì cách tiếp cận của họ rất khác nhau.
Tờ báo phân tích : Cả Ấn Độ, Nam Phi và
Brazil đều không muốn đối đầu trực tiếp Mỹ và châu Âu, ngay cả khi mối bất bình
của họ rất mạnh mẽ. Tờ báo trích dẫn tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết:
“Chúng tôi sẽ không cho phép mình bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường
quốc thế giới, đất nước chúng tôi cam kết thực hiện chính sách không liên kết”.
Một yếu tố gây tê liệt
quan trọng khác là Ấn Độ và Trung Quốc là những đối thủ địa chính trị lớn của
nhau. Ấn Độ thực hiện chính sách đa phương,
đa dạng, phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các nước châu Âu để chống lại
ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Le Figaro cho thấy mục tiêu BRICS đặt ra ở thượng
đỉnh Johannesburg này rất nhiều tham vọng. Mặc dù nhiều bất định, tổ chức chiếm
40% dân số và một phần tư của cải thế giới này đang thu hút nhiều sự quan tâm về
chính trị, kinh tế. Bằng chứng là năm chục nước đã cử đại diện tham dự thượng đỉnh
và gần 40 quốc gia đã thông báo muốn gia nhập BRICS, trong đó 23 nước đã chính
thức nộp đơn.
Tờ báo kết luận, « cơn sốt BRICS đang có
đó, Nga và Trung Quốc đã thành công, mặc dù kết quả khá mơ hồ, trong việc biến
tổ chức thành cờ hiệu mang tính ý thức hệ cho một thế giới mới, phi phương Tây
hóa. »
Bắt đầu từ phi đô la Mỹ
Một trong những chủ đề được báo chí nói nhiều
đến tại thượng đỉnh Johannesburg là tham vọng « lật đổ », nếu có
thể, hay hạn chế sự thống trị của đồng đô la Mỹ và hệ thống trừng phạt của
phương Tây, bằng cách đẩy mạnh trao đổi buôn bán bằng các đồng tiền riêng của
các nước.
Về chủ đề này, nhật báo Công Giáo La Croix chạy
tựa chính trang nhất « BRICS, một liên minh chống đồng đô la ». Mục
đích là nhằm lập lại trật tự kinh tế quốc tế mới, chống lại sự thống trị của đồng
tiền Mỹ.
Theo La Croix, chiến lược phi đô la trong giao
dịch buôn bán quốc tế không phải là mới. Ý tưởng này đã xuất hiện từ những năm
1970 khi thế giới nổ ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ hay khủng hoảng tài chính năm
2008. Ở vào những thời điểm đó sự hạn chế của hệ thống kinh tế dựa trên tờ bạc
xanh của Mỹ đã lộ rõ.
Tại sao lại có mong muốn
cải tổ hệ thống tài chính quốc tế như vậy? Trước hết vì lý do độc lập về kinh tế.
Vì đồng đô la là đồng tiền dự trữ chính của các ngân hàng trung ương trên thế
giới nên chính sách tiền tệ do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thực hiện sẽ gây ra
hệ quả cho toàn thế giới. Sau đó vì lý do địa chính trị. Bởi vì Hoa Kỳ đang
ngày càng sử dụng sức mạnh vô đối của đồng đô la làm vũ khí. Nó đã trở thành một
công cụ cho hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với các nước thứ ba.
Việc sử dụng đồng đô la làm vũ khí đã gia tăng
đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina vào tháng 2 năm 2022, khi các nước
G7 áp dụng chương trình trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Vào đầu năm 2023,
Nga, hơn 70 chương trình trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến 10.000 người và công
ty trên toàn thế giới. Điều này chỉ thúc đẩy các chủ trương chống đồng đô la của
các cường quốc mới trỗi dậy, để tìm cách tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng
phạt.
Tờ báo cho hay, đầu năm nay, Trung Quốc và
Brazil, rồi Ấn Độ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã lần lượt ký các thỏa
thuận trao đổi thương mại song phương bằng các đồng nội tệ của họ.
La Croix kết luận : « Về cơ
bản, kêu gọi phi đô la hóa của BRICS trước hết nhằm đề xuất thoát khỏi mô hình
phương Tây. Chiến lược này chủ yếu nhằm khẳng định tham vọng địa chính trị, xa
hơn các vấn đề kinh tế. »
Cũng trong hồ sơ thượng đỉnh BRICS, nhật báo
La Croix có bài phỏng vấn giáo sư danh dự trường Khoa học Chính trị Paris
(Sciences Po) Bertran Badie nhận định, các nước BRIC đang tìm cách tạo các điều
kiện cho sự xuất hiện một trật tự quốc tế mà ở đó sự thống trị của phương Tây sẽ
không còn đóng vai trò trung tâm nữa.
Để đạt được mục tiêu đó, một trong những điều
kiện đó là nhóm nước này sẽ phải mở rộng các thành viên. Đây cũng là một
phần quan trọng của chương trình nghị sự tại thượng đỉnh lần này. Les Echos ghi
nhận qua bài viết : « Các nước BRICS định mở cửa cho các quốc
gia mới ». Trên thực tế, từ khi Nam Phi gia nhập năm 2010, BRICS chưa
đón nhận thêm thành viên mới nào, dù các nước dự các kỳ họp của nhóm vẫn tăng dần
đều. Theo tổng thống Nam Phi, tại thượng đỉnh lần này có hơn hai chục
nước nộp đơn chính thức xin gia nhập tổ chức. Các ứng viên thuộc các khu
vực địa lý rất đa dạng, từ châu Phi, Trung Đông , châu Á và châu Mỹ La tinh.
Chuyên gia Pryal Singh, thuộc viện nghiên cứu an ninh (ISS) được Les Echos
trích dẫn giải thích : « Từ khi Nga xâm lược Ukraina, tình
hình địa chính trị thế giới rất căng thẳng, khiến các nước Nam bán cầu rất lo lắng,
họ muốn phòng xa và họ chỉ có thể tìm được điều đó bằng cách hòa nhập vào một
nhóm nước có trọng lượng và ảnh hưởng trên thế giới ».
Liên quan đến thời sự châu Á, trang quốc tế báo
Le Monde có bài đáng chú ý mang tiêu đề : « Bắc Kinh tiếp tục quân
sự hóa các đảo trên Biển Đông ».
Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải, trở
lại các hành vi của Trung Quốc trong vùng Biển Đông để cho thấy nước này đang cố
gắng mở rộng kiểm soát vùng biển chiến lược này của Châu Á -Thái Bình Dương.
Theo le Monde, Trung Quốc đang cắm chân từng
bước trên Biển Đông. Theo các hình ảnh vệ tinh của công ty Mỹ Planet Labs, Bắc
Kinh đã bắt đầu xây dựng các hạ tầng cơ sở trên một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo
Hoàng Sa, (quần đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm từ 1974). Ngoài một nhà
máy xi măng, các hình ảnh cho thấy rõ giữa đảo là một đường băng. Theo Le
Monde, việc xây dựng và quân sự hóa đảo trên Biển Đông của Trung Quốc đã bị
phát hiện từ 2015 nhưng Bắc Kinh vẫn bí mật tiếp tục song song với các hành động
công khai. Gần đây nhất là các hoạt động xây dựng tương tự trên đảo Tri Tôn thuộc
quần đảo Trường Sa của Việt Nam được phát lộ từ năm 2020.
Bài viết ghi nhận, hiện tại
Việt Nam không có phản ứng chính thức nào trước các hành động xác quyết chủ quyền
kiểu như vậy của Trung Quốc tại Hoàng Sa hay Trường Sa. Hà Nội ở vào thế tế nhị,
dù rất tha thiết gắn bó với chủ quyền lãnh thổ đất nước nhưng tiềm lực quân sự
lại yếu kém hơn so với Bắc Kinh. Đặc biệt là kinh tế ngày càng bị lệ thuộc vào
Trung Quốc. Việt Nam buộc phải theo đuổi chính sách ngoại giao thăng bằng.
Tờ báo nhận thấy trong khi Mỹ thất bại trong
việc ngăn chặn hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, chiến lược cậy sức
mạnh của Bắc Kinh đã đẩy các quốc gia trong khu vực đến gần Washington hơn. Đó
là trường hợp của Philippines dưới thời tổng thống Marcos Jr và gần đây, Hàn Quốc,
Nhật Bản đã gác lại những khác biệt lịch sử để đến với nhau dưới sự bảo trợ của
Washington với hy vọng đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Theo báo chí Mỹ,
ông Joe Biden hôm 08/08 thông báo sẽ“sớm” đến thăm Việt Nam và hy vọng
nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược.
Các cường quốc chạy đua lên mặt trăng
Một thời sự khác cũng được báo Pháp quan tâm
nhiều. Đó là việc tàu thăm dò Luna-25 của Nga đã bị vỡ tan khi hạ xuống Mặt
trăng hôm Chủ nhật 20/08/2023, Đây là một thất bại lớn của Nga sau những nỗ
lực trở lại chinh phục Mặt trăng sau 47 năm vắng bóng.
Nhật báo Le Figaro nhân sự kiện này đề cập đến « Cuộc
chạy đua toàn cầu trong cuộc chinh phục Mặt trăng », tựa trang nhất của
tờ báo. Tờ báo nhận thấy, hàng loạt các cường quốc giờ đều nhắm tới Mặt trăng.
Mỹ và Trung Quốc đang lao vào cuộc chạy đua để đưa người lên Mặt trăng trước.
Về sự kiện tàu Luna 25, tờ báo nhấn mạnh thất
bại lần này của Nga có thể sẽ đè nặng lên các kế hoạch chinh phục Mặt trăng của
Nga. Nên nhớ là trong những năm 1960-1970, chỉ có Liên Xô (chủ chốt
là Nga) và Mỹ là hai cường quốc duy nhất có khả năng chinh phục vũ trụ. Gần
đây, nhiều nước cũng có tham vọng trong lĩnh vực này như Ấn Độ, Nhật Bản,
Israel...nhưng giờ đây Trung Quốc đã thay thế Nga trong lĩnh vực này. Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành hai
siêu cường trong lĩnh vực không gian. Trung Quốc có một mục
tiêu rất rõ ràng, đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2029 nhân dịp kỉ niệm 80 năm Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Kế hoạch đó rất có khả quan vì ba chương trình thăm dò
lên Mặt trăng của Trung Quốc đều đã thành công.
Về phía Mỹ, sau thắng lợi trong cuộc đua lên mặt
trăng năm 1969, Washington tiếp tục tham vọng của mình nhưng là cuộc đua với
người khổng lồ châu Á. Le Figaro nhận định trong bài viết có tựa đề : « Mỹ
muốn đặt chân trở lại lên Mặt trăng trước Trung Quốc ». Để đạt mục
tiêu này, Washington phải tăng ngân sách cho NASA, khởi động một loạt dự án có
sự tham gia của các công ty tư nhân. Cuộc chạy đua không gian mới này sẽ diễn
trong hai năm tới với chương trình đưa lên Mặt trăng tàu Artémis 2 có
người vào năm 2024 và tiếp đó sẽ là Artemis 3 và 4 để xây dựng một trạm
nghiên cứu cố định ngay trên Mặt trăng. Dường như các dự án của Mỹ đang bị chậm
lại.
Trong một bài viết khác Le Figaro ghi nhận,
« Trung Quốc từng bước khẳng định như là cường quốc không
gian» với một loạt các chương trình tham vọng lớn. Le Figaro cho hay, năm 2022,
một báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ còn nhận định Trung Quốc có thể đuổi kịp Hoa Kỳ
trong lĩnh vực không gian trước năm 2045. Như vậy, không gian đang trở thành đấu
trường cạnh tranh mới giữa hai đối thủ lớn khác là Trung Quốc và Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment