Phạm Đình Trọng
13/08/2023
https://baotiengdan.com/2023/08/13/thi-vi-hoa-cai-ac/
Sáng tác văn học đầu tiên của loài người là
truyện cổ tích, là ca dao tục ngữ, là sử thi, anh hùng ca.
Sử thi ca ngợi những con người siêu phàm mang
sức mạnh thần thánh giúp con người vượt qua những tai hoạ lớn, những biến động
dữ dội thuở khai thiên lập địa. Sử thi nâng tư thế con người lên, dạy con người
nghĩa khí làm người.
Ca dao tục ngữ dạy con người biết yêu thương,
đánh thức tâm hồn để con người biết cảm thụ cái đẹp, biết mở rộng tấm lòng yêu
thương.
Mọi câu chuyện cổ tích đều dạy con người biết
yêu cái thiện, căm ghét và xa lánh cái ác.
Vì vậy từ ngàn xưa đến hôm nay, người già dẫn
lớp người trẻ vào đời bằng những câu chuyện sử thi. Người mẹ, người bà kể chuyện
cổ tích để dạy con, dạy cháu nên người.
Văn học phát triển theo sự phát triển của xã hội
loài người. Xã hội loài người phát triển từ bầy đàn đến cá nhân. Ca dao tục ngữ,
sử thi, truyện cổ tích là văn học của thời con người chưa có cá nhân, cá nhân
còn lẫn lộn trong bầy đàn. Khi cá nhân đã tách ra khỏi bấy đàn. Thế giới tâm hồn
rộng mở của những cá nhân đòi hỏi phải có những thể loại văn học hiện đại: thơ,
truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bút kí, kí sự…
Văn học cũng phát triển từ lúc mọi sử thi, ca
dao, truyện cổ tích đều là sáng tác của nhiều người, nhiều thế hệ dân gian nên
khuyết danh và lưu truyền phi vật thể trong trí nhớ, trong đời sống dân gian đến
tác phẩm in ấn thành sách, thành vật thể của nhà thơ, nhà văn. Nhà thơ, nhà văn
xuất hiện từ đó.
Dù hiện đại đến đâu thì văn học đích thực, thì
nhà thơ, nhà văn chân chính vẫn là những người mang lí tưởng khởi nguồn của văn
học dân gian, của ca dao, của sử thi, của những câu truyện cổ tích đánh thức
tâm hồn con người, hướng tâm hồn con người tới những giá trị thẩm mĩ, biết yêu
cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, biết căm phẫn, lên án cái xấu, cái ác, cái thấp
hèn.
Cuộc sống dù tốt đẹp đến đâu vẫn luôn có cái
ác và con người luôn ở ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và
thấp hèn. Vì vậy cuộc sống vô cùng cần có nhà thơ, nhà văn đánh thức tâm hồn
con người, hướng con người tới cái đẹp, cái thiện, chỉ mặt cái ác, cô lập và loại
bỏ dần cái ác ra khỏi cuộc sống, giúp con người đứng vững ở ranh giới khá mong
manh giữa cái thiện và cái ác, giữa cao cả và thấp hèn.
Xã hội loài người tồn tại bằng tình yêu và
phát triển bằng trí tuệ. Nhưng chủ nghĩa cộng sản của ông Mác lại coi đấu tranh
giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người. Chủ nghĩa cộng sản khẳng định
sứ mệnh lịch sử của con người là đấu tranh giai cấp và hạnh phúc làm người là đấu
tranh giai cấp.
Học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu của ông
Mác được ông Lê Nin gia tăng thêm nồng độ sắt máu đẩy con người vào những cuộc
cướp bóc và bắn giết bất tận nhân danh đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp
là mảnh đất màu mỡ gieo mầm cái ác, kích thích cái ác, kích thích lòng hận thù
con người với con người, kích thích bản năng bạo lực của loài thú lấn át tính
người trong con người.
Những cái ác cộng sản
mang tên bạo chúa Stalin, bạo chúa Mao Trạch Đông, đồ tể Pol Pot ở tầm thế giới,
ở tầm nhân loại đã đi vào lịch sử thế giới và nhiều người đã biết. Nhưng nhiều
người như đã chai lì, đã quá quen không còn nhận ra những cái ác cộng sản cục bộ
diễn ra ở khắp nơi và diễn ra hàng ngày.
Nhận đồng lương hậu hĩ từ tiến thuế của dân.
Vũ khí hiện đại trong tay cũng từ tiền thuế của dân. Công an là lực lượng công
bộc của dân được dân chăm bẵm tốt nhất qua nguồn ngân sách lớn nhất dành cho
công an.
Vậy mà Đỗ
Hữu Ca và Dương Tự Trọng, giám đốc và phó giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã huy động lực
lượng lớn công an dàn thế trận cầm khẩu súng dân trao xả đạn vào gia đình người
dân Đoàn Văn Vươn chỉ vì gia đình người dân có tranh chấp đất đai với chính quyền,
một tranh chấp dân sự rất bình thường và rất phổ biến đang diễn ra trên khắp đất
nước những năm tháng này.
Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng chỉ huy cảnh sát cầm
khẩu súng dân trao xối đạn vào dân là một tội ác của một thời cộng sản đã gây
nhiều tội ác với dân. Tội ác Ca và Trọng chỉ huy cảnh sát bắn dân còn lớn hơn tội
ác Ca nhận hối lộ 35 tỉ đồng chạy án cho tội phạm, còn lớn hơn tội ác Trọng móc
nối với xã hội đen đưa tội phạm Dương Chí Dũng, anh trai Trọng trốn ra nước ngoài.
Nhà thơ, nhà văn chân chính là người mang lí
tưởng khởi nguồn của văn học dân gian, của ca dao, của sử thi, của những câu
truyện cổ tích đánh thức tâm hồn con người, hướng tâm hồn con người tới cái đẹp,
cái cao cả, chỉ ra cái ác, cái thấp hèn để con người giữ mình.
Ác như Đỗ Hữu Ca, Dương Tự
Trọng mà có người được coi là nhà báo viết bài tri âm, tri kỉ với cái ác. Có
người tư nhận là nhà thơ mà chụp ảnh bá vai bá cố với cái ác, đánh đu với cái
ác, hí hửng bầu bạn với cái ác, tán tụng cái ác, mang ngôn từ mĩ miều làm thơ
đánh bóng cho cái ác!
Rượu chè với cái ác. Ngâm ngợi cái ác bằng
ngôn từ dịu dàng, óng ả thì có phải là thơ không nhỉ?
***
SỐNG KHÔNG
HÈN (Nguyễn Việt Chiến)
Dương Tự Trọng nói với tôi như thế
Em sống không hèn
Và dám yêu những người đàn bà
Yêu em hơn chính cả cuộc đời của họ
Vậy là đủ, phải không anh!
Sau tám năm hoạn nạn
Sống không hèn
Giờ Trọng trở về chăm sóc mẹ già
Thi thoảng làm ông lang đi chữa bệnh
Và làm thơ
Ngồi uống rượu với Trọng trong một chiều mưa
Tôi thấy Hải Phòng như một cơn giông lớn đi qua đời
anh
Rồi nhoài về phía biển
Để gặp một cơn giông khác dịu dàng và bao dung hơn
Có tên là tình yêu
Đó là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người
Tình gia đình và bè bạn
Rồi mới đến tình yêu lứa đôi
Nếu không có tình yêu
Chúng ta còn có lý do gì
Để sống không hèn
Với thành phố bên bờ biển cả
Tôi bỗng dưng nghĩ đến nhà văn Nguyên Hồng
Nếu cụ còn sống tới hôm nay
Chắc chắn những Đoàn Văn Vươn và Dương Tự Trọng
Sẽ có mặt trong cuốn tiểu thuyết mới của cụ
Với cái tên
Những người sống không hèn.
.
==================================
.
.
12/08/2023
https://baotiengdan.com/2023/08/12/song-khong-hen/
Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/5-3.jpeg
Ông
Dương Tự Trọng (trái) và ông Nguyễn Việt Chiến. Ảnh: FB Nguyễn Việt Chiến
Hôm qua, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đăng tải
bài thơ “Sống không hèn”, viết ca ngợi Dương Tự Trọng giữa
lúc dư luận cả nước đang nín thở trước tính mạng Nguyễn Văn Chưởng ngàn cân
treo sợi tóc.
Không bàn về động cơ của ông, vì thực ra ai
cũng có quyền tin và yêu theo cách của riêng mình, nhưng tôi vẫn cố đọc để hiểu
nội dung của cái gọi là “không hèn” mà nhà báo – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã
dành cho một nhân vật đã đóng vai trò chủ chốt trong số phận bi thương của Chưởng.
Ông viết: “Sau tám năm hoạn nạn/ Sống không
hèn/ Giờ Trọng trở về chăm sóc mẹ già”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến gọi việc
Dương Tự Trọng, lúc đó là PGĐ Công an Hải Phòng, tổ chức cho anh trai mình là Dương Chí Dũng bỏ trốn rồi
bị kết án 8 năm tù là “hoạn nạn”.
Nên nhớ, Dương Chí Dũng là một nhân vật phạm tội
đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án Vinalines mà sau đó đã bị tuyên tử hình, vì
đã mua ụ nổi là “đống sắt sắt vụn” để được lại quả, gây thiệt hại cho tiền thuế
dân đến 360 tỉ đồng. Sử dụng quyền lực để vạch ra và thực hiện kế hoạch đưa một
tội phạm đi trốn, đó là dung túng và tiếp tay cho cái ác, sao lại gọi là “hoạn
nạn”? Phải là khốn nạn chứ? Dung túng, bao che cho gia đình mình mà phản bội lại
lợi ích quốc gia, phản bội lại nhân dân thì đó là kẻ ti tiểu, sao lại có thể
nói là “sống không hèn”?
Đọc tiếp để cố tìm cái “không hèn” ở Dương Tự
Trọng mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ca ngợi. Ông viết: “Nếu không có tình yêu/
Chúng ta còn có lý do gì/ Để sống không hèn”. À, thì ra cái “không hèn” ấy
chính là “tình yêu”. Hãy xem Dương Tự Trọng yêu những gì. Đó là “tình yêu cuộc
sống, tình yêu con người, tình gia đình và bè bạn, tình yêu lứa đôi”. Đặc biệt,
nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh: “Và dám yêu những người đàn bà”.
Tôi không tìm được mối liên hệ nào giữa “tình
yêu” với cái “không hèn” cả. Tình yêu có thể làm người ta trở nên cao thượng,
nhưng cũng có khi chỉ khiến kẻ ấy trở nên đê hèn, nhất là khi đó là thứ tình
yêu chỉ lo vun vén cho người nhà, cho tình nhân, cho phe nhóm.
Quan sát thế giới loài vật sẽ hiểu được cái gì
là tình yêu nơi con người. Yêu người cùng huyết thống đó là một thứ bản năng
không cần dạy dỗ mà bất cứ loài vật nào cũng có, thậm chí mãnh liệt không thua
kém loài người. Đó là cái do trời phú, là cái được thiên nhiên lập trình. Nó
không xấu cũng không tốt, nó đơn giản chỉ là bản năng. Nhưng, để yêu được người
dưng, yêu kẻ xa lạ, biết chăm sóc, lo lắng, bảo vệ cho những người không máu mủ
ruột rà, đó mới là điều phải học. Và chính nó mới định danh con người trong bản
đồ của muôn loài.
Chăm sóc con mình là lẽ tự nhiên, chăm sóc con
người mới là bác ái. Yêu người nhà chỉ cần bản năng là đủ, yêu thiên hạ cần phải
có lòng nhân ái. Tôi không biết Dương Tự Trọng đã yêu những người khốn khổ như
thế nào, mới chỉ được thấy ông yêu gia đình và phe nhóm của mình.
Lại nữa, yêu con người nói chung cũng chưa phải
là điều gì quá ghê gớm, vì loài vật cũng có tình đồng loại. Ai yêu được người
dưng đã là điều đáng quý, nhưng yêu được sự thật, công lý, và yêu được lẽ phải,
đó mới là người cao thượng.
Yêu sự thật sẽ không bao che, yêu công lý sẽ
không dung túng, yêu lẽ phải sẽ không hại người. Chỉ có tình yêu ấy mới mang lại
công bằng và hạnh phúc cho mọi người; bằng không, họ sẽ vì người này mà hại kẻ
khác, vì một người mà hại muôn người. Không yêu được Lẽ Phải thì thực ra mọi thứ
“tình yêu” mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ca ngợi chỉ là thứ luyến ái có điều kiện:
lợi ích cá nhân.
Khi người ta chỉ yêu những gì có lợi cho mình
mà sẵn sàng chà đạp lên lẽ phải, chà đạp lên người khác, thì sao có thể gọi là
“không hèn”?
Yêu cốt nhục là bản năng,
yêu đồng loại là nhân tính, yêu lẽ phải là người đại dũng. Không có hai cái
tình yêu sau cùng, sao có thể gọi là “không hèn”?
Tôi mong nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, bằng “tình
yêu bạn bè” của mình với Dương Tự Trọng, hãy đánh thức trong ông ấy tình yêu
con người và lẽ phải, thôi thúc ông ấy lên tiếng nói ra sự thật, để thật sự trở
nên “không hèn”, mà tự cứu chuộc chính mình và đồng loại đang trong cơn hiểm nạn.
No comments:
Post a Comment