Saturday, August 26, 2023

THÁI LAN CÓ TÂN THỦ TƯỚNG, NHƯNG AI THỰC SỰ LÃNH ĐẠO CHÍNH PHỦ? (Thu Hằng / RFI)

 



Thái Lan có tân thủ tướng nhưng ai thực sự lãnh đạo chính phủ ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 25/08/2023 - 15:33

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230825-thai-lan-tan-thu-tuong-ai-thuc-su-lanh-dao-chinh-phu

 

Một trăm ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội, cuối cùng Thái Lan cũng có tân thủ tướng. Tuy nhiên, doanh nhân Srettha Thavisin lại không phải là người được người dân, đặc biệt là giới trẻ, bầu ra. Thắng lợi của đảng Pheu Thai, đứng đầu liên minh 11 đảng, cũng đánh dấu sự hồi sinh của gia tộc Shinawatra đầy ảnh hưởng ở Thái Lan. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/758f1528-4349-11ee-93de-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-08-22T023315Z_774270303_RC2QS2A7IM46_RTRMADP_3_THAILAND-ELECTION-THAKSIN.webp

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, tại sân bay Don Mueang, Bangkok, ngày 22/08/2023. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA

 

Thực vậy, doanh nhân địa ốc Srettha, 61 tuổi, không có thực quyền. Ông thường xuyên bị lu mờ trong chiến dịch tranh cử do Paetongtarn Shinawatra đứng đầu. Cho nên, các nghị sĩ đảng Pheu Thai không nợ nần gì ông Srettha và họ không được bầu theo tiếng tăm của doanh nhân địa ốc. Cũng chính người con gái út của ông Thaksin nằm trong số ứng viên cho chức bộ trưởng Tài Chính. 

 

Gia tộc Shinawatra cũng làm lu mờ “ngày trọng đại” của tân thủ tướng Srettha Thavisin sau khi được Quốc Hội Thái Lan phê chuẩn với sự kiện cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước. Đây là thông điệp nói rằng “gia tộc Shinawatra trở lại cầm quyền”. Thay vì vào tù thụ án 8 năm, nhà sáng lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái), tiền thân của đảng Pheu Thai hiện nay, được đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát vì lý do sức khỏe do tuổi cao, theo xác nhận ngày 24/08 của một quan chức bộ Tư Pháp Thái Lan. 

 

Giới phân tích đều nhận định với trang CNBC rằng cựu thủ tướng Thái Lan “sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Thái Lan”“một cách hợp pháp” dù “ông sẽ không ở trên tuyến đầu”. Thực ra, dù sống lưu vong, cựu thủ tướng vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị Thái Lan. Việc ông Thaksin hồi hương được Thitinan Phongsudhirak, giám đốc điều hành của Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, nhận định là “khép lại một chương quan trọng trong đời sống chính trị Thái Lan bởi vì Thaksin có sức mạnh thống trị trong suốt hai thập niên”

 

Ông Thaksin về nước sau 15 năm sống lưu vong, đánh dấu cho sự “hợp tác” với giới tướng lĩnh, theo đó quân đội sẽ tiếp tục giữ ảnh hưởng trong chính phủ. Thỏa thuận này cũng cho thấy “tài đàm phán” của cựu thủ tướng. Ông Thaksin không phải ngồi tù đến 8 năm mà sẽ sớm được quốc vương ân xá, theo nhận định của giáo sư Chachavalpongpun Pavin, Đại học Kyoto (Nhật Bản), bởi vì “Thaksin sẽ không về nước để bị cầm tù”

 

Trong trường hợp này, một số nhà phân tích cho rằng ông Thaksin sẽ can thiệp nhiều hơn vào đời sống chính trị vì nhà tỉ phú “không phải là người thụ động”. Dù “hiện đã 74 tuổi, ông Thaksin ít có khả năng trực tiếp cầm quyền” nhưng theo Kasem Prunratanamala, phụ trách nghiên cứu Thái Lan tại VGS-CIMB, nhà tỉ phú sẽ là “nhân vật quan trọng điều hành đảng Pheu Thai trong hậu trường”

 

Giáo sư  Sirivunnabood, Đại học Mahidol (Thái Lan), cho rằng “đã đến lúc Thái Lan chuyển sang trang mới”. Ông cũng “không nghĩ là đảng Pheu Thai sẽ gặp khó khăn trong tư cách là đảng lãnh đạo chính phủ liên minh”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại tỏ ra quan ngại về mối liên hệ giữa đảng Pheu Thai và tập đoàn quân sự. 

 

Trang Financial Times nhắc lại khi còn là thủ tướng, Thaksin từng xa lánh giới quân sự bảo hoàng và giới tinh hoa thành thị, gây ra tình trạng bất ổn lan rộng ở Bangkok mà đỉnh điểm là cuộc đảo chính năm 2006. Chính ông là “người thay đổi bản chất chính trị Thái Lan” và được những người thuộc tầng lớp lao động Thái tôn kính nhờ những chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng và phát triển nông thôn. 

 

Xã hội Thái Lan, đặc biệt là giới trẻ quá “chán nản với bầu không khí chính trị cổ lỗ”, muốn thay đổi đời sống chính trị ngày càng bị bóp nghẹt trong suốt thời gian tập đoàn quân sự cầm quyền nên ủng hộ cải cách. Đảng Pheu Thai, đứng thứ hai về số phiếu sau đảng Move Forward trong cuộc bầu cử Quốc Hội, lại đang “gây thiệt hại lớn cho hình ảnh của mình”. Thay vì giương cao ngọn cờ dân chủ mà họ vẫn tự nhận trong thời gian vận động tranh cử, từ giờ Pheu Thai “là một đảng hoàn toàn bảo thủ và ủng hộ chính quyền”, theo nhận định của Ken Mathis Lohatepanont, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ. 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

THÁI LAN - THỦ TƯỚNG

Vua Thái Lan phê chuẩn tân thủ tướng Srettha Thavisin

 

THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Cựu thủ tướng Thaksin về nước, Thái Lan có thủ tướng mới





No comments: