Suy nghĩ từ án tử hình Nguyễn Văn Chưởng
Hiếu Chân/Người Việt
August 8, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/suy-nghi-tu-an-tu-hinh-nguyen-van-chuong/
Vụ hành quyết tử tù Nguyễn Văn Chưởng gây rúng động dư luận ở Việt Nam một
lần nữa cho thấy bản chất phi nhân của một nhà nước công an trị, trong đó bất kỳ
công dân nào cũng có nguy cơ bị tù tội, bị tước bỏ sinh mạng một cách tùy tiện
bằng những bản án bất công và phi lý của một hệ thống tư pháp què quặt.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/BL-Tu-Tu-Nguyen-Van-Chuong.jpg
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng. (Hình: Gia đình cung cấp
cho RFA)
Anh Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1983, quê quán huyện Kim Thành, tỉnh Hải
Dương, bị buộc tội giết chết ông Nguyễn Văn Sinh, thiếu tá cảnh sát hình sự
thành phố Hải Phòng, vào Tháng Bảy, 2007. Anh Chưởng bị tuyên án tử hình trong
các phiên tòa sơ thẩm (Tháng Sáu, 2008), phúc thẩm (Tháng Mười Một, 2008), và
giám đốc thẩm (Tháng Mười Hai, 2011). Nhưng bản án chưa thi hành được vì có nhiều
khuất tất, oan sai. Sau đó, bản án bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao “kháng nghị”
đòi xét xử lại theo hướng giảm nhẹ hình phạt xuống tù chung thân, phạm nhân và
gia đình liên tục kêu oan và dư luận phản đối gay gắt.
Cho đến ngày 4 Tháng Tám vừa qua, Toà Án Nhân Dân Thành Phố Hải Phòng bất
ngờ gửi công văn cho gia đình nghi can, yêu cầu “có đơn xin nhận tử thi hay nhận
tro cốt của tử tù sau khi thi hành án và gia đình có ba ngày để nộp đơn kể từ
khi nhận được thông báo.” Cái công văn tàn nhẫn, lạnh lùng đó làm cho tất cả những
ai còn lương tri đều bị sốc, và một lần nữa vụ án oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng
được xới lên trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của các tổ chức nhân quyền
quốc tế.
Vụ án xảy ra lúc 9 giờ tối ngày 14 Tháng Bảy, 2007 tại khu vực trước nhà
máy thép Đình Vũ ở quận An Hải, thành phố Hải Phòng. Nạn nhân chết vào sáng hôm
sau tại bệnh viện. Đến ngày 3 Tháng Tám, công an Hải Phòng bắt được ba “nghi phạm”
là Nguyễn Văn Chưởng, Đỗ Văn Hoàng, và Vũ Toàn Trung. Nghi can Nguyễn Văn Chưởng
được một số nhân chứng xác nhận, tại thời điểm xảy ra án mạng, họ đã gặp anh ở
quê nhà Hải Dương, cách hiện trường án mạng khoảng 40 cây số, nghĩa là Chưởng
có chứng cứ ngoại phạm (alibi). Khi em trai của Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn thu
thập lời khai của nhân chứng và đem nộp cho cơ quan điều tra Công An Hải Phòng
thì anh Đoàn cũng bị bắt và bị kết án hai năm tù về tội “che giấu tội phạm.”
Ngày 27 Tháng Giêng, 2008, cơ quan cảnh sát điều tra ra bản kết luận điều
tra khẳng định anh Chưởng khai nhận cùng với hai bị cáo khác chém chết Thiếu Tá
Sinh với mục đích cướp của lấy tiền mua heroin. Căn cứ vào kết luận của công
an, các phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm đều kết tội nghi can giết người
cướp của và tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, cũng như vô số vụ án ở Việt Nam, tội trạng của anh Chưởng được
xử theo lời khai của anh mà trong nhà giam của công an, các điều tra viên thường
tra tấn, sử dụng nhục hình rất dã man, đánh đập nghi can chết đi sống lại để buộc
họ phải thừa nhận những hành vi phạm tội mà có thể họ không làm, cốt để khỏi bị
tra tấn đau đớn về thể xác và tinh thần. Công an Việt Nam thường vỗ ngực tự hào
là lực lượng điều tra “giỏi nhất thế giới,” “phá án nhanh nhất thế giới”… chẳng
qua chỉ là do họ sử dụng biện pháp tra tấn, bức cung, buộc nghi can phải cung
khai theo đúng hướng dẫn của điều tra viên, bất chấp bằng chứng hoặc nguyên tắc
suy luận vô tội.
Trước Nguyễn Văn Chưởng, đã có những “tử tù” Nguyễn
Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén… bị kết án tử hình dựa trên lời khai
“nhận tội” để rồi nhiều năm sau được minh oan và trả tự do. Hiện nay, cùng hoàn
cảnh với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương còn có Hồ Duy Hải ở Long An mà bản án tử
hình của anh đã nhiều lần bị dư luận phản đối gay gắt. Những tử tù này có chung
một điểm: Bị tra tấn dã man nên phải nhận tội dù không có bằng chứng khách quan
chứng tỏ họ có tội.
Từ trong tù, anh Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho gia đình, khẳng định bị
tra tấn, bị ép cung cho nên phải nhận tội. “Họ đánh con tới tấp, con không nói
được câu nào nữa. Họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh
cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói, ‘không làm gì thì tao mới đánh, chứ làm gì
thì đã không bị đánh.’ Và họ lại tiếp tục đánh con và dùng còng số 8 treo chỉ
có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất.”
Không chỉ Nguyễn Văn Chưởng, nghi can chính của vụ án, mà ngay cả những
nhân chứng khẳng định họ đã gặp anh cách nơi xảy ra án mạng tới 40 cây số vào
thời điểm oan nghiệt ấy, cũng bị công an tra tấn dã man để buộc họ phải thay đổi
lời khai nhằm xóa bằng chứng ngoại phạm của nghi can. Nhân chứng Trần Quang Tuất
(cùng quê với anh Chưởng), nhân chứng Trịnh Xuân Trường (bạn anh Chưởng) – là
những người xác nhận anh Chưởng có mặt ở Hải Dương vào thời điểm xảy ra án mạng
ở Hải Phòng – đều có đơn tố cáo việc bị công an tra tấn, ép cung, buộc phải viết
lời khai theo yêu cầu và hướng dẫn của công an. Anh Trường khai bị công an tên
Phong dùng đầu điếu thuốc lá đang hút châm bỏng cả hai cánh tay. Còn anh Tuất bị
chửi bới, khóa tay vào ghế suốt ngày, bị đấm vào đầu, dọa bắt giam…
Tình trạng tra tấn dã man, bức cung, ép cung trong các trại tạm giam và đồn
công an Việt Nam là chuyện “truyền thống cách mạng.” Có bao nhiêu thanh niên
trai tráng vào đồn công an khi đang khoẻ mạnh nhưng một vài hôm sau gia đình phải
tới nhận xác! Ngay cả một cựu đại úy công an, ông Lê Chí Thành, khi bị bắt vì tố
cáo cấp trên ăn hối lộ, cũng bị các đồng đội cũ tra tấn dã man, bị treo tay
chân trong hầm phân suốt bảy ngày đêm, khi ra tòa phải có người dìu đi vì không
bước nổi.
Những thông tin về bức cung, ép cung trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng không
chỉ được đồn đãi trong dư luận mà được trình bày trước tòa và có trong các bài
tường trình của báo chí nhà nước trong thời gian đầu của vụ án “nhiều khuất tất.”
Không là luật sư cũng thấy bản án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là kết quả của
thủ đoạn ép cung, chỉ dựa vào lời khai của đương sự trong tình trạng bị giam cầm
và tra tấn. Ngày 15 Tháng Năm, 2012, năm văn phòng luật sư biện hộ cho anh Chưởng
cùng làm đơn kiến nghị chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang, cho rằng bản
án tử hình anh Chưởng là oan sai, đề nghị ông cho dừng việc thi hành án tử hình
và giao cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao xem xét trách nhiệm hình sự của những
người tiến hành tố tụng.
Ấy thế nhưng giới lãnh đạo CSVN dường như không thèm đếm xỉa tới đạo lý,
coi mạng người như cỏ rác. Một khi công an – lực lượng “còn đảng còn mình” khét
tiếng tàn ác – đã kết luận thì coi như đó là chân lý, một thứ chân lý đẫm máu
người, mọc lên từ những trận đòn thù ác độc.
Bây giờ thì anh Chưởng sắp bị hành quyết, ôm nỗi oan khiên xuống tuyền
đài. Mấy hôm nay, cả nước rộ lên hoạt động gửi thư, nhắn tin cho Chủ Tịch Nước
Võ Văn Thưởng, kêu gọi ân xá cho anh Nguyễn Văn Chưởng – coi đó là một giải
pháp hợp tình hợp lý hợp pháp sau khi anh đã ngồi trong xà lim tử tù hơn 16 năm
qua. Nhật báo Người Việt dẫn số liệu từ trang thỉnh nguyện thư avaaz.org cho biết
trên Internet đã có 3,644 người ký tên thúc giục ông Thưởng hoãn hành hình Nguyễn
Văn Chưởng nhưng số người nhắn tin trực tiếp cho ông Thưởng thì cao hơn rất nhiều.
Nhiều người hy vọng ông tân chủ tịch nước có lương tâm, sẽ cải tử hoàn sinh cho
anh Chưởng, mà không nghĩ rằng đây là sản phẩm của một hệ thống, một tập thể
cai trị mà cá nhân ông chủ tịch không dễ gì thay đổi được dù luật Việt Nam quy
định ông có quyền “ân xá” mọi phạm nhân.
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) hôm 7 Tháng Tám cũng ra
tuyên bố yêu cầu “Nhà cầm quyền Việt Nam phải dừng ngay việc hành quyết người
đàn ông của một vụ án đầy những lo ngại bị tra tấn và vi phạm quyền được xét xử
công bằng… khởi động ngay cuộc điều tra độc lập và không thiên vị về những cáo
buộc tra tấn và các nhục hình để ép cung?”
Tưởng cũng cần nhắc lại rằng năm 2013 Việt Nam có ký kết tham gia Công Ứớc
Chống Tra Tấn và Các Hình Thức Trừng Phạt hay Đối Xử Tàn Ác Vô Nhân Đạo hoặc Hạ
Thấp Nhân Phẩm (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or
Degrading Treatment or Punishment) – đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
thông qua ngày 10 Tháng Mười Hai, 1984 – nên cộng đồng quốc tế có quyền và
nghĩa vụ buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện đúng cam kết.
Ở các nước có tự do, dân chủ và nhân quyền, các tòa án đều cho đúc một câu
châm ngôn lên mặt tiền pháp đình để nhắc nhở các quan tòa phải nhớ một nguyên tắc
tối thượng: “Satius est impunitum relinqui facinus nocentis, quam innocentem
damnari” (Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn kết án oan người vô tội). Hầu hết các nước
trên thế giới đều bỏ án tử hình vì người bị giết oan sẽ không thể nào cứu sống
lại được. Nhưng dưới các chế độ độc tài, guồng máy tư pháp
(công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án) chỉ là công cụ của thế lực cầm quyền
hành xử theo nguyên tắc “thà giết lầm hơn bỏ sót,” lấy bạo lực để gieo rắc sợ
hãi cho toàn xã hội thì e rằng số phận của hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ
Duy Hải và bao nhiêu “tử tù dự khuyết” khác nữa đã được an bài trong tuyệt vọng.
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment