Thursday, August 10, 2023

SÁM HỐI TRƯỚC THIÊN NHIÊN (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Sám hối trước thiên nhiên  

Lê Huyền Ái Mỹ

10-8-2023  08:49  

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid02xdvQ4NjbJXEUmTrH6FnFjor4TbkVvFjNJqzwbM8BEES2eBY1xCqiJWDmm2LTUsfml

 

1.

Những cánh rừng bị tàn sát, những tòa ngang dãy dọc bê tông ngạo nghễ “chinh phạt” từ rừng đặc dụng đến biển bờ, sông suối mà thủ phạm không chỉ là những “ông trời không ở trên cao”, cái chính là “sự im lặng của cả một hệ thống” dưới mặt đất!

 

Khi chúng tôi lên tiếng, cả một bầy người-trời ở hạ giới quy kết chúng tôi nói “sai sự thật”.

Mấy hôm Đà Lạt sạt lở công trình, Bảo Lộc đất đồi sụp vùi 3 cảnh sát rồi hàng chục chiếc ô tô ngập trong đống bùn ở Sóc Sơn, một lãnh đạo báo chí gọi cho tôi và nói “sự thật đúng là đó chứ ở đâu”.

 

Nhìn những thước phim lũ cuốn trôi xe, nhà ở Trung Quốc mấy hôm rồi, những hình ảnh tan hoang ở trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Hồ Bốn ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái, VN) và những hiểm họa khôn lường đang chực chờ từ triền núi đến bờ sông; rồi nghe những bản tin dự báo, những phân tích từ chuyên gia thì đó gần như là thiên tai mà chả phải nhân họa, là cái họa do con người gây ra. Đã thế thì sự trả giá càng dài…

 

Nghĩ trộm, việc mang lễ vật đến muộn đã khiến Thủy Tinh thua cuộc. Nhưng cái “đề thi” voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao vừa thiên vị cho Sơn Tinh, toàn đặc sản của núi rừng; vừa cho thấy thánh Tản Viên cũng “góp một tay” cùng vua Hùng gây tổn hại đến động vật rừng quý hiếm! Khi hệ thực vật lẫn động vật bị thay đổi, biến dạng dẫn tới những hệ lụy cho rừng như một căn nguyên dẫn tới kiếp nạn “không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, dâng nước lên đánh Sơn Tinh”.

 

Truyện cổ tích kết “lần nào Thủy Tinh cũng thua, phải bỏ chạy”. Thực tế ngày nay: con người lớp bỏ mạng, lớp tìm cách chống đỡ, tránh trú, hoàn toàn thúc thủ trước thiên tai.

 

 

2.

TP.HCM vừa tổ chức lễ hội sông nước. Một màn trình diễn “trên bến dưới thuyền” đầy sắc màu. Nhưng so với motif sân khấu hóa theo chương hồi đã quá quen thuộc kia thì tôi lại ấn tượng gần như duy nhất cái thông điệp mà ông chủ tịch thành phố đưa ra “theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển”, cũng như xác lập một điểm nhìn văn hóa “có trước có sau”: “sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, lạc quan, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM. Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông”.

 

Có một Phật tử đến hỏi về việc cúng thổ địa thần tài, hòa thượng Thích Lệ Trang - Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo TP.HCM giải đáp: thổ địa thổ công là ai? Là cục đất, môi trường mà mình may mắn ở có đủ phúc duyên nên có dòng sông chảy qua, có cây lá xanh tươi bao bọc. Sông hồ là chiếc máy điều hòa tự nhiên cho cuộc sống của mình nên hãy biết ơn bằng cách đừng xả rác, chất độc hại xuống dòng sông; đừng xâm chiếm, hủy hoại nó. Đó là cách thờ thổ địa thổ công hữu dụng nhất.

 

Cũng như sự hữu dụng mà chính quyền và người dân có thể trả ơn cho dòng sông không chỉ là trị giá khai thác nó; và phải khai thác đúng tiêu chuẩn mà ở chỗ nhìn ra được giá trị của một tài nguyên thiên nhiên để có sự kết nối và “nương tựa”, sáng tạo và lưu giữ những tài nguyên văn hóa tương xứng để “soi mặt xuống lòng sông”.

 

Chắc chắn thông điệp “nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển” là truyền đi hành động biết tôn trọng dòng chảy tự nhiên, gìn giữ, bảo vệ mặt nước, hệ bờ sông, hành lang sông để không xảy ra những hệ lụy đã và đang đến.

 

Bởi, với hiện trạng nhìn từ bờ Ba Son, khối nhà “nhền nhện” ở Tân Cảng, công viên “mỏ hàn” Central Park thì có lẽ, trong chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” vẫn còn thiếu một lời sám hối!

.

25 BÌNH LUẬN   






No comments: