Người ta lại họp, người ta lại nói về sách
Giáo Khoa của tụi nhỏ. Mình cũng từng là tụi nhỏ, con mình cũng đang là tụi nhỏ.
Con gái mình, học trường công lập. Nó là lứa đầu tiên của chương trình đổi sách
của 4 năm trước. Bộ sách Giáo khoa nó đang có là lô mới nhất năm nay, sách vẫn
thiếu vài cuốn. Người bán viết cho danh sách thiếu, hẹn ngày ra mua cho đủ bộ.
Cầm tờ giấy tự nhiên thấy được bao phủ bởi hào quang của thời bao cấp.
Năm nay người ta họp nhau, ông Bộ Trưởng nói
không soạn sách mới nữa. Ông Chủ Tịch Quốc Hội nói phải có một bộ sách chung
dùng chung cho tất cả học sinh. Ông nào cũng có lý của ổng.
Cái chuyện sách chung vốn đã có từ thời Pháp
thuộc, đã làm rất tốt. Đợt đổi sách hơn 20 năm trước đánh dấu nhiều thay đổi
gây tranh cãi. Rồi bốn năm trước người ta lại đổi sách, đổi tới độ có ba nhà sản
xuất, ba đầu sách giáo khoa khác nhau. Vui như trẩy hội. Sách sai chi chít,
giáo viên phải đi học lại đến đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi lưng, học trò bị quay
như dế.
Rồi ngân sách tốn tiền nghiên cứu, rồi sách bị
cắt 30% chiết khấu? Dân vừa đóng thuế cho ngân sách soạn sách, vừa tốn tiền mua
sách, vừa nuôi luôn hệ thống nhận chiết khấu. Nói chung dân ta anh hùng, gánh đủ
thứ, bao thầu Quốc gia không Dân thì còn thằng nào nhảy vô.
Bây giờ người ta mà soạn sách chung thì lại tốn,
vài năm nữa lại đổi sách, rồi lại bàn tán chửi nhau. À, góp ý tranh luận chứ
ha?
Cái chuyện sách, đúng tháng này năm ngoái người
ta cũng bàn. Văn Phòng Chính Phủ ban hành thông báo 236/TB-VPCP tại cuộc họp về
học phí phổ thông và sách Giáo khoa. Học sinh có thể mượn sách giáo khoa từ năm
học 2022-2023. Và năm nay là năm học 2023-2024, phụ huynh vẫn rồng rắn xếp hàng
đi mua sách.
Các chú, các bác, các cô dì vẫn bàn.
Hiện nay, sách giáo khoa có ba đầu sách: Chân
Trời Sáng Tạo, Cánh Diều, Kết Nối Tri Thức Và Cuộc Sống. Mỗi địa phương và trường
đều có quyền chọn đầu sách mà họ thấy thích hợp để đưa vào giảng dạy. Còn tiêu
chuẩn thế nào là thích hợp, tại sao chọn bộ này mà không phải bộ kia thì họ
không nói, tôi cũng không biết. Cá nhân tôi nghĩ hơi tiêu cực, có lẽ là tiêu
chuẩn lại quả hay tiêu chuẩn chiết khấu gì đó.
Và tụi nhỏ có khác gì chuột bạch để thí nghiệm
sách? Một xã hội muốn phát triển bền vững phải có một hệ thống giáo dục đồng nhất
về mặt tư duy và đạo đức. Việc đổi sách Giáo khoa liên tục có đáp ứng nguyện vọng
về tư duy và đạo đức của người dân hay không, mỗi người chúng ta tự có câu trả
lời.
Vấn đề là tại sao có những thay đổi vội vã gây
tranh cãi trong nền giáo dục để rồi những tranh cãi đó ngày một sâu sắc hơn, khắc
nghiệt hơn?
Theo tôi, đó là tư duy nhiệm kỳ. Mỗi Bộ Trưởng
chỉ có thời gian 5-10 năm và thường chỉ có 5 năm, ai cũng muốn để lại dấu ấn
trong thời kỳ mình nắm một phần phát triển của Dân tộc, cũng muốn để lại dấu ấn
trong ngành mà mình đang nắm quyền. Hay lớn hơn là dấu ấn lịch sử mang tính vĩ
đại hơn. Cho nên, thời kì của ông A đổi sách, ông B phát ngôn lớn, ông C bán
dâm 4 lần bị đuổi học…
Và người dân chịu trận sau những vần vũ đó.
Để thay đổi điều này, phải xây dựng một lộ
trình và đi đúng trên con đường đó. Người sau nối người trước làm theo lộ trình
đó để tránh tư duy nhiệm kỳ, mỗi người một kiểu, học sinh lãnh đủ.
Dĩ nhiên lại phải đến tay Thủ Tướng nhưng Thủ
Tướng cũng có nhiệm kỳ.
Chuyện dài như phim Ấn…
No comments:
Post a Comment