03/08/2023
https://www.voatiengviet.com/a/pence-doi-nghich-voi-trump/7209707.html
Công tố
viên đặc biệt Jack Smith mới công bố bản cáo trạng dài 45 trang, cáo buộc cựu Tổng
thống Donald Trump vi phạm luật khi cố gắng vận động lật ngược kết quả cuộc bỏ
phiếu năm 2020 đưa ông Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ.
Đây là lần thứ ba cựu Tổng thống Donald Trump
bị thưa ra tòa. Đầu năm, công tố viên tiểu bang New York ở Manhattan, đã truy tố
ông vụ gian lận trong sổ sách kế toán, ghi những món tiền trả các cô gái làng
chơi, trước khi ông tranh cử tổng thống, như là chi phí trả luật sư công ty.
Ông Trump đã phủ nhận các quan hệ này. Vào tháng Sáu, ông Smith, thuộc tòa án
liên bang ở thủ đô Washington, tố cáo ông Trump lưu giữ các hồ sơ mật của Tòa Bạch
Ốc sau khi đã hết nhiệm kỳ; và ngăn cản không cho cơ quan điều tra liên bang
(FBI) thu hồi các hồ sơ đó.
Jack Smith mới nêu bốn tội trạng mới, vụ ông
Trump ngăn cản việc chuyển giao quyền hành cho Tổng thống Joe Biden. Bản cáo trạng
công nhận Tổng thống Trump “có quyền, như tất cả mọi người Mỹ khác, phát biểu ý
kiến về cuộc bầu cử và nói, ngay cả khi nói không đúng với sự thật, rằng ông đã
thắng và có những “gian lận làm thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu.” Nếu ông Smith
chứng tỏ được rằng ông Trump biết mình thất cử nhưng vẫn không chịu nhường, thì
bồi thẩm đoàn có thể coi là ông phạm tội. Câu hỏi là: Có bằng cớ nào chứng tỏ
ông Trump biết rằng mình thất cử mà vẫn nói ngược lại?
Mặc dù công nhận ông Trump có quyền nói sai sự
thật, nhưng Bản cáo trạng nêu lên các hành động của ông Trump sau cuộc bỏ phiếu
làm lý do truy tố: Ông đã vận động viên chức các tiểu bang tìm chứng cớ bầu cử
gian lận; cùng những người cộng sự lập ra những cử tri đoàn giả mạo ở bảy tiểu
bang; và thuyết phục Phó Tổng thống Mike Pence dùng quyền chủ tọa phiên họp kiểm
phiếu của Quốc hội để bác bỏ các phiếu cử tri đoàn bầu cho ông Joe Biden. Bản
cáo trạng nêu lên rằng trong ngày điện Capitol bị tấn công, nhiều cố vấn thân cận
của Tổng thống Trump đã thúc đẩy ông hãy kêu gọi những người ủng hộ ông ngừng
tay và rời khỏi tòa nhà quốc hội, nhưng ông đã từ chối suốt mấy tiếng đồng hồ.
Bản cáo trạng đã dẫn chứng rất nhiều lời nói của
ông Mike Pence để luận tội. Với vai trò một phó tổng thống, ông Pence sẽ chủ tọa
phiên họp 2 viện quốc hội để xác định kết quả cuộc bỏ phiếu, vào tháng Giêng
năm sau. Ông Pence đã nhiều lần nhắc cho ông Trump biết rằng ông đã thất cử.
Nhân dịp ông Pence điện thoại chúc mừng Lễ Giáng Sinh năm 2020, ông Trump đã
khuyên ông Pence xóa bỏ cử tri đoàn công nhận ông Biden đắc cử. Ngày Đầu Năm
2021, ông Pence gọi chúc Tết, ông Trump nhắc lại yêu cầu trên. Cả hai lần, ông
Pence đều trả lời rằng ông chỉ đóng vai trò chủ tọa do hiến pháp quy định mà
không có quyền thay đổi kết quả. Ông Trump đã trách ông Pence rằng: “Ông lương
thiện quá đáng!” (You’re too honest). Ông Mike Pence đã cung cấp cho công tố
viên Smith những chi tiết trên, nhờ ông có thói quen ghi lại những hành động của
mình mỗi ngày.
Bản cáo trạng ghi nhận, ngày 6 tháng Giêng năm
2021, đám đông phá vỡ hàng rào cản của các cảnh sát viên quốc hội, hô hào “Treo
cổ Mike Pence!” và hỏi “Pence ở đâu? Bắt ra đây!” Có lúc, đám đông nổi loạn đến
gần chỗ ông Pence chừng hơn mười mét, một cảnh sát viên đã chỉ đường sai để dẫn
họ đi về phía khác.
Trong lúc đó ông Trump đã viết trên mạng
Twitter rằng ông Pence “không có can đảm” xóa bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu. Chừng một
phút sau, lúc 2 giờ 25 chiều, ông Pence được nhân viên mật vụ đưa tới một nơi
an toàn trong trụ sở quốc hội. Nhân viên mật vụ đề nghị đưa ra ông ra xe ngồi
nhưng ông từ chối, biết rằng họ có thể lái xe đem ông đi lánh nạn bên ngoài Điện
Capitol. Nếu ông Pence bỏ đi, tất cả cuộc kiểm phiếu bị coi là chấm dứt, có thể
đưa tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Quốc hội đã tái nhóm sau khi đám đông bị giải
tán, buổi họp kéo dài suốt đêm. Đến 4 giờ sáng hôm sau, ông Pence mới chính thức
công bố ông Biden đắc cử. Ông gửi một lời nhắn nhủ: “Những ai đã gây rối loạn ở
điện Capitol! Các người đã thất bại!” Hàng ngàn người xâm nhập quốc hội hôm đó
đã bị truy tố và xử án tù trong thời gian hai năm qua.
Ông Pence đã được mời ra “làm chứng” trước một
đại bồi thẩm đoàn ở thủ đô Washington trong năm qua. Chính đại bồi thẩm đoàn
này đưa tới việc cho ông Jack Smith được khởi tố. Trong bản ghi lại các lời chứng
của ông Pence, có 18 trang bôi đen kín. Những trang bị cắt đó có thể chứa đựng
các bằng chứng mà ông Pence cung cấp, nhưng ông Smith muốn giữ kín cho tới khi
vụ án ra trước tòa.
Công tố viên Smith xác nhận trong bản cáo trạng
rằng Tổng thống Trump đã được nghe nhiều người cộng sự xác nhận rằng không có
gian lận bầu cử. Hai vị bộ trưởng Tư pháp, nhiều viên chức bộ Tư pháp, giám đốc
Sở phụ trách an ninh bầu cử và các thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm cũng
không công nhận có gian lận. Các vị thống đốc và viên chức tổ chức bầu cử ở các
tiểu bang được ông Trump yêu cầu thay đổi kết quả, cũng không đồng ý. Quan trọng
nhất, Phó Tổng thống Pence không chấp nhận đề nghị bác bỏ cử tri đoàn.
Ngày Thứ Ba, khi nghe tin Tổng thống Donald
Trump bị truy tố, ông Pence tuyên bố: “Dù bản cáo trạng viết những gì chưa biết,
tôi muốn nhân dân Hoa Kỳ hiểu rằng tôi không có quyền đảo ngược kết quả cuộc bầu
cử. Ngày hôm đó, ông Trump muốn tôi đặt ông lên trên hiến pháp nước Mỹ, nhưng
tôi đã chọn hiến pháp, tôi sẽ luôn luôn làm như vậy.” Ông nói thêm: “Bất cứ ai
tự đặt mình lên trên bản hiến pháp, người đó không bao giờ nên
được bầu làm tổng thống nước Mỹ.”
Thái độ của ông Pence đã thay đổi, khác với những
vụ khởi tố trước đây. Khi đại bồi thẩm đoàn ở New York đưa ông Trump ra tòa về
các số tiền che giấu vụ gian díu với các cô gái giang hồ, ông Pence đã phản đối,
coi việc truy tố này là quá đáng, làm mang tiếng cho cả chế độ dân chủ và nền
công lý của nước Mỹ. Sau vụ khởi tố tội ông Trump lưu giữ các hồ sơ mật, ông
Pence công nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn đề nghị bộ tư pháp
nên bỏ qua. Ông coi việc này nhắm mục đích chính trị, vì ông Trump đang là một ứng
cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2024.
Ban vận đồng bầu cử 2024 của Tổng thống Trump
đã đưa ra bản tuyên bố, lên án chính phủ Joe Biden khởi tố ông Trump chỉ vì muốn
hạ giá trị một đối thủ. Họ ví, “những vụ truy tố phi pháp” này giống như các vụ
“bắt phù thủy” thời Trung Cổ ở Âu châu, khiến người ta nhớ lại “hành động của
chế độ Đức Quốc Xã thời 1930 và của Cộng sản Xô Viết.”
Bản tuyên bố trên biện luận rằng Tổng thống
Trump hoàn toàn tin ông chỉ thất cử vì gian lận, và ông có quyền đòi hỏi phải sửa
chữa kết quả sai lầm đó. Hành động truy tố của ông Smith đã biến một cuộc tranh
luận chính trị thành một tội hình sự, để làm hại một đối thủ của Tổng thống
Biden. Có 74 phần trăm các cử tri Cộng Hòa đồng ý với ông Trump, theo cuộc
nghiên cứu dư luận của nhật báo The New York Times và Đại học Siena College.
Những luận cứ của công tố viên Smith sẽ bị thử
thách trước tòa, nhất là lời kết tội ông Trump đã “đồng lõa âm mưu lừa đảo nước
Mỹ,” một tội danh khá mơ hồ. Sau này, bất cứ ứng cử viên tổng thống nào lên tiếng
phản đối kết quả một cuộc bỏ phiếu, đều có thể bị kết tội này. Hơn nữa, tất cả
các vị tổng thống đều có quyền, và bổn phận, vận động bộ tư pháp liên bang, hay
viên chức các tiểu bang điều tra về gian lận bầu cử!
Vụ khởi tố này giúp cựu Tổng thống Donald
Trump được nhiều cử tri Cộng Hòa ủng hộ hơn. Ông vẫn dẫn đầu dư luận trong đảng.
Những đối thủ của ông sẽ chạy đua trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng đầu năm tới,
phần lớn cũng tránh không trực tiếp đả kích ông về vụ 6 tháng Giêng 2021. Chỉ
có cựu Phó Tổng thống Pence bày tỏ ý kiến rõ rệt nhất, “Vụ truy tố hôm nay nhắc
nhở chúng ta rằng: Người nào đặt mình lên trên Hiến pháp sẽ không xứng đáng làm
tổng thống.”
Trong 15 tháng nữa, chắc hai ông Trump và
Biden sẽ giành nhau ngôi vị tổng thống một lần nữa. Vụ khởi tố thứ ba này có thể
khiến ông Trump mất phiếu của một số cử tri độc lập; nhưng ông Biden cũng sẽ mất
một số phiếu vì cho thấy tuổi ông đã già, nói năng lẫn cẫn. Phải coi hồi sau mới
rõ! Không ai tiên đoán được sau cùng dân Mỹ lựa chọn thế nào!
No comments:
Post a Comment