Ông
trùm phải chết, Wagner có như rắn mất đầu?
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 26/08/2023 - 15:48
Số phận của
Wagner sau cái chết của thủ lĩnh Prigozhin. Khối BRICS mở rộng mang hơi hướng
chính trị, xa lánh Hoa Kỳ để xích gần lại Trung Quốc. Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ
các cường quốc thám hiểm mặt trăng. Châu Âu siết chặt kiểm duyệt nội dung bất hợp
pháp trên Internet. Pháp thiếu y tá trầm trọng. Trên đây là những chủ đề chính
của tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Một mính đánh thuê Wagner đến đặt hoa tưởng niệm gần trụ sở của Wagner trước
cái chết của lãnh đạo Yevgeny Prigozhin, ở St Petersburg, Nga, ngày
24/08/2023. REUTERS - STRINGER
Thông báo về cái chết của Yevgeny Prigozhin,
lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner sau vụ máy bay rơi hôm thứ Tư, 23/08, là
chủ đề được báo chí quốc tế quan tâm trong tuần này.
Vụ việc đã làm dấy lên những đồn đoán về khả
năng ông Prighozhin bị ám sát sau cuộc nổi loạn bất thành cách nay hai tháng,
trở thành « kẻ thù » của điện Kremlin. Hôm 24/08, tổng
thống Nga đã bày tỏ lời chia buồn với gia đình của các nạn nhân đồng thời khẳng
định Prighozhin, « mặc dù phạm phải sai lầm nhưng là người đã có
đóng góp to lớn đối với chiến dịch đặc biệt tại Ukraina » và hứa
sẽ điều tra để tìm ra nguyên nhân về vụ rơi máy bay.
Cái chết của Prigozhin khiến tập đoàn Wagner
như rắn mất đầu, làm dấy lên câu hỏi về tương lai của nhóm lính đánh thuê, khi
mà Prigozhin được coi là một lãnh đạo thực thụ. Nhà nghiên cứu Lou Osborn, thuộc
tổ chức ‘All Eyes on Wagner’, cho rằng quyền lực của Prigozhin rất
cụ thể, ông ấy có mặt trong tất cả các chiến dịch, « Prigozhin
không ngần ngại đến thực địa gặp khách hàng của mình, ký thỏa thuận cũng như
đòi thù lao. Chúng tôi biết rằng Prigozhin đã đến Lybia vào tháng 10 năm ngoái
để đòi tiền công và ông cũng từng có một vị trí nào đó trong vòng quyền lực ở
điện Kremlin. »
Vậy liệu lính đánh thuê Wagner có trung thành
với vị lãnh đạo này hay không, Sean McFate, chuyên gia nghiên cứu về
Wagner, trả lời đài phát thanh NPR của Hoa Kỳ, cho rằng « các lính
đánh thuê đa số chỉ trung thành với tiền thù lao ». Theo ông
McFate, hoạt động của Wagner sẽ tiếp tục được duy trì với một lãnh đạo mới, một
người « tỏ ra tôn trọng Vladimir Putin hơn ». Tập
đoàn bán quân sự này có khả năng sẽ hoạt động dưới một cái tên khác. « Putin vẫn cần một lực lượng
như vậy ở châu Phi để phục vụ lợi ích của Nga : tạo dựng các chính
quyền hướng về phía Matxcơva, quay lưng lại với phương Tây, cũng như là việc
khai thác vàng và khoáng sản, để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraina ».
Đọc thêm : Nga_Thực dân mới ở châu Phi thông qua "cánh tay nối dài"
Wagner
BRICS mở rộng ở nam bán cầu để đối trọng với Phương
Tây
Một sự kiện đáng chú ý trong tuần vừa qua là
cuộc họp thượng đỉnh của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam
Phi), tại Johannesburg, hôm 24/08, với quyết định kết nạp thêm thành viên mới :
Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Achentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống
nhất. Sáu quốc gia này sẽ trở thành thành viên chính thức của khối từ tháng
Giêng 2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn ủng hộ mạnh
mẽ việc kết nạp thêm thành viên, nhận định rằng “việc mở rộng khối mang
tính lịch sử”, cho thấy quyết tâm của BRICS về sự thống nhất và hợp tác nhiều
hơn nữa với các nước đang phát triển. Dự hội nghị qua hình thức trực tuyến, tổng
thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng BRICS “không tranh đấu với ai,
nhưng rõ ràng là quá trình hình thành một trật tự thế giới mới này vẫn có những
đối thủ gay gắt”.
Theo Reuters, sự gia nhập
của các cường quốc dầu mỏ như Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương Quốc Ả Rập cho thấy
các nước này muốn giữ khoảng cách Hoa Kỳ và có tham vọng trở thành những đối thủ
nặng ký toàn cầu. Việc mở rộng nhóm cũng cho thấy BRICS gặp khó khăn trong việc
làm sâu sắc quan hệ giữa các nước trong liên minh hiện nay, dù GDP của 5 nước cộng
lại bằng một phần ba GDP toàn cầu. Mỗi nước đều có những tham vọng, chính sách
đối ngoại riêng.
Chuyên gia Pierre Salama, thuộc Trung tâm
nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp - CNRS, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng việc
khối BRICS được mở rộng « mang hơi hướng chính trị hơn là kinh tế ».
Một số nước gia nhập BRICS đôi khi có lập trường chống lại phương Tây như Iran,
đây có thể được xem như là một thông điệp gửi tới nhóm G7. Theo ông
Salama « có thể nói rằng sự gia nhập của các quốc gia này giống như
một nỗ lực nhằm thay đổi đế chế, hay nói cách khác là sự thống trị của chủ
nghĩa đế quốc Mỹ. Họ muốn chuyển sang một chủ nghĩa khác mơ hồ hơn, đó là chủ
nghĩa đế quốc Trung Hoa. Đó là một sự cá cược của một số nước mà tôi không chắc
là họ có thắng hay không…Tôi không cho rằng các nước thành viên mới này là các
nước « có liên minh » hoặc « không liên minh » với quốc
gia nào. Đó là vấn đề chống phương Tây, không phải là từ Ấn Độ, cũng không phải
từ Brazil, mà theo tôi đó là cách để bảo đảm ưu thế của Trung Quốc. »
Ấn Độ lên mặt trăng
Cuộc chạy đua lên mặt trăng tiếp tục là chủ đề
được công luận quan tâm trong tuần vừa qua khi Ấn Độ trở thành quốc gia đầu
tiên hạ cánh thành công tàu thăm dò Vikram của phi thuyền Chandrayaan-3 ở cực
nam của mặt trăng, hôm 23/08. Tàu thám hiểm này được thiết kế để chụp ảnh, tiến
hành các thí nghiệm về địa chất cũng như điều tra sự hiện diện của nước trong
băng tại khu vực này. Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc cũng đã thành công hạ cánh
trên mặt trăng nhưng ở khu vực khác, gần đường xích đạo của mặt
trăng.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã cất cánh từ một bệ
phóng ở Sriharikota, miền nam Ấn Độ vào ngày 14 tháng 7, đã mất nhiều thời gian
hơn để đến được mặt trăng so với các chuyến bay Apollo của Hoa Kỳ trong những
năm 1960 và 1970, vốn chỉ mất vài ngày. Hơn nữa, tên lửa mà Ấn Độ sử dụng yếu
hơn của Mỹ. Phi thuyền của Ấn Độ đã phải quay quanh Trái đất nhiều lần để tăng
tốc trước khi vào quỹ đạo đến mặt trăng.
Thành công đổ bộ lên mặt
trăng của Tổ chức
nghiên cứu không gian Ấn Độ (Isro) còn vang dội hơn, khi cách đó vài ngày, sứ mệnh Luna-25 của Nga đã thất
bại, tàu thăm dò của Nga mất kiểm soát và đâm vào bề mặt mặt trăng.
Chuyên gia Christophe Jaffrelot, giám đốc
nghiên cứu tại CERI ở Sciences Po, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng “sự
kiện này là cơ hội cho phép Ấn Độ gột rửa thất bại “nhục nhã” vào năm 2019, khi
tàu đổ bộ lên mặt trăng gặp tai nạn”. Giờ đây Ấn Độ đã chính thức gia
nhập câu lạc bộ mặt trăng cùng các cường quốc như Hoa Kỳ, Mỹ và
Nga.
Chuyến bay lên thăm dò mặt trăng của Ấn Độ
tiêu tốn khoảng 74,6 triệu đô la, thấp hơn nhiều so với các nước khác, hứa hẹn
mang lại nhiều thông tin có giá trị trong nghiên cứu khoa học. Là quốc gia được
trang bị vũ khí hạt nhân, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới
vào năm ngoái. Với thành công lên mặt trăng, chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của
Narendra Modi mong muốn trở thành một cường quốc về công nghệ và không gian. Điều
này cũng sẽ khẳng định vị thế của ông Modi trong giới tinh hoa ở Ấn Độ, củng cố
sự ủng hộ đối với ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Châu Âu thắt chặt kiểm duyệt nội dung trên mạng
Tại châu Âu, kể từ ngày 25/08, luật « Digital
Services Actes » (DSA), luật về các dịch vụ kỹ thuật số sẽ chính
thức có hiệu lực. Luật này sẽ buộc các mạng xã hội như Facebook, Instagram,
Youtube, các máy tìm kiếm như Google hay các trang bán hàng trực tuyến lớn, phải
có biện pháp đối phó với các nội dung nhạy cảm, bất hợp pháp.
Thông tín
viên RFI Laure Broulard, từ Bruxelles cho biết thêm :
« Tất cả những gì được cho là bất hợp pháp thì
cũng là bất hợp pháp ở trên mạng. Đó là tham vọng của đạo luật DSA, chẳng hạn
như những nội dung ấu dâm, căm thù, hay quấy rối. Bruxelles muốn thúc đẩy những
gã khổng lồ về kỹ thuật số, phải đưa ra các công cụ kiểm duyệt và cảnh báo tốt
hơn. Nghị sĩ châu Âu Geoffroy Didier, của đảng Nhân dân Châu Âu (PPE), đồng chịu
trách nhiệm về đạo luật này, cho biết : « Mỗi một người dùng mạng sẽ
có thể ấn vào một nút để báo cáo nếu có nội dung nào phạm pháp, hoặc bất hợp
pháp, theo như luật của quốc gia đó hoặc luật pháp châu Âu. Những trang mạng sẽ
có nghĩa vụ gỡ nội dung đó trong thời gian ngắn nhất nếu xét thấy là bất hợp
pháp ».
Đạo luật DSA cũng cấm các quảng cáo nhắm vào đối tượng
vị thành niên, nhắm vào những dữ liệu nhạy cảm như khuynh hướng tình dục, nguồn
gốc chủng tộc hoặc tôn giáo. Luật này cũng yêu cầu phải minh bạch đối với các
thuật toán được sử dụng. Trong trường hợp trang mạng đó cố tình vi phạm, Ủy Ban
Châu Âu sẽ đưa ra trừng phạt, có thể lên đến 6 % doanh thu toàn cầu của trang mạng
đó, và thậm chí, có thể cho tạm ngừng hoạt động ở thị trường châu Âu. Nghị
sĩ Geoffroy Didier nói thêm : « Ủy ban Châu Âu sẽ nhận được một
báo cáo mà mỗi mạng xã hội sẽ phải cho biết mình đã thực hiện điều gì để tuân
theo quy định mới của châu Âu ».
Hiện vẫn còn thách thức trong việc triển khai luật
này khi phải đối mặt với các cơ quan pháp lý của GAFAM cùng với những thuật
toán phức tạp. Google, Meta hay Titok dẫu sao cũng đã thông báo có biện pháp để
tuân theo biện pháp mới.
Một thách thức khác, đó là làm sao có thể giữ được
cân bằng giữa những quyền tự do căn bản và cuộc chiến chống lại những lạm dụng ».
Pháp thiếu y tá trầm trọng
Về thời sự nước Pháp, một nghiên cứu được công
bố vào ngày 25/08 đã khiến công luận xôn xao khi gần 50 % y tá, điều dưỡng đã rời
khỏi bệnh viện hoặc đổi nghề sau 10 năm làm việc.
Một số y tá nghỉ việc tại bệnh viện để hành
nghề tự do, hoặc làm ở các viện dưỡng lão. Một số ở lại bệnh viện, nhưng làm những
việc hành chính, một số khác thì đổi nghề. Lý do là vì lương thấp, khối lượng
công việc quá nhiều, và các điều kiện làm việc khó khăn.
Nghiên cứu này cho thấy rõ hơn hiện tượng « nghỉ
việc ồ ạt » ở giới y tá. Công đoàn quốc gia về nghề y tá, điều dưỡng
của Pháp cho biết hiện 60 000 vị trí y tá còn trống, không tuyển được người, và
10 % điều dưỡng đang nghỉ bệnh. Công đoàn nêu ra các trường hợp làm việc quá mức,
bị kiệt sức thậm chí là trầm cảm. Trả lời đài RFI Pháp ngữ, ông Thierry
Amouroux, đại diện cơ quan công đoàn ngành y tá của Pháp, cho biết tình trạng
ngày càng trở nên trầm trọng hơn từ năm này qua năm khác : « Để
hiểu rõ hơn về khối lượng công việc, tiêu chuẩn quốc tế là một y tá chăm sóc
cho 6 đến 8 bệnh nhân, tùy theo bệnh lý, nhưng ở Pháp con số này tăng gấp đôi,
buộc y tá phải chạy qua chạy lại hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, … họ
không hài lòng với công việc, nên nhiều người buộc đã rời khỏi ngành vì điều kiện
làm việc không thể chấp nhận được ».
Trên thực tế, theo đài TF1, không có khuyến
nghị chính thức nào về tiêu chuẩn quốc tế được đưa ra bởi các tổ chức như WHO.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để tránh tình trạng làm việc quá sức, số bệnh
nhân mà một y tá chăm sóc không nên vượt quá 8 người. Theo một nghiên cứu được
thực hiện tại 168 bệnh viện ở Israel, nếu giảm số bệnh nhân mà mỗi y tá phải
chăm sóc thì có thể giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
--------------------------------
Các nội dung liên quan
Yevgeny
Prigozhin, ông chủ ma quái của Wagner, người kiến tạo ảnh hưởng của Nga tại
châu Phi
Lãnh
đạo Wagner ‘‘chết’’ trong tai nạn máy bay: Điện Kremlin chưa xác nhận
Nga:
Thực dân mới ở châu Phi thông qua "cánh tay nối dài" Wagner
No comments:
Post a Comment