Saturday, August 12, 2023

NGUYỄN VĂN CHƯỞNG và THÁCH THỨC MỚI CHO CHỦ TỊCH NƯỚC (Lê Quốc Quân, VOA)

 


Nguyễn Văn Chưởng và thách thức mới cho Chủ Tịch Nước

Lê Quốc Quân

11/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-van-chuong-va-thach-thuc-moi-cho-chu-tich-nuoc/7221143.html

 

Ngày 4/8/2023 Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng có công văn số 143/TB-TA thông báo cho gia đình Nguyễn Văn Chưởng “làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình”. Trong thông báo có đề cập đến Quyết định thi hành hình phạt tử hình số 02/2023/QĐ-CA.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-11eb-08db974f4d72_w650_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Trường Chinh điểm chỉ thỉnh nguyện thư bằng máu, xin Chủ tịch Việt Nam tạm hoãn thi hành án tử hình của con là Nguyễn Văn Chưởng, 6/8/2023.

 

Mấy ngày nay trên mạng xã hội đang rộ lên vụ việc tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị đưa ra thi hành án. Hàng ngàn người đã chia sẻ các dòng trạng thái về vụ việc và một thỉnh nguyện thư gửi lên chủ tịch nước trên trang avaaz.org chỉ trong 4 ngày đã có gần 5,000 người tham gia ký tên.

 

Nguyễn Văn Chưởng là ai và vụ việc xảy ra như thế nào?

 

Nguyễn Văn Chưởng sinh năm 1983 ở Huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, làm chủ quán bán cafe, chưa có tiền án tiền sự. Ở tuổi 24, Chưởng bị cáo buộc cùng 2 đồng phạm là Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung, chém chết thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, là cảnh sát hình sự ở Quận Hải An, thành phố Hải Phòng vào tháng 7 năm 2007 để cướp của. Em trai của Chưởng là Đoàn cũng bị bắt khẩn cấp vì tội “che giấu tội phạm” trong khi đang mang giấy xác nhận về “bằng chứng ngoại phạm của Chưởng” nộp cho cơ quan công an.

 

Ngày 12/6/2008 Toà án Nhân dân TP Hải Phòng xét xử sơ thẩm kết án Chưởng tội tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Em trai Chưởng bị kết án 2 năm tù vì tội che giấu tội phạm. Chưởng kháng cáo kêu oan. Tháng 11/2008, Toà án tối cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Tháng 4 năm 2009, Chưởng bí mật gửi thư cho gia đình, tưởng thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định bị tra tấn, ép cung và buộc nhận tội.

 

Kể từ năm 2009, Bố Mẹ Chưởng, liên tục kêu oan. Họ bán cả nhà đất, ruộng vườn để mưu tìm công lý cho con với một niềm tin sâu sắc rằng con mình vô tội. Các luật sư đã chỉ ra hàng loạt tình tiết chưa được làm rõ, đầy mâu thuẫn và vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự trong suốt quá trình: Khởi tố, điều tra, xét xử...

 

Tháng 4, năm 2011, Viện Kiểm sát “Kháng nghị giám đốc thẩm” đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, huỷ bản án hình sự phúc thẩm đối với Chưởng để xử lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng. Nhưng ngày 7/12/2011, Hội đồng thẩm phán toà án tối cao gồm 11 thành viên do ông Trương Hoà Bình làm chủ toạ đã bác Kháng nghị của VKSNDTC.

 

Vào năm 2015, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng “vụ án Nguyễn Văn Chưởng có sai sót thì cũng hết đường kháng nghị bởi quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng” trong khi đó Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong vẫn bảo lưu quan điểm “chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”

 

Văn tự tử thần và đòi hỏi của lương tâm

 

Ngày 4/8/2023 Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng có công văn số 143/TB-TA thông báo cho gia đình Nguyễn Văn Chưởng “làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình”. Trong thông báo có đề cập đến Quyết định thi hành hình phạt tử hình số 02/2023/QĐ-CA.

 

Thông báo chính là lưỡi hái đang lướt đến trên đời sống của Nguyễn Văn Chưởng. Gia đình vội vàng cầu cứu khắp nơi, thông tin trên toàn cõi mạng xã hội xôn xao và nhiều người công khai là đã nhắn tin cho chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về vụ việc. Cựu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, người nổi tiếng vì những phát ngôn đầy trách nhiệm trước dân, đã gửi tin nhắn tới chủ tịch nước đề nghị xem xét cho dừng thi hành án.

 

Cộng đồng mạng đã thể hiện rõ quan điểm của mình. Mặc dù chưa có một đám đông thực tế cầm biểu ngữ đứng trước toà án để kêu gọi “minh oan” như đã từng xảy ra trong vụ Hồ Duy Hải nhưng công luận ở xã hội là rất lớn. Luật sư Lê Văn Hoà người từng là tổ trưởng tổ kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung Ương, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho gia đình cho rằng việc kết án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là oan.

 

Từ góc độ chuyên môn, luật sư đã lên tiếng, từ cảm thức chung của nhân dân, mọi người đang đòi hỏi công lý phải được thực thi. Công văn đề nghị nhận “tro” hay “thi hài” có số quyết định và điều luật không đại diện cho công lý mà là sự bế tắc của một quy định xơ cứng đã giết chết cả lương tâm con người và cảm thức chung của cộng đồng.

 

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc phổ biến trong tư pháp quốc tế và của cả Viêt Nam. Hiến pháp và Luật tố tụng hình sự đều khẳng định nguyên tắc này. Thế nhưng tại sao vẫn có rất nhiều vụ án oan sai?. Bởi vì công an “trọng cung hơn trọng chứng” mà dùng nhục hình để bức cung thì công an Việt Nam đã thành thần. Do có một thời gian ở với các tù hình sự trong trại giam, tôi hỏi “các biện pháp nghiệp vụ” mà trong các bài báo công an hay nói là gì? tất cả đều bảo “đánh và đánh”.

 

Trong các biện pháp nghiệp vụ đó thì đòn “treo cánh khuỷu” bằng cách trói tay và móc 2 tay lên phía sau, để mũi chân vừa chạm đất là “mệt mỏi và kinh hãi nhất”. Khi bị treo như vậy thì mong ước tột đỉnh và xuyên xuốt từ đỉnh đầu đến mũi bàn chân là được tháo ra và hạ xuống. Sau “màn treo cách khuỷu” luôn có được một bản cung theo ý của điều tra viên. Hồ sơ vụ án sẽ sớm được khép lại và ai đó sẽ có thêm gạch, thêm sao…

 

Chủ tịch nước có thể làm gì?

 

Ngày còn nhỏ xem phim Bao Thanh Thiên, tôi nhớ mãi một hình ảnh Triển Chiêu cùng Bao Công tổ chức cướp pháp trường để cứu một vị quan. Từ đó, tôi đã có niềm tin mạnh mẽ vào công lý như chính tin vào Thiên Chúa. Tôi luôn nghĩ, cuối cùng thì, trong những giờ phút nguy nan nhất, phải có một ai đó ra tay. Xét theo cả tình và lý thì luật pháp Việt Nam cũng không phải đã hết cách. Chủ tịch nước vẫn có thể bẻ gãy lưỡi hái tử thần, cứu được một mạng người, tạo phúc cho mình và cho dân tộc.

 

Theo Điều 404, Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam thì vẫn có một lối thoát. Đó là Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban tư pháp của Quốc Hội, Viện Trưởng VKSTC hoặc Chánh án TANDTC còn có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao, khi có căn cứ xác định Hội đồng này “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” hoặc phát hiện tình “tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng không biết được khi ra quyết định trước đó”.

 

Ai cũng biết rằng hệ thống quan chức ở Việt Nam bao che cho nhau, cho nên bây giờ không thể nói “Hội đồng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và thực tế cũng chưa có “tình tiết quan trọng mới” nào có thể làm “thay đổi cơ bản nội dung quyết định”.

 

Nhưng ai cũng biết rằng Việt Nam là chế độ độc tài toàn trị, các quyết định đều do đảng cộng sản lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức đảng luôn có quyền lực nhất, có thể “làm” nhiều việc “dọc – ngang” theo ý của đảng. Trước đây trong 11 thành viên của Hội đồng thẩm phán có thể chỉ nhận được 1 chỉ đạo từ một người nào đó, thì bây giờ Chủ tịch nước, với tư cách là Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung Ương có thể Họp cùng Ban nội chính Trung Ương và Uỷ ban tư pháp của Quốc hội bàn bạc và đề nghị Hội đồng thẩm phán tối cao mở một phiên họp để xem xét lại quyết định đó và mời cả 2 nhân vật quan trọng nhất liên quan đến vụ án là Đỗ Hữu Ca (nguyên giám đốc công an TP Hải Phòng) và Dương Tự Trọng (nguyên thủ trưởng cơ quan điều tra hình sự TP Hải Phòng) tham gia để xem xét lại quyết định của mình.

 

Trong trường hợp mà hội đồng không đủ dũng cảm để ra một quyết định khác đi, thì “ân xá” là việc làm dễ nhất và có ý nghĩa nhất lúc này. Chúng ta hy vọng rằng với những cơ sở pháp lý mà Luật sư đã trình bày, và sự lên tiếng của cộng đồng mạng hôm nay, sẽ có tác động đến việc hoãn thi hành án tử hình và hướng đến việc xem xét lại một cách toàn diện và đầy đủ vụ án.

 

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng này cùng với những vụ án có dấu hiệu oan sai khác đang là một thách thức lớn của chính chủ tịch nước với tư cách là Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương. Nếu ông bỏ mặc thì chỉ làm dâng trào lên những bức xúc của cộng đồng giữa một nền tư pháp đang hoại loạn sâu sắc.

 






No comments: