Sunday, August 20, 2023

"MẮT THẦN" MỸ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG TRÁI PHÉP CỦA TÀU TRUNG QUỐC TRÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (Thụy My / RFI)

 



« Mắt thần » Mỹ theo dõi hoạt động trái phép của tàu Trung Quốc trên Thái Bình Dương

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 19/08/2023 - 22:12

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230819-m%E1%BA%AFt-th%E1%BA%A7n-m%E1%BB%B9-theo-d%C3%B5i-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-tr%C3%A1i-ph%C3%A9p-c%E1%BB%A7a-t%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c-tr%C3%AAn-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng

 

The Economist tuần này quan tâm đến việc Hoa Kỳ và đồng minh dùng những công cụ mới để theo dõi các hoạt động quân sự và đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Những hợp đồng được ký với các công ty tư nhân để cung cấp cho các chính phủ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương dữ liệu trong thời gian thực từ trên không gian, để giám sát vùng duyên hải.

 

https://s.rfi.fr/media/display/890d5906-3ecc-11ee-958d-005056a90321/w:980/p:16x9/tau_05.webp

Ảnh minh họa : Một tàu hải cảnh Trung Quốc được nhìn thấy trong lúc lực lượng tuần duyên Mỹ và Philippines đang tập dượt cứu hộ trên biển, ngày 15/05/2029. AP

 

Hoạt động trên đây nằm trong khuôn khổ chương trình Đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương nâng cao nhận thức về lãnh vực hàng hải (Indo-Pacific Partnership for Maritime Domain Awareness – IPMDA), được khởi động từ tháng 5/2022 trong hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ (Quad, gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Chính phủ Úc coi đây là « sáng kiến công nghệ » nhằm cung cấp cho các đối tác Đông Nam Á và khu vực những thông tin về các hoạt động đang diễn ra trong vùng biển của họ.

 

.

Đánh cá lậu, dọa nạt láng giềng…tắt AIS vẫn nhận diện được

 

Tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chỉ trích nỗ lực của Hoa Kỳ để « tạo ra những phe nhóm nhỏ và kích thích đối đầu giữa các khối ». Các chuyên gia ở Hoa lục cho rằng IPMDA nhằm làm mất uy tín các hoạt động hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt là đoàn tàu cá hùng hậu bị tố cáo là chuyên đánh bắt bất hợp pháp ở châu Phi, Nam Mỹ và các quần đảo Thái Bình Dương. Ông Hồ Ba (Hu Bo), đại học Bắc Kinh dự báo chương trình của Bộ Tứ sẽ còn mở rộng để nhắm vào tuần duyên và chiến hạm của hải quân Trung Quốc. Các chuyên gia quốc phòng phương Tây cũng nêu bật các ứng dụng quân sự của IPMDA, có thể dùng để theo dõi các động thái của Trung Quốc thù địch với Đài Loan.

 

Một trong những thách thức cho các quốc gia Đông Nam Á bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền Biển Đông, là các tàu Trung Quốc thường vô hiệu hóa hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để che giấu tung tích, và có khi còn phát đi dữ liệu giả mạo. Ngay cả các tàu chở hàng của Trung Quốc cũng khó theo dõi hơn kể từ 2021. Nhưng nay đã có những phương tiện giám sát đại dương mới. Các vệ tinh tư nhân cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, theo dõi tần số vô tuyến và radar, trí thông minh nhân tạo cũng giúp phân tích những dữ liệu này nhanh chóng hơn rất nhiều.

 

Trong số các công ty tham gia chương trình IPMDA có HawkEye 360 ở Virginia, khai thác 21 vệ tinh địa tĩnh, có thể xác định được vị trí tàu ngay cả khi tắt AIS. Nhờ đó đã nhận diện được các tàu Trung Quốc đánh cá lậu ngoài khơi Ecuador năm 2020 và ở gần Oman năm 2021, theo dõi các tàu tuần duyên Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Công ty này cung cấp dữ liệu cho chính phủ Mỹ và sau đó Washington chuyển cho các nước tham gia IPMDA. Phương Tây hy vọng khi tập trung nỗ lực vào việc đánh cá bất hợp pháp và các lãnh vực mà các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương đang quan tâm, có thể giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn để chống lại Trung Quốc.

 

.

Trung Quốc, một thế hệ rã rời

 

Cũng về Trung Quốc, The Economist nhận thấy trong lúc tình hình kinh tế không ngừng xuống dốc, lớp trẻ không nhìn thấy tương lai nên đã buông xuôi. Một đám mây đen đang bao phủ lên những người Trung Quốc sinh ra trong những năm 1990 và 2000.

 

Từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, chính quyền trấn áp mạnh tay hơn và xã hội kém phần năng động. Các nhà kiểm duyệt biến internet thành một nơi ảm đạm, để cho đám dư luận viên dân tộc chủ nghĩa tung hoành. Ở các trường đại học, sinh viên phải đánh vật với « tư tưởng Tập Cận Bình ». Tệ hơn nữa, tỉ lệ thanh niên dưới 24 tuổi thất nghiệp vượt 21 % và còn có thể cao hơn, khiến Bắc Kinh quyết định ngưng công bố.

 

Việc làm khó kiếm, giá nhà cao ngất ngưởng, đối với 360 triệu người Trung Quốc từ 16 đến 35 tuổi, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp chừng như khó với tới, nên nhiều người trong số họ bèn buông tay, sống thu mình lại. Phong trào « thảng bình » (tangping) và « bãi lạn » (bailan), chọn một cuộc sống cam chịu, tối giản lan rộng. Thái độ thụ động của một thế hệ trì trệ là mối đe dọa cho tham vọng của ông Tập muốn biến Trung Quốc thành đại cường số 1 thế giới.

 

.

BRICS khó đạt giấc mơ đồng tiền chung thay đô la

 

Courrier International đặt câu hỏi « Thượng đỉnh BRICS, hồi kết của đồng đô la », cùng với hồ sơ ở trang trong « BRICS : Đô la, không, cảm ơn ! ». Từ ngày 22 đến 24/08, hội nghị thượng đỉnh của khối này sẽ là dịp để đặt lại vấn đề về sự thống trị của đồng đô la. Theo báo chí các nước, điều này là có thể, nhưng không đơn giản.

 

Theo chuyên gia Iraj Abedian ở Nam Phi, ý tưởng đồng tiền chung cho khối BRICS là do Bắc Kinh muốn tăng cường vị trí của mình, vì đồng tiền này hầu hết dựa vào đồng nhân dân tệ. Tuy vậy Trung Quốc không đáp ứng được hầu hết các điều kiện kỹ thuật để biến nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chánh Hoa lục thiếu ổn định, tính minh bạch và sự khả tín. Bên cạnh đó, các nền kinh tế BRICS không đủ đa dạng để hỗ trợ cho một đồng tiền chung. Abedian nói : « Không có đủ luồng tiền song phương. Nga bán dầu khí cho Trung Quốc, và tất cả chỉ có thế ». Ba thành viên của khối là Nga, Brazil và Nam Phi đều xuất khẩu những sản phẩm thô, khó thể trao đổi trong khối.

 

Trung Quốc và Ấn Độ năm 2013 đã ký hợp đồng trao đổi giữa nhân dân tệ và rupi, tuy vậy năm 2015 Trung Quốc xuất 1 tỉ hàng hóa sang Ấn nhưng từ chối nhận nhân dân tệ, đòi dùng vào việc đầu tư. Nhà kinh tế người Anh Jim O’Neill nói thêm : « Hai nền kinh tế chính của nhóm -Trung Quốc và Ấn Độ - là những kình địch hiếm khi hợp tác với nhau về bất cứ vấn đề gì ». Theo ông, vị thế của đồng đô la chỉ có thế suy giảm khi một ngày nào đó Hoa Kỳ không còn là siêu cường dẫn đầu toàn cầu, như đồng bảng Anh vào nửa đầu thế kỷ 20. Con đường tiến đến đồng tiền chung BRICS còn rất dài, tuy Nga vẫn thúc giục để tránh né cấm vận của phương Tây, với sự ủng hộ của Trung Quốc và Brazil của ông Lula.

 

.

Mông Cổ, ốc đảo dân chủ nhằm giữa hai thế lực Trung-Nga

 

Le Point nói về Mông Cổ, nền dân chủ non trẻ nằm giữa Trung Quốc và Nga, luôn bị hai nước láng giềng khổng lồ dòm ngó. Quốc Hội đa dạng, các chính phủ dân cử thay nhau nắm quyền, tự do ngôn luận, xã hội dân sự nở rộ với 20.000 tổ chức phi chính phủ : cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng coi Mông Cổ là « ốc đảo dân chủ ».

 

Tuy nhiên đất nước này bị lệ thuộc vào hai người khổng lồ bên cạnh. Một mặt Mông Cổ xuất khẩu 80 % than đá sang Trung Quốc, mặt khác nhập khẩu dầu khí từ Nga, chưa kể sức nặng của lịch sử. Sau khi bị nhà Thanh đô hộ đến 1911, Mông Cổ sống dưới sự cai trị của một đảng cộng sản tuân lệnh Liên Xô. Mãi đến khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào đầu thập niên 90, mới có những cuộc bầu cử tự do đầu tiên.

 

Từ đó đến nay, Mông Cổ cố gắng bảo vệ thành quả đạt được, nhưng áp lực từ Bắc Kinh rất lớn. Khi Đạt Lai Lạt Ma thăm Ulan-Bator năm 2016, Trung Quốc đóng cửa biên giới, chận hàng xuất khẩu. Hối lộ quan chức là cách Bắc Kinh nắm yết hầu họ. Người Nga cũng không hề có ý định nhả ra quốc gia vệ tinh cũ. Cho đến 2021, Matxcơva có thể dựa vào tổng thống Khaltmaagiyn Battulga, cựu vô địch judo vốn rất ngưỡng mộ Vladimir Putin. Từ khi ông Battulga ra đi, tình hình vẫn không khá hơn, vẫn bị Nga dùng năng lượng để bắt chẹt.

 

.

Tiến từng mét một, lợi thế chiến trường nghiêng dần về Ukraina

 

Tại châu Âu, cuộc chiến tranh ở Ukraina tiếp tục là đề tài được bàn luận sôi nổi. The Economist cho rằng « Từng mét một, cuộc phản công của Ukraina đang tiến chậm », đây cũng là nhận định chung của các báo ra ngày cuối tuần. Nhưng mười tuần sau khi khởi động, quân đội đã tìm ra được phương cách hiệu quả. Chuyên gia về an ninh Nico Lange nhận xét, trong hai tuần gần đây lợi thế đã nghiêng dần về phía Ukraina.

 

Đối với Ben Barry, chuyên về chiến tranh trên bộ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cách tỏ ra thành công là phối hợp giữa « thọc sâu và đánh gần ». Kiev dùng thế mạnh đang tăng lên về đạn pháo chính xác để triệt hạ pháo binh Nga, sử dụng Himars và hỏa tiễn Storm Shadow đánh vào các trung tâm hậu cần, sở chỉ huy của địch. Những hỏa tiễn phòng không S-200 được cải tiến hôm 12/08 đã được dùng để tấn công cầu Kertch nối Crimée với Nga.

 

Ông Lange nhấn mạnh đến thành công của Ukraina xung quanh làng Urozhaine ở Donetsk, với đạn chùm mới có được, đường rút chính của quân Nga đã biến thành một nút thắt chết người. Chỉ huy phía Nga Alexander Khodakovsky than thở không được tiếp viện, cho thấy quân Nga ở một số nơi đã quá mệt mỏi không thể tiếp cứu và khi Nga phản công thì thường hụt hơi. Trong khi đó hoạt động « mài mòn » tiếp tục ở miền nam theo hai hướng Melitopol và Berdiansk.

 

.

Đất nước bị gài mìn nhiều nhất thế giới

 

Khó khăn nhất là xuyên qua được khu vực bị gài mìn nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh. Bộ trưởng quốc phòng Ukraina Oleksy Reznikov khẳng định ở một số điểm, mỗi mét vuông có đến năm quả mìn. Theo chuyên gia Lange, đó là lý do chính khiến Ukraina phải tập trung vào một mặt trận hẹp : Kiev không có đủ công binh hay xe phá mìn để tấn công vào nhiều điểm dọc theo phòng tuyến. Tờ The Guardian cho biết 200 đơn vị công binh với 30 quân nhân mỗi đơn vị đã được huy động, nhưng những chiến sĩ gỡ mìn thủ công thường bị thương vong.

 

Bộ trưởng Reznikov kêu gọi đồng minh trang bị và huấn luyện gỡ mìn, nhưng không có quân đội nào đối mặt với thách thức tầm cỡ như vậy kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Theo ông Barry, quy mô ở Ukraina có thể so sánh với trận El Alamein cách đây 80 năm, khi tướng Đức Erwin Rommel cho gài 1 triệu quả mìn. Quân Anh phải mất đến 10 ngày mới vượt qua được, dù có thế mạnh áp đảo về pháo binh, khống chế không phận và rất nhiều xe phá mìn – những ưu thế mà Ukraina hiện nay không hề có được.

 

Việc tấn công tầm xa của Kiev có thể mở ra được một hướng đột phá quan trọng : Đức sắp chuyển giao 400 hỏa tiễn hành trình Taurus, đe dọa được Crimée, và theo ông Lange, vào đầu cuộc xâm lăng, Nga có khoảng 100 trực thăng tác chiến Ka-52, nay chỉ còn 25.

 

Matxcơva dường như đặt cược vào phòng tuyến thứ nhất, và nếu các phòng tuyến thứ hai, thứ ba trở nên mong manh, một bước tiến có thể thực hiện được.

 

.

Crimée trong kế hoạch hậu chiến

 

L’Express cho biết « Kiev đã chuẩn bị cho tương lai của Crimée ». Bị Nga chiếm đóng từ năm 2014, « viên ngọc trai của Ukraina » vẫn là mục tiêu ưu tiên của chính quyền Zelensky, và Kiev đã có kế hoạch cho thời kỳ hậu chiến. Tại khu vực tập trung các cơ quan chính phủ và đại sứ quán, đơn vị phụ trách về Crimée được bảo vệ cẩn mật với hàng rào thép gai, rào chống tăng…

 

Cơ quan này được thành lập từ tháng 8/2021, nhân kỷ niệm 30 năm Ukraina độc lập. Mục tiêu là chuẩn bị cho việc quản lý hành chánh bán đảo sau khi được quân đội tái chiếm. Khoảng 30 viên chức làm việc cật lực để tất cả sẵn sàng vào ngày giải phóng : làm gì với 800.000 thường dân Nga sống ở Crimée, hay 50.000 công chức Ukraina hợp tác với quân chiếm đóng ? Có nên giữ lại 1,2 triệu bản án được tuyên bởi các tòa án dưới sự kiểm soát của Matxcơva ? Những cải cách nào có thể được áp dụng ?

 

Một số quyết định đã được đưa ra, chẳng hạn cho phép công dân tạm thời dùng hộ chiếu Nga. Thử thách sắp tới là hội nhập những người Ukraina đã sống mười năm dưới thời Nga chiếm đóng, với giáo dục, báo chí theo lệnh Kremlin. Một thanh niên lớn lên ở Crimée, đến Kiev học trước khi chiến tranh nổ ra, than phiền tất cả bạn bè còn ở lại đều không tin những gì anh kể từ Kiev, cho rằng anh lặp lại tuyên truyền của Mỹ ! Bên cạnh đó còn phải chứng tỏ với thế giới là Ukraina không bao giờ chịu nhượng lại vùng đất này, như một số nhà lãnh đạo vẫn thúc giục.

 

Một nhà phân tích ngoại quốc nhận định, về mặt quân sự thật ra không cần phải tiến vào Crimée, chỉ cần cắt đường tiếp tế, nhất là đánh sập cầu Kertch và dùng vũ khí tầm xa tấn công vào bán đảo. Đó cũng là một trong những mục tiêu chính của cuộc phản công. Nga xây dựng Crimée thành hậu cứ lý tưởng cho cuộc xâm lăng, cảng Sébastopol là nơi trú đóng của hạm đội Hắc Hải. Chiếm Crimée, Nga khóa chặt biển Azov và Hắc Hải để bóp nghẹt kinh tế Ukraina.

 

.

Cuộc chiến tượng đài giữa Nga và Ukraina

 

Le Monde cuối tuần nói về « cuộc chiến tượng đài » giữa đôi bên, và mới nhất là tượng « Mẹ Tổ quốc » ở Kiev đã trở thành « Mẹ Ukraina ». Ngày 07/08, bức tượng người phụ nữ cầm thanh gươm và tấm khiên có hình búa liềm đã được thay bằng cây đinh ba, biểu tượng của Ukraina từ thế kỷ 12. Dân thủ đô Kiev nườm nượp đến chụp hình kỷ niệm.

 

Trong thập niên 30, sau khi Ukraina « thoát » được một tượng Lênin và một tượng Stalin khổng lồ, rốt cuộc bức tượng trên được tổng bí thư Liên Xô Leonid Brejnev cho dựng lên vào năm 1981 để kỷ niệm chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến. Bức tượng cao đến 62 mét, để vượt qua đối thủ bên kia bức màn sắt là Nữ thần Tự Do ở New York cao 46 mét.

 

Đến khi Liên Xô sụp đổ, một loạt tượng đài đã bị phá sập ở nhiều nước. Tại Ukraina sau khi độc lập năm 1991, cuộc cách mạng màu cam năm 2004 và nhất là cách mạng Maidan 2014, một làn sóng tương tự đã diễn ra. Chỉ riêng tháng 3/2015, có 320 tượng Lênin đã bị giật đổ trên cả nước, Quốc Hội Ukraina thông qua luật « phi cộng sản hóa ».

 

Khi xe tăng Nga tràn sang biên giới, cuộc chiến tượng đài càng dữ dội, những công trình tượng trưng cho bản sắc Ukraina bị quân Nga cố tình nhắm đến. Bức tượng bán thân của nhà thơ lớn Taras Chevchenko bị lãnh một viên đạn vào đầu, tượng kỷ niệm nạn đói Holodomor bị tháo dỡ, tổng cộng khoảng 60 tượng đài bị phá hoại.

 

.

Nhiều tù binh Nga không muốn được Ukraina trao trả

 

Đối với các tù binh Nga, họ nhìn nhận cuộc chiến như thế nào, và họ được đối xử ra sao? The Economist cho biết sau khi bị bắt, lính Nga được chuyển sang một loạt trại tù và cuối cùng đến một trung tâm dành cho tù binh chiến tranh, khách đến thăm được yêu cầu giữ bí mật địa điểm.

 

Một khi được sang trại tù binh, có nghĩa là sắp được trao đổi, trừ phi bị tình báo Ukraina nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh. Một số tù binh Nga còn yêu cầu chính quyền Ukraina hoãn lại việc trao đổi cho đến khi hợp đồng của họ kết thúc để khỏi bị buộc phải ra trận lần nữa. Cũng có những tù binh xin không gởi trả họ về Nga, tuy nhiên những người này phải ở lại trại cho đến khi hết chiến tranh, trừ trường hợp họ tình nguyện tham gia trong lực lượng Nga chống Putin đang được Kiev bảo trợ.






No comments: