Những năm qua xảy ra hai vụ án tủ tù, trong nam là Hồ Duy Hải, ngoài Bắc
là Nguyễn Văn Chưởng. Điều kỳ lạ là hai vụ án này có khá nhiều điểm tương đồng
- Xảy ra gần thời điểm (2007 vụ NVC, 2008 vụ HDH); đều bị bản án sơ thẩm,
phúc thẩm kết án tử hình về tội giết người, cướp tài sản; cả hai đều một mực
kêu oan.
- Cả hai vụ đều bị VKSNDTC kháng nghị xem xét lại theo thủ tục Giám đốc
thẩm vì cho rằng quá trình tố tụng có sai sót; nhiều vấn đề chưa được làm rõ…,
tuy nhiên đều bị HĐTP Toà án tối cao bác kháng nghị,
- Cả hai vụ án đều đã trải qua hết quá trình tố tụng: Xét xử sơ thẩm, xét
xử phúc thẩm và xem xét Giám đốc thẩm bởi HĐTP TANDTC.
Tuy nhiên đến nay, mặc dù án đã có hiệu lực pháp luật (từ 2008,2009)
nhưng vẫn chưa thi hành được. Điều này thực sự là không bình thường đối với hoạt
động tư pháp. Vụ án từng được Uỷ ban tư pháp quốc Hội quan tâm, Chủ tịch nước đề
nghị xem xét giải quyết dứt điểm từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm
được lối ra.
Vậy tại sao đến nay cả hai vụ đều không thi hành án được, mà cứ tiếp tục
giam giữ họ trong mòn mỏi? Có lẽ người ta biết rằng với các tình tiết của vụ án
chưa được làm rõ như hiện nay mà thi hành án thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dư
luận xã hội, làm giảm lòng tin của người dân đối với hoạt động tư pháp. Nhưng nếu
không thi hành thì không lẽ cứ hoãn và giam họ mãi hay sao? Bản án đã có hiệu lực
mà không thi hành cũng là bất thường, trái pháp luật, làm mất tính nghiêm minh
của luật pháp.
Khi bàn luận về vấn đề này thì cũng đã có những quan điểm của một số người
đưa ra hướng giải quyết như là:
1. Uỷ ban tư pháp Quốc hội, UB thường vụ Quốc hội có thể kiến nghị, yêu cầu
HĐTPTAND tối cao xem xét lại vụ việc, khi đó có thể huỷ án điều tra lại từ đầu.
2. Chủ tịch nước ban hành lệnh ân xá cho tử tù.
Liệu hai phương án trên có khả thi không? Nghe qua thì tưởng đơn giản
nhưng cũng không hề đơn giản chút nào, bởi lẽ:
- Hướng thứ nhất: Theo quy định Điều 404 về Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị
xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (BLHS
2015) thì UBTPQH, UBTVQH có quyền kiến nghị, yêu cầu HĐTPTANDTC mở phiên họp
xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm khi có căn cứ xác định quyết định của
HĐTPTANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng
mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC không biết được
khi ra quyết định đó.
Điều này là tương đối khó, vì phải có căn cứ xác định quyết định của
HĐTPTANDTC có vị phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi
bản chất vụ án. Nếu không có tình tiết mới thì không lẽ phải xác định quyết định
của HĐTPTANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này có dễ dàng không đối
với cơ quan tư pháp xét xử cấp cao nhất của một quốc gia?
- Hướng thứ hai:Chủ tịch nước có thể dùng thẩm quyền của mình ân giảm
hình phạt tử hình xuống chung thân. Điều này đồng nghĩa với việc họ là có tội,
không oan ức. Hải, Chưởng sẽ thụ án chung thân, cộng các năm đã bị giam và cải
tạo tốt thì có thể ra tù trước thời hạn. Vụ án có thể sẽ khép lại, các vấn đề
có thể sẽ không được làm rõ nữa, chìm ngỉm và sẽ có thể lại có những vụ án
tương tự xuất hiện. Liệu điều này có là ổn không đối với nền tư pháp của một quốc
gia?
Còn đối với họ và gia đình họ, liệu họ có cam chịu nhận tội hay không khi
họ đang kêu oan và muốn làm rõ để minh oan cho họ. Đối với nhiều người có khi
danh dự còn quan trọng hơn cả cái chết.
Mặt khác ân giảm án là hình thức khoan hồng cho người ăn năn, hối cải. Vậy
nếu họ vẫn một mực kêu oan (nghĩa là không chịu nhận tội, không hối cải) thì liệu
có ai ban lệnh ân giảm không?
Theo tôi thì cả hai hướng trên đều khó cả. Ngay kể cả với tình huống 1 được
rất nhiều chuyên gia đề cập nhưng tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện được. Giả
sử ngay cả khi có căn cứ xác định Quyết định của HĐTPTANDTC là vi phạm pháp luật
nghiêm trọng và UBTV Quốc hội vào cuộc yêu cầu xem xét lại thì lại cũng gặp khó
lần nữa, bởi lẽ:
Theo quy định pháp luật thì việc xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC
cũng do chính HĐTPTANDTC thực hiện. Hiện nay Hội đồng này có 17 vị Thẩm phán và
theo khoản 3 điều 411 BLTTHS thì Quyết định của HĐTPTANDTC phải được ít nhất
3/4 tổng số thành viên của Hội đồng biểu quyết tán thành. Như vậy là nếu 17 vị
họp Hội đồng thì phải có 13/17 vị đồng ý.
Tuy nhiên cái khó hiện nay là các vị này (có thể toàn bộ hoặc số đông) đã
là người tham gia vào phiên Giám đốc thẩm hai vụ án trên (GĐT vụ N.V.C năm 2011
có 11 vị tham gia; GĐT vụ Hải năm 2020 cả 17 vị tham gia). Vì vậy về nguyên tắc
đảm bảo tính khách quan thì những ai đã tham gia phiên Giám đốc thẩm rồi rồi
thì không được tham gia phiên xét lại nữa. Vì vậy giả sử UBTVQH có yêu cầu
HĐTPTANDTC xem xét lại thì liệu có đủ thẩm phán tham gia hay không? Nếu không đủ
thì phải chờ cho đến khi có loạt thẩm phán mới, đủ điều kiện tham gia. Tuy
nhiên hiện nay thời hạn bổ nhiệm của Thẩm phán của các vị này là 10 năm nên việc
chờ đợi cũng không biết đến bao giờ. Cái khó vẫn tiếp nối cái khó.
Mặc dù khó là vậy, nhưng một vấn đề ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng
uy tín nền tư pháp một quốc gia, làm cho dân chúng bất an khi có tình trạng vi
phạm trong hoạt động tố tụng để tước đoạt mạng sống của một công dân như vậy
thì không lẽ các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm và chừng nào chưa
dứt điểm thì còn ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Vì vậy theo quan điểm
cá nhân của tôi thì có thể chính Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất (đại diện
cho người dân, với chức chức năng ban hành Luật pháp, giám sát thực thi luật
pháp) có thể ra quyết định huỷ bỏ các bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều
tra lại từ đầu. Tạm thời cho các bị cáo tại ngoại, quản lý chặt chẽ để phục vụ
công tác điều tra. Điều này là chưa có tiền lệ nhưng đất nước chúng ta cũng
không phải là chưa xảy ra những việc không có tiền lệ. Vì vậy việc chưa phù hợp
luật định, chưa có tiền lệ nhưng có lợi cho dân cho nước thì có lẽ người dân
cũng đồng tình. Bởi lẽ hai vụ án này là cá biệt, nhưng cái quan trọng hơn mà
người dân quan tâm qua hai vụ án này là một nền tư pháp minh bạch để bảo vệ tốt
nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mặt khác, bên cạnh việc tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi luật tố
tụng hình sự để tránh oan sai (như: tuân thủ quyền im lặng; các bản hỏi cung, tự
khai phải có chứng kiến của Luật sư; ghi hình các buổi hỏi cung…) cũng phải xem
xét sửa đổi pháp luật liên quan để gỡ bí cho các tình huống như hai vụ án này.
Còn sửa thế nào là việc của các chuyên gia.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=6857340834277100&set=a.101476336530284
.
No comments:
Post a Comment