Wednesday, August 9, 2023

LỖI HỆ THỐNG (Võ Xuân Sơn)

 



LỖI HỆ THỐNG   

Võ Xuân Sơn

6-8-2-2023  05:40    

https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid0Uc7Nr1cgRHQUidmvCT8p7XrWdQjjHG2onfSirssHz1kdEqeFBRMFbzbB5zZUzZ1Ml

 

Mấy hôm nay, mạng facebook rộ lên 2 trend: Một là chuyện “3 người nổi tiếng”, hai là nhắn tin cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hoãn thi hành án tử hình với tù nhân Nguyễn Văn Chưởng.

 

Hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có chung nguồn gốc. Cả hai đều có căn nguyên sâu xa từ lỗi của hệ thống. Câu chuyện tử tù Nguyễn Văn Chưởng dễ cho chúng ta thấy lỗi của hệ thống hơn. Đó là việc kết án tử hình một người khi các chứng cứ không thuyết phục. Đây cũng không phải vụ duy nhất mà án tử hình được tuyên khi chứng cứ phạm tội rất không rõ ràng. Vụ Hồ Duy Hải là một vụ cũng có nhiều nét giống như vậy.

 

Những người tin vào công lí sẽ không thể nghĩ rằng ai đó có thể dễ dàng tuyên án tử hình cho một trường hợp không rõ ràng. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Văn Chưởng, và Hồ Duy Hải có phạm tội giết người thật, chứ nếu không thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử, toàn những người đức cao vọng trọng, làm sao kết án như vậy? Còn việc tạo ra chứng cứ giả, hay bác bỏ chứng cứ ngoại phạm mà không có cơ sở chắc chắn, chỉ là biện pháp thi hành công lí.

 

Còn vụ cô hoa hậu trả lời câu hỏi về 3 người nổi tiếng, thì khó nhìn thấy lỗi của hệ thống hơn. Đầu tiên, chúng ta phải thấy rằng câu trả lời của cô hoa hậu ấy thật là khó chấp nhận với một người được học hành hoặc trong một gia đình có giáo dục ở mức thông thường. Tất nhiên, chúng ta không thể trách một cô gái trẻ về những khiếm khuyết về mặt giáo dục của cô ấy, mà không trách cứ những người có trách nhiệm dạy dỗ cô ấy.

 

Nhưng có nên trách những người cụ thể, như cha mẹ, thầy cô giáo của cô gái ấy không? Hay là trách những người dạy dỗ những người ấy, hay trách cái hệ thống tạo ra một nền giáo dục không đủ sức dạy những điều bình thường cho học sinh của mình? Hay trách cái hệ thống đã đẻ ra hàng loạt cuộc thi sắc đẹp, để đến mức phải chọn những người có khiếm khuyết về giáo dục mang danh hoa hậu? Đấy là chưa kể đến việc nhiều người thuộc loại được coi là có học thức, lại có thể cho rằng, một cô hoa hậu là có tầm văn hoá thật cao siêu.

 

Thực ra, hai câu chuyện mà chúng ta thấy hôm nay chỉ là những minh chứng bổ sung cho ý nghĩ, rằng cái hệ thống tạo ra chúng đã hư hỏng nặng. Tệ hại hơn nữa, hệ thống ấy còn sản sinh ra rất nhiều kẻ dửng dưng với mạng sống của con người, khi còn những điều cho thấy, họ có thể không phải là kẻ đã gây tội ác ở mức có thể phải tử hình.

 

Cái hệ thống ấy đã hư hỏng đến mức mà mặc dù có bao nhiêu cảnh báo, nhưng những con người đức cao vọng trọng của hệ thống ấy cứ dửng dưng, cho đến ngày kẻ thủ ác thật đã cắn rứt lương tâm và ra đầu thú. Thì ra lương tâm của những “mũ cao áo dài” lại không biết cắn rứt khi quyết định giết người, bằng lương tâm của kẻ giết người.

 

Cái hệ thống ấy cũng đã hư hỏng đến mức mà bao nhiêu kẻ đức cao trọng vọng, không ngại ngần mạt sát một cô bé đáng tuổi con cháu mình. Mà không nhận thấy trách nhiệm của mình, đã trực tiếp, hoặc gián tiếp góp phần làm cho cái hệ thống hư hỏng kia phát triển, chi phối xã hội. Hoặc những kẻ giữ trọng trách trong hệ thống, nhưng lại cho rằng chẳng làm gì được khi các thành phần khác của hệ thống đã làm ra câu chuyện như vậy.

 

Có cách gì để không còn những cái lỗi hệ thống như vậy không?

 

 

14 BÌNH LUẬN    







No comments: