Friday, August 4, 2023

KHI NỀN CHÍNH TRỊ THIẾU NHỮNG NGƯỜI DŨNG CẢM (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



NỘI DUNG :

Khi nền chính trị thiếu những người dũng cảm

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ
.

Thẩm phán Tanya S. Chutkan, bà là ai?

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

.

Tư pháp Mỹ tống đạt cáo trạng truy tố ông Trump trong vụ án thứ ba

Thanh Hiếu  -  RFI

 

==================================================

.

.

Khi nền chính trị thiếu những người dũng cảm

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ
3 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/khi-nen-chinh-tri-thieu-nhung-nguoi-dung-cam/

 

Công Tố Viên Đặc Biệt Jack Smith vào hôm Thứ Ba, 1 Tháng Tám, một lần nữa công bố bản truy tố hình sự đối với cựu Tổng thống Donald J. Trump, cáo buộc âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020. Trong buổi họp báo, với giọng điệu từ tốn, nhưng dứt khoát, ông Smith khuyến khích cử tri, bất kể thành phần chính trị, đọc kỹ bản cáo trạng dài 45 trang để thấy mức độ rất nghiêm trọng của vụ án.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1590540176-1024x652.jpg

Donald Trump lên phi cơ riêng, rồi Washington DC sau khi không nhận tội trước toà liên bang. Phiên điều trần đầu tiên được ấn định vào ngày 28 Tháng Tám, 2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

 

Chỉ hai ngày sau, Thứ Năm, 3 Tháng Tám, Donald Trump phải trình diện trước tòa án liên bang ở Washington, D.C., trả lời các cáo buộc liên bang về bốn trọng tội trong bản cáo trạng. Không nằm ngoài dự đoán của truyền thông, Trump không nhận tội. Bà Tanya Chutkan, Thẩm phán Liên bang khu vực Washington, D.C., người được bổ nhiệm xử vụ án của Trump, ấn định ngày điều trần đầu tiên là 28 Tháng Tám, 2023.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1590554706-1280x869.jpg

Donald Trump đến Reagan National Airport vào chiều Thứ Năm, 3 Tháng Tám để trình diện trước toà án liên bang ở Washington DC. (Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images)

 

Một chi tiết đáng sợ trong bản cáo trạng cho biết, người được ông Trump chuẩn bị đưa vào vị trí quyền tổng chưởng lý để tiếp tay cho âm mưu của Trump là ông Jeffrey Clark, đã đáp lại lo ngại việc lật ngược kết quả cuộc bầu cử của Trump có thể gây ra các cuộc bạo loạn lớn trên khắp đất nước, bằng một câu nói: “Đó là lý do tại sao có Đạo luật Nổi dậy.” Nghĩa là họ đã lên kế hoạch sẽ dùng đạo luật cho phép tổng thống triển khai quân đội, để bắn vào những người biểu tình.

 

Bản cáo trạng cũng đưa ra lời khai của nhiều nhân chứng, trong đó có Rusty Bowers, lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, bang Arizona. Ông Bowers đã liên tục chống lại áp lực từ Trump và luật sư của ông để hủy bỏ chứng nhận 11 đại cử tri của Arizona cho Joe Biden. Tuy nhiên, ông Bowers đã dứt khoát không phá ‘lời thề’ trung thành với hiến pháp và không tiếp tay với Trump.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1258668134-1280x827.jpg 

Jeffrey Clark, người được Trump chuẩn bị đưa vào vị trí quyền tổng chưởng lý để tiếp tay cho âm mưu lật đổ kết quả bầu cử 2020. (Ảnh: Michael A. McCoy/Getty Images)

 

Theo nhận xét chung của các chuyên gia pháp lý, bản cáo trạng cung cấp những bằng chứng đanh thép, thuyết phục, rõ ràng về động cơ gian lận bầu cử của cựu tổng thống. Nó trình bày chi tiết cách Trump đã sử dụng các đại cử tri giả để lật ngược chiến thắng của Tổng thống Joe Biden ở một số bang, cố ý lan truyền các tuyên bố gian lận bầu cử dối trá, và một số cáo buộc khác.

 

Ban Biên Tập của nhật báo ‘The Kansas City Star’ – một trong những tờ báo lớn của bang Missouri, là một trong những tiểu bang thuộc sự kiểm soát gần như tuyệt đối của Đảng Cộng hoà, đã viết bài thỉnh cầu mọi người hãy đọc bản cáo trạng.

 

Xin vui lòng đọc nó.

 

Tất nhiên, chúng tôi đề cập đến bản cáo trạng dài 45 trang giải thích chính xác những gì Donald J. Trump đã làm để lật đổ nền dân chủ của chúng ta.

 

Nó giải thích rất chi tiết về việc làm thế nào Trump biết được từ chính người dân của mình rằng ông ấy đã thua cuộc bầu cử.

 

Và làm thế nào, dựa trên những tuyên bố mà ngay cả ông ta cũng biết là “điên rồ”, nhưng ông ta vẫn tìm cách để thực hiện nhiều kế hoạch khác nhau nhằm duy trì quyền lực. Nó giải thích, theo một cách đơn giản và dễ hiểu những gì Trump đã làm mà chưa từng có bất kỳ tổng thống nào đã thực hiện.

 

Đặc biệt nếu bạn nằm trong số gần 75% đảng viên Cộng hòa, theo một cuộc thăm dò gần đây của New York Times/Siena, không tin rằng Trump đã phạm tội nghiêm trọng liên bang, thì có phải bạn nợ đất nước này việc nỗ lực đọc bản cáo trạng hay không?”

 

 

Sự hèn hạ có mưu tính

 

Một trong những “star witness” (nhân chứng then chốt) đưa ra các bằng chứng chống lại Trump là cựu Phó Tổng thống, Mike Pence. Nhìn chung, hầu như tất cả các lời khai, dữ liệu trong bản cáo trạng đều đến từ những thành viên Đảng Cộng hòa (ĐCH) và các cựu viên chức ĐCH do chính Trump bổ nhiệm và tuyển dụng. Nghĩa là, núi bằng chứng thuyết phục chống lại Trump không phải từ các thành viên Đảng Dân chủ.

 

Đối với đại đa số cử tri Dân chủ, họ cuối cùng đã chờ đợi được đến ngày Bộ Tư pháp truy tố hình sự với Trump vì công lý đã bị trì hoãn quá lâu. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu tổng thống bị truy tố ba lần, cuối cùng sẽ phải đối mặt với cáo buộc rằng ông đã sử dụng quyền tổng thống để lật ngược nguyện vọng của các cử tri nhằm bám víu quyền lực, ngay cả khi bằng chứng đanh thép chứng minh ông đã thua trong cuộc bầu cử.

 

Nhiều cử tri mong muốn sẽ có nhiều thành viên Đảng Cộng hoà lên tiếng phê bình Trump. Vẫn có nhiều người Cộng hòa chỉ trích các sai phạm nghiêm trọng của Trump, nhưng hầu hết đã về hưu.

 

Còn lại hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa (GOP) ở Hạ viện và Thượng viện vẫn bao che, biện minh cho Trump bằng cách “bỏ bóng đá người.” Nghĩa là tấn công Bộ Tư pháp, thay vì phản biện các bằng chứng trong bản cáo trạng. Ví dụ, Thượng nghị sĩ GOP đến từ Texas, Ted Cruz, nói: “Bất cứ khi nào có diễn biến mới chống lại Hunter và gia đình Biden, Bộ Tư pháp đã được chính trị hóa này sẽ tấn công Trump.”

 

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Pence không dám nêu đích danh Trump trong tuyên bố của mình: “Bản cáo trạng hôm nay đóng vai trò như một lời nhắc nhở quan trọng: bất kỳ ai đặt mình trên cả Hiến pháp không nên trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

 

Còn Kevin McCarthy, Chủ tịch và lãnh đạo GOP tại Hạ viện, viết: “Mọi người ở Mỹ có thể thấy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: Bộ Tư pháp cố gắng đánh lạc hướng tin tức và tấn công ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump. Các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tiếp tục khám phá sự thật về Biden Inc và hệ thống tư pháp hai tầng.”

 

Lạ lùng thay khi chính ông McCarthy đã tuyên bố sau ngày 6 Tháng Giêng, rằng Trump phải “chịu trách nhiệm” về cuộc tấn công vào Điện Capitol. Vào thời điểm đó, ông cũng tuyên bố rằng Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.

 

Dường như lý do tối quan trọng khiến McCarthy và nhiều thành viên GOP không dám phê bình Trump là vì họ hiểu rằng mối quan hệ bất hòa với Trump sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực gây quỹ của GOP. Sức hút của Trump đối với nhiều cử tri Cộng hòa vẫn còn mạnh, vì thế họ vẫn liên tục đóng góp tài chính cho Trump và những người suy tôn ông ta. Cho nên, Chủ tịch McCarthy và gần như tất cả các thành viên GOP đã tiếp tục cúi đầu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/trump-indictment-1280x839.jpg

Bản cáo trạng thứ ba do Công Tố Viên Đặc Biệt Jack Smith gửi ra cáo buộc Trump với bốn tội hình sự. Ảnh: SGN

 

Cựu Thẩm phán nổi tiếng J. Michael Luttig, được Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa lúc đó là G. H.W. Bush bổ nhiệm chức thẩm phán liên bang, đã thẳng thắn nhận xét hôm Thứ Tư rằng bản cáo trạng chống lại Trump “còn bi thảm và đáng tiếc hơn vì cựu tổng thống đã lựa chọn một cách cay độc để gây ra cảnh tượng đáng xấu hổ này cho quốc gia. Thế giới sẽ không bao giờ được truyền cảm hứng bởi nền dân chủ Mỹ theo cách mà nó đã được truyền cảm hứng kể từ khi nước Mỹ được thành lập gần 250 năm trước.”

 

Còn trong một bài viết trên New York Times vào cuối Tháng Sáu vừa qua, cựu thẩm phán Luttig, đã gọi Đảng Cộng hòa là “hèn nhát” vì đã tiếp tục ủng hộ Trump, chống lại Hiến pháp, và pháp quyền. Vị cựu thẩm phán đã kết thúc bài bình luận bằng một lời cầu xin mong GOP của ông hãy đặt lợi ích đất nước lên trên hết.

 

Stuart Stevens, một trong những chiến lược gia cho các chiến dịch tranh cử thành công nhất của Đảng Cộng hòa, vừa có một nhận định sắc bén:

 

“Điều mà Donald Trump hiểu là Đảng Cộng hoà được nắm bởi những người hèn yếu, những người sẽ cho phép ông ta hạ nhục họ và nhạo báng “các giá trị” chỉ cần Trump giúp họ có và giữ được quyền lực.”

 

Cứ ngỡ những chính trị gia hèn và hám quyền như thế chỉ tồn tại ở các quốc gia độc tài chuyên chế. Nhưng giờ đây, đại đa số thành viên GOP ở Quốc hội lại có những đặc tính đáng khinh này. Những người Cộng hòa chính nghĩa như cựu Thượng nghị sĩ, John McCain, dám thẳng tay chỉ các sai trái của Trump khi còn tại chức, là thiểu số.

 

Giờ đây có lẽ Đảng Cộng hòa chỉ còn lại thành phần khom lưng trước Trump. Họ bất chấp tất cả để bám víu quyền lực. Dân chủ không quan trọng. Tự do chẳng nghĩa lý gì.

 

Và những kẻ như thế luôn là kẻ thù của thể chế dân chủ.

 

=========================================

.

.

Thẩm phán Tanya S. Chutkan, bà là ai?

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

3 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/tham-phan-tanya-s-chutkan-ba-la-ai/

 

Khi cựu Tổng thống Donald J. Trump hầu tòa trước Thẩm phán Tanya S. Chutkan với cáo buộc âm mưu lật đổ nền dân chủ Mỹ, đây không phải lần đầu tiên bà xử lý những vấn đề liên quan nỗ lực cù nhằng nhằm duy trì việc giữ ghế tổng thống của Trump sau khi ông thua cuộc bầu cử năm 2020.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/imrs-1024x1344.jpg

Tanya S. Chutkan (ảnh: U.S. District Court for the District of Columbia)

 

Khi cựu Tổng thống Donald J. Trump hầu tòa trước Thẩm phán Tanya S. Chutkan với cáo buộc âm mưu lật đổ nền dân chủ Mỹ, đây không phải lần đầu tiên bà xử lý những vấn đề liên quan nỗ lực cù nhằng nhằm duy trì việc giữ ghế tổng thống của Trump sau khi ông thua cuộc bầu cử năm 2020.

 

“Tổng thống không phải là vua và nguyên đơn không phải là tổng thống” – bà Tanya S. Chutkan từng nói. Không rõ khi nào Thẩm phán Chutkan, 61 tuổi và cựu Tổng thống Trump sẽ đối mặt trực tiếp. Trump sẽ xuất hiện trước một thẩm phán sơ thẩm trong lần ra tòa đầu tiên vào thứ Năm 3 Tháng Tám 2023, nơi ông có khả năng bị buộc tội và không nhận tội – giống như ông đã hành động như vậy vào Tháng Sáu trong một vụ án riêng liên quan việc ông giữ lại các tài liệu mật sau khi rời Tòa Bạch Ốc.

 

Tuy nhiên, Tanya S. Chutkan sẽ giám sát phiên tòa, nơi cần có sự hiện diện của Trump tại Tòa án Quận Liên bang ở Washington DC. Việc giao hồ sơ để Tanya S. Chutkan thụ lý đã tương phản với việc giao hồ sơ cho Thẩm phán Aileen M. Cannon ở Florida trong vụ hồ sơ mật mang về nhà của Trump.

 

Trong khi Thẩm phán Cannon là người được Trump bổ nhiệm có xuất thân là thành phần bảo thủ, thì Thẩm phán Chutkan được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm và từng quyên góp cho chiến dịch tranh cử của Obama. Trong khi Thẩm phán Cannon từng là công tố viên liên bang, thì Thẩm phán Chutkan từng là luật sư công (public defender). Trong khi Thẩm phán Cannon có ít kinh nghiệm xét xử tội phạm, thì Thẩm phán Chutkan lại dày dặn kinh nghiệm hơn trong việc điều hành các phiên tòa. Bà ngồi ghế thẩm phán xét xử (trial judge) trong gần một thập niên. Năm 2014, Tanya S. Chutkan từng cho biết bà đã xét xử khoảng 40 đến 45 vụ án và là luật sư bào chữa chính trong nhiều vụ liên quan “các trọng tội như giết người, tấn công tình dục cấp độ một và bắt cóc.”

 

Sinh ở Kingston, Jamaica, Thẩm phán Chutkan đến Mỹ để theo học Đại học George Washington và lấy bằng luật tại Đại học Pennsylvania. Bà đã kinh qua hơn một thập niên phục vụ với tư cách là luật sư do tòa án chỉ định cho những khách hàng nghèo và làm việc một thời gian tại hãng luật Boies Schiller & Flexner trước khi gia nhập tòa liên bang ở Washington DC vào năm 2014. Bà kết hôn với Peter A. Krauthamer, cựu phó thẩm phán của Tòa Thượng thẩm ở Quận hạt Columbia, nơi xử lý các phiên tòa hình sự địa phương.

 

Sự tham gia của Tanya S. Chutkan trong các vụ án liên quan sự kiện 6 Tháng Giêng 2021 đang thu hút nhiều sự chú ý nhất, trong bối cảnh bà đảm nhận điều dường như được coi là một trong những phiên tòa hình sự quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Hai năm qua, Thẩm phán Chutkan đã xử thẳng tay những kẻ bị kết tội liên can cuộc bạo động làm nhục nước Mỹ ngày 6 Tháng Giêng. Và dù bà tránh những lời lẽ gai góc nhắm vào Trump mà một số đồng nghiệp của bà đã dùng để mô tả vai trò của cựu Tổng thống trong vụ tấn công trụ sở Quốc hội, Tanya S. Chutkan đã không ngại bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với cuộc tấn công.

 

Sự kiện 6 Tháng Giêng là “nỗ lực của một đám đông bạo lực nhằm ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự và ôn hòa từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo” và những nỗ lực của họ đã “làm bẩn và ô uế các sảnh của Điện Capitol,” Tanya S. Chutkan nói vào Tháng Mười 2021 khi đưa ra một bản án nặng hơn cho một kẻ bạo loạn so với những gì mà công tố viên yêu cầu. “Nước Mỹ đang theo dõi xem hậu quả của sự kiện này là như thế nào,” và những chuyện làm nhục quốc gia như thế này “phải có hậu quả” – Tanya S. Chutkan nói.

 

Việc Thẩm phán Chutkan là người Da đen, thuộc thành phần nhập cư và lại là phụ nữ, chắc chắn không là yếu tố nhân thân mà một người như Trump thích. Trump có tiền sử tấn công các thẩm phán và công tố viên, đặc biệt phụ nữ và có xuất thân thuộc nhóm thiểu số. Năm 2016, Trump xỉa xói Thẩm phán Gonzalo Curiel, lúc ấy đang giám sát vụ gian lận trong Đại học Trump. Trump gọi Gonzalo Curiel là “một thằng Mễ”.

 

Gần đây hơn, Trump đã miệt thị hai công tố viên Da đen ở New York – Alvin L. Bragg, luật sư Manhattan; và Letitia James, tổng chưởng lý bang New York – những người theo đuổi các vụ kiện chống lại ông. Trump cũng công kích Fani T. Willis, một luật sư Da đen ở Georgia, người sắp tung ra bản cáo trạng liên quan nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của Trump. Trump gọi cả ba người là “bọn phân biệt chủng tộc”.

 

Stephen Gillers, giáo sư đạo đức pháp lý tại Trường Luật Đại học New York, nói: “Tôi hiểu tại sao Trump muốn một thẩm phán khác và tôi hiểu tại sao Trump muốn một địa điểm khác (không thuộc khu vực Washington DC, nơi có những thẩm phán “hắc ám” như Tanya S. Chutkan)”.

 

================================================

Tư pháp Mỹ tống đạt cáo trạng truy tố ông Trump trong vụ án thứ ba

Thanh Hiếu  -  RFI

Đăng ngày: 03/08/2023 - 12:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230803-t%C6%B0-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BA%A1t-c%C3%A1o-tr%E1%BA%A1ng-truy-t%E1%BB%91-%C3%B4ng-trump-trong-v%E1%BB%A5-%C3%A1n-th%E1%BB%A9-ba  

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ra trình diện tòa hôm nay, 03/08/2023, tại Washington. Tư pháp thông báo cho ông các tội danh trong lần truy tố thứ ba. Theo công tố viên đặc biệt Jack Smith, ông Trump đã cố tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3d49d760-3116-11ee-b51d-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-08-01T220228Z_1161598775_RC2BD2AZFM4J_RTRMADP_3_USA-TRUMP-INVESTIGATIONS.webp 

 Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Erie, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 29/07/2023. REUTERS - LINDSAY DEDARIO

 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình: 

Vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương, Donald Trump được triệu tập tới Tòa án Liên bang ở Washington, nơi đã xét xử hầu hết những người bị truy tố vì liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở Quốc Hội lưỡng viện ngày 06 /01/2021. Trụ sở tòa cũng rất gần nơi xảy ra vụ tấn công.

Cựu tổng thống đã quen với các thủ tục. Hồ sơ tội trạng trong vụ án sẽ được mở ra. Dấu vân tay sẽ được lấy. Sau đó, giống như bất kỳ người nào được cho là có tội, ông sẽ được áp giải đến phòng xét xử để đối mặt với thẩm phán, người sẽ thông báo cho ông bốn tội danh. Như ông đã làm cho đến nay trong hai trường hợp trước đó, Stormy Daniels ở New York và hồ sơ tài liệu mật ở Florida, Donald Trump sẽ tuyên bố mình vô tội.

Sau đó, cựu tổng thống sẽ được tự do và có thể tiếp tục chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 cũng như chuẩn bị bào chữa cho mình. Ông cần phải làm cho tốt. Vì theo rút thăm, thẩm phán Tanya Chutkan phụ trách xét xử vụ này. Cho đến nay, bà đã tỏ ra rất nghiêm khắc với những kẻ bạo loạn ngày 06/01. Thậm chí, bà còn can thiệp vào cuộc điều tra khi ủy ban đặc biệt của Hạ viện tìm cách có được các tài liệu lưu trữ của Nhà Trắng. Bà đã ủng hộ việc này với giải thích: tổng thống không phải là vua.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố vì tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020

Ai là người cả gan truy tố cựu tổng thống Trump?

 

Donald Trump bị truy tố : Những hệ quả đối với việc ông ra ứng cử tổng thống năm 2024






No comments: