Điếc: khuyết tật hay ngôn ngữ thiểu số?
Minh Nhật - Luật Khoa
August 02 2023 3:29 PM
https://www.luatkhoa.com/2023/08/diec-khuyet-tat-hay-ngon-ngu-thieu-so/?ref=luat-khoa-newsletter
Liệu có nhất thiết phải
chữa điếc cho người không nghe được?
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/08/-i-c.jpg
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
“Sự khẩn cấp trong điều trị trẻ em khiếm thính”, “Điều trị câm điếc bẩm
sinh” hay “Giải pháp điều trị nào cho trẻ bị điếc bẩm sinh?” là một trong rất
nhiều tiêu đề phổ biến khi tìm hiểu về trẻ em điếc trên các tờ báo lớn tại Việt
Nam. [1] [2] [3]
Việc thúc đẩy cho điều trị hay cụ thể hơn là cấy ốc tai điện tử cho trẻ
em điếc phản ánh mô hình cá nhân/ y tế (individual/ medical model) trong việc
nhìn nhận người khuyết tật. Mô hình này chỉ tập trung vào khiếm khuyết cá nhân
của người khuyết tật và ủng hộ cho việc chữa trị hay phục hồi chức năng. Tuy
nhiên, nhiều người điếc lại cho rằng họ thuộc một cộng đồng ngôn ngữ thiểu số
(linguistic minority), họ có ngôn ngữ (ngôn ngữ ký hiệu) và có các đặc trưng
văn hóa riêng biệt với văn hóa âm thanh của người nghe. Cách nhìn nhận này phản
ánh mô hình xã hội (social model) vốn cho rằng xã hội chính là nguyên nhân gây
ra khuyết tật.
Trong bài viết này, người viết sẽ so sánh và phân tích hai mô hình cá
nhân/ y tế và mô hình xã hội, đồng thời làm rõ góc nhìn ngôn ngữ thiểu số và
vai trò của góc nhìn này đối với cộng đồng người điếc.
Mô hình cá nhân/ y tế (individual/ medical model)
Thật không khó để có thể tìm được các câu chuyện cảm động về hồi phục
chứng năng nghe hay mang âm thanh cho trẻ điếc bẩm sinh. Chị T. trong một bài
viết trên báo VnExpress về hành trình tìm lại ngôn ngữ cho con trai là một
trong rất nhiều ví dụ.
Là lao động xuất khẩu ở Đài Loan, sau khi trở về nước, chị mở một tiệm
buôn bán nhỏ, sinh đứa con đầu lòng thì phát hiện cháu điếc bẩm sinh. Khi nghe
được phương pháp cấy ốc tai điện tử, dù nhà không đủ điều kiện, chị đã đi vay
400 triệu đồng để có thể chữa trị cho con. Hành trình của chị được tác giả khắc
họa như một hành trình chông gai, nhiều thử thách và cuối cùng đã được đền đáp
bằng một cái kết có hậu cho người mẹ kiên trì. [4] Câu chuyện trên là một ví dụ
cụ thể cho việc nhìn nhận người khuyết tật thông qua mô hình y tế.
Mô hình y tế hay còn có tên gọi khác là mô hình cá nhân cho rằng khuyết
tật chỉ đơn thuần được gây ra bởi các yếu tố khiếm khuyết (impairment) của từng
cá nhân. Mô hình này thiết lập một tình trạng chuẩn (normal) của cơ thể mà những
người khuyết tật, do khiếm khuyết một phần nào đó được cho là các nhóm lệch chuẩn
(deviance). Do đó, mô hình y tế cho rằng các cá nhân khuyết tật cần tập trung
vào việc chữa trị và phục hồi chức năng nhằm hướng tới một chuẩn chung về cơ thể.
[5]
Mô hình này dựa trên các giả định về tính quyết định sinh học
(biological deterministic). Quan điểm này cho rằng các yếu tố về mặt sinh học
là nền tảng cho sự khác nhau giữa con người, chúng phân nhánh con người thành
các nhóm có khả năng sinh học riêng biệt. Khi đó, những nhóm không nằm trong phổ
chung về khả năng sinh học, như nhóm khuyết tật, bị cho là các cá nhân “thiếu hụt”,
“lệch chuẩn”, “gánh nặng” và “bi kịch” (“deficit”, “deviant”, “individual
burden and personal tragedy”). [6]
Không những thế, do chỉ dựa vào các góc nhìn cá nhân và sinh học, mô
hình này còn hàm chứa các vấn đề liên quan đến tự chủ và kỳ thị. Người khuyết tật
khi được cho là thiết hụt, đáng thương và luôn cần giúp đỡ, họ bị xem như trẻ
em (child-like), không có khả năng tự chủ và phụ thuộc.
Mô hình xã hội (social model)
Khác với mô hình y tế, mô hình xã hội cho rằng sự áp bức và loại trừ mà
những người khuyết tật đang gặp phải là do cách mà xã hội được thiết kế và vận
hành chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề của người khuyết tật. Trong một bài
nghiên cứu về mô hình xã hội, Rapp và Ginsburg đã lập luận rằng “khuyết tật cần
được nhận định thông qua kết quả của các tương tác tiêu cực giữa cá nhân người
có khiếm khuyết và môi trường xung quanh người đó”. [7]
Do đó, mô hình này làm rõ hai khái niệm: khiếm khuyết (impairment) và
khuyết tật (disability). Trong đó, khiếm khuyết chỉ đơn thuần là các chấn
thương, bệnh lý, hoặc tình trạng bẩm sinh gây ra hoặc có khả năng gây ra sự mất
mát hay khác biệt về chức năng sinh lý hoặc tâm lý. Đây vốn là góc nhìn của mô
hình y tế. Trong khi đó, mô hình xã hội sử dụng từ khuyết tật trong đó nhấn mạnh
sự mất mát hoặc hạn chế các cơ hội tham gia vào xã hội một cách bình đẳng so với
người khác do các rào cản xã hội và môi trường. [8]
Như vậy, mô hình xã hội về người khuyết tật chú ý vào các tương tác xã
hội của người khuyết tật, nhấn mạnh vào các yếu tố môi trường là nguyên nhân
chính, chứ không phải các khiếm khuyết về cơ thể và tâm thần, gây ra “khuyết tật”
cho người khuyết tật.
Mô hình ngôn ngữ thiểu số (linguistic minority) - một
mô hình xã hội của người điếc
Trong ví dụ về chị T. hay trong rất nhiều câu chuyện về mang âm thanh
cho trẻ em điếc, thế giới của người nghe cho rằng âm thanh là một phần quan trọng
trong cuộc sống mà người điếc không may mắn có được. Trọng âm thanh
(phonocentric) là một thuật ngữ nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và sự thượng đẳng
của ngôn ngữ nói và âm thanh so với ngôn ngữ viết hay các loại ngôn ngữ không
phát ra âm thanh. [9]
Tương tự như mô hình y tế trong việc nhìn nhận người khuyết tật, những
người tin vào khái niệm trọng âm thanh cho rằng việc nghe hay âm thanh là tự
nhiên và quan trọng. Vì vậy người điếc được cho là không tự nhiên hay lệch chuẩn
và cần được chữa trị để có thể trở nên “bình thường”. Trong thế giới của những người
trọng âm thanh, cấy ốc tai là một biện pháp cần thiết, để người điếc có thể
nghe được âm thanh, hay nói đúng hơn là không còn lệch chuẩn và tự nhiên.
Tương tự như Rapp và Ginsburg, Harlan Lane - một trong những học giả
tiên phong trong việc đề xuất mô hình ngôn ngữ thiểu số - cho rằng khuyết tật
hay âm thanh không phải là một thực thể được tự do diễn giải mà là một ý niệm
được xây dựng dựa trên một hệ thống kiến thức. Harlan lập luận rằng “điếc” cũng
như “khuyết tật” là một khái niệm được cấu tạo bởi xã hội (social constructed).
[10]
Từ năm 1989, hai học giả Johns và Pullen đã tiên phong cho rằng điếc
không phải là một dạng khuyết tật mà là văn hóa điếc, một dạng văn hóa khác, mà
sau này được Harlan phát triển thành mô hình ngôn ngữ thiểu số.
Mô hình ngôn ngữ thiểu số cho rằng, người Điếc (“Deaf” khác với “deaf”,
ý nhấn mạnh đặc trưng của văn hóa Điếc) có một văn hóa riêng biệt với văn hóa
âm thanh của người nghe. Họ có ngôn ngữ của riêng mình (ngôn ngữ ký hiệu) với
hơn 300 loại ngôn ngữ ký hiệu khác nhau trên thế giới. [11] Họ có lịch sử và
truyền thuyết của cộng đồng người Điếc xuất phát từ Diễn đàn người Điếc Thế giới
tại Milan năm 1880. [12]
Đại học Gallaudet - trường đại học cho
người Điếc đầu tiên trên thế giới. Nguồn ảnh: Gallaudet University.
Người Điếc cũng có nhà hát riêng và các hình thức sinh hoạt văn hóa
khác. Trên thế giới, họ cũng có những trường riêng biệt dành cho người điếc như
School for the Deaf (Trường học cho người Điếc, ở Harford, Mỹ) hay Đại học
Gallaudet (đại học cho người Điếc đầu tiên trên thế giới) mà Nguyễn Trần Thủy
Tiên là người Điếc Việt Nam duy nhất được nhận học bổng và tốt nghiệp tiến sĩ tại
đây. Và họ cũng gặp các khó khăn trong việc hòa nhập với ngôn ngữ của nhóm đa số
như bất kỳ nhóm ngôn ngữ thiểu số nào khác.
Người khuyết tật hay người thuộc nhóm ngôn ngữ thiểu
số
Quay lại ví dụ về cấy ốc tai, việc nhìn nhận người điếc hay người Điếc
thông qua mô hình y tế hay mô hình ngôn ngữ thiểu số có thể ảnh hưởng đến góc
nhìn, hệ lụy của việc cấy ốc tai. Nếu như, việc cấy ốc tai cho người điếc ở mô
hình y tế là việc cần thiết vì nó có thể giúp người điếc phục hồi chức năng
nghe, có khả năng giao tiếp ngôn ngữ nói và hòa nhập vào cộng đồng đa số. Mô
hình ngôn ngữ thiểu số (thuộc mô hình xã hội) tập trung vào việc phân tích
nguyên nhân gây ra “điếc” trong đó nhấn mạnh vào việc thiếu các cơ hội tiếp cận
ngôn ngữ ký hiệu và sự lấn áp của các môi trường âm thanh. Khi đó, Điếc là văn
hóa, việc cấy ốc tai không chỉ đơn thuần là một sự can thiệp y khoa, mà còn là ảnh
hưởng đến một cộng đồng văn hóa.
Ví dụ cấy ốc tai là một ví dụ tiêu biểu cho các tranh cãi về người điếc
hay người Điếc, khuyết tật hay văn hóa thiểu số. Thật khó để chắc chắn rằng việc
biết thêm một mô hình mới về người khuyết tật có thể làm thay đổi quyết định cấy
ốc tai cho trẻ hay các vấn đề chữa trị và hòa nhập khác. Tuy nhiên, việc tìm hiểu
các mô hình khác nhau trong việc nhìn nhận người khuyết tật (hay cụ thể hơn
trong trường hợp này là người điếc/ Điếc) cho phép mọi người cân nhắc thận trọng
hơn sự lấn áp góc nhìn của nhóm đa số, các tiêu chuẩn về “bình thường” và các
điều kiện được cho là hiển nhiên như việc nghe/ âm thanh.
-----------
Chú thích
1. Sự khẩn cấp trong điều trị khiếm thính cho trẻ em. (2022, September
12). Thanh Niên. https://thanhnien.vn/su-khan-cap-trong-dieu-tri-khiem-thinh-cho-tre-em-1851498820.htm
2. Điều trị câm điếc bẩm sinh. (n.d.). VnExpress. https://vnexpress.net/dieu-tri-cam-diec-bam-sinh-2874076.html
3. Giải pháp điều trị nào cho trẻ bị điếc bẩm sinh? (2020, March 18). VOV.VN.
https://vov.vn/suc-khoe/nhi-khoa/giai-phap-dieu-tri-nao-cho-tre-bi-diec-bam-sinh-601386.vov
4. Chặng đường chông gai tìm lại ngôn ngữ cho con khiếm thính.
(n.d.). VnExpress. https://vnexpress.net/chang-duong-chong-gai-tim-lai-ngon-ngu-cho-con-khiem-thinh-2992533.html
5. Olkin, R. (n.d.). Conceptualizing disability: Three models of
disability. https://www.apa.org. https://www.apa.org/ed/precollege/psychology-teacher-network/introductory-psychology/disability-models
6. Reddy, C. Raghava. “From Impairment to Disability and Beyond:
Critical Explorations in Disability Studies.” Sociological Bulletin 60,
no. 2 (2011): 287–306. http://www.jstor.org/stable/23620921
7. Ginsburg, F., & Rapp, R. (2013). Disability worlds. Annual
Review of Anthropology, 42, 53–68.
8. Northern Officer Group. (n.d.). Defining Impairment and
Disability. Centre for Disability Studies - University of Leeds. https://disability-studies.leeds.ac.uk/wp-content/uploads/sites/40/library/Northern-Officers-Group-defining-impairment-and-disability.pdf
9. Definition of phonocentric | New Word Suggestion | Collins Dictionary.
(2023b). In Collins Dictionaries. https://www.collinsdictionary.com/submission/21085/phonocentric
10. Lane, Harlan. 2010. “Construction of Deafness” in The Disability
Studies Reader, Third Edition, pp. 79-91.
11. Sign language. (n.d.). https://education.nationalgeographic.org/resource/sign-language/
12. Administrator. (n.d.). Deaf History - Europe - 1880: the Milan
Conference. https://deafhistory.eu/index.php/component/zoo/item/1880
No comments:
Post a Comment