Thursday, August 24, 2023

GIỚI NGHỊ SĨ HOA KỲ : ĐẤT ĐAI MỸ KHÔNG THỂ NẰM TRONG TAY NGƯỜI TRUNG QUỐC (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Giới nghị sĩ Hoa Kỳ: Đất đai Mỹ không thể nằm trong tay người Trung Quốc

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
23 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/gioi-nghi-si-hoa-ky-dat-dai-my-khong-the-nam-trong-tay-nguoi-trung-quoc/

 

81 dự luật đã được đưa ra ở 33 tiểu bang của Hoa Kỳ trong năm nay. Tại Washington, Toà Bạch Ốc và các nhà lập pháp liên bang cũng đang tìm cách hạn chế các doanh nghiệp thuộc sở hữu TQ như TikTok, trong bối cảnh lưỡng đảng thúc đẩy thu hẹp phạm vi tiếp cận của TQ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/clark-van-der-beken-nnXteluHFhY-unsplash-1280x1036.jpg

Tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas (ảnh: Unsplash)

 

 

Trở thành phong trào

 

Hiện các nhà lập pháp cấp tiểu bang đang áp dụng chiến thuật mới nhằm hạn chế quyền sở hữu đất đai của người TQ thông qua đầu tư tại các địa phương. Trong năm nay, 33 tiểu bang đã đệ trình 81 dự luật cấm chính phủ TQ, một số doanh nghiệp có trụ sở tại TQ và công dân TQ mua đất nông nghiệp hoặc tài sản nằm gần các căn cứ quân sự (theo phân tích dữ liệu của tờ The Washington Post do nhóm vận động Asian Pacific American Justice tổng hợp).

 

Hàng chục dự luật đã trở thành luật ở các tiểu bang như Alabama, Idaho, Virginia mà hầu hết do đảng Cộng hòa (GOP) kiểm soát cơ quan lập pháp. Có một số nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng khi các nhà bảo trợ dự luật đưa ra lập luận thuyết phục là ngăn chặn mối đe dọa an ninh quốc gia. Những người ủng hộ các dự luật hạn chế tin rằng chính phủ TQ có thể lén lút do thám từ đất mua gần các căn cứ quân sự. Ngoài ra, nguồn cung cấp lương thực của quốc gia có thể bị đe dọa nếu để các thực thể thù địch nước ngoài chiếm quá nhiều đất nông nghiệp.

 

Phong trào chống sở hữu đất đai mạnh lên từ hai năm nay. Trước đó chỉ có ít hơn 30 dự luật được đưa ra và chỉ có hai dự luật trở thành luật. Việc thúc đẩy các tiểu bang hạn chế quyền sở hữu đất đai của người TQ đã mở rộng tới Quốc hội, nơi có ít nhất 11 dự luật hạn chế việc mua đất của các doanh nghiệp và công dân TQ đã được đưa ra trong ba năm qua. Một số đang chờ xử lý và nội dung của một dự luật gần đây được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) đã thông qua vào tháng trước tại Thượng viện.

 

 

Quay ngược lại lịch sử

 

Nhiều nhà lập pháp và những người ủng hộ phong trào muốn có thêm các dự luật tương tự Florida. Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài trong việc ngăn chặn những người không phải là công dân và người thiểu số mua tài sản và thành lập doanh nghiệp, kể từ thời thuộc địa. Những nô lệ không được phép sở hữu tài sản cho đến khi hiến pháp sửa đổi sau Nội chiến chấm dứt chế độ nô lệ và thiết lập quyền công dân theo nơi sinh.

 

Người Mỹ gốc Á thường là đích nhắm của luật đất đai vào đầu thập niên 1900 tại hơn một chục tiểu bang. Thời Đệ nhị Thế chiến, người Mỹ gốc Nhật bị mất nhà cửa, cơ sở kinh doanh và bị đưa đến các trại tù. Đến thập niên 1940 và 1950, luật đất đai nhắm vào người Mỹ gốc Á phần lớn đã bị các tòa án tối cao của tiểu bang bác bỏ hoặc bị các cơ quan lập pháp hoặc cử tri bãi bỏ.

 

Nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế quyền sở hữu đất của người nước ngoài sống lại vào năm 2019 khi tỷ phú TQ Tôn Quảng Tín (Sun Guanxin) đề nghị mua một trang trại gió 46 tuabin ở phía Tây Nam Texas để hòa vào lưới điện của bang. Những người chống đối nhanh chóng nêu lên mối lo ngại về quan hệ của Tôn với Đảng Cộng sản TQ và một số nhà lập pháp nói rằng các thiết bị gián điệp có thể được cài vào tuabin để giám sát Căn cứ Không quân Laughlin gần đó.

 

Dự án sau đó vượt qua cuộc kiểm tra pháp lý của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States). Bộ Quốc phòng khẳng định các tuabin sẽ không làm gián đoạn các tuyến huấn luyện tại căn cứ Không quân. Các nhà lập pháp GOP của tiểu bang tìm ra cách khác là cấm bất kỳ doanh nghiệp nào có liên quan đến “các quốc gia thù địch” truy cập vào lưới điện Texas hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Cuối cùng, dự án bị giết chết.

 

Năm ngoái, các nhà lập pháp North Dakota đã đưa ra cảnh báo tương tự khi một tập đoàn TQ mua đất nông nghiệp gần Căn cứ Không quân Grand Forks để xây dựng một nhà máy ngô. Ủy ban Đầu tư nước ngoài không tiến hành đánh giá chi tiết và cho biết căn cứ Không quân không nằm trong danh sách các cơ sở quân sự “nhạy cảm”. Nhưng hai thượng nghị sĩ GOP của tiểu bang, John Hoeven và Kevin Cramer, đã kiến ​​nghị với Không quân, nêu rõ dự án “là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia”. Cuối cùng, thỏa thuận bị hủy bỏ và cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua dự luật hạn chế các công ty TQ xây dựng các dự án tương tự trên đất nông nghiệp hoặc gần các căn cứ quân sự.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/brian-mcgowan-C-Q2RiVzYVk-unsplash-1536x1152.jpg

Chính quyền Florida siết chặt luật cấm người Trung Quốc mua đất ở tiểu bang mình (ảnh: Unsplash)

 

 

Xu hướng sắp tới sẽ tăng mạnh?

 

Trong 14 dự luật tiểu bang được ban hành thành luật kể từ năm 2021, tất cả đều được đa số GOP thông qua, ngoại trừ dự luật Virginia được Thượng viện tiểu bang do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua. Hầu hết cấm chính phủ TQ và “các quốc gia đối địch” khác sở hữu đất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp, sở hữu hoặc xây dựng trên bất động sản gần căn cứ quân sự hoặc sở hữu “cơ sở hạ tầng quan trọng”, như nhà máy xử lý nước thải.

 

Hầu hết luật cũng mở rộng đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ. Ngoài ra còn quy định giới hạn khoảng cách giữa các khu đất tư nhân mua với căn cứ quân sự. Florida được cho là có hình phạt nặng nhất cho những ai phạm luật, từ tối đa 5 năm tù, phạt $5,000 đến bị trục xuất và tịch thu tài sản. Các dự luật hạn chế sở hữu là một lĩnh vực hiếm hoi mà các nhà lập pháp địa phương tác động được đến xung đột địa chính trị.

 

Thách thức pháp lý hiện tại tập trung vào luật của Florida, khi chính quyền tiểu bang đối đầu với đơn kiện của ACLU (American Civil Liberties Union). Những người ủng hộ người Mỹ gốc Á xem đây là trường hợp thử nghiệm “ai (sẽ) thắng ai”. Vụ kiện, được ACLU đệ trình vào Tháng Năm tại tòa án liên bang ở Tallahassee, khẳng định luật Florida vi phạm nhiều phần của Hiến pháp Hoa Kỳ, với điều khoản “mơ hồ và chung chung”, chẳng hạn hạn chế mua bất động sản hoặc phát triển kinh doanh gần bất kỳ “cơ sở quân sự nào”.

 

Đơn kiện của ACLU khẳng định rằng luật đã vi phạm Đạo luật Nhà ở Công bằng (Fair Housing Act-FHA) của liên bang. Hỗ trợ cho quan điểm này, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ trình một bản tóm tắt, trong đó nhấn mạnh: “FHA nghiêm cấm phân biệt đối xử về nhà ở trên cơ sở chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, thành phần gia đình. tình trạng, khuyết tật, và nguồn gốc quốc gia”.

 

Mới đây, thẩm phán giám sát vụ kiện đã từ chối yêu cầu của ACLU là ngưng thực thi luật khi vụ kiện chưa hoàn tất. Tại Quốc hội Mỹ, một số dự luật cấp liên bang đang chờ tranh luận đã kêu gọi Ủy ban Đầu tư nước ngoài có lập trường tích cực hơn đối với các mối đe dọa an ninh quốc gia, một động thái từng được các tổ chức kinh doanh như Phòng Thương mại Hoa Kỳ ủng hộ. Một phần dự luật của thượng nghị sĩ Mike Rounds (Cộng hoà-South Dakota) có trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng đã được Thượng viện thông qua với số phiếu 86-11 vào Tháng Bảy qua.

 

_________

Các nhóm vận động và nhà lập pháp người Mỹ gốc Á than phiền là các dự luật mới vượt quá những lo ngại về an ninh và có thể khuyến khích sự phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Hoa tại thời điểm mà tội phạm căm thù đang gia tăng, đưa nước Mỹ quay trở lại thời kỳ người Mỹ gốc Á bị cấm sở hữu tài sản.

 

Dân biểu Judy Chu (Dân chủ-California), một người Mỹ gốc Hoa phản đối làn sóng cấm đoán này, nhắc lại: “Việc Tổng thống Trump gọi Covid-19 là virus TQ và kung flu đã kích động người Mỹ đổ lỗi cho TQ về những bất hạnh của chính họ. Bây giờ chúng ta thấy cơn sốt chống TQ đang chuyển qua hướng khác khi các chính trị gia cố gắng giành điểm chính trị bằng cách thể hiện mình là người chống TQ nhiều hơn”.

 

Một số chuyên gia cho rằng mối lo ngại về an ninh quốc gia đang bị thổi phồng bằng việc đổ lỗi cho những người TQ mua đất nông nghiệp. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy các nhà đầu tư TQ sở hữu khoảng 1% đất đai của Mỹ và chỉ khoảng 0.03% số đó là đất nông nghiệp. Phần còn lại được quy hoạch làm đường giao thông nông thôn, nhà ở và các tòa nhà phi nông nghiệp.

 

 




No comments: