Giá gạo
tăng cao, đừng mừng vội: nông dân vẫn không đủ sống
Posted on 18/08/2023 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=85435
(VNTB)
– Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ máy cày,
máy gặt, gieo giống tăng theo.
Giá lúa gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua khiến
nhiều dư luận tỏ ra hồ hởi vui mừng cho nông dân. Nhưng thực tế, những người đầu
tắt mặt tối trên đồng ruộng lại không được hưởng lợi từ việc tăng giá này. Với
cơ chế hiện nay thì nông dân Việt Nam vẫn khó lòng thoát khỏi cảnh nghèo cho dù
giá lúa có tăng cao hơn.
Những con số không biết nói dối, nếu nó là những con số thật và được
dùng đúng cách. Một số tờ báo trong nước đưa tin nhờ đợt tăng giá này mà mùa
lúa này nông dân có lời lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là với người có
7 ha đất
Tờ Vnexpress có bài viết “Lúa tăng giá kỷ lục, nông
dân miền Tây lãi lớn” ngày 25/07/2022. Bài báo nới về trường hợp nông dân Bùi
Văn Phước ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui mừng khi năng suất đạt gần 7 tấn/ha,
với giá bán 7.000 đồng mỗi kg, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tăng 20% so với
vụ trước. Tuy nhiên để đạt mức lợi nhuận này, gia đình ông Phước phải có tới
7 ha đất.
Theo một số thống kê thì để có thể trở nên giàu có nhờ trồng lúa thì ít
nhất mỗi hộ dân phải có diện tích đất trên 5 ha. Trong khi đó, trung bình
mỗi hộ gia đình trồng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có khoảng 0,5 ha
đất.
Đặt trường hợp lý tưởng nhất là nhuận 50%, trúng mùa, được giá như mùa
này thì 0,5 ha đất sẽ đạt 3,5 tấn, với giá 7.000 đ/kg thì một hộ
nông dân sẽ có thu nhập 24,5 triệu đồng sau 3 tháng làm lúa. Trừ đi 50% chi phí
sản xuất thì lợi nhuận còn 12,25 triệu đồng. Lấy số tiền này chia cho một mùa
lúa 3 tháng thì mỗi tháng cả gia đình chỉ có thu nhập khoảng 4 triệu đồng.
Nếu gia đình có 4 người cùng canh tác trên 0,5 ha ruộng này thì
trung bình thu nhập chỉ 1 triệu đồng/ người/tháng. Đây là mức thu nhập nằm dưới
ngưỡng nghèo. Đó là trong điều kiện lý tưởng nhất: vừa trúng mùa, vừa được giá,
vừa có lợi nhuận 50% sau khi trừ chi phí sản xuất.
Nhưng mỗi năm chỉ làm cao nhất là 3 mùa lúa (9 tháng), vậy 3 tháng còn
lại người nông dân sẽ không đủ ăn nếu chỉ tập trung vào cây lúa. Không đủ ăn rồi
tiền đâu mua sách vở, đóng học phí cho con đến trường?
Trên đây chỉ là tính toán trên điều kiện lý tưởng nhất. Còn nếu một
vụ lúa chỉ được giá, nhưng mất mùa; hoặc được mùa mất giá; thậm chí mất mùa và
mất giá, thì người nông dân chỉ có thể vay mượn, hoặc bỏ ruộng đi làm thuê, làm
mướn, hoặc bỏ xứ đi làm công nhân.
Ngoài ra cơ chế thu mua lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng phụ thuộc
vào nhiều trung gian, thương lái. Cho nên lợi nhuận của người nông dân cũng phải
chia bớt một phần cho các trung gian này.
“Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ
máy cày, máy gặt, gieo giống tăng theo. Được giá một mùa nhưng vẫn phải lo cho
mùa sau. Nhà tui có ba công ruộng, bán được 7.000 đ/ký, trả hết tiền phân
phướng, công thợ thì coi như ba tháng nay dư được gần sáu triệu, cố gắng dành dụm
mới đủ xài chú ơi”. Một người nông dân nói với phóng viên Việt Nam Thời
Báo (theo cách tính của người miền Tây Nam Bộ: 1 công = 1000 mét vuông
= 0,1 ha).
Bên cạnh câu chuyện giá cả và chi phí sản xuất, Đồng bằng Sông Cửu Long
cũng đối diện với nhiều vấn đề do tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn
mặn diễn ra càng ngày càng nặng khiến cho việc trồng lúa càng trở nên khó khăn
hơn. Sông Mekong cũng không còn nhiều phù sa do Trung Quốc đã chặn dòng bằng
hàng chục đập thuỷ điện đầu nguồn. Khiến người dân càng ngày càng phụ thuộc vào
phân bón hoá học.
Biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất
nhỏ lẻ, phụ thuộc thương lái, cộng với việc cơ quan chức năng thiếu định hướng
và không có quy hoạch bền vững khiến cho vựa lúa của cả nước càng ngày càng bế tắc.
Mang tiếng là cường quốc xuất khẩu lúa gạo nhưng nông dân Việt Nam lại phải sống
dưới mức nghèo, làm lúa không đủ sống, mà không làm lúa thì không biết làm gì.
Cho nên rất cần có một chiến lược hiệu quả, bền vững để giúp nông dân có thể sống,
làm giàu với ruộng lúa. Phải có kế hoạch thay đổi chính sách triệt để thì mới
có thể phát huy được thế mạnh và tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam hiện
nay.
D.T.
VNTB gửi BVN
No comments:
Post a Comment