Saturday, August 26, 2023

FUKUSHIMA :VÌ SAO MỘT SỐ NHÀ KHOA HỌC LO LẮNG VỀ TÁC ĐỘNG CỦA NƯỚC THẢI PHÓNG XẠ (Navin Singh Khadka / BBC World Service)

 



Fukushima: Vì sao một số nhà khoa học lo lắng về tác động của nước thải phóng xạ

Navin Singh Khadka

Phóng viên môi trường, BBC World Service

26 tháng 8 2023, 14:32 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g7w7glg60o

 

Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima ra Thái Bình Dương - 12 năm sau vụ nổ hạt nhân.

 

Động thái này bất chấp việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm hải sản từ Nhật Bản và gây ra các cuộc phản đối ở cả chính Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f814/live/87b0fd50-43e1-11ee-9b58-cb80889117a8.png

Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển sau khi được IAEA bật đèn xanh

 

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế của Liên Hợp Quốc cho biết nước thải này sẽ có tác động phóng xạ "không đáng kể" đối với con người và môi trường.

 

Nhưng nước thải này có an toàn không?

 

Fukushima: TQ trả đũa khi Nhật xả nước thải hạt nhân đã xử lý

Thảm họa hạt nhân Fukushima: Nhật Bản xả nước đã qua xử lý trong vòng 24 giờ

10 năm Fukushima: thảm họa hạt nhân làm chấn động thế giới

 

Một trận động đất và sóng thần vào năm 2011 đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân, làm hư hệ thống làm mát dẫn đến lõi lò phản ứng quá nóng và khiến nguồn nước bên trong cơ sở bị ô nhiễm bởi chất phóng xạ cao.

 

Kể từ sau thảm họa kép, công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đã bơm nước để làm nguội các thanh nhiên liệu của lò phản ứng. Sau đó mỗi ngày nhà máy sản xuất ra nước bị ô nhiễm, được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa, đủ để lấp đầy hơn 500 bể bơi Olympic.

 

Nhật Bản cho biết họ cần diện tích của các bể chứa này để xây dựng các cơ sở mới nhằm ngừng hoạt động nhà máy một cách an toàn. Nước này cũng dấy lên lo ngại về hậu quả nếu các bể chứa bị sập trong một thảm họa thiên nhiên.

 

Nhật Bản đang dần xả nước thải ra đại dương sau khi được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bật đèn xanh. Lần xả đầu tiên là một trong số bốn lần, dự kiến kéo dài từ nay đến cuối tháng 3/2024. Toàn bộ quá trình sẽ mất ít nhất 30 năm.

 

Nếu Nhật Bản có thể loại bỏ tất cả các nguyên tố phóng xạ khỏi nước thải trước khi xả ra đại dương thì có lẽ sự kiện này đã không gây tranh cãi đến vậy.

 

Tranh cãi xảy ra do một nguyên tố phóng xạ của hydro gọi là tritium, không thể loại bỏ khỏi nước bị ô nhiễm vì không có công nghệ để làm điều đó. Thay vào đó, nước này được pha loãng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c740/live/a4aae5b0-43e1-11ee-9b58-cb80889117a8.png

Nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được chứa trong bể chứa suốt nhiều năm

 

Thông điệp từ các chuyên gia phần lớn là việc xả thải này là an toàn - nhưng không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý về tác động mà nó sẽ gây ra.

 

Tritium có thể được tìm thấy trong nước trên khắp thế giới. Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu hàm lượng tritium thấp thì tác động là tối thiểu.

 

Nhưng các nhà phê bình cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn về cách nó có thể ảnh hưởng đến đáy đại dương, sinh vật biển và con người.

 

IAEA, cơ quan có văn phòng thường trú tại Fukushima, cho biết một "cuộc phân tích độc lập, tại chỗ" đã chỉ ra rằng nồng độ tritium trong nước thải ra "thấp hơn nhiều so với giới hạn là 1.500 becquerel/lít (Bg/L)".

 

Giới hạn đó thấp hơn sáu lần so với giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống, ở mức 10.000 Bg/L.

 

Hôm 25/8, Tepco cho biết các mẫu nước biển được lấy vào chiều 24/8 cho thấy mức độ phóng xạ nằm trong giới hạn an toàn, với nồng độ tritium dưới 1.500 bq/L.

 

Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết họ cũng đã thu thập mẫu nước biển từ 11 địa điểm khác nhau vào 25/8 và sẽ công bố kết quả vào 28/8.

 

James Smith, giáo sư khoa học môi trường và địa chất của Đại học Portsmouth, cho biết "về lý thuyết, bạn có thể uống nước này", vì nước thải đã được xử lý khi lưu trữ và sau đó được pha loãng.Và nhà vật lý David Bailey, người điều hành một phòng thí nghiệm đo phóng xạ ở Pháp, cũng đồng ý và nói thêm: “Điều quan trọng là hàm lượng tritium là bao nhiêu”.

 

“Ở mức độ như vậy, không có vấn đề gì với các loài sinh vật biển, trừ khi chúng ta thấy quần thể cá bị suy giảm nghiêm trọng”, ông nói.

 

Nhưng một số nhà khoa học cho rằng chúng ta không thể dự đoán được tác động của việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý.

 

“Thách thức với các hạt nhân phóng xạ (như tritium) là chúng đặt ra một câu hỏi mà khoa học không thể trả lời đầy đủ; đó là ở mức độ phơi nhiễm rất thấp, những gì có thể được coi là 'an toàn'?” - giáo sư người Mỹ Emily Hammond, chuyên gia về luật năng lượng và môi trường của Đại học George Washington nói.

 

"Người ta có thể đặt nhiều niềm tin vào cách IAEA làm việc trong khi vẫn thừa nhận rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn không có nghĩa là không có hậu quả nào về môi trường hoặc con người do quyết định này gây ra."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/02fb/live/bec9e8b0-43e1-11ee-9b58-cb80889117a8.png

Các nhà hoạt động môi trường phản đối việc nhà máy hạt nhân Fukushima xả nước thải ra biển

 

Hiệp hội thí nghiệm hàng hải quốc gia Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố vào tháng 12/2022 cho biết dữ liệu của Nhật Bản không thuyết phục được họ.

 

Và nhà sinh vật học biển Robert Richmond, từ Đại học Hawaii, nói với BBC: "Chúng tôi thấy đánh giá tác động sinh thái và phóng xạ không đầy đủ khiến chúng tôi rất lo ngại rằng Nhật Bản không những không thể phát hiện những gì đang xâm nhập vào nước, trầm tích và sinh vật, nhưng nếu có thì không có cách nào để loại bỏ... không có cách nào đưa thần đèn trở lại trong chai."

 

Các nhóm môi trường như Greenpeace còn đi xa hơn khi đề cập đến một bài báo được các nhà khoa học tại Đại học Nam Carolina xuất bản vào tháng 4/2023.

 

Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân cấp cao của Greenpeace Đông Á, cho biết tritium có thể có "tác động tiêu cực trực tiếp" đến thực vật và động vật nếu ăn phải, bao gồm "giảm khả năng sinh sản" và "tổn thương cấu trúc tế bào, bao gồm cả DNA".

 

Trung Quốc đã cấm hải sản Nhật Bản do xả nước thải. Một số nhà bình luận rằng đây có thể là một động thái chính trị, đặc biệt khi các chuyên gia cho rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối lo ngại về hải sản vì lượng phóng xạ thải ra quá thấp.

 

Nhưng nhiều người làm việc tiếp xúc với Thái Bình Dương hàng ngày lại lo ngại.

 

Các nữ thợ lặn truyền thống ở Hàn Quốc, được gọi là "haenyeo", nói với BBC rằng họ rất lo lắng.

 

Kim Eun-ah, người đã làm công việc lặn ngoài khơi đảo Jeju được 6 năm, cho biết: “Bây giờ tôi cảm thấy không an toàn khi lặn xuống nước”. Cô giải thích: “Chúng tôi coi mình là một phần của biển vì chúng tôi đắm mình trong nước bằng chính cơ thể mình”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bc63/live/d0d69350-43e1-11ee-9b58-cb80889117a8.png

Chính quyền Nhật Bản cho biết các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên một số loài sinh vật biển để đảm bảo nước thải được xử lý không gây hại

 

Các chuyên gia cho rằng nước thải có thể được các dòng hải lưu mang theo, đặc biệt là dòng Kuroshio xuyên qua Thái Bình Dương.

 

Và các ngư dân nói với BBC rằng họ lo sợ danh tiếng hải sản của mình sẽ bị tổn hại vĩnh viễn và lo lắng cho công việc của họ.

 

Chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và Thủ tướng Quần đảo Cook - Mark Brown, giống như IAEA, cho biết ông tin rằng tổ chức này "đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế".

 

Ông nói thêm rằng tất cả các quốc gia trong khu vực có thể không đồng thuận về vấn đề "phức tạp" này, nhưng kêu gọi họ "đánh giá khoa học".

 

-------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

TQ trả đũa khi Nhật xả nước thải hạt nhân Fukushima

24 tháng 8 năm 2023

·         

Thảm họa hạt nhân Fukushima: Nhật Bản xả nước đã qua xử lý trong vòng 24 giờ

23 tháng 8 năm 2023

·         

10 năm Fukushima: thảm họa hạt nhân làm chấn động thế giới

12 tháng 3 năm 2021

·         

Fukushima: Lo âu và giận dữ về kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ của Nhật Bản

6 tháng 7 năm 2023

 





No comments: