Tuesday, August 8, 2023

DRONE HẢI CHIẾN MỚI CỦA UKRAINE, CƠN ÁC MỘNG CHO NGA TRÊN HẮC HẢI (Thụy My / RFI)

 



Drone hải chiến mới của Ukraina, cơn ác mộng cho Nga trên Hắc Hải

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 07/08/2023 - 21:40

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230807-drone-h%E1%BA%A3i-chi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-ukraina-c%C6%A1n-%C3%A1c-m%E1%BB%99ng-cho-nga-tr%C3%AAn-h%E1%BA%AFc-h%E1%BA%A3i

 

Trong cuộc đối đầu không ngang sức với hải quân Nga vì hầu như không còn chiến hạm, Kiev dùng chiến thuật đánh du kích bằng drone không chiến, tên lửa và mới đây là drone hải chiến. Theo Le Monde và Le Figaro, số ra hôm nay 07/08/2023, vùng biển do Matxcơva kiểm soát sẽ bị thu hẹp dần, những vụ tàu chiến Nga ở Hắc Hải phóng hỏa tiễn vào các thành phố Ukraina có thể giảm bớt.

 

https://s.rfi.fr/media/display/fc1e92a2-288d-11ee-b3c5-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-07-22T092530Z_577536941_RC2Y42AEJO8J_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-CRIMEAN-BRIDGE.webp

Ảnh tư liệu : Một tàu đổ bộ của hải quân Nga được điều đến chở các xe hơi qua eo biển Kertch ở gần cầu Crimée, mà một đoạn đã bị hư hại trong vụ tấn công được cho là của drone hải chiến, ngày 17/07/2023. REUTERS - ALEXEY PAVLISHAK

 

Cuộc phản công bỗng hướng sang Hắc Hải

 

Le Monde quan tâm đến « Các drone hải chiến đang quấy nhiễu hạm đội Nga tại Hắc Hải » :Cuộc chiến bỗng dưng chuyển sang bờ đông của vùng biển này. Cuộc tấn công vào cảng Novorossiisk của Nga hôm thứ Sáu 04/08 - nơi có một căn cứ quân sự, các cơ sở thương mại và một bến cảng dầu khí - đã làm hư hại chiến hạm Olenogorski-Gorniak và lưu thông hàng hải bị ngưng vài tiếng đồng hồ. Trong 18 tháng chiến tranh, đây là lần đầu tiên một thương cảng quan trọng cho việc xuất khẩu lúa mì của Nga, đã trở thành mục tiêu, tuy nằm cách Odessa của Ukraina đến 750 kilomet. Tiếp đến là tàu dầu Souvorovets ở eo biển Kertch, khiến lưu thông qua cây cầu chiến lược nối Crimée với Nga bị gián đoạn.

 

Matxcơva nói rằng đã phá hủy hai drone tự sát, không hề nhắc đến thiệt hại. Nhưng video đăng trên một kênh Telegram Nga cho thấy chiếc Olenogorski-Gorniak hoàn toàn bị nghiêng ở sườn trái và được tàu khác kéo đi. Nhà phân tích Alexandre Sheldon-Duplaix cho biết : « Loại tàu đổ bộ này Matxcơva có 9 chiếc ở Hắc Hải, bảo đảm kết nối giữa Nga và Crimée do cầu Kertch bị oanh kích ». Hạm đội Hắc Hải không bị ảnh hưởng nhiều vì vụ này vì Matxcơva đã từ bỏ phương án đổ bộ lên vùng duyên hải Ukraina, do Kiev phòng thủ chắc chắn.

 

 

Không gian biển do Matxcơva kiểm soát sẽ thu hẹp dần

 

Một dấu hiệu căng thẳng khác là chiếc cầu ở Crimée bị drone hải chiến đánh vào hôm 17/07 khiến phần đường bộ bị hư hại, còn đường sắt vẫn tiếp tục đưa thiết bị quân sự đến mặt trận miền nam (Kherson, Zaporijia). Những tuần lễ vừa qua, Crimée bị drone không chiến tấn công liên tục, nhiều kho vũ khí, đạn dược bị phá hủy, cầu Chongar, phi trường Djankoi bị hư hại một phần.

 

Tuy không có hạm đội, Ukraina gây khó khăn cho địch bằng các drone hải chiến, là những xuồng nhỏ chứa đến 450 ký TNT được hướng dẫn từ xa. Nhà phân tích Roman Svytan cho rằng các vụ tấn công sẽ còn gia tăng, vì việc Nga ra khỏi thỏa thuận ngũ cốc khiến Kiev không còn bị trói tay. Chiếm thế thượng phong trên mặt biển, Nga kiểm soát Hắc Hải, nơi các chiến hạm thường xuyên phóng những hỏa tiễn hành trình vào các cảng và thành phố Ukraina. Giờ đây chiến thuật quấy nhiễu khiến Matxcơva sẽ phải tăng cường phòng thủ.

 

Chuyên gia Sheldon-Duplaix nhận thấy Nga đã dựng lên hàng rào đối phó drone ở Sébastopol [Crimée], nhưng cảng Novorossiisk chưa được bảo vệ. Tướng Jacques Langlade de Montgros, tổng giám đốc cơ quan tình báo quân đội Pháp nhấn mạnh : « Dần dà theo với cuộc chiến, không gian biển do Nga kiểm soát sẽ càng thu hẹp do những tổn thất phải chịu, áp lực từ các drone hải chiến và không chiến của Ukraina, cũng như các eo biển Bosphore và Dardanelles bị đóng ».

 

 

Không có chiến hạm, Kiev đánh du kích bằng drone

 

Le Figaro cũng cho rằng « Các drone hải chiến là cơn ác mộng của chiến hạm Nga » ở vùng biển này. Lần đầu tiên Kiev công bố hình ảnh loại drone tự sát mới trên biển là Magura V5, có thể tấn công ở khoảng cách đến 800 kilomet. Hai chiếc tàu Nga đã bị các « USV » (Unmanned Surface Vehicle) này tập kích trong 48 giờ.

 

Trên lý thuyết thì hải quân Ukraina hầu như đã biến mất, chiến hạm Nga tha hồ ra vào Hắc Hải. Nhưng Kiev đã khôn ngoan tiến hành cuộc chiến phi đối xứng với cách đánh du kích bằng drone không chiến, hỏa tiễn và nay là drone hải chiến, khiến dù đậu ở cảng cũng không được yên thân. Tuần trước tại hội chợ quốc phòng quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên công ty STE của Ukraina giới thiệu loại drone Magura V5 lướt với tốc độ 80 km/giờ trên mặt nước, mang theo lượng chất nổ 320 kg.

 

Nga cũng có các drone tự sát trên biển, nhưng để phong tỏa thường chỉ dùng đến chiến hạm, tàu ngầm, hỏa tiễn và drone không chiến đánh vào các cảng Ukraina, thường là Odessa. Thế mạnh USV thuộc về Kiev, nhất là còn được tình báo phương Tây giúp thông tin, đặc biệt là các dữ liệu do các drone MQ-9 Reaper thu thập. Các thủy thủ Nga trong cuộc chiến tiêu hao này phải sống trong tình trạng căng thẳng, cho dù không có hải quân Ukraina đối diện.

 

 

Đoàn tàu ma giúp Matxcơva né cấm vận

 

Trên phương diện kinh tế, Le Monde có bài « Đoàn tàu ma, điều tra về những tuyến đường dầu lửa mới của Nga ». Từ khi bị cấm vận, những chiếc tàu dầu cũ kỹ vận chuyển lậu vàng đen và sang mạn ngoài khơi xa, đưa sang châu Á.

 

Một thảm họa môi trường đã tránh được trong gang tấc hôm 01/05 ngoài khơi Malaysia. Hôm đó một vụ nổ đã xảy ra trên chiếc Pablo, một tàu dầu già nua, rỉ sét có thể chở được 700.000 thùng dầu lửa, làm vỡ một phần vỏ tàu và ba thủy thủ mất tích. May thay, chiếc tàu này vừa dỡ hết hàng giao cho Trung Quốc. Những chiếc tàu lậu như Pablo rất được ưa chuộng để né trừng phạt của phương Tây, được ước tính khoảng 300 đến 600 chiếc, thường tắt định vị AIS khi di chuyển, đôi khi còn đưa ra những vị trí giả.

 

Số tàu đi từ Nga, tắt AIS đã tăng đến 75 % từ quý I đến quý II, thậm chí 140 % trên Hắc Hải. Những chiếc tàu tắt hệ thống này không được radar nhận ra, và như vậy trở nên nguy hiểm vì có thể bị tông phải, đặc biệt toàn là tàu cũ nên rủi ro càng cao hơn. Tàu ma, chủ cũng ma : không thể nào tìm được sở hữu chủ của chiếc Pablo, núp sau một công ty bình phong ở quần đảo Marshall, cũng không biết được công ty nào chịu trách nhiệm kiểm tra kỹ thuật và đơn vị bảo hiểm lại càng không thấy tung tích.

 

Những công ty chuyên mua bán dầu lửa Nga cũng mọc lên như nấm kể từ năm 2022, thường đặt trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Từ tháng Giêng đến tháng Tư, những nhà buôn mới này đã đạt doanh số 17 tỉ euro, là những kẻ thủ lợi chính trong việc tránh né cấm vận. Ví dụ một nhà môi giới ở Dubai, mua dầu thô Nga và mướn một tàu dầu cũ vận chuyển đến ngoài khơi Malaysia, trữ ở đó một tháng trong một tàu dầu khác rồi chuyển sang chiếc tàu thứ hai, thứ ba, làm giấy tờ giả rồi bán lại cho phương Tây, thu lợi nhuận khổng lồ.

 

 

Trừng phạt kém hiệu quả do quốc tế thiếu đồng thuận

 

Trong bài xã luận về « Hiệu quả của trừng phạt », Le Monde nhận thấy do bối cảnh địa chính trị, cấm vận chưa thể đánh gục Matxcơva. Như bài điều tra về đoàn tàu ma ở trên cho thấy, lượng tàu vận chuyển lậu dầu lửa Nga chiếm từ 10 đến 20 % tổng năng lực của đội tàu dầu thế giới.

 

Phải chăng Ấn Độ là cường quốc dầu lửa mới ? Chỉ trong một năm, sản phẩm dầu từ Ấn xuất sang Liên hiệp châu Âu đã tăng gấp đôi, mà thực ra Ấn Độ chỉ mua rẻ dầu Nga đang bị nhiều nước tẩy chay để tinh chế và tái xuất. Trừng phạt vốn là biện pháp chính của phương Tây nhằm trả đũa việc Nga xâm lăng Ukraina. Khi đánh vào dầu khí, nguồn lợi mà Vladimir Putin dựa vào, các đồng minh của Kiev hy vọng sẽ hiệu quả hơn là trừng phạt một số lượng lớn cá nhân và định chế kinh tế, chính trị. Chiến lược này chắc chắn đã tác động lớn đến tài chánh Nga, tuy nhiên vũ khí trừng phạt chỉ hiệu quả nếu có được đồng thuận quốc tế.

 

Hiện có quá nhiều kiểu tránh né, kể cả những nước quan trọng được phương Tây ưu ái như Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, Nga vẫn mua được các linh kiện điện tử cho kỹ nghệ vũ khí đang rất cần trong một cuộc chiến cường độ cao. Trừng phạt ở đây vấp phải vấn đề chính trị : muốn bao vây Nga cần phải cao giọng với những nước thứ ba nhưKazakhstan, trong khi phương Tây hy vọng tách rời họ khỏi quỹ đạo Nga.

 

 

Phiên tòa siêu thực của Alexei Navalny

 

Tại Nga, thông tín viên Les Echos mô tả phiên tòa xử nhà đối lập hàng đầu Alexei Navalny hôm 04/08 : một thẩm phán vô hình, một trợ lý báo chí của tòa không biết về bản án được tuyên. Cũng như khoảng 50 đồng nghiệp khác được phép tham gia vào giờ chót, các nhà báo chỉ được dự khán qua màn hình ở một gian phòng bên cạnh. Phiên tòa diễn ra chưa đầy 15 phút, ngay trong trại giam ở Melekhovo, một thành phố nhỏ nằm cách Matxcơva 250 kilomet, nhằm hạn chế báo chí đưa tin và những người ủng hộ nhà đối lập không thể tụ tập.

 

Đường truyền quá tệ hại khiến không ai, kể cả các nhà báo người Nga, nghe được bản án « 19 năm tù » do chủ tòa vừa tuyên, cũng không thấy mặt quan tòa vì camera không chiếu tới. Vào cuối phiên xử, Navalny với vẻ mặt tươi tỉnh bắt đầu lên tiếng thì kết nối bỗng bị ngắt một cách thô bạo. Alexei Navalny, 47 tuổi, sẽ bị chuyển sang một « nhà tù theo chế độ đặc biệt », có nghĩa là khắc nghiệt hơn trước, và có nguy cơ ngồi tù đến năm 66 tuổi.

 

 

Với JMJ, Giáo hội Công giáo được thanh xuân hóa

 

Tại Bồ Đào Nha, Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới (tên chính thức là Ngày tuổi trẻ thế giới hay Journée Mondiale de la Jeunesse - JMJ) bế mạc hôm nay được tất cả các báo chú ý. Le Figaro chạy tựa « Tại Lisboa, sự trẻ lại của Giáo hội Công giáo », La Croix đưa tít « JMJ, thế hệ Lisboa ». Libération nói về « JMJ Phanxicô, một giáo hoàng siêu sao ở Lisboa ». Đã gần 87 tuổi và mới chịu một cuộc phẫu thuật quan trọng hồi tháng Sáu, người đứng đầu giáo hội không ngừng kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội và bảo vệ sinh thái. Hướng về những khuôn mặt trẻ trung vừa trải qua trận đại dịch Covid, ngài nói rằng thế giới cần đến họ « như mặt đất cần những trận mưa ».

 

Le Figaro ví von « Món quà của hy vọng » : Một triệu người trẻ lớn lên trong một thế giới nhiều rủi ro đã dành cho Giáo hội, cho Bồ Đào Nha và tất nhiên là cho thế giới một quà tặng quý giá, đó là niềm hy vọng từ niềm tin và sự nhiệt thành của họ. Một thành viên thổ lộ : « Khi bạn cầu nguyện trong im lặng cùng với một triệu người khác, bạn sẽ mang ấn tượng suốt đời ! ». Có đến 800 giám mục trên toàn thế giới tới tham dự, chiếm 1/4 tổng số giám mục đang phụng vụ, cho thấy sức sống của một giáo hội dù đang trong khủng hoảng.

 

 

Một triệu người hành hương mang lại lợi tức không nhỏ cho Lisboa

 

Về phương diện kinh tế, các kỳ JMJ đều mang lại lợi ích thiết thực cho nước chủ nhà. Một nghiên cứu ước tính việc tổ chức đại hội lần này đã giúp Bồ Đào Nha được lợi 411 đến 564 triệu euro, trong khi tài trợ công từ Vatican, chính quyền Bồ Đào Nha và thành phố Lisboa chỉ có 160 triệu euro.

 

Một triệu người trẻ đến, chi xài trong các nhà hàng, quán cà phê, cư ngụ tại các khách sạn, sử dụng các phương tiện di chuyển và chắc chắn là họ còn mua nhiều thứ khác. Nếu tính đơn giản một thành viên chi ra 300 euro trong 8 ngày ở đây, doanh số đã là 300 triệu euro. Các siêu thị và cửa hàng gần Lisboa hoạt động 24/24 trong tuần lễ JMJ, khách hàng đông đến nỗi các nhà buôn phải tăng hàng trữ đồng thời tuyển nhiều nhân viên thời vụ, taxi công nghệ như Uber, Bolt làm không hết việc.

 

 

Google và cộng sản Trung Quốc : Con người chỉ là một dãy số

 

Trên lãnh vực công nghệ, nhà văn Giuliano da Empoli, tác giả cuốn sách nổi tiếng « Phù thủy điện Kremlin » nhận định trên Le Figaro : « Google và đảng cộng sản Trung Quốc có cùng một quan niệm về con người ».

 

Trí thông minh nhân tạo, hoạt động dựa trên sự tích lũy của một khối dữ liệu khổng lồ, bản thân nó là một công cụ đáng gờm để tập trung quyền lực vào tay những người có khả năng kiểm soát và sử dụng dữ liệu này. Điều này đúng cả trong các hệ thống dân chủ - nơi dữ liệu hiện chủ yếu tập trung vào tay tư nhân, và trong các chế độ độc tài - dữ liệu được Nhà nước kiểm soát. Trung Quốc là ví dụ ấn tượng và đáng lo ngại nhất về việc vận dụng công nghệ mới để tạo ra một chế độ toàn trị hoàn hảo.

 

Theo nhà văn cũng là nhà chính trị học, trong chiến tranh lạnh, có hai quan niệm đối nghịch với nhau. Một bên là cá nhân tư bản chủ nghĩa, tự do thỏa mãn bản năng và khát vọng của mình ; còn bên kia là con người mới cộng sản, buộc phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích trước mắt của cá nhân. Ngày nay, người ta nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng Google và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều coi con người như một dãy số, bị chi phối bởi các thuật toán ngày càng phức tạp. Tuy có mục đích khác nhau - lợi nhuận cho Google và kiểm soát chính trị cho đảng cộng sản - nhưng các công cụ và tầm nhìn về xã hội hoàn toàn giống nhau.






No comments: