DÒNG
SÔNG MANG TÊN THÀNH PHỐ
Tùy
bút, Nguyễn Thị Hậu
1.
Gần đây
tôi có dịp “du khảo” sông Đồng Nai và sông Sài Gòn bằng waterbus. Bắt đầu từ bến
Bạch Đằng xuôi ra ngã ba Nhà Bè, từ đó ngược sông Đồng Nai lên Cù Lao Phố (Biên
Hòa, Đồng Nai), Cù Lao Rùa (Tân Uyên, Bình Dương)... lên nữa sẽ là thác Trị An.
Vượt qua đoạn thác này đến vùng thượng nguồn Đồng Nai có khu di tích Cát Tiên nổi
tiếng.
Hay từ bến
Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đi về phía Ba Son, Tân cảng, qua địa bàn thành phố
mới Thủ Đức, qua vùng gốm Lái Thiêu, chợ Thủ nổi tiếng ở Thủ Dầu Một (Bình
Dương), đến khu di tích Bến Dược và Địa đạo Củ Chi. Và đi nữa sẽ lên đến Bình
Phước, Tây Ninh, hiện nay vẫn là vùng xóm làng xanh mát bên cạnh dòng sông
thoáng đãng chứ không dày đặc nhà cửa cao ốc ở đôi bờ như đoạn qua thành phố.
Dòng Đồng
Nai có tên xưa là Phước Long Giang (là sông lớn ở phủ Phước Long), nhưng tên gọi
phổ biến cho đến nay vẫn là sông Đồng Nai. Tên sông còn được chỉ cho cả một
vùng lưu vực rộng lớn: từ Đồng Nai thượng (vùng cao tỉnh Đồng Nai và một phần tỉnh
Lâm Đồng), xuôi xuống vùng đồi gò phù sa cổ ở trung và hạ lưu Đồng Nai, ra đến
tận cửa sông vùng ngập mặn Cần Giờ.
Nhưng tên
gọi sông Sài Gòn thì không đơn giản như vậy.
Cũng chảy
qua nhiều vùng nhưng sông Sài Gòn trước kia mang nhiều tên khác nhau: đoạn đầu
nguồn ở Bình Phước, Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông
Ngã Cái. Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí
Minh) gọi là sông Thủ Khúc. Những tên gọi này nay dân gian cũng không dùng nữa.
Tên sông Bến Nghé (Ngưu Chử giang) được nhiều người biết là đoạn từ cư xá Thanh
Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức), nhưng nay “Bến Nghé” lại
là tên con rạch từ sông Sài Gòn (nơi Bến Nhà Rồng) quận 1 đi vào Chợ Lớn. Tên
chính thức của sông là Tân Bình giang thì được ghi nhận trong Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức, vào khoảng năm 1820.
Sách Gia Định
thành thông chí – bộ địa chí về vùng đất Nam bộ thế kỷ 19, viết về sông Tân
Bình như sau: “Tân Bình giang. Ở trước thành Gia Định thuộc địa bàn phủ Tân
Bình, tục gọi là sông Bến Nghé. Sông rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, nước ròng hết mức
sâu 13 thước (khoảng 5m), sông rộng lớn nước sâu và trong. Những tàu buôn của
nước ta và các nước, tàu biển ghe sông và tàu thuyền lớn nhỏ đậu liên tiếp, cột
buồm nối nhau, là một nơi đại đô hội” . Tiếp đến là ghi chép về các đoạn sông
ra đến biển với một số tên gọi khác nhau, nhưng không thấy có đoạn sông nào
mang tên “Sài Gòn giang” hay chữ Nôm “sông Sài Gòn”. Về địa danh Sài Gòn, Gia Định
thành thông chí có ghi chép về Phố chợ Sài Gòn – tức Chợ Lớn ngày nay. Đó là một
khu vực buôn bán sầm uất, đường phố đan nhau ngang dọc, phố xá liền mái, người
Việt người Hoa cùng sinh sống. Đặc biệt ghi rõ các miếu và hội quán ở đây, đến
nay các công trình vẫn còn nguyên vị trí và tên gọi.
Chính vì vậy
đã nhiều lần tôi thắc mắc, không biết từ lúc nào sông Tân Bình/Bến Nghé thành
sông Sài Gòn. Và tên gọi “Sài Gòn” đầu tiên là của thành phố hay của dòng sông,
với địa danh này thì dòng sông mang tên thành phố hay là ngược lại?
2.
Đem thắc mắc
này hỏi bạn tôi, một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nam bộ kỳ cựu và cẩn trọng,
bạn nói: Ô chị hỏi một chuyện hay quá! Để gửi chị xem mấy tấm bản đồ xưa của
Pháp về Nam kỳ và đô thị Sài Gòn, qua đó có thể giúp chị tìm ra câu trả lời
chăng?
Từ những tấm
bản đồ xưa bạn gửi tôi tham khảo, có thể nhận biết địa danh Sài Gòn được ghi
trên dòng sông và trên phạm vi thành phố ở những giai đoạn khác nhau.Sớm nhất
là trên bản đồ Nam kỳ 1858 đã có tỉnh Sài Gòn (Province de Sai Gon), bao gồm địa
bàn rộng lớn dọc theo con sông được ghi tên Sài Gòn (R. de Sai Gon) suốt từ tỉnh
Tây Ninh xuống đến TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Khu vực thành Gia Định được ghi
“Sai Gon”, và kế bên là “Cho Lon” nhỏ hơn.
Sau khi
Pháp chiếm thành Gia Định (1859), trên bản đồ Nam kỳ năm 1863 và bản đồ thành
phố Sài Gòn 1864 đoạn sông ở quận 1 ghi là “Tan Binh giang ou Ben Ghe” (sông
Tân Bình hoặc Bến Nghé).
Bản đồ
thành phố Sài Gòn 1870 đoạn quai de Napoleon (bến Bạch Đằng) ghi tên sông Đồng
Nai. Nhưng bản đồ Nam kỳ 1870 thì thấy tên sông Sài Gòn là đoạn chảy qua thành
phố Sài Gòn.
Bản đồ Nam
kỳ 1871 và 1891 lại ghi đoạn sông qua trung tâm thành phố là sông Đồng Nai, đoạn
từ Nhà Bè ra Cần Giờ mới là sông Sài Gòn. Nhưng đến bản đồ thành phố Sài Gòn
các năm 1878, 1898, 1921 thì đoạn nay là Bến Bạch Đằng ghi tên sông Sài Gòn.
Như vậy, ngay
từ 1858, thời điểm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta tại Đà Nẵng, khi còn
chưa chiếm được vùng đất Nam kỳ thì thực dân Pháp đã “lập tỉnh Sài Gòn” và định
danh khu vực thành Gia Định là Sài Gòn, vùng Sài Gòn cũ là Chợ Lớn – theo cách
gọi của dân gian. Có lẽ đây là sự xuất hiện sớm nhất trên bản đồ tên gọi “Sài
Gòn” cho dòng sông và thành phố. Cũng theo những bản đồ trên thì tên gọi “thành
phố Sài Gòn” từ 1858 về sau không đổi nhưng tên sông thì lúc tên cũ Bến Nghé
lúc tên mới Sài Gòn. Từ cuối thế kỷ 19, địa danh “hành chính” của dòng sông và
thành phố đã dần ổn định là Sài Gòn.
Chưa biết
vì sao người Pháp lại “dịch chuyển” tên Sài Gòn thay thế cho tên sông Bến Nghé,
tên thành Gia Định đã tồn tại hàng trăm năm. Tuy nhiên, trước họa xâm lăng của
thực dân Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ Chạy giặc nổi tiếng,
trong đó có câu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu
mây” nói về sự tàn phá của chiến tranh trên một vùng đất rộng lớn trù phú. Câu
thơ còn cho thấy, nửa sau thế kỷ 19 khi Pháp đã chiếm toàn bộ Nam kỳ thì dân
gian vẫn lưu truyền tên gọi Bến Nghé, Đồng Nai của hai dòng sông lớn đã trở
thành biểu tượng của vùng đất Gia Định. Địa danh là lịch sử của một vùng đất
nên không dễ mất đi trong tâm thức cộng đồng dân cư.
3.
Từ sông
Tân Bình, Bến Nghé thành sông “Sài Gòn”, từ thành Gia Định đến đô thị Sài Gòn
là một sự thay đổi không chỉ về địa danh hành chính mà còn là sự thay đổi một
thời kỳ lịch sử. Từ đầu thế kỷ 20, bên cạnh chức năng tự nhiên là giao thông,
điều hòa khí hậu môi trường và nguồn nước sinh sống của toàn khu vực, trên đôi
bờ sông Sài Gòn chảy qua thành phố đã hình thành hệ thống cảng thị lớn, một yếu
tố quan trọng để thành phố phát triển nhanh chóng, mang tầm cỡ khu vực Đông Nam
Á.
Từ thời
Nguyễn hệ thống sông rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã làm nên cảnh quan “trên bến dưới
thuyền” độc đáo. Dưới thời Pháp thuộc Sài Gòn – Chợ Lớn là trung tâm kinh tế, kỹ
nghệ và thương mại ở Nam kỳ mà lúc này nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu
lúa gạo, cao su, nông phẩm... Hai bên bờ rạch Bến Nghé từ lâu đã hình thành hệ
thống bến – chợ độc đáo, gắn liền cảnh quan sông nước tự nhiên và sinh hoạt
khác của dân cư. Bên phía quận 4, quận 8 hệ thống nhà máy xay lúa gạo, lúa theo
ghe tàu từ miền Tây đổ về, rồi lại theo ghe tàu xuất cảng đi nhiều nước. Phía
quận 1 và quận 5 là nơi hàng hóa nông sản từ miền Tây, miền Đông đổ về thành phố
và hàng hóa công nghệ phẩm từ thành phố mang đi những nơi khác. Theo dòng sông
(Soài Rạp) ra cửa biển Cần Giờ ghe tàu ra đi đến nhiều nơi trên thế giới, tàu
thuyền các nơi theo dòng sông sâu vào cảng thị Sài Gòn.
Là một
thành phố trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi
tiếp cận và tiếp nhân những ngành nghề, kỹ thuật, phương thức kinh doanh mới,
vì vậy ở Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi,
linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ,
nhạy bén với những mầm mống tích cực, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ
thuật mới... Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”,
không lý thuyết suông, không giáo điều. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau
“buôn có bạn, bán có phường”, đảm bảo chữ Tín là một truyền thống trong mọi mối
quan hệ kinh tế và đời thường ở Sài Gòn. Có thể nói, tính cách cởi mở, nhanh nhạy,
không định kiến kỳ thị với cái mới, lối sống nhân nghĩa khoan dung của người
Sài Gòn được coi là tiêu biểu cho người Nam bộ.
Đô thị Sài
Gòn và sông Sài Gòn, dòng sông mang tên thành phố hay thành phố mang tên dòng
sông? Theo tư liệu lịch sử, có thể dòng sông dần hòa nhập vào tên mới của thành
phố và rồi cũng là của chính mình. Nhưng dù thế nào mặc lòng, “Sài Gòn” luôn là
một thể thống nhất giữa dòng sông và đô thị, giữa quá khứ và hiện tại. Ngày
nay, sông Sài Gòn cùng với sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ đang trở thành con đường
tăng cường sự kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ. Sông Sài Gòn
cũng là con đường để thành phố hướng ra biển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bởi vì, nếu
không duy trì và phát triển đặc trưng “đô thị sông nước” – một yếu tố “trời
cho, người chọn” khi tạo lập vùng đất và thành phố này - thì Sài Gòn – TP. Hồ
Chí Minh sẽ đánh mất quá khứ, đồng thời không thể xây dựng một tương lai tốt đẹp.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=7271802742835184&set=a.626469194035272
Sông Sài
Gòn qua thành phố. Photo by Minh Hòa.
bài trên
báo Lao Động đặc san 30.4.2022
.
No comments:
Post a Comment