Monday, August 21, 2023

CUỘC ĐUA THỐNG TRỊ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO QUÂN SỰ (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Cuộc đua thống trị trí tuệ nhân tạo quân sự

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ
20 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cuoc-dua-thong-tri-tri-tue-nhan-tao-quan-su/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1585492369.jpg

Tích hợp kỹ thuật AI vào drone quân sự đang là xu hướng nổi trội của giới quân sự Mỹ lẫn Trung Quốc (ảnh: Wojciech Grzedzinski/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Trung Quốc (TQ) và Hoa Kỳ đang chạy đua thử nghiệm máy bay không người lái (drone) thông minh để giành quyền thống trị lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) quân sự.

 

 

Cuộc đua tăng tốc

 

Một nghiên cứu mới cho thấy, Mỹ và TQ đang ưu tiên cho cuộc đua các phương tiện tự hành và giám sát quân sự sử dụng AI tiên tiến. Cả hai quốc gia đều đẩy nhanh nghiên cứu cách tích hợp AI vào lực lượng vũ trang như một phần của cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tận dụng lợi thế của một công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

 

Cả hai nước tập trung vào thế hệ vũ khí mới có thể tự tìm đường tìm diệt mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người bằng cách nhờ AI “đọc” hình ảnh vệ tinh. Theo truyền thông nhà nước TQ, trong một thử nghiệm gần đây của Đại học Công nghệ Quốc phòng TQ (National University of Defense Technology), một đàn gồm hàng chục drone đã hỗ trợ lẫn nhau vượt qua các tín hiệu gây nhiễu. Sau đó, không cần sự trợ giúp của người điều khiển, chúng đã tự tìm và tiêu diệt một mục tiêu.

 

Tháng Tư qua, Hoa Kỳ cũng tổ chức một cuộc tập trận chung với Vương quốc Anh và Úc, trong đó, các nhóm drone có hỗ trợ AI theo dõi và mô phỏng cuộc tấn công vào các phương tiện quân sự trên mặt đất như xe tăng, pháo tự hành và xe bọc thép. Trong cuộc tập trận, ban tổ chức đã huấn luyện các drone đang bay bằng cách truyền các bản cập nhật dữ liệu tác chiến đến phần mềm “AI nhắm mục tiêu” cài sẵn.

 

Và đầu năm nay, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA, chuyên điều phối nghiên cứu về các công nghệ mới nổi cho quân đội Mỹ) đã kêu gọi các công ty tư nhân ký hợp đồng thực hiện “dự án bầy đàn” (swarm-of-swarms project) với khả năng phối hợp các đàn drone AI trên không, trên bộ và trên biển để thực hiện một nhiệm vụ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-959396040.jpg

Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh vào AI quân sự. Trong ảnh là lý thuyết gia quân sự Zhang Zhaozhong thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc trình bày kỹ thuật AI trong một hội thảo tại Thiên Tân (ảnh: Visual China Group via Getty Images/Visual China Group via Getty Images)

 

Một nghiên cứu gần đây về hàng trăm hồ sơ mua sắm quân sự liên quan AI do Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (Center for Security and Emerging Technology-CSET) thuộc Đại học Georgetown ở Washington, DC thực hiện cho thấy, khoảng một phần ba hợp đồng quốc phòng ở Mỹ và TQ trong năm 2020 liên quan đến xe tự lái và các phương tiện giám sát, chiếm thị phần lớn nhất ở cả hai quốc gia.

 

Margarita Konaev, phó Giám đốc phân tích tại CSET nhận xét: “Quân đội Hoa Kỳ đang học được rất nhiều điều về giá trị của công nghệ drone trên chiến trường từ cuộc xung đột ở Ukraine”. Nghiên cứu của nhóm Konaev cho thấy các công cụ AI dành cho tình báo, giám sát và trinh sát chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong các hợp đồng mua sắm ở cả hai quốc gia, gồm cả việc sử dụng AI trong việc phân tích hình ảnh vệ tinh để tìm các mục tiêu tiềm ẩn.

Ước tính Hoa Kỳ và TQ đang chi hàng tỷ đôla cho nghiên cứu và phát triển AI quân sự.

Nhiều loại vũ khí và công cụ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Nghiên cứu về xe tự lái đã có từ nhiều thập niên trước nhưng gặp vô số lỗi nên chưa có dự án nào thành công dù được kỳ vọng rất cao. Năm 2004, DARPA tổ chức một cuộc đua xe không người lái dành cho khu vực tư nhân trên đoạn đường dài 150 dặm trên sa mạc Mojave. Không có chiếc nào trong số 15 chiếc xe robot tham gia đạt yêu cầu. Nhưng những đột phá gần đây về AI đã làm tăng kỳ vọng cho các ứng dụng quân sự.

 

 

Còn nhiều việc phải làm

 

Năm 2021, các bài báo quân sự của TQ cho thấy có nhiều cuộc thảo luận nội bộ về cách tiếp cận chiến tranh kết hợp những tiến bộ về dữ liệu và AI để giúp xác định các lỗ hổng của Hoa Kỳ, sau đó sử dụng tất cả các nhánh của quân đội để tiến hành các cuộc tấn công chính xác.

Năm ngoái, trong một bài phát biểu trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản TQ, lãnh đạo Tập Cận Bình khẳng định: “TQ sẽ tăng tốc phát triển các khả năng chiến đấu thông minh, không người lái”. Trước những thông tin như thế, đầu tháng này, Ngũ Giác Đài đã thành lập nhóm nghiên cứu khả năng sử dụng các công cụ AI sản sinh (generative AI, như mô hình ngôn ngữ ChatGPT chẳng hạn) trong quân sự.

 

Triển vọng về vũ khí do AI điều khiển đã tạo ra mối lo ngại về sự leo thang quân sự ngoài ý muốn giữa các cường quốc. Tháng Hai qua, Hà Lan đã tổ chức một hội nghị có 50 quốc gia tham dự, gồm cả Hoa Kỳ và TQ để thảo luận về “việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự”. Cuối cuộc họp, những người tham gia thông qua bộ nguyên tắc không ràng buộc, trong đó có điều khoản “tầm quan trọng của việc phải có các biện pháp bảo vệ phù hợp và sự giám sát của con người trong việc sử dụng các hệ thống AI”.

 

Năm 2022, trong một động thái nhằm làm chậm tiến bộ quân sự của Bắc Kinh, chính phủ Mỹ đã thắt chặt các quy định về xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang TQ. Washington đang xem xét các hạn chế bổ sung để ngăn chặn việc vận chuyển chip từ công ty Nvidia (nhà chế tạo chip AI hàng đầu của Mỹ) và các nhà sản xuất chip khác đến TQ.

 

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu tại Georgetown tìm thấy rất ít bằng chứng từ các hợp đồng mua sắm cho thấy Hoa Kỳ hoặc TQ đang nỗ lực trao cho AI quyền đưa ra các quyết định chiến lược độc lập hoặc tự tiến hành các cuộc tấn công lớn, kể cả dùng vũ khí hạt nhân. Họ phát hiện chưa đến 5% hợp đồng ở mỗi quốc gia được phân loại là dành cho các chức năng “tự chỉ huy và kiểm soát” quân sự của drone.

 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cảnh báo “các dữ liệu hợp đồng mua sắm công khai có thể không thể hiện bức tranh đầy đủ”. Đầu năm nay, trong hướng dẫn cập nhật về phát triển các hệ thống vũ khí tự động, Ngũ Giác Đài cam kết “chúng phải được thiết kế để cho phép các chỉ huy và người điều hành vẫn giữ được quyền đánh giá và quyết định khi cần sử dụng vũ lực”. Nói vậy để thấy, quyết định cuối cùng của con người vẫn là điều kiện cần thiết, cho dù AI có thể tự mình làm được.

 





No comments: