Cử
tri Cộng Hòa nghĩ gì về ông Trump sau 3 lần truy tố?
09/08/2023
https://www.voatiengviet.com/a/cu-tri-cong-hoa-nghi-gi-ve-ong-trump-sau-3-lan-truy-to-/7216534.html
Trong số các cử tri Cộng hòa, đa số
tin rằng ông Trump bị truy tố ‘với động cơ chính trị’ và vẫn bỏ phiếu cho ông,
nhưng những người ôn hòa nói họ sẽ không ủng hộ ông nữa và nếu ông bị kết tội
thì phần đông cử tri Cộng hòa sẽ quay lưng với ông, theo tìm hiểu của VOA.
https://gdb.voanews.com/5c38926d-7c4e-4aef-9e49-be8e7ef38955_w650_r1_s.jpg
Ông Trump đang đối mặt nhiều thách thức pháp lý
trong chiến dịch tranh cử
Cáo trạng mới nhất ở Washington truy tố ông Trump về tội âm mưu lật ngược
thất bại bầu cử hồi năm 2020. Trước đó, ông đã bị truy tố ở New York về tội làm
giả tài liệu kinh doanh về khoản tiền chi trả để bịt miệng một ngôi sao khiêu
dâm, và bị truy tố ở Florida về tội lưu giữ trái phép tài liệu mật về an ninh
quốc gia.
Là cựu tổng thống và hiện là ứng cử viên hàng đầu để giành được đề cử của đảng
Cộng hòa cho cuộc bầu cử vào năm 2024, cho đến nay ông Trump đã không nhận tội
đối với bất cứ cáo trạng nào trong ba cáo trạng nhằm vào ông cho đến nay.
Kết
quả thăm dò
Khoảng một nửa cử tri Cộng hòa sẽ không bầu cho ông Donald Trump nếu ông bị tòa
kết tội đã phạm trọng tội, cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kết thúc hôm 3/8 cho
thấy.
Cuộc thăm dò kéo dài hai ngày của Reuters/Ipsos đã hỏi những cử tri rằng liệu họ
có bỏ phiếu cho ông Trump vào năm tới hay không nếu ông ‘bị bồi thẩm đoàn kết tội
trọng tội’. Trong số các cử tri Cộng hòa, 45% cho biết họ sẽ không bầu, còn 35%
nói vẫn sẽ ủng hộ ông Trump. Số còn lại không có ý kiến.
Khi được hỏi liệu có bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông ‘thụ án tù’ hay không, 52%
cử tri Cộng hòa trả lời không, so với 28% nói có.
Cuộc thăm dò mới cũng cho thấy đông đảo cử tri Cộng hòa tin vào tuyên bố của
ông Trump về đàn áp chính trị. Có đến 75% cử tri Cộng hòa đồng ý rằng các vụ
truy tố Trump ‘có động cơ chính trị’. Còn 25% không đồng ý.
Khi được hỏi việc bị kết án trọng tội sẽ ảnh hưởng như thế nào lá phiếu của họ,
71% cử tri Cộng hòa cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ứng viên có tội, nhưng nếu
đó là ông Trump có tội thì chỉ có 52% nói sẽ không bỏ phiếu cho ông.
Trong một cuộc thăm dò khác do ABC News/Ipsos thực hiện, 65% cử tri Mỹ nói
chung cho rằng cáo trạng ông Trump tìm cách lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 dẫn
đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 là ‘nghiêm trọng’, trong đó 51% đánh
giá ‘rất nghiêm trọng’ và 14% cho rằng ‘hơi nghiêm trọng’.
Chỉ 24% nói rằng cáo trạng không nghiêm trọng, trong đó 17% cho rằng nó không
có chút gì là nghiêm trọng.
Kết quả này cho thấy sự chia rẽ theo đảng phái, trong khi chỉ 19% cử tri
Cộng hòa cho rằng cáo trạng mới nhất là rất nghiêm trọng, có tới 84% cử tri Dân
chủ và 53% cử tri độc lập nghĩ như vậy.
Hơn một nửa số cử tri – 52% - nghĩ rằng Trump nên bị truy tố, trong khi
32% nói không nên làm vậy. Và 49% cử tri cho rằng ông Trump nên ngưng ra tranh
cử tổng thống, đối lập với 36% phản đối ý tưởng này.
“Tổng thống Trump sẽ không lùi bước trước việc chĩa mũi dùi chính trị
đáng hổ thẹn chưa từng có!” chiến dịch tranh cử của ông Trump tuyên bố sau khi
ông bị truy tố lần thứ ba.
Nhìn chung, tỷ lệ được lòng dân của ông Trump là rất thấp, chỉ với 30%
người Mỹ có cái nhìn tích cực về ông.
Cử
tri Cộng hòa chia rẽ
Ông
James Robertson, cử tri Cộng hòa ở Alabama, đã gọi cáo trạng này là ‘bi kịch’
và ‘săn phù thủy’. Ông giảm nhẹ vai trò của ông Trump vào ngày 6/1, nói rằng cuộc
tấn công vào Quốc hội Mỹ là do những cá nhân bất bình với cuộc bầu cử năm 2020.
“Từ tất cả những gì tôi đã thấy, đó không phải là nổi loạn,” Robertson
nói với ABC News. “Đó chắc chắn không phải là nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ. Đó
rõ ràng là một nhóm người và không phải Tổng thống (Trump) đạo diễn, những người
đã và hiện vẫn thất vọng với việc cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.”
Ty Nannet là thợ cơ khí cho một hãng hàng không đã nghỉ hưu ở Indiana.
Ông đã bỏ phiếu cho Trump hai lần và nói rằng ông sẽ làm vậy một lần nữa bất chấp
các cáo trạng. Ông cho rằng các đối thủ của ông Trump đang dùng các cáo trạng để
cản trở khả năng ông ra ứng cử.
“Họ đang làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn ông ấy ra tranh cử,” ông
Nannet được ABC News nói. “Bởi vì họ biết họ không thể đánh bại ông ấy.”
Tuy nhiên, Hall Haselton, cử tri Cộng hòa khác ở Tennessee, nói rằng mặc
dù ông ‘tôn trọng’ quan điểm của ông Trump rằng các bản cáo là một phần của ‘cuộc
săn phù thủy’, ông tin rằng bộ máy tư pháp nước Mỹ nên được để cho thực hiện công
việc của mình và ông không ủng hộ cựu tổng thống được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai.
“Chúng ta biết rằng ông ấy là một kẻ dối trá. Chúng ta biết ông ấy nhận
công cho mọi thứ tốt đẹp,” ông nói. “Còn những gì sai trái thì ông ấy không nhận
lỗi.”
“Ông ấy không có giá trị cốt lõi. Ông ấy không có trái tim. Ông ấy có trí
óc, nhưng nó đi sai hướng,” người cử tri Cộng hòa này nói với ABC News. “Donald
Trump không phải là người đất nước này cần.”
‘Sẽ
không đi đến đâu’
Từ Chicago, bang Illinois, ông Nguyễn Tường Tuấn, một người hướng dẫn kỹ năng sống
và người ủng hộ ông Trump nhiệt thành, nói với VOA rằng việc truy tố liên tục sẽ
‘chẳng ảnh hưởng gì hết đến ông Trump’.
“Nếu làm nhiều lần sẽ trở thành nhàm chán. Người dân Mỹ rất thông minh. Họ sẽ
thấy rằng mấy năm nay Đảng Dân chủ đã đàn hặc ông Trump mà không đi đến đâu thì
lần này cũng sẽ không đi đến đâu,” ông Tuấn nói và dự đoán rằng việc ‘đánh ông
Trump quá nhiều sẽ khiến các cử tri độc lập hướng về phía ông Trump’.
Mặc dù ông Tuấn tin rằng nhóm cử tri độc lập sẽ không tin vào cuộc điều tra và
truy tố ông Trump của các công tố viên nhưng họ sẽ tin vào các cuộc điều tra và
điều trần của Hạ viện Đảng Cộng hòa nhằm vào Hunter Biden, con trai ông Joe
Biden.
“Tôi tin tưởng tư pháp nước Mỹ nhưng hiện giờ tôi thấy có rất nhiều điều vô lý
trong hệ thống tư pháp Mỹ. Tại sao họ kết tội một tổng thống mà không đưa ra bằng
chứng nào hết?” ông Tuấn lập luận.
Khi được hỏi nếu không có bằng chứng thì làm sao thuyết phục được đại bồi thẩm
đoàn nhất trí truy tố ông Trump, ông Tuấn cho rằng ‘đại bồi thẩm đoàn tập trung
ở khu vực Đảng Dân chủ’. Khi được hỏi về vụ truy tố ở Florida, ông Tuấn nói ‘mặc
dù đa số ở đó là Cộng hòa nhưng không phải tất cả’.
Về những người từng phục vụ Trump hay từng nằm dưới chính quyền Trump ra làm chứng
chống ông Trump trong các vụ truy tố, ông Tuấn cho rằng ‘dưới nội các Trump,
thành phần phản bội rất nhiều’.
Về những người có vai trò trong việc điều tra, truy tố, hay xét xử Trump sắp tới
là những người do chính ông Trump bổ nhiệm, như giám đốc FBI Christopher Wray
hay thẩm phán Aileen Cannon, ông Tuấn nói ‘là do lúc mới lên, ông Trump không
có kinh nghiệm chính trị nên mới bổ nhiệm’.
“Những người trong Đảng Cộng hòa quay lưng chống lại hay tố cáo ông Trump đều
là những thành phần đã được thế lực ngầm cài cắm từ lâu,” ông Tuấn cáo buộc, lặp
lại lời ông Trump từng tuyên bố về ‘Nhà nước ngầm’ ở Mỹ.
Còn những nhân vật tên tuổi trong Đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích Trump trong
những vụ truy tố này như cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu Phó tổng
thống Mike Pence, Thống đốc Florida Ron DeSanstis, Thống đốc Arkansa Asa
Hutchinson, cựu dân biểu Will Hurd…, ông Tuấn cho rằng những người này ‘có thù
hằn cá nhân với ông Trump’ hay ‘có mục tiêu tranh cử’.
Về phần mình, ông nói ông vẫn kiên định lá phiếu dành cho ông Trump. Ông giải
thích: “Bởi vì nó vô lý quá đi. Nếu như họ thật sự có bằng chứng ông Trump phạm
tôi thì họ đã bỏ tù từ lâu rồi. chứ không phải chờ đến giờ này.”
Ông biện hộ cho cuộc bạo loạn ở Quốc hội hôm 6/1 năm 2021, tiền đề dẫn đến việc
ông Trump bị truy tố về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử, là ‘cuộc biểu tình ôn
hòa’. “Chính cảnh sát Quốc hội đã mở cửa đưa người dân vào chứ họ đâu có phá cửa
để vào,” ông phân trần.
Trong trường hợp ông Trump bị tòa phán là có tội, ông Tuấn nói ông ‘sẽ vẫn
không tin ông Trump có tội’ mà sẽ mong chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện.
“Tôi không tin những phiên tòa cấp dưới, những phiên tòa dưới là phe này phe nọ,
phe thân Trump, phe chống Trump tất cả các thứ,” ông chỉ ra.
Ông nói ông ‘tin dân Mỹ sẽ có cái nhìn vấn đề sáng suốt để bầu cho ông
Trump’ trong kỳ bầu cử sắp tới. Lý do ông đưa ra là an ninh nội địa, di dân, lạm
phát, chiến tranh Ukraine…
“Ba năm trôi qua dưới thời Joe Biden rất là tồi tệ,” ông than phiền.
“Hàng triệu di dân bất hợp pháp tràn vào nước Mỹ, trong đó có tội phạm. Tiền để
nuôi họ là tiền thuế của người dân.”
‘Tư
cách đạo đức quan trọng’
Từ San Jose, bang California, một cử tri Cộng hòa khác là cô Phan Nguyễn Đan
Thư, giáo viên trung học, cũng nhấn mạnh đến di dân là một trong những vấn đề
mà cô bức xúc khi quyết định bầu cho ông Trump hồi năm 2020.
“Tôi bầu cho ông Trump là vì chính sách của Đảng Cộng hòa chứ không vì cá nhân
ông Trump. Họ không cho di dân qua đây nữa,” cô nói.
“Tại vì nước Mỹ đã quá chấp nhận cho di dân qua bao nhiêu năm nay rồi. Đời tổng
thống nào cũng nhận hết, đến nỗi hệ thống chịu không nổi luôn,” cô giải thích.
Cô chỉ ra ở bang California có nhiều di dân từ Mexico qua lao động và nước Mỹ
cũng đồng ý tiếp nhận di dân từ Ukraine và cho rằng việc này ‘lãng phí tiền bạc
của người đóng thuế’.
Tuy nhiên, trước việc ông Trump bị truy tố, người giáo viên này nói cô ‘sẽ
không bầu cho ông Trump nữa’.
“Không lẽ mình bầu cho tội phạm?”, cô nói và cho rằng nếu ông Trump lên làm tổng
thống nữa thì hình ảnh nước Mỹ trong mắt thế giới ‘sẽ bị hủy hoại’.
“Chẳng lẽ Đảng Cộng hòa không còn ai nữa sao?” cô đặt vấn đề và cho biết nếu Đảng
Cộng hòa đề cử người nào khác ông Trump thì cô sẽ bầu cho người đó với hy vọng
những chính sách kinh tế của Đảng Cộng hòa như cắt giảm trợ cấp, thu hẹp các
chương trình xã hội, giảm thuế cho doanh nghiệp, ‘sẽ giúp kinh tế Mỹ khởi sắc’.
Còn trong trường hợp không có ai khác mà là ông Trump đại diện cho Đảng Cộng
hòa ra đấu với ông Biden, cô Thư nói cô ‘sẽ bỏ phiếu cho ông Biden’.
Cô nói ông Biden có ‘tư cách, đạo đức tốt hơn ông Trump’ và đối với người giáo
viên này, tư cách, đạo đức quan trọng hơn là chính sách.
Mặc dù không đồng ý với các chính sách kinh tế hay di dân của chính phủ Biden
nhưng cô lại ca ngợi chính sách miễn một phần nợ sinh viên của ông.
“Nếu tôi có thể được xóa nợ từ thời sinh viên thì đỡ biết mấy, vì nó sẽ ảnh hưởng
đến khả năng mua nhà của tôi. Nếu cả đời tôi phải trả nợ sinh viên thì đến chừng
nào tôi mới mua nổi nhà,” cô trình bày.
No comments:
Post a Comment