Thursday, August 3, 2023

CHUYẾN BAY GIẢI CỨU và 'THAM NHŨNG CÓ TÍNH ĐẢNG' (Trần Đông A, VOA)

 



NỘI DUNG :

Chuyến bay giải cứu và 'tham nhũng có tính Đảng'

 Trần Đông A

.

“Bay giải cứu”: Khi họ “chung lưng mở một ngôi hàng”

Bình luận của Hải Triều
.

Để bớt “bay giải cứu”

Nguyễn Đức Minh

 

==============================================

.

.

Chuyến bay giải cứu và 'tham nhũng có tính Đảng'

Trần Đông A

31/07/2023

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-va-tham-nhung-co-tinh-dang-/7204626.html

 

Viện sĩ Hoàng Xuân Phú từng viết: “Mọi hoạt động chống tham nhũng phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đúng với quy định của pháp luật. Nếu cầm quyền mà hành xử phi pháp, thì xét về phương diện pháp lý, cũng chẳng hơn gì kẻ tham nhũng” (1).

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-2295-08db917164d4_w650_r1_s.png

(Hình: Phạm Kiên/TTXVN)

 

 

Đại án vắng bóng “đại trung tâm”

 

Phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu” đã kết thúc trong sự bất cập về cả ba mặt là chính trị, tuyên truyền và tư pháp (2). Người dân có thể được trấn an, được mơn trớn phần nào rằng, Đảng quyết tâm xử tham nhũng “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, nhìn vào những sự tréo ngoe của phiên tòa, có thể thấy, nền tư pháp của Việt Nam là hết sức bất cập và vắng bóng kẻ bị hại. Bị can – Bị hại như là những tác nhân, những “đại trung tâm” của bất cứ vụ án lớn nào. Nhưng trong đại án vừa xử hoàn toàn vắng bóng các tác nhân bị hại. Cái kết luận của tòa hết sức vô trách nhiệm: Hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng hơn 200,000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên hàng ngàn chuyến bay hồi hương sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không (3).

 

Vụ án vừa khép lại sớm 12 ngày so với kế hoạch có nhiều “chiều kích” đáng bàn. Nếu như chỉ tiêu nào trong các Nghị quyết của Đảng cũng “vượt mức” như thế này thì ai dám bảo, Việt Nam sẽ thua xa Campuchia và Thái Lan trong nhiều lĩnh vực của sinh hoạt xã hội. Chẳng qua điều không may lần này là Đảng đã chọn sai thời điểm (bad timing). Xử đại án đúng vào lúc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đang làm lễ “truyền ngôi” cho Thái tử. Còn Thái Lan thì sau các cuộc bầu cử có ý nghĩa bước ngoặt, dường như người dân và tân chính quyền đang muốn “quay xe” sang dân chủ… Hai sự kiện này càng làm nổi bật lên “sự hụt hơi” cũng như nhiều bất cập trong tính tiên phong của Đảng trên các “đường đua” của khu vực Đông Nam Á (4).

 

“Sự sửa phạt” lần này ở pháp đình không đến nỗi quá nặng và chủ trương của Đảng vẫn giữ được “chừng mực” đối với các phán quyết. Các thế lực thù địch không thể xuyên tác tính nhân văn, nhân ái mà TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn nhấn mạnh mỗi khi ông “chất củi vào lò”. Chẳng qua là vì Đảng đã “nhỡ” tuyên bố về vai trò lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” của mình, nên mọi quyết định ở tòa đều vướng vào “gậy ông đập lưng ông”. Thâm tâm, Ban Nội chính Trung ương chẳng bao giờ muốn để lộ ra việc “chạy án” giữa pháp đình như vừa qua. Nay kéo dài nữa thì kẹt, mà “nghỉ giải lao” lâu quá càng bất tiện. Thôi đành che miệng thế gian bằng cách “đánh bùn sang ao” như thế này vậy. Cho đến giờ này thì ai ai cũng thấy, hiếm có quốc gia nào có câu chuyện những chuyến bay giải cứu như Việt Nam trong đại dịch. Sự kiện mà rất nhiều người phải vay nóng, cầm cố, bán tài sản… trong khi các quan chức nhà nước, cả trung lẫn cao cấp, “ngạo nghễ” kiếm chác trên những nối bất hạnh của công dân mình.

 

 

Tòa án lương tâm sẽ xử tiếp

 

Tòa án lương tâm là thuật ngữ dùng để chỉ các chuẩn mực và những giá trị đích thực của nền công lý mà không phải bao giờ cũng được chứng minh xác đáng thông qua quy trình xét xử bởi các toà thông thường, tức là toà án tư pháp (judicial courts) hay bán tư pháp (semi-judicial courts) được thành lập theo luật. Vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra trông giống như một cái chợ, xét từ góc nhìn “mua bán”, “mặc cả” công khai giữa cơ quan tố tụng và các bị can (5). Hẳn nhiên, vì thế mà phiên tòa thiếu vắng nhiều chuẩn mực và các giá trị nói trên. Cho nên vụ án này sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm vừa diễn ra, hay kể cả phiên phúc thẩm sau này. Thay vào đó, tòa án lương tâm, lương tri sẽ còn xử tiếp cả bị can lẫn những kẻ nhân danh công lý để thực thi pháp luật…

 

Cả lương tâm lẫn lương tri trên pháp đình bao giờ cũng đòi hỏi “trọng chứng hơn trọng cung”, phải quán triệt nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Ấy vậy nhưng tại phiên tòa vừa qua, mọi quy trình có lúc bị đảo ngược. Kiến thức pháp lý của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng – nay đã trở thành “idol” của giới khoa bảng – có vẻ không thể địch lại nổi các lập luận của các cơ quan tố tụng, nhất là một khi giữa họ đã có sự thống nhất cao. HĐXX vẫn nhận định, hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (6). Nhưng có dư luận cho rằng, bản án tòa danh cho Hưng cũng không hẳn trên cơ sở trọng chứng hay trọng cung, mà thực chất cũng như bao vụ án từ trước đến nay, đó là thông điệp Đảng gửi đến toàn dân. Khi ra trước chốn pháp đình thì tốt nhất là không nên cãi lý với tòa. Điều này nhắc nhở mọi người nhớ lại phát biểu của cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương: “Luật của ta xử thế nào cũng được” (7).

 

Tính Đảng cao nhất tại phiên tòa chính là màn “vách áo cho người xem lưng” trong các lời cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn và Hằng. Những rường cột của các lực lượng tư pháp lại chính là những con “mối chúa” có thành tích chạy án “dày”, đục ruỗng nền pháp lý XHCN… Mở ra phiên tòa là Đảng muốn chứng minh cho tính chính danh trong chiến dịch đột lò của ông Trọng. Nhưng sau 18 ngày theo dõi phiên tòa, người dân mới tá hỏa tam tinh rằng, tòa xử mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân, lại còn trưng ra bao nghịch lý (8). Kẻ chức tước cao (Thiếu tướng) lại phải “chạy vạy” cấp dưới (Trung tá) cho thấy các giá trị đảo lộn đến nhường nào? Các cơ quan tố tụng nghĩ gì về các khoản tiền lớn hiện chưa biết đang nằm ở đâu? 2000 chuyến bay mà chỉ thanh tra có 700 chuyến thì những bị can tiềm năng nào đã được “ưu tiên” cho lọt tội? Nay mai, nếu có chuyện gì xảy ra với Hoàng Văn Hưng thì tòa tính sao?

 

 

Các bị cáo chưa phải là chính phạm

 

Những tình tiết nghi vấn còn nguyên trong vụ đại án như: chứng cứ nào để biết trong cặp có tiền, hay các Thư ký ăn hối lộ một mình chứ không hề chia chác, cho thấy có một tổng đạo diễn “vô hình” đằng sau cả “dây chuyền tham nhũng” ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đó là kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa “chuyến bay giải cứu” và “kit-test Việt Á”! (9) Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh nhưng lại được chọn để thực thi chủ trương lớn của BCT! Nếu theo dõi quá trình hình thành một “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng Cộng sản, theo định nghĩa “chỉ mặt đặt tên” của Milovan Dijlas – thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống (10).

 

Theo bình luận của Thiên Hành trên RFA, sự tha hóa ở đây là tất yếu. Không ai khác, chính Đảng/ Nhà nước đã ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân và bộ máy thực thi quyền lực. Những tuần qua người dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan Nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ từng giữ khiến những người dân thường hết “trồi” từ sự ngạc nhiên này lại “sụt” xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ có những lương dân mới sững sờ thôi. Còn họ, các quan chức sống và làm việc theo cơ chế “còn Đảng còn mình” thì họ quan niệm “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” là “chuyện thường ngày ở huyện” (11). Hơn thế, đó cũng chính là nguyên tắc sống còn và lý do tồn tại của Đảng, là nơi thể hiện tập trung nhất tính đảng, tính “giai cấp mới” của bộ máy!

 

Một câu nói được cho là của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình…”. Nhưng súc vật chỉ quay lưng thôi, chứ chúng không nỡ lợi dụng đau khổ của đồng loại để hút máu và ăn thịt. Nhưng suy cho cùng, các bị cáo của đại án chưa phải là chính phạm trong “chuyến bay giải cứu” (12). Chúng chỉ là hệ quả phái sinh của “cơ chế xin – cho” mà ĐCSVN đã sinh hạ và nuôi dưỡng. Còn độc tài đảng trị, còn trò hề “công cuộc đốt lò”, thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu Đảng chỉ “nới trói” một chút, “cho dân mở mồm” thì may ra “con bệnh” mới qua được những phút “lâm chung” hiện nay. Hãy để cho báo chí góp phần phát hiện tham nhũng khi nó còn trong kén. Hãy để cho truyền thông giúp thanh lọc bộ máy. Hãy thực hiện điều Hiến pháp đã cho phép lâu nay để người dân được lập các hội thân hữu, tạo nên những luồng gió mới tươi mát đẩy lùi các xú uế của nhũng lạm và hành dân. 600 năm trước Nguyễn Trãi từng dạy: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân”. Tiếc rằng, bài học ấy của tiền nhân Đảng ngồi trong những resort “được lại quả” thì không có cách gì mà nhớ được, chứ chưa nói đưa ra thực thi để cứu Đảng, cứu chế độ!

 

-------------------

Chú thích

.

(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=MotSoDieuCanTraoDoiNhanVuTrinhXuanThanh-20170821

.

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rescue-flight-trial-4-life-sentences-not-enough-07282023192509.html.

 

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxrxgql7g0yo

 

(4) https://www.voatiengviet.com/a/tu-viet-nam-nhin-sang-bau-cu-campuchia/7195222.html

.

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/court-treats-case-like-buy-and-sell-inferior-to-strictly-compared-to-the-feudal-period-07182023102737.html

.

(6) https://baophapluat.vn/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-cuu-dieu-tra-vien-hoang-van-hung-khong-oan-post482810.html

 

(7) https://sangtao.org/2012/02/15/dung-nhan-cua-dang-dien-mao-ke-thu-ii/

.

(8) https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-toa-xu-can-bo-khong-co-den-bu-cho-dan/7185622.html

.

(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-trum-cuoi-nao-se-lay-kieu/

.

(10) https://metaisach.com/giai-cap-moi-milovan-djilas/

.

(11) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/magic-wand-in-rescue-flight-scandal-07252023104804.html

.

(12) https://www.rfavietnam.com/node/7708

 

==================================================

.

.

“Bay giải cứu”: Khi họ “chung lưng mở một ngôi hàng”

Bình luận của Hải Triều
2023.07.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/rescue-flight-scandal-they-are-all-in-together-07312023205226.html

 

Hơn 2.000 chuyến bay “giải cứu” suốt quãng thời gian dài, lại liên quan đến nhiều bộ ngành từ trung ương xuống địa phương, như thế mà tại sao không phát hiện kịp thời để ngăn chặn khi tham nhũng mới trong “tổ kén”? Không! Với trình độ nghiệp vụ “nhất nhì thế giới”, Công an nhiều khả năng biết từ trước. Nhưng họ cần “nuôi án”; có “nuôi án” mới có “án” và “chạy án”…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/rescue-flight-scandal-they-are-all-in-together-07312023205226.html/@@images/857db215-6c1b-4ad4-8a64-fc79fde3da06.jpeg

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (giữa) bị công an dẫn giải ra ngoài toà ở Hà Nội hôm 28/7/2023   (AFP)

 

Về vụ “chuyến bay giải cứu” vừa xử, giới chuyên gia sẽ còn “nâng lên đặt xuống” rất nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng quan trọng, cũng cốt yếu để phục vụ cho công cuộc “diệt chuột nhưng không được vỡ bình” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không hiểu sao lại có sự trùng hợp… Ngày “khai án” 11/7/2023 lại cũng đúng vào ngày một Quy định mới của Bộ Chính trị có hiệu lực. Cái Quy định 114-QĐ/TW về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm được cho là để chống chạy chức, chạy quyền. (1) Quy định gồm năm chương, 16 điều, nhưng không thấy điều khoản nào chống “chạy án cả”. Trong khi giới phân tích trong nước dự đoán rằng, sau vụ “chuyến bay” đã qua sơ thẩm và vụ “Test kit Việt Á” sẽ xử nay mai, thị trường “nuôi án” và “chạy án” sẽ ngày càng tinh vi, sôi động chứ không hề giảm sút như Ban Nội chính Trung ương kỳ vọng.

 

Theo rò rỉ từ nội bộ – sau ba tuần xét xử tại Tòa Hà Nội như báo Điện tử Chính phủ công bố chiều 28/7 (2) – kết quả nghị án không phải là quyết định của Viện kiểm sát hay của Hội đồng xét xử. “Bay giải cứu” là một đại án được cho là thuộc “loại bỏ túi”, nghĩa là, kết quả xét xử đã được Ban Nội chính Trung ương đưa ra trước ngày “khai án”. Có như thế, chúng ta mới hiểu được phần nào bao điều phi lý và tréo ngoe diễn ra giữa chốn công đường, suốt cả ba tuần lễ. Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ với bình luận sắc sảo và chính xác của Gió Bấc's blog: Cuối cùng thì tòa cũng tuyên án theo hướng mà dư luận đã dự đoán và nghi ngại. Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều lần nhất, với số tiền lớn nhất trong số các bị can, đã được thoát chết. “Phạm Trung Kiên thoát chết, nhưng công lý bị treo cổ. Công lý bị treo cổ, nhưng kẻ thủ ác lại chính là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng” (3). Có nghĩa là các bị can tại phiền tòa chưa phải là những chính phạm trong vụ án, nếu không có những chủ trương từ trên Trung ương và Chính phủ…!

 

Mà đằng sau bất cứ chủ trương nào của Ban Chỉ đạo, của Trung ương, kể cả của Bộ Chính trị, lập tức “đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ cao hơn núi, dài hơn sông”; với chí lớn… “ta đi tới không thể gì chia cắt”. Bộ Chính trị muốn “chấn chỉnh” cái lập trường của một “bò đỏ cao cấp” khi thị này phán “con cái cán bộ làm quan là hồng phúc của dân tộc” thì Trung ương mới ban hành Nghị định 114 do bà Trương Thị Mai ký nói trên. Nhưng theo FB Nguyễn Huy Cường, “mặt trận tham nhũng” có vô vàn những thiết chế uyển chuyển và mềm mại, nguy hiểm và kín đáo, không nhất thiết phải qua họ hàng huyết thống. Các Quy định của bà Mai sẽ không thành công, bởi vì, cơ chế tham nhũng tinh vi và có “trăm lẻ một” cách vượt thoát các Quy định đó (4). Những “chiến sĩ tiên phong” này của Đảng không nhất thiết phải kết nối với người nhà, mà các đồng chí tập trung vận động, lobby những viên chức có thể từng là học trò, có thể là đồng hương đồng khói, từng làm với nhau trong một cơ quan cũ, hay cùng là “anh/chị/em “xã hội”. Ngược đời nhất trong nhóm “đưa và nhận hối lộ” ở vụ án này là “ông tướng” Công an chức to tổ bố (Ai biết giá cái ghế PGĐ Công an Hà Nội bao nhiêu triệu ông Washington?) mà phải chạy tới nhờ một ông em “trung tá” quèn (mà cũng chỉ là ‘em xã hội’) và chịu để “thằng em” nó điều khiển (ít nhất là theo lời khai của ông Thiếu tướng).

 

Mượn ngôn ngữ “Những người khốn khổ” từ Victor Hugo (Pháp), chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Liệu từ sâu thẳm những tâm hồn đen đúa nọ, có một thứ tòa án lương tâm nào sẽ được thiết lập nên để xử tiếp vụ chuyến bay giải cứu?” Trường hợp này, hỏi là đã trả lời: “Chắc chắn là không!”. Bị cáo Trần Văn Dự tự thú nhận: “Số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được”. Một lời gián tiếp tự thú rằng, những chuyến trước đây y đã lọt lưới pháp luật? Đến cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 37 lần nhận hối lộ khi cấp phép các "chuyến bay giải cứu", tổng cộng 21,5 tỷ đồng mà vẫn khẳng định “không có mưu đồ, không đòi hỏi” chỉ là do “không nhận thức được” việc nhận tiền là vi phạm (!?) Biết bao nhiêu câu phát biểu ngô nghê đến độ khó tin từ những người cách đây vài tuần đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy quyền lực tại Việt Nam, thậm chí còn đại diện cho Đảng/ Nhà nước trên trường quốc tế (Tô Anh Dũng đã cầm quyết định bay sang Nhật làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (!?)

 

Một khi khi Đảng đã ban phép cho tất cả bọn người này “chung lưng mở một ngôi hàng”… thì lập tức, những Bạc Bà, Bạc Hạnh cùng các Mã Giám Sinh ngửi ngay thấy “hơi đồng”. Một mạng lưới cộng sinh xuất hiện, càng liên hoàn lắm khâu càng tốt. Mỗi “chốt” có một VIP cầm đầu càng hay. Khó lộ và dễ bảo vệ nhau. Tại sao họ không sợ Công an? Thì Công an cũng nằm trong đường dây. Tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bao giờ chả có vài ba anh an ninh. Họ là người của Bộ Công an khoác áo Ngoại giao nằm ngay trong Đại sứ quán, theo dõi luôn cả các Đại sứ.  Không chuyện gì xẩy ra trong ĐSQ mà họ không biết. Riêng chuyện tăng giá visa, hộ chiếu và vé máy bay để ăn chặn tiền của kiều bào, đặc biệt là các “Việt kẹt” (do dịch bệnh), thì phải có sự thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Khó mà có Đại sứ nào, “một mình chống lại Mafia”. Cho nên mới có chuyện 2.000 chuyến bay mà chỉ có 700 chuyến bị thanh tra. Lạy Chúa lòng lành, gần hai phần ba các bị can tiềm năng thoát tội! Rồi nữa, đúng như Xuan Vuong Nghiem mỉa mai trên “Tôi và Sứ quán”: “Nếu lấy số tiền nộp lại để làm thước đo giảm án thì đừng nói chống tham nhũng, hối lộ nữa. Những cán bộ chưa bị lộ sẽ yên tâm băm chém mạnh hơn” (5).

 

_______________

Tham khảo:

 

(1)  https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chay-an-van-beo-bo/7193738.html

 

(2) https://baochinhphu.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-bon-bi-cao-bi-tuyen-phat-tu-chung-than-102230728174857694.htm

 

(3)https://www.rfavietnam.com/node/7719

 

(4)https://www.facebook.com/nhabaotulap/posts/pfbid02MS88VEtrbCuV4HHyt54XR66ATFvemSJJWSoQUr4SGAWaZp8GuWUYhh6PjMwNwRFEl.

 

(5)https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/?locale=vi_VN

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

--------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

Ai rồi cũng rứa

Khảo tả đặc điểm của nhóm... “người Bắc có lý luận”

Sơ thẩm các đại án tham nhũng: Càng xử càng thấy tư pháp cần phải độc lập

Cơ chế cảm ơn-cây đũa thần trong “Chuyến bay giải cứu”

Bụt bực

 

====================================================

.

.

Để bớt “bay giải cứu”

Nguyễn Đức Minh

02/08/2023

https://baotiengdan.com/2023/08/02/de-bot-bay-giai-cuu/

 

Vụ án chuyến bay giải cứu phơi bày thủ đoạn khá điển hình trong tham nhũng từ thủ tục hành chính. Các quan chức gây khó khăn khi cấp phép cho doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp như ngâm hồ sơ, không trả lời, không nêu rõ lý do, trả lời sát giờ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại mà buộc phải đưa hối lộ.

 

Tò mò không hiểu sao các cán bộ lại có thể tuỳ tiện đến vậy, mình mới tìm lại quy định về thủ tục cấp phép bay. Mình có hơn 10 năm kinh nghiệm tìm kiếm quy định pháp luật Việt Nam, cùng với sự giúp sức của một nhà báo chuyên đưa tin về chống dịch, vậy mà mất rất nhiều thời gian mình cũng không hiểu rốt cục thì thủ tục xin cấp phép bay như thế nào.

 

Về hình thức, tất cả những gì biết được chỉ là vài cái công văn thông báo kết luận cuộc họp của Phó Thủ tướng, không hề có văn bản quy phạm pháp luật nào được soạn về vấn đề này.

Về nội dung, chỉ biết được rằng doanh nghiệp phải xin đủ ý kiến của 5 bộ và địa phương tiếp nhận thì mới được bay. Tuyệt nhiên không thể tìm được các quy định về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết, điều kiện cấp phép/từ chối, mẫu đơn, cách thức gửi nhận, trình tự tiếp nhận hồ sơ, viết phiếu hẹn…

 

Ừ thì có thể viện lý do cấp bách lúc ban đầu để đưa ra thủ tục bằng công văn, nhưng chính sách này sau đó kéo dài gần 2 năm, thừa thời gian để soạn lại thành văn bản quy phạm. Nhưng không ai làm.

 

Thậm chí, khi đỉnh dịch qua đi, người nước ngoài đã được phép đến Việt Nam bằng các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không nước ngoài, thì người mang quốc tịch Việt Nam vẫn phải mua vé chuyến giải cứu. Chỉ cho đến khi vụ án tham nhũng được vỡ lở ngày 27/01/2022 thì đến ngày 14/2/2022, người Việt mới qua được kiếp nạn bay giải cứu.

 

Khi không có các quy định rõ ràng để tiến hành một thủ tục hành chính, thì quyền tuỳ nghi thuộc về cán bộ. Cán bộ cầm đơn thích thì xử lý, không thích thì sau này bảo chưa nhận được. Cán bộ thích cấp phép thì cấp, không thích thì không trả lời, hoặc từ chối không rõ lý do. Cán bộ thích thì nhận đơn cái chấp thuận luôn, không thích thì 5 ngày, 10 ngày, 30 ngày hoặc sát giờ bay mới trả lời.

 

Biết rằng, kể cả khi quy định rõ vẫn có thể bị biến tướng trong quá trình thực thi. Nhưng ít nhất các doanh nghiệp cũng có cơ sở để nói chuyện với cơ quan nhà nước khi cần thiết và để công tác thanh kiểm tra công vụ dễ dàng và sớm phát hiện sai phạm.

 

Tất cả những điều này cho thấy, sự thao túng không chỉ dừng lại ở khâu thực thi, mà nó đã cản trở việc ban hành chính sách một cách đúng mực.

 

Đây không chỉ là bài học cho các cán bộ đã vào tù, các cán bộ khác đang xử lý thủ tục hành chính, mà còn là bài học cho những người làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Nếu các công đoạn này được làm tốt hơn, có lẽ sự việc đã không đi đến mức đáng sợ như những gì đã diễn ra.

 





No comments: