Chủ
nghĩa Putin – sống trong sợ hãi
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 25/08/2023 - 15:07
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230825-chu-ngia-putin-song-trong-so-hai
Cái chết của
ông chủ tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin vẫn là chủ đề được tất
cả các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 25/08/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu nhân kỷ niệm 80 năm trận chiến
Kursk trong Thế chiến thứ hai tại đài tưởng niệm ở làng Ponyri, gần Kursk, Nga,
thứ Tư, ngày 23/08/2023. AP - Gavriil Grigorov
Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận
nói về việc bất kỳ ai đắc tội với tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đều phải trả
giá. Từ tổng thống Mỹ đến những người dân bình thường ở Nga, không ai « ngạc
nhiên » trước cái chết của « đầu bếp điện
Kremlin ». Ở một nước Nga, trong đế chế của Vladimir Putin, cái chết của « kẻ
phản bội » chỉ là vấn đề thời gian. Đối với chủ nhân điện
Kremlin, mức độ trừng phạt dường như được áp dụng tùy theo từng loại tội : trại
cải tạo (gulag) dành cho đối thủ chính trị, thuốc độc dành cho những kẻ phản bội,
những cú ngã chí mạng hoặc « tự sát » dành cho những
tài phiệt bất trung… Cái chết của Prigozhin thì được dàn dựng theo kịch bản chiến
tranh, khi máy bay của ông dường như đã bị một trong những tên lửa phòng không
bắn hạ.
Prigozhin, dù sống hay chết, là một minh chứng
điển hình cho chủ nghĩa Putin. Các hoạt động phạm pháp của ông mang lại rất nhiều
lợi ích cho tổng thống Nga mà không liên lụy trực tiến đến chủ nhân điện
Kremlin. Nhật báo thiên hữu nhận định rằng cái chết của Prigozhin nhắc nhở những
người sống trong đế chế Putin phải luôn biết khúm núm. Le Figaro đặt câu hỏi về
tương lai của một đất nước mà lãnh đạo một tổ chức bán quân sự còn nổi tiếng
hơn cả thủ tướng, đi kèm với một chế độ sẵn sàng « nuốt chửng » chính
những thành viên của mình…
Tín hiệu gửi tới giới tinh hoa Nga
Trang nhất và bài xã luận của Le Monde nhấn mạnh
đến những tín hiệu gửi tới giới tinh hoa Nga thông qua cái chết của Prigozhin.
Mặc dù cuộc nổi loạn do Prigozhin tiến hành không nhằm mục đích lật đổ chế độ
Putin, nhưng chủ nhân điện Kremlin thực sự không thể « nhắm mắt » trước
sự sỉ nhục nói trên. Theo một số nhà phân tích, số phận của « kẻ
phản bội » đã được định đoạt ngay từ đầu. Le Monde cho rằng
khoảng thời gian 2 tháng vừa qua, trong quá trình làm « suy yếu » đội
quân Wagner, tổng thống Nga vì vậy vẫn phải « dùng » đến
người từng là cộng sự trung thành của ông. Đồng thời, sự kiện tướng Sergei
Surovikin, được cho là đồng minh của Prigozhin, bị gạt ra bên lề, là một dấu hiệu
khác cho thấy điện Kremlin đang giành lại quyền kiểm soát.
Giờ đây, kẻ nổi loạn đã bị loại bỏ bất chấp những
cống hiến to lớn, đặc biệt vào mùa đông vừa qua ở chiến trường Bakhmut. Ông
Putin chắc chắn sẽ coi cái chết của Prigozhin và các phụ tá là sự củng cố quyền
lực, vốn đã bị suy yếu nghiêm trọng sau cuộc nổi loạn hồi tháng 6. Đây là một lời
cảnh báo đối với tất cả những ai ham muốn quyền lực ở Nga, họ cần rút ra được
những bài học bổ ích thông qua sự kiện này. Tuy nhiên, Le Monde nhận định rằng
cái chết của Prigozhin không phải là dấu hiệu cho thấy quyền lực của tổng thống
Nga được củng cố. Ngược lại, nó là bằng chứng cho thấy sự bất ổn, mờ mịt và diễn
biến ngày càng hỗn loạn của đế chế Putin, bị lung lay sau những tính toán sai lầm
và tai hại về việc xâm lược Ukraina.
Vladimir Putin – một nhà độc tài đơn độc
Tờ Libération dành bài xã luận chú ý đến khía
cạnh một nhà độc tài thích cai trị trong sự cô đơn. « Dọn dẹp » những
cộng sự xung quanh, đe dọa những ai dám thách thức quyền lực với việc « giết
họ trong tận nhà vệ sinh », như Vladimir Putin đã từng nói với người
Chechnya rằng sẽ loại bỏ mọi kẻ thù bằng mọi biện pháp tồn tại trên đời – thuốc
độc, những án tù chung thân, đạn lạc, rơi từ cửa sổ, tai nạn trực thăng hoặc
máy bay tư nhân, và có lẽ là mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Tuy nhiên, nhật báo
thiên tả cho rằng đến một thời điểm, nhà độc tài cũng sẽ cảm thấy cô đơn, khi họ
luôn trong tình trạng nghi ngờ tất cả mọi người, từ những người rất thân thiết
cho đến những đối thủ nguy hiểm nhất, khi họ không còn có thể trông cậy vào bất
cứ ai, khi người bạn ngày hôm qua đã trở thành kẻ thù ngày hôm nay, giống như
Prigozhin, một nhân vật « tài năng », nhưng đã phạm « sai
lầm », theo lời tổng thống Putin.
Mặc dù Vladimir Putin dường như tỏ ra phấn khởi
hôm 23/08, khi tham dự buổi hòa nhạc tưởng niệm 80 năm trận chiến Kursk, trong
lúc mảnh vỡ của chiếc máy bay chở Prigozhin đang bốc khói, Libération cho rằng
Putin chưa chắc cảm thấy nhẹ nhõm và có thể vui mừng trong thời gian dài. Với
việc loại bỏ Prigozhin, Putin hiển nhiên đã trả được « mối
thù » về sự sỉ nhục trước toàn thế giới khi thủ lĩnh Wagner tiến
về Matxcơva cách đây 2 tháng, đồng thời chủ nhân điện Kremlin đã cho mọi người
thấy uy quyền – khiến những kẻ thù của Putin phải « suy nghĩ kỹ » trước
khi dám đắc tội với ông – nhưng về cơ bản, điều đó chỉ làm trì hoãn sự sụp đổ của
đế chế cô độc này.
Libération kết luận rằng trong thế giới của
Putin, không ai có thể yên ổn trong một thời gian dài. Tờ báo ví đế chế của Putin
với những băng nhóm mafia đấu tranh giành quyền lực trong một xã hội không có
luật pháp. Mafia thanh trừng đối thủ, và có thể là giết lẫn nhau.
Putin đến điểm « bất khả khứ hồi »
Xã luận của báo La Croix cho rằng dường như bạo
chúa Putin đã phát động một cuộc chiến ở trong chính nước Nga sau khi « triệt
hạ » Prigozhin. Giống như nhiều nhà độc tài, Vladimir Putin đã tiến
vào chính trường một cách lặng lẽ. Trong thập kỷ đầu tiên kể từ khi làm tổng thống,
ông chứng tỏ là một nhà dân chủ thực thụ. Trong thập kỷ thứ hai, ông vẫn cố duy
trì một ảo ảnh về tầm vóc của một nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, cuộc xâm lược
Ukraina đã phá hỏng hình ảnh này, bởi Nga đã vi phạm các nguyên tắc toàn vẹn
lãnh thổ và không tôn trọng chủ quyền quốc gia, vốn là nền tảng của quan hệ quốc
tế. Cái chết của Yevgeny Prigozhin càng phá hỏng « hình ảnh đáng
kính » của chủ nhân điện Kremlin.
Cách đây vài tháng, Vladimir Putin và ngoại
trưởng của ông, Sergei Lavrov, đã phủ nhận mọi mối liên hệ với nhóm lính đánh
thuê Wagner. Đối với Kremlin, đó chỉ là một công ty tư nhân không dính líu gì đến
Nhà nước Nga. Nhưng kể từ tháng 6 vừa qua, vào thời điểm Prigozhin bị « thất
sủng », Kremlin thông báo tiếp quản mọi hoạt động do Wagner thực hiện
từ trước, đặc biệt ở châu Phi. Điều đó cho thấy, rõ ràng là điện Kremlin có
dính líu đến tập đoàn bán quân sự này – trong các chiến dịch cướp bóc tài
nguyên ở một số quốc gia, trong các vụ thảm sát thường dân bị Liên Hiệp Quốc
lên án.
Nhật báo Công Giáo chú ý đến những tác động
tiêu cực trong việc thực thi quyền lực của Vladimir Putin. Nước Nga đang trở
thành một quốc gia bất hảo mà nhà lãnh đạo chỉ có thể tại vị bằng cách loại bỏ
các đối thủ của mình và gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người thuộc chính phe tổng
thống. Với cái chết của Prigozhin, La Croix nhận định rằng viên bạo chúa đã đi
đến điểm « bất khả khứ hồi » trong một cuộc chiến
khác, một cuộc chiến diễn ra ở trong chính nước Nga.
Hoạt động của Wagner tại châu Phi sau cái chết của
Prigozhin
Nhìn sang châu Phi, tờ Le Figaro có bài viết
nói về những hoạt động của Wagner tại châu lục sau cái chết của Prigozhin. Liệu
sự kiện này có đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại các quân bài của Nga trên châu lục
hay không ? « Liệu Wagner có bị quốc hữu hóa hay liệu bộ Quốc
Phòng Nga có đàm phán trực tiếp với các quan chức thân Wagner ở châu Phi, như họ
vừa làm với Khalifa Haftar ở Libya hay không ? », nhà nghiên cứu
Samuel Ramani của đại học Oxford, Anh Quốc, tác giả cuốn sách Russia in Africa,
đặt câu hỏi. Một số nguồn tin cho biết, 24 giờ trước khi máy bay chở Prigozhin
bị rơi, thứ trưởng Quốc Phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov đã đến Libya theo lời mời
của lãnh chúa Khalifa Haftar để « trục xuất » những
tay chân của Prigozhin.
Kể từ chiến dịch quân sự đầu tiên ở châu Phi
vào năm 2017, Wagner đã triển khai lính đánh thuê ở 5 quốc gia (Cộng hòa Trung
Phi, Libya, Mali, Sudan và Mozambique), trong khi các nhóm lính đánh thuê khác
của Nga đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, tại hơn chục nước châu Phi. Theo một
báo cáo của tổ chức nghiên cứu Sáng kiến Toàn cầu vào tháng 02/2023, kể từ khi
Nga xâm chiếm Ukraina, một số nhóm lính này đã được triệu hồi để hỗ trợ quân đội
Nga, nhưng Wagner vẫn duy trì các hoạt động quân sự của mình ở Mali, Cộng hòa
Trung Phi, Sudan, Libya, Burkina Faso, hay điển hình là Niger.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp
BRICS diễn ra ở Nam Phi vào hôm qua, tổng thống Vladimir Putin đã cho biết Nga
có ý định « tăng cường mối quan hệ với các nước châu Phi và duy
trì đối tác đáng tin cậy trong việc cung cấp năng lượng và thực phẩm »,
hai lĩnh vực mà châu lục với nền kinh tế bị bất ổn do cuộc chiến ở Ukraina gây
ra đang rất mong chờ.
Những khẳng định của Putin cho thấy chủ nhân
điện Kremlin có ý định lợi dụng cái chết của Prigozhin để di chuyển những con tốt
của ông ở châu Phi. Trên thực tế, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại
Hoa Kỳ nhận định rằng trước cái chết của Prigozhin, quân đội Nga đã được triển
khai để ngăn chặn toàn bộ hoạt động của Wagner ở châu Phi. Kể từ vụ nổi loạn bất
thành ở Nga hồi tháng 6, Wagner đã lơ là chiến trường Ukraina để tập trung vào
các hoạt động của mình ở châu lục này. Viện nghiên cứu Mỹ tin rằng Kremlin đang
có kế hoạch thay thế lính đánh thuê Wagner bằng 20.000 binh sĩ chính quy.
Một nguồn tin an ninh Pháp cũng xác nhận với
Le Figaro rằng dường như Nga đang hướng tới việc thay thế các lực lượng lính
đánh thuê tư nhân bằng các binh sĩ của quân đội Nga ở châu Phi. Điều này có
nghĩa là Matxcơva sẽ chính thức có mặt ở những quốc gia mà tập đoàn Wagner từng
hoạt động. Tuy vậy, nhà nghiên cứu Ramani cho biết, hầu hết các chỉ huy và sĩ
quan cấp trung của Wagner vẫn tiếp tục ở đó. Vì thế, hoạt động của Wagner ở
châu Phi sẽ không chấm dứt vì không có Prigozhin.
--------------------------------
Các nội dung liên quan
TT
Putin gián tiếp xác nhận Prigozhin « tử nạn »
Tiền
bạc trong quan hệ giữa điện Kremlin và Wagner
2022
- Năm đại hạn cho giới tài phiệt Nga : 14 triệu phú chết đầy bí ẩn
No comments:
Post a Comment