Thursday, August 24, 2023

CHÍNH TRỊ THÁI LAN : PHÍA SAU VIỆC CỰU THỦ TƯỚNG THAKSIN TRỞ VỀ SAU 15 NĂM LƯU VONG (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



Chính trị Thái Lan: Phía sau việc cựu Thủ tướng Thaksin trở về sau 15 năm lưu vong

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 8 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9w0kw4rkppo

 

Sự trở về của chính trị gia gây chia rẽ nhất - ông Thaksin Shinawatra cùng với việc ứng cử viên của đảng Pheu Thai - ông Srettha được đề bạt cho vị trí thủ tướng đã dấy lên đồn đoán về một thỏa thuận phía sau hậu trường.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0900/live/69df66e0-41a2-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg

Thaksin Shinawatra (74 tuổi), cựu Thủ tướng Thái Lan đến sân bay quốc tế Don Muaeng ở Bangkok hôm 22/8 sau 15 năm lưu vong, sau khi chính phủ của ông bị Quân đội Hoàng gia Thái Lan đảo chính trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 2006

 

Về nước sau 15 năm sống lưu vong, ông Thaksin Shinawatra được đưa từ sân bay Don Muaeng tới một trại tù để kiểm tra sức khoẻ.

 

Tại đây, người ta công bố ông sẽ phải thi hành án tù giam 8 năm ngay từ thứ Ba tuần này, sau ba vụ kiện đã hoàn tất.

 

Thaksin Shinawatra: Cựu Thủ tướng Thái Lan về nước sau 15 năm lưu vong

Bầu cử Thái Lan: Move Forward thắng nhưng sắp tới sẽ ra sao?

Pita Limjaroenrat: 'Ngôi sao mới nổi' của Thái Lan - người thề sẽ tạo nên sự khác biệt

 

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế Đại học Chulalongkorn, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 23/8 rằng, sự trở lại của Thaksin khép lại một chương quan trọng trong nền chính trị Thái Lan vì ông đã là một thế lực thống trị trong hai thập kỷ qua.

 

Từ chỗ sống lưu vong, sau khi bị quân đội lật đổ và đảng của ông bị giải tán, sự nổi tiếng và di sản chính sách mà ông để lại vẫn giúp các đảng kế nhiệm của ông giành được nhiều phiếu bầu ở Thái Lan. Kể cả vào năm 2011, dưới thời em gái ông là bà Yingluck, cũng đã giành chiến thắng nhưng sau đó cũng bị lật đổ tương tự bằng một cuộc đảo chính. Hiện bà Yingluck vẫn sống lưu vong.

 

 

Một thỏa thuận ngầm?

 

Từ cuộc đảo chính năm 2014 đến nay, trong lòng đất nước Thái Lan đã có nhiều thay đổi và biến động. Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời sau 70 năm trị vì. Con trai của ông là Vajiralongkorn lên ngôi.

 

Sau một thời kỳ chính phủ quân sự cai quản, bầu cử đã được tiến hành vào năm 2019 và dù không có nhiều thay đổi về lực lượng cầm quyền nhưng những chuyển động trong lòng xã hội vẫn rất đáng kể, đặc biệt là làn sóng biểu tình đòi dân chủ giai đoạn 2020-2021.

 

Sau đó, trong kỳ bầu cử tháng 5, một Move Forward 5 năm tuổi đã chiến thắng với thủ lĩnh là chính trị gia kiêm doanh nhân sinh năm 1980 - Pita Limjaroenrat tạo ra một hình ảnh tươi mới trên chính trường, với chủ trương cải tổ quân đội và chế độ quân chủ vốn bắt đúng vào mạch tâm tư của cử tri.

 

Niềm hy vọng về một bình minh mới được dẫn dắt bởi đảng Move Forward nở rộ khi đảng này thành lập một liên minh với Pheu Thai.

 

Thế nhưng, việc thành lập chính phủ đã lâm vào bế tắc trong suốt ba tháng qua sau hai lần họp Quốc hội.

 

Vị chính trị gia nổi tiếng nhất Thái Lan lại trở về trong thời điểm Quốc hội Thái Lan triệu tập phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện lần thứ ba để bầu thủ tướng mới.

 

Giới cầm quyền thấy rõ rằng, Move Forward là mối đe dọa hữu hình vì muốn cải tổ quân đội và chế độ quân chủ. Chiến thắng của Move Forward trong cuộc tổng tuyển cử cho thấy trục cộng sinh quân đội-quân chủ và các phần phụ bảo thủ-bảo hoàng sẽ cảm thấy bất an hơn và bị đe dọa bởi kết quả này.

 

Theo giáo sư Thitinan, những thế lực này đã đồng ý chọn Thaksin để biến đảng của ông đối đầu với Move Forward.

 

"Thaksin chấp nhận thỏa thuận này vì ông ấy rất muốn quay trở lại Thái Lan. Sự trở lại của ông Thaksin rõ ràng có liên quan đến cuộc bỏ phiếu của quốc hội cho ông Srettha thuộc đảng Pheu Thai lên làm thủ tướng. Thaksin sẽ không quay trở lại chỉ để chấp hành bản án tám năm tù khi mà ông đã 74 tuổi. Ông cũng được biết đến là người không tuân theo thủ tục tố tụng hợp pháp mà có xu hướng đi đường vòng và thực hiện các thỏa thuận ngầm," Giáo sư Thitinan nhận định với BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4766/live/94c95040-41a3-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg

Những người ủng hộ Đảng Pheu Thai chờ đón cựu Thủ tướng Thaksin trở về sau 15 năm lưu vong bên ngoài sân bay quốc tế Don Mueang vào ngày 22/08/2023 tại thủ đô Bangkok

 

Hiện đảng Move Forward đã bị gạt ngoài lề, Pheu Thai đã bắt tay với những đảng bảo hoàng cực đoan United Thai Nation - những người tổ chức đảo chính khiến ông Thaksin và em gái phải lưu vong. Đây là một thỏa thuận với phe vốn được coi là kẻ thù truyền kiếp của Pheu Thai - điều mà đảng này từng thề sẽ không thực hiện.

 

Thế nhưng, việc hai phe này giờ đây sẽ ngồi cùng nhau trong cùng một chính phủ là dấu hiệu cho thấy chính trị Thái Lan đã thay đổi đến mức nào.

 

Giáo sư Thitinan cho rằng, có thể đã có một thỏa thuận mở ra khả năng cho ông Thaksin hồi hương với một thời hạn khoan dung, có thể bao gồm cả sự ân xá từ Hoàng gia. Đổi lại, Pheu Thai phải chấp nhận và hợp tác với các đảng thân quân đội, chặn đường đảng Move Forward cải tổ quân đội và chế độ quân chủ.

 

Tuy nhiên, ông Thaksin và đảng Pheu Thai đã phủ nhận những đồn đoán của giới quan sát về một thỏa thuận như vậy.

 

Trong cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, lần đầu tiên đảng Pheu Thai thất thủ trước đảng Move Forward - một đảng cấp tiến với đông đảo người trẻ ủng hộ.

 

"Vì vậy, việc ông Thaksin trở lại sau 15 năm sống lưu vong đã cho phép nền chính trị Thái Lan tiến triển vượt khỏi câu chuyện của ông Thaksin.

 

"Nếu Thaksin không đạt được thỏa thuận để quay trở về lúc này, ông ấy sẽ yếu thế hơn nữa và thậm chí có khả năng đảng của ông sẽ thua Move Forward trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo," Giáo sư Thitinan kết luận.

 

 

Số phận Thaksin và đảng Pheu Thai

 

Sau khi trở về Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra đã phải nhập viện vào đêm đầu tiên sau khi thụ án, với những lo ngại về tim và huyết áp của ông.

 

Tin tức về việc ông phải chuyển đến bệnh viện trong đêm đầu tiên này đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội, từ quan tâm đến giễu cợt.

 

Một số bài đăng trên mạng xã hội đã châm biếm cách đối xử đặc biệt của ông ấy, với hashtag #VVIP trở nên thịnh hành nhất trên nền tảng X (Twitter), theo Reuters.

 

Bệnh viện thì nói rằng, họ không có cách đối đãi đặc biệt nào và thường xuyên tiếp nhận tù nhân.

 

Nhiều người cho rằng, ông Thaksin sẽ nhận được sự đối xử đặc biệt và ưu đãi đặc biệt, bao gồm cả khả năng được hoàng gia ân xá.

 

Cuộc "trở cờ" của đảng Pheu Thai đã khiến đảng này phần nào mất đi tín nhiệm từ người dân.

 

Trong bài viết của nhà báo Jonathan Head của BBC News phân tích rằng, đối với gia tộc Shinawatras, và những thành phần bảo thủ hơn, có đầu óc kinh doanh hơn của Pheu Thai, việc thành lập được chính phủ và đảm bảo thỏa thuận đưa Thaksin trở lại, đã trở thành ưu tiên lớn hơn là lo lắng về danh tiếng của đảng này.

 

 

Nhưng có những người, thậm chí trong đảng Pheu Thai, cảm thấy kinh hoàng trước chủ nghĩa thực dụng đầy hoài nghi của thỏa thuận này. Họ cảnh báo rằng đảng này sẽ mất thậm chí nhiều hơn những người ủng hộ cơ sở nhiệt thành, và mất vĩnh viễn sự thống trị mà họ đã nắm giữ trong nền chính trị bầu cử của Thái Lan hai thập kỷ qua, dẫn phân tích của phóng viên Head.

 

Giáo sư Thitinan nhìn nhận, về bản chất, ông Thaksin không phải là người thụ động. Ông ấy là luôn tạo ra những thương vụ là biết tạo ra sự kiện, gây tiếng vang về bản thân.

 

Vì vậy, công chúng có thể mong chờ ông ấy sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi sắp tới. Nhưng giáo sư Thitinan cho rằng, khả năng cao ông Thaksin sẽ tạo ảnh hưởng và thúc đẩy phía sau hậu trường hơn là ra mặt. Tuy nhiên, dù không trở lại nắm cương vị chính thức nhưng chính trị gia nổi tiếng này sẽ không ngồi bên lề.

 

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1f8b/live/abb50a20-41a2-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg

Srettha Thavisin của Đảng Pheu Thai, được các nhà lập pháp Thái Lan phê chuẩn trở thành thủ tướng thứ 30 của vương quốc Thái Lan sau cuộc bỏ phiếu quốc hội ở Bangkok vào ngày 22 tháng 8 năm 2023

 

Cuộc họp chung giữa Hạ viện và Thượng viện hôm thứ Ba 22/8 đã bầu ông Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai lên làm thủ tướng với 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống.

 

Hầu như tất cả các phiếu chống lại ông Srettha đều đến từ Move Forward, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu tháng 5 nhưng lãnh đạo của đảng này, Pita Limjaroenrat, không được phê chuẩn.

 

Nhưng Move Forward nói họ không chống lại cá nhân ông Srettha mà là liên minh do ông đứng đầu, bao gồm hai đảng có liên đới với bậc "cha chú" (ý nói đảng Palang Pracharath Party và United Thai Nation) vốn đã lật đổ chính phủ của đảng tiền thân của Pheu Thai trong một cuộc đảo chính quân sự.

 

Move Forward cũng gọi liên minh của ông Srettha với các đảng thân quân đội là "sự phản bội ý chí của người dân". Hiện Move Forward nằm ở phía đối lập.

 

Srettha nổi tiếng là một ông trùm bất động sản có học vấn ở Mỹ và là người đồng sáng lập Công ty Sansiri, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Thái Lan.

 

Trong phiên bỏ phiếu hôm 22/8, một số nghị sĩ nói không biết nhiều về ông Srettha ngoài việc ông này "xây nhà để bán", theo tờ Bangkok Post.

 

Tuy nhiên, ông Srettha bị cựu chính trị gia đồng thời là ông trùm chuỗi mát xa Chuwit Kamolvisit cáo buộc dính dáng những giao dịch bất hợp pháp.

 

Lãnh đạo Đảng Pheu Thai - Cholnan Srikaew nói họ biết về những cáo buộc nhắm vào ông Srettha nhưng nhóm pháp lý của đảng đã điều tra và không có bằng chứng nào cho thấy ông Srettha phạm luật.

 

----------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Thái Lan: Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về sau 15 năm lưu vong

22 tháng 8 năm 2023

·         

Pita Limjaroenrat: 'Ngôi sao mới nổi' của Thái Lan - người thề sẽ tạo nên sự khác biệt

30 tháng 5 năm 2023

·         

Bầu cử Thái Lan: Move Forward thắng nhưng sắp tới sẽ ra sao?

19 tháng 5 năm 2023

 

 






No comments: