Thursday, August 17, 2023

CHIẾN TRANH UKRAINA : "ĐẤU TRƯỜNG" DRONE LỚN CHƯA TỪNG CÓ (Thùy Dương / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina: "Đấu trường" drone lớn chưa từng có

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 17/08/2023 - 10:59

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230817-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-%C4%91%E1%BA%A5u-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-drone-l%E1%BB%9Bn-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-c%C3%B3

 

Trong những ngày qua, các vụ tấn công bằng drone do Nga và Ukraina tiến hành nhắm vào lãnh thổ đối phương diễn ra ngày càng nhiều. Thông tin về các vụ drone của Ukraina tấn công thủ đô nước Nga, drone Nga ồ ạt không kích Kiev, các drone tấn công ở tiền tuyến … được đăng tải thường xuyên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bf073492-c1c6-11ed-badf-005056a90321/w:980/p:16x9/06-3.webp

Một binh sĩ Ukraina phóng một drone ở chiến tuyến gần Vuhledar, ngày 22/02/2023. AP - Evgeniy Maloletka

 

Sử gia quân sự Michel Goya trên đài RFI Pháp ngữ hôm 04/06/2023 nhận định « drone là ngôi sao » trong cuộc xung đột Ukraina. Có thể nói là chưa từng có một cuộc xung đột nào quy tụ nhiều drone và drone hoạt động ở quy mô lớn, làm gián đoạn các chiến thuật quân sự như trong chiến tranh Ukraina.

 

Sử gia Michel Goya nhấn mạnh : « Quân đội Ukraina là đội quân có nhiều drone nhất thế giới, hơn các nước khác rất nhiều. Quân đội Nga cũng được drone hóa, điều này khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Một yếu tố tương đối mới của cuộc xung đột này là sự minh bạch trên chiến trường. Rất khó để tổ chức các chiến dịch quy mô lớn vì chúng sẽ nhanh chóng bị phát hiện. Bay trên bầu trời là nguy hiểm đối với các thiết bị có người lái (máy bay trực thăng, chiến đấu cơ).

 

Trái lại, trên trời đầy các drone thực hiện nhiệm vụ từ trên không. Những drone này làm nhiệm vụ trinh sát, tình báo, tấn công. Chúng ta có thể hình dung ra các cuộc tấn công vào phòng tuyến kiên cố ở tỉnh Zaporijjia sau khi các drone quấy rối hậu phương của Nga. Hoặc ngược lại, các lực lượng Nga có thể sẽ tìm cách sử dụng drone để ngăn cản mọi chiến dịch tấn công của Ukraina ».

 

Cũng trên đài RFI Pháp ngữ hôm 04/06, Léo Peria-Peigné, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế IFRI của Pháp, chỉ ra rằng drone, rẻ hơn nhiều so với tên lửa, nhưng lại là mối đe dọa, gây sợ hãi, tạo ra sự bất định ở mọi khu vực của chiến trường. Có loại drone phòng thủ, phát hiện chuyển động để các lực lượng có thể phản công. Có loại drone tấn công, được trang bị vũ khí, thường là hạng nhẹ, để bắn thẳng vào đối phương, thực hiện một kiểu quấy rối liên tục và thường xuyên khiến đối phương phải cảnh giác. Lại có loại drone hiệu quả hơn, với phạm vi tấn công lớn hơn, chẳng hạn drone của Ukraina có thể được triển khai trên bầu trời Matxcơva.

 

Về phía Nga, vài tháng trước, những drone hoạt động bằng động cơ phản lực cũ thời Liên Xô đã được cải tiến để trở thành bom bay. Ngay từ khi chiến tranh nổ ra, Ukraina đã đi trước Nga trong việc sử dụng drone và đã sử dụng ồ ạt drone dân sự nhỏ đã được điều chỉnh. Thế nhưng, quân đội Nga sau đó đã tiến kịp, đặc biệt với drone tự sát Lancet 3. Chuyên gia Léo Peria-Peigné lưu ý loại drone này của Nga dù thô kệch và rẻ tiền nhưng đặc biệt hiệu quả, thậm chí từng tấn công và phá hủy được pháo tự hành 155 ly, Ceasar, nổi tiếng của Pháp. 

 

Viện trợ của nước ngoài

 

Do tầm quan trọng của các drone trong chiến tranh Ukraina, viện trợ quân sự của nước phương Tây cũng bao gồm drone cho Kiev. Trang mạng của đài TF1 ngày 15/08 dẫn nhật báo Đức Bild cho biết từ nay đến cuối năm Berlin sẽ giao nhiều « super drone » Luna NG (NG : next generation) thế hệ mới, tân tiến cho Ukraina, một trạm kiểm soát mặt đất và máy phóng drone.

 

Luna NG là drone trinh sát thế hệ mới nhất của dòng máy bay Luna X-2000, do công ty vũ khí Đức, Rheinmetall, chế tạo. Luna X-2000 được Bundeswehr (quân đội Đức) sử dụng từ năm 2000 và sau vài năm loại phi cơ hạng nhẹ này đã được cải tiến. Super drone Luna NG được chế tạo từ chất liệu nhựa gia cố và sợi carbon, có thể bay liên tục 12 giờ đồng hồ, hơn 100km. Đây được xem là một kỷ lục so với các drone Ukraina hiện có, thường chỉ bay được khoảng 20km.   

 

Có thể bay cao tối đa 5.000 mét và được trang bị mạng di động LTE, Luna NG thực hiện các nhiệm vụ xác định mục tiêu, trinh sát và có khả năng chặn hoặc gây nhiễu liên lạc của đối phương. Tuy nhiên, đến nay Luna NG vẫn chưa được trang bị vũ khí hay tên lửa. Công ty chế tạo vũ khí Rheinmetall có kế hoạch sản xuất một phiên bản drone trinh sát có khả năng mang vũ khí, nhưng sẽ chưa thể giao loại drone mới này cho Ukraina trước cuối năm nay.

 

Không chỉ viện trợ drone trinh sát, tấn công cho Ukraina mà quốc tế còn viện trợ cả các hệ thống phòng thủ, chống drone. Chẳng hạn, mới đây nhất, theo RTL, Na Uy hôm 14/08/2023 thông báo viện trợ vũ khí chống drone cho Kiev. Tập đoàn quốc phòng Kongsberg Defence & Aerospace và chính phủ Na Uy sẽ cung cấp thêm cho Ukraina các hệ thống phòng không mới chống drone, có tên gọi Cortex Typhon C-UAS. Hợp đồng chế tạo vũ khí trị giá 56 triệu bảng, tương đương 65 triệu euro, được Kongsberg Defence & Aerospace ký với Quỹ Quốc tế ủng hộ Ukraina (tổ chức do Anh thành lập để hỗ trợ Ukraina chống quân Nga xâm lược). Tổng giám đốc Eirik Lie, trong thông cáo, nhấn mạnh : « Hợp đồng này sẽ tăng cường đáng kể khả năng của các lực lượng vũ trang Ukraina và gia tăng cho họ khả năng bảo vệ người dân và đất nước trước các mối đe dọa từ trên không » do drone của Nga gây ra.

 

Trong cuộc đua drone, nếu Kiev có thể dựa vào viện trợ của phương Tây thì Matxcơva lại có sự hậu thuẫn đáng kể của Iran để oanh kích cơ sở hạ tầng Ukraina. Cùng là đối tượng bị các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm đến trong các hồ sơ khác nhau, Iran từ lâu nay còn bị quốc tế trừng phạt vì cung cấp drone cho Nga tấn công Ukraina, nhất là loại drone Shahed 136 thô kệch nhưng có thể gây thương vong. Tổng cộng 400 drone Shahed 136 đã được Iran chuyển cho Nga kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukaina, theo trang mạng Geo ngày 27/07.

 

Còn theo tình báo Mỹ, hồi tháng 07, dường như Teheran đang giúp Matxcơva lập một nhà máy chế tạo drone ngay trên lãnh thổ Nga. Một chặng mới trong sự hợp tác giữa hai đồng minh Iran và Nga có thể sẽ đóng một vai trò mang tính quyết định trong cuộc xung đột Ukraina. Tình báo Anh, được đài CNN trích dẫn, cảnh báo trong những tháng tới Nga có thể có một lượng drone lớn. Bộ Quốc Phòng Mỹ còn khẳng định Nga đang xây một nhà máy sản xuất drone Iran cách Matxcơva 1000km về phía đông. Dự án xây dựng có thể được hoàn tất vào đầu năm 2024.

 

Thế nhưng, đến ngày 14/08, báo Pháp Le Monde trích dẫn trung tâm nghiên cứu về xung đột vũ trang, Conflict Armament Research, của Anh, chuyên điều tra về vũ khí, theo đó Nga đã bắt đầu tự sản xuất drone Shahed của Iran và đã bắt đầu sử dụng drone Shahed-136 phiên bản nội địa, sau khi các chuyên gia của tổ chức này nghiên cứu mảnh vỡ của hai drone mà Nga sử dụng tại Ukraina trong tháng Bảy 2023.

 

Kết luận trên được đưa ra dựa trên « những khác biệt lớn trong cấu trúc khung, các bộ phận bên trong, kể cả thiết bị định hướng dẫn đường », cho thấy hai drone này được sản xuất tại Nga chứ không phải tại Iran. Theo các nhà nghiên cứu, Matxcơva « đã sử dụng các nguyên lý của loại drone Shahed (của Iran), nhưng đơn giản hóa cách vận hành thông qua các giải pháp mới », nhờ đó sẽ có thể sản xuất drone mới khá nhanh chóng.

 

Trên không và dưới nước

 

Trong chiến tranh Ukraina, drone hiện diện khắp nơi. Không chỉ có drone tung hoành trên bầu trời mà còn có drone hoạt động ở biển, dù là trên mặt nước hay ngầm trong lòng biển. Những drone của Ukraina chạy trên mặt nước, mang theo chất nổ ở vùng biển Đen trong thời gian qua đã gây không ít nỗi sợ và ngờ vực cho hải quân Nga, trở thành vũ khí chiến lược của Ukraina ở Biển Đen.

 

Trang mạng chuyên về thương mại và công nghệ Korii của Slate hôm 10/08 cho biết những drone biển này được sản xuất tại Ukraina, với chi phí 250.000 đô la/chiếc (khoảng 227.000 euro), đặc biệt nhờ tiền từ quỹ do đích thân tổng thống Volodymyr Zelensky hỗ trợ gây quỹ. Không có thủy thủ đoàn, có người điều khiển từ xa, những drone này chạy trên mặt nước (được gọi là USV - Unmanned Surface Vehicle trong tiếng Anh. Dài 5,5m và được đẩy bằng thủy lực, những chiếc tàu nhỏ này có thể đạt tốc độ tối đa 80 km/h và có thể hoạt động trong vòng 60 giờ đồng hồ. Mỗi drone biển chở theo một lượng thuốc nổ và phía trước có hai tên lửa - thiết bị kích hoạt vụ nổ khi xảy ra va chạm. Theo một phóng sự kênh truyền hình CNN của Mỹ phát vào cuối tháng 7, loại drone biển này của Ukraina có thể chở theo 300-350 kg chất nổ.

 

Theo Reuters, ngay từ hồi tháng 11/2022, Scott Savitz, một kỹ sư phân tích của Viện tư vấn và nghiên cứu của Mỹ, RAND, đã nhận định : « Khả năng của drone biển mang theo lượng thuốc nổ lớn (nhiều hơn so với drone bay trên không) và lao thẳng vào đường mớn nước của tàu khiến loại drone này trở nên nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không, chẳng hạn tên lửa và bom. Chi phí tương đối thấp cũng cho phép Ukraina tổ chức nhiều cuộc tấn công, và các tàu chiến Nga rất khó phát hiện bất chấp quy mô các vụ tấn công ».

 

Ngày 17/07/2023, drone trên mặt nước đã được hải quân và lực lượng đặc nhiệm Ukraina sử dụng dể tấn công cầu Kerch. Đến ngày 04/08, cảng dầu Novorossiïsk (cách Krasnodar khoảng 100 km) đã bị nhắm mục tiêu và một tàu chiến của Nga bị tấn công. Sau đó một hôm, tại eo biển Kerch và gần cầu Crimée, một tàu chở dầu của Nga đã bị một drone biển Ukraina nhắm mục tiêu.

 

Nga đánh giá rất nghiêm túc những mối đe dọa từ drone biển của Ukraina, nhất là từ cuối năm 2022, Ukraina đã gia tăng các vụ tấn công lớn ở bờ Biển Đen và quanh bán đảo Crimée. Nguy cơ đối với Nga nhiều đến mức, theo Reuters hồi tháng 07, được trang Korii dẫn lại, hải quân Nga tại vùng Sebastopol đã tránh mạo hiểm đi quá xa cảng, nơi hệ thống phòng thủ đã được tăng cường mạnh bằng cách « bổ sung lưới, phao và rào chắn », ngụy trang và thậm chí dùng cá heo đã được huấn luyện để phát hiện drone biển của Ukraina.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

Thận trọng trên bộ, Ukraina cho drone hải chiến tung hoành trên biển

 

Chiến tranh Ukraina: Nga và Ukraina đọ sức bằng drone

 

Drone hải chiến mới của Ukraina, cơn ác mộng cho Nga trên Hắc Hải

 

 

 




No comments: