Friday, August 4, 2023

CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG : VIỆT NAM và ASEAN CHỌN LỢI ÍCH NHƯNG KHÔNG CHỌN PHE (Thu Hằng / RFI)

 



Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương : Việt Nam và ASEAN chọn lợi ích nhưng không chọn phe    

Thu Hằng  -  RFI 

Đăng ngày: 31/07/2023 - 12:17

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20230731-chien-luoc-an-do-thai-binh-duong-viet-nam-va-asean-chon-loi-ich-nhung-khong-chon-phe

 

« Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của nó ảnh hưởng đến mọi người ở mọi nơi ». Nhận định này của Washington cũng là cơ sở để Mỹ, cũng như nhiều cường quốc khác, xây dựng chiến lược đối với khu vực có tầm địa-chiến lược quan trọng, trong đó có Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a97054f6-2f8a-11ee-8ec8-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23044056095412-1.webp

Ảnh minh họa : Máy bay E/A-18G Growler cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Nimitz của Mỹ ở Biển Đông, ngày 24/02/2019. AP - Joseph Calabrese

 

Các nước thành viên ASEAN trở thành trọng tâm trong các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp (2018), Liên Hiệp Châu Âu (2021), Hoa Kỳ (2022), Hàn Quốc (2022), Nhật Bản (phiên bản mới 2023), cũng như mong muốn mở rộng « sự hiện diện rộng nhất, bao trùm nhất » của Anh Quốc trong khu vực.

 

Ngoài mục đích an ninh, dù không nêu đích danh nhưng Trung Quốc luôn là « đối thủ » bị ngầm ngắm tới, những chiến lược này đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế, môi trường, bảo vệ sự hiện diện, lợi ích của họtrong khu vực và hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Một « chủ nghĩa đế quốc mới » đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và châu Đại Dương, theo phát biểu của tổng thống Pháp tại Vanuatu nhân chuyến công du châu Đại Dương trong tuần qua, ám chỉ đến những nỗ lực bành trước của Trung Quốc.

 

Để hiểu rõ hơn về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương và tầm quan trọng của khu vực, tạp chí Hérodote của Pháp, chuyên về địa lý và địa-chính trị, ra số đặc biệt quý II/2023 đề cập đến « Những cách nhìn địa-chính trị về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

 

Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, đồng chủ biên số đặc biệt, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, nhận định trước những chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Việt Nam và các nước Đông Nam Á chọn lợi ích nhưng không chọn phe.

 

 


RFI :  Tạp chí Hérodote ra số đặc biệt về những thách thức địa-chính trị ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn. Tại sao chủ đề này được đề cập riêng trong một số ?

 

Benoît de Tréglodé : Hiện giờ, « Ấn Độ-Thái Bình Dương » là một khái niệm rất thịnh hành và được các chuyên gia về châu Á, cũng như tại các bộ và các đại sứ quán ở các nước châu Á sử dụng nhiều. Trước hết là do sự trỗi dậy, đúng hơn là nhờ vào việc ý thức được sự xác quyết của Trung Quốc, cũng như sự trỗi dậy của Ấn Độ ở châu Á, cùng những hệ quả có thể xảy ra đối với châu Âu, với Pháp, và nhất là sự hiện diện của Mỹ ở trong vùng và ở Ấn Độ Dương.

Do đó phải suy nghĩ lại một cách tổng thể mối quan hệ của các nước phương Tây với châu Á. Châu Á, hiểu đơn thuần theo nghĩa địa lý, không còn đủ nữa. Từ giờ, vấn đề địa-chính trị gộp cả vế ngoại giao, kinh tế, chính trị, cần đến một vùng rộng hơn bao trùm tất cả. Chính vì thế, « Ấn Độ-Thái Bình Dương » xuất hiện như một khái niệm hơi ôm đồm một chút nhưng hiện giờ được sử dụng rất nhiều để suy nghĩ lại về mối quan hệ với châu Á.

Ấn Độ-Thái Bình Dương hoàn toàn không có gì rõ ràng nếu chỉ nhìn về mặt địa lý, cho nên cần tập hợp được trong số đặc biệt này của tạp chí các nhà nghiên cứu có những cách nhìn tương đối khác nhau về cách hình thành khái niệm địa-chính trị này. Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khái niệm chính trị, do đó phải để các nhà nghiên cứu nêu lên vấn đề này và kết nối khái niệm đó vào những thực tế lãnh thổ.

 

.

RFI : Khoảng 10 chuyên gia Pháp và quốc tế chia sẻ quan điểm của họ trong số đặc biệt này. Điểm đặc biệt của họ là gì ?

 

Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần nhắc lại việc hình dung ra không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương này nằm trong chủ trương mới về tương quan lực lượng của quốc gia đang thực sự tìm cách cải thiện tình hình của mình, thậm chí là chiếm ưu thế nào đó. Cho nên cần có những nhà nghiên cứu Pháp và nước ngoài suy nghĩ về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhìn từ Nhật Bản, châu Âu hay từ Đông Nam Á, bởi vì mỗi quốc gia, mỗi một vùng nhỏ có cách nhìn khác nhau về khái niệm bao quát này.

Thực thể địa lý này không tồn tại, mà đây là một thực thể chính trị được hình thành, hình dung và phát triển qua lập luận chính trị của các Nhà nước liên quan. Điều thú vị là trong thời gian đầu, mục đích của những người sử dụng rộng rãi khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương này, như các nhà ngoại giao, các nhà quân sự, không giống nhau.

Thực vậy, chúng ta biết là khái niệm xuất hiện trong khoảng những năm 2000 - 2010. Ý tưởng gộp cả hai vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành một thực thể địa lý thực sự là vô cùng kỳ lạ đối với các nhà khoa học, cũng như đối với những người không có thói quen gộp cả hai vùng này với nhau. Nhưng nhìn từ quan điểm của các Nhà nước, từ các nhà hoạch định thì đó là nhằm tạo sự nhất quán cho một chính sách cấp vùng mà người ta gọi là « phương Đông » có độ phủ rộng hơn, để củng cố tính chính đáng cho chiến lược gây ảnh hưởng của họ. Và điều này là hoàn toàn mới, là hệ quả trực tiếp từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, nước hiện trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn đối với tất cả các nước phương Tây. Vì vậy, cần phải suy nghĩ lại một cách tổng thể về mối quan hệ ở khu vực địa lý vô cùng rộng lớn này. 

 

 

https://s.rfi.fr/media/display/17c0106a-2fa2-11ee-bc28-005056bfb2b6/He%CC%89rodote.webp

Bìa tạp chí Pháp Hérodote, số 189 "Những cách nhìn địa chính trị về Ấn Độ-Thái Bình Dương", quý II/2023. © herodote.org

 

 

RFI : Việt Nam được đề cập như thế nào trong số tạp chí lần này ?   

 

Benoît de Tréglodé : Chương mà tôi soạn thảo trong số này được dành để nói về Đông Nam Á trước thách thức Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đông Nam Á, được nhìn từ cấp vùng là ASEAN, nhưng cũng từ các nước chủ đạo trong khu vực như Indonesia, Philippines, Việt Nam… Điều đáng chú ý là làm thế nào Việt Nam, làm thế nào Đông Nam Á thích ứng với khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, được các cường quốc thúc đẩy theo hướng cạnh tranh và đối đầu nhau. Chúng ta nghĩ ngay đến sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các nước Đông Nam Á vẫn nhắc lại khá thường xuyên rằng họ không muốn cảm thấy bị bắt làm con tin bởi sự phân định mới về không gian quốc tế này, một biện pháp mà có thể khiến họ nghĩ tới những lập luận và kí ức thời Chiến tranh lạnh chẳng hạn. Điều này đã được Singapore và các nước Đông Nam Á kiên quyết nhắc lại tại Đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore vào đầu tháng 6. Đối với đa số các nước trong vùng, không có chuyện phải chọn một phe Ấn Độ-Thái Bình Dương, kể cả bên thân Mỹ, để có thể « hạn chế hoặc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng »

 

.

RFI : Cả Hoa Kỳ, Pháp, Liên Hiệp Châu Âu đều đề xuất những chiến lược riêng về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Liệu những chiến lược đó có đặt những nước nhỏ trong vùng, ví dụ Việt Nam, vào thế khó xử, như ông nói là khó chọn phe, hay những nước này chỉ được lợi ?

 

Benoît de Tréglodé : Hiện giờ, Ấn Độ-Thái Bình Dương trước hết là một khái niệm thực tiễn được các nước lớn sử dụng, đứng đầu là Hoa Kỳ, để có thể suy nghĩ toàn diện về chính sách gây ảnh hưởng của họ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó chỉ là một cách diễn đạt để có thể duy trì sự hiện diện và sức ảnh hưởng vừa mang tính chính trị vừa mang tính chiến lược và kinh tế trên thế giới.

Quan hệ quốc tế mọi thời đại đều được nuôi dưỡng từ những cuộc đối đầu và ngoại giao gây ảnh hưởng của nước này chống lại nước kia. Điều này không hoàn toàn mới. Khi đến Đông Nam Á, quả thật khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, chủ yếu do Mỹ, Nhật Bản và phần nào là Liên Hiệp Châu Âu hoặc Ấn Độ đề cao, bị đơn giản hóa đôi khi là quá mức để thuyết phục các nước trong vùng hợp tác nhiều hơn với họ và để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở trong vùng.

Thực ra, việc 10 nước Đông Nam Á khám phá « logic cân bằng » này trong khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương không phải là mới mà chỉ là cập nhật lại logic trước đó. Đáp án vẫn như trước : triển khai một chính sách ngoại giao cân bằng để vừa tiếp tục hợp tác giữa nước này với nước khác mà không lợi dụng phe này chống phe kia.

Ví dụ Việt Nam cho thấy rõ điều này. Hà Nội hiện giờ tranh thủ ý định xích lại gần hơn của Mỹ nhưng sẽ không đi quá xa. Họ biết rất rõ rằng họ không có lợi khi làm phật lòng nước láng giềng Trung Quốc khi cố tăng cường một cách lộ liễu quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Khi đến thăm Hà Nội vào tháng 04/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không giấu ý định đề nghị chính quyền Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác quốc phòng, thành Đối tác chiến lược chứ không dừng ở Đối tác toàn diện. Đây là điểm nằm trong nguyện vọng của chính quyền Mỹ hiện diện trở lại ở trong vùng và tăng cường các mối quan hệ truyền thống của họ. Nhưng không ai ngờ nghệch cả. Tất cả các nước Đông Nam Á, cũng như ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, duy trì mong muốn giữ thế cân bằng giữa các cường quốc và không muốn bị lôi vào một cuộc đối đầu không phải của họ.

 

.

RFI : Ấn Độ cũng muốn hiện điện thường xuyên hơn ở Đông Nam Á và ở Biển Đông, cùng với các cường quốc khác, như Mỹ. Liệu việc này có gây thêm căng thẳng không có lợi cho các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam ? 

 

Benoît de Tréglodé : Giải pháp là điều được tôi đề cập trong bài dành nói về Đông Nam Á. Một trong những hệ quả của việc tăng cường chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của phương Tây - tôi xin đặt Nhật Bản vào phía phương Tây cho tiện - ở khu vực Đông Nam Á, đó là sự thay đổi của tương quan lực lượng giữa các quốc đang đẩy các quốc gia Đông Nam Á thắt chặt cùng lúc mối quan hệ của họ với Washington và với Bắc Kinh để cân bằng hơn sức ảnh hưởng của hai cường quốc.

Nhưng người ta lại có thể nghĩ rằng hoạt động tích cực trở lại của ngành ngoại giao Mỹ ở Jakarta, Kuala Lumpur, Singapour, Manila hay ở Hà Nội có lẽ đã làm gia tăng dần dần ảnh hưởng của Mỹ ở trong vùng. Các nước trong khu vực và các nhà lãnh đạo đã có chiến thuật khác nhau, một lựa chọn khác. Họ biết là tương lai chính trị của họ nằm trong khả năng duy trì sự ổn định xã hội ở trong nước. Và sự ổn định này lại được nuôi dưỡng bằng tăng trưởng kinh tế. Hiện sự tăng trưởng kinh tế này ở Đông Nam Á trước hết là từ Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nhờ Mỹ. Do đó, về mặt chiến lược, việc chọn phe có lẽ sẽ vô cùng mạo hiểm cho các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, việc lựa chọn cân bằng, từ chối để bị lôi vào đối đầu giữa các bên, nhất là trong các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương cuối cùng chính lại giúp củng cố chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

 

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, đồng chủ biên số đặc biệt về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của tạp chí Hérodote.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp sẽ có lợi cho Việt Nam

Việt Nam trong “Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Đông Nam Á”

Việt Nam, Nhật Bản "mạnh mẽ" chống lại việc làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển trong khu vực






No comments: