Monday, August 28, 2023

"CHẤN THƯƠNG 1793" và CUỘC CÁCH MẠNG TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI (Trọng Thành / RFI)

 




‘‘Chấn thương 1793’’ và cuộc Cách mạng Tự do-Bình đẳng-Bác ái    - 

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 26/08/2023 - 19:49

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230826-chan-thuong-1791-va-cuoc-cach-mang-tu-do-binh-dang-bac-ai

 

Khí hậu hâm nóng, cuộc chiến của Ukraina chống xâm lược Nga, tiếp tục là chủ đề chính của tuần báo Pháp, cuối tháng 8/2023. L’Obs chọn một đề tài ít được chú ý hơn: Cách mạng Pháp với ‘‘năm 1793’’. ‘‘1793, cái năm khiến người Pháp giận dữ’’ là hồ sơ chính trang bìa. Những gì làm nên bản sắc chính trị Pháp như nền Cộng hòa, cờ tam tài, quốc ca Marseillaise, khẩu hiệu ‘‘Tự do – Bình đẳng – Bác ái’’ đều xuất phát từ Cách mạng, nhưng di sản Cách mạng tiếp tục gây chia rẽ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d605cb8a-4435-11ee-a14c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/Execution_robespierre....webp

Vụ hành quyết Robespierre và nhiều đồng chí, quảng trường Concorde, Paris, ngày 28/07/1794 (tác giả khuyết danh) (bộ sưu tập De Vinck, Lịch sử một thế kỉ nước Pháp 1770-1871 qua tranh in). © wikimedia

 

Đã 230 năm trôi qua nhưng cái mốc ‘‘1793’’ - của cuộc cách mạng kéo dài một thập niên (1789-1799) -  vẫn chi phối tình cảm của đông đảo người Pháp.  Máy chém, chiến trường, lãnh tụ cách mạng Robespierre, ‘‘Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền công dân 1793’’, cùng dân biểu da đen đầu tiên của nước Pháp Jean-Baptiste Belley, là những hình ảnh được nêu bật trên trang bìa của L’Obs.

 

40 nghìn người bị giết và ‘‘Hội chứng Robespierre’’

 

Tuy nhiên, với năm 1793, tiêu điểm chú ý dường như vẫn là chiếc máy chém và tên tuổi Robespierre. L’Obs nhắc lại : nhân danh ‘‘các lý tưởng mang tính nhân loại nhất’’, khoảng 40.000 người đã bị giết hại trong giai đoạn ‘‘Khủng bố’’ 1793-1794 (17.000 người, theo các tài liệu chính thức). Bài xã luận của L’Obs nhan đề ‘‘Hội chứng Robespierre’’ phơi bày tâm lý ‘‘hoài niệm’’ bạo lực đường phố có thể giúp thúc đẩy ‘‘các yêu sách chính trị’’, thường dấy lên trong một bộ phận của xã hội, của chính giới Pháp, trước hết là trong một bộ phận cánh tả, mỗi khi bùng lên một phong trào phản kháng, từ ‘‘Áo Vàng’’ đến cuộc phản kháng nghiệp đoàn chống dự luật Cải cách hưu trí.... Bất chấp việc cái năm 1793 bi thương của Cách mạng Pháp có thể đã được các nhà độc tài như Lênin hay Stalin dùng để biện minh cho việc thiết lập ‘‘chuyên chính vô sản’’ và tiến hành ‘‘các cuộc thanh trừng’’.

 

1793: Hồi ức đối kháng ‘‘ngăn cản cánh tả đoàn kết’’

 

Theo L’Obs, hồi ức về năm 1793 đối lập một cách sâu sắc hai cánh tả của nước Pháp. Nhấn mạnh đến bước tiến lớn của cách mạng về các vấn đề xã hội trong năm 1793 bi thương, có các lãnh tụ xã hội chủ nghĩa tên tuổi, như Jean Jaurès và Léon Blum. Ngược lại, phe cộng sản trước đây coi năm 1793 như màn dạo đầu cho cuộc đại cách mạng Bolsevic Nga 1917.

Xã luận L’Obs cho biết hồi ức về 1793 tiếp tục ‘‘gây chia rẽ’’ cánh tả Pháp là chủ đề mà tuần báo thiên tả này muốn làm ‘‘sáng tỏ’’, đặc biệt thông qua cuộc tranh luận giữa nhà báo, nhà cải cách cánh tả Laurent Joffrin và chính trị gia Alexis Corbière, một nhân vật cốt cán của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI – La France Insoumise). Theo Laurent Joffrin, ‘‘các biện pháp bạo lực tàn khốc đã làm hỏng chính mục tiêu của cách mạng, và một khi vòng xoáy bạo lực đã được khởi động thì không còn đường lùi’. Theo L’Obs, bất đồng trong quan điểm về vấn đề bạo lực đang ‘‘ngăn cản một sự đoàn kết thực sự của các cánh tả’’ Pháp : các dân biểu đảng Xã Hội, đảng Xanh, và kể cả đảng Cộng Sản đã nhiều lần lên án lập trường cổ vũ bạo lực của nhà sáng lập đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon.

 

Vượt qua ‘‘chấn thương 1793’’ để hòa giải với chính mình

 

L’Obs dẫn lại quan điểm của sử gia François Furet (1927 – 1997), người bạn đường lớn của L’Obs, tác giả của cuốn tiểu luận nổi tiếng ‘‘Penser la Révolution française’’ (Nghĩ về Cách mạng Pháp) trong phần kết bài xã luận. Theo Francçois Furet, ‘‘chấn thương 1793 cần phải được vượt qua’’. Với L’Obs, điều đó có nghĩa là ‘‘nền dân chủ Pháp, một khi hòa giải được với chính mình, sẽ ngừng hướng về một quá khứ bị kích động (‘‘passé hystérisé’’ – từ ngữ trong nguyên văn) để có thể xem xét đúng đắn hơn hiện tại, và nỗ lực thực sự vì tương lai’’).

 

‘‘Robespierre và đảng Nước Pháp Bất Khuất…’’

 

Không chỉ L’Obs quan tâm đến năm 1793, năm thứ tư của cuộc Cách mạng Pháp, và năm đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa. Tuần báo L’Express có bài về ‘‘Robespierre và đảng Nước Pháp Bất Khuất…’’. Theo tuần báo thiên hữu Pháp, trong những tuần vừa qua, nhiều chính trị gia thân cận với nhà sáng lập đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI đã không ngừng khôi phục hình ảnh của Robespierre, cụ thể với việc cổ vũ cho ‘‘một ngày mùng 4 tháng 8 mới’’. Ngày 04/08/1793 là ngày Quốc Hội Lập hiến của Cách mạng Pháp đã bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ toàn bộ các đặc quyền đặc lợi của tầng lớp phong kiến, theo đề xuất của nhóm ‘‘Jaconbin’’, phe mà Robespierre là thành viên.

 

Cách mạng Pháp: ‘‘Bước ngoặt lịch sử lớn’’ hay biến cố ‘‘ngẫu nhiên’’?

 

L’Express không dừng ở chỗ lên án giai đoạn ‘‘Khủng bố’’ năm 1793, mà còn muốn xem xét lại triệt để giá trị thực sự của Cách mạng Pháp nói chung đối với lịch sử nước Pháp hiện đại. L’Express đối lập hai tiếp cận. Một bên là ‘‘cánh tả và đặc biệt là đảng LFI, coi năm 1789 là một bước ngoặt trong lịch sử Pháp, biến nước Pháp từ một chế độ quý tộc thành một nền cộng hòa…’’. ‘‘Ngược lại, với sử gia Tocqueville, chế độ quý tộc đã bắt đầu phai tàn trước 1789, do tác động của quá trình bình đẳng hóa về các điều kiện sống, kéo dài từ nhiều thế kỉ, không chỉ ở Pháp. Trong bối cảnh này, Cách mạng chỉ là một giai đoạn chuyển biến về chính trị không mang tính tất yếu hơn là một cuộc cách mạng xã hội’’. Sử gia Alexis de Tocqueville là tác giả cuốn ‘‘L’Ancien Régime et la Révolution’’ (Chế độ cũ và Cách mạng) (1856), được coi là một tác phẩm quan trọng về Cách mạng Pháp.

 

Theo L’Express, trong lúc đối với cánh tả, Cách mạng thúc đẩy lý tưởng hướng đến bình đẳng, ngược lại với Tocqueville, ‘‘chính xu thế bình đẳng hóa (trong bối cảnh chính trị Pháp) đã dẫn đến Cách mạng’’. Theo L’Express, nếu quan điểm của sử gia Tocqueville là đúng, thì không có bất cứ lý do gì để biện minh cho giai đoạn ‘‘Khủng bố’’. L’Express dẫn lại một tác phẩm gần đây của nhà sử học Raphael Doan, theo đó cuộc Cách mạng 1789 đã ‘‘không có một tác động nào’’ đến thực trạng ‘‘bình đẳng về cơ hội’’ (égalité de chance) tại Pháp, điều đã được sử gia Tocqueville chú ý đến ngay từ giữa thế kỉ 19.

 

L’Express kết luận : sử gia Tocqueville đúng, đảng Nước Pháp Bất Khuất của Mélenchon sai. Cách mạng Pháp không phải là một cuộc cách mạng xã hội, không hề thúc đẩy bình đẳng. Bài học, mà theo L’Express cần rút ra là, để thúc đẩy ‘‘sự bình đẳng về cơ hội’’, sự thăng tiến xã hội mở rộng cho tất cả, thì ‘‘không cần phải nổi dậy, không cần bạo lực hay chiến tranh, mà là tăng trưởng kinh tế, giáo dục và tự do’’.

 

Cách mạng Pháp: Từ ‘‘Quân chủ lập hiến’’ đến lật đổ vua…

 

Nhân dịp năm 1793 gây tranh cãi này để hiểu đúng hơn về cuộc đại cách mạng Pháp cũng là dụng ý của L’Obs. Hồ sơ ‘‘1793, cái năm khiến người Pháp giận dữ’’ của L’Obs chuyển đến độc giả một số hiểu biết căn bản về của cuộc Cách mạng. 1793 rõ ràng là ‘‘năm bản lề’’ của cuộc cách mạng với các bạo lực đẫm máu như ta đã biết. Nhưng không thể hiểu đúng, nếu không khôi phục lại các nét chính, với bối cảnh và các diễn biến trước, trong và sau cái năm 1793 gây tranh cãi.

 

Cuộc Cách mạng 1789 thoạt tiên đã muốn xây dựng một chế độ Quân chủ lập hiến (tháng 6/1789 – tháng 8/1792). Nỗ lực bất thành trong bối cảnh thù trong giặc ngoài. Chính quyền nhiều quốc gia châu Âu huy động quân đội bao vây nước Pháp. Vào mùa thu 1792, một Quốc hội lập hiến mới ra đời, với tên gọi chính thức là ‘‘Quốc Ước’’ (Convention nationale), dựa trên thể thức phổ thông đầu phiếu. ‘‘Quốc Ước’’ hủy bỏ chế độ quân chủ, thành lập nền Cộng hòa đầu tiên của nước Pháp. Đầu năm 1793, vua Louis 16 bị chặt đầu, sau khi bị khép tội thông đồng với ngoại bang.

 

Cuối tháng 5, đầu tháng 6/1793, xung đột trong nội bộ chế độ mới, với việc 80 nghìn dân nghèo (sans-culotte) với hậu thuẫn của lực lượng Cận vệ Quốc gia đe dọa Quốc hội mới, hạ bệ phe Girondin (bao gồm chủ yếu tầng lớp tư sản thị dân, thường được gọi là ‘‘cánh hữu’’). Phe Jacobin (thường được gọi là ‘‘cánh tả’’) với Robespierre cùng nhiều cộng sự lên nắm quyền vào thời điểm đó. Trong thời gian này, nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã huy động được 800 nghìn binh sĩ – một quân đội đông chưa từng có ở châu Âu. Cho đến cuối 1793, quân đội Pháp về cơ bản đã đảo ngược tình thế, đẩy lùi quân xâm lược.

 

Bài ‘‘1793, cái năm khiến người Pháp giận dữ’’ cũng chú ý đến một cái mốc quan trọng của năm 1793 dữ dội và thảm khốc, khi nhiều lãnh đạo cách mạng, như Danton (1759 - 1794) hay Camille Desmoulins (1762 - 1794), trong bối cảnh thù ngoài tạm yên, đã yêu cầu chấm dứt giai đoạn ‘‘Khủng bố’’, nhưng đòi hỏi không được chấp thuận…. Giai đoạn ‘‘Khủng bố’’ không dừng ở 1793. Đỉnh điểm của giai đoạn Khủng bố là tháng 6, tháng 7/1794, với 1.376 vụ hành quyết, nhiều hơn cả giai đoạn hơn một năm trước đó, thường được gọi là ‘‘Đại khủng bố’’ (Le Grand Terreur). Tháng 7/1794, Robespierre rút cục cũng phải lên đoạn đầu đài.

 

Cách mạng Pháp ‘‘bị cánh hữu phủ nhận trong thời gian dài’’

 

Với hồ sơ ‘‘1793, cái năm khiến người Pháp giận dữ’’, L’Obs hy vọng độc giả có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn với thực tại lịch sử phức tạp của cuộc Cách mạng Pháp, vốn bị ‘‘cánh hữu, chủ yếu theo Công giáo và có tư tưởng bảo hoàng phủ nhận hoàn toàn trong một thời gian dài’’. Rút cục tất cả những gì làm nên bản sắc chính trị của nước Pháp, như nền Cộng hòa, lá cờ tam tài, bài quốc ca Marseillaise, khẩu hiệu ‘‘Tự do – Bình đẳng – Bác ái’’ đều xuất phát từ Cách mạng.

 

Việc thừa nhận di sản Cách mạng được khẳng định dần với thời gian. Nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp (cuối thế kỷ 19) chọn tôn vinh nhà cách mạng Danton. Giáo sư Alphonse Aulard, giảng viên đầu tiên về lịch sử Cách mạng Pháp ở đại học Sorbonne là người sùng bái Danton. (Alphonse Aulard là tác giả bộ sách 4 tập kinh điển ‘‘L’Histoire politique de la Révolution française’’). Tuy nhiên người học trò Albert Mathiez lại đoạn tuyệt với thầy, và bảo vệ Robespierre, được coi là ‘‘người khởi xướng một cuộc cách mạng xã hội’’.

 

Việc lên án di sản bạo lực của cách mạng Pháp – bị coi là vạch đường cho các chế độ độc tài toàn trị sau này, đặc biệt là giai đoạn 1793 với vai trò của Robespierre và phái ‘‘montagnard’’ (jacobin), đặc biệt với các ngòi bút tên tuổi như triết gia Đức Hannah Arendt, hay sử gia Pháp François Furet, dần dần được coi là chuyện ‘‘đương nhiên’’. Nhiều chính trị gia cánh hữu, như Philippe de Villiers thay vì phủ nhận hoàn toàn Cách mạng, chọn cách tấn công vào ‘‘giai đoạn dữ dội nhất này’’. Philippe de Villiers thậm chí coi Robespierre là ‘‘ông tổ’’ của Staline và Hitler.

 

Sử gia đương đại tiếp tục giải mã hình ảnh Robespierre

 

Theo L’Obs, lịch sử luôn cần được nỗ lực ghi nhận đầy đủ và trung thực. Hồi tháng 7 vừa qua, đài France-Culture, dưới sự chủ trì của Emmanuel Laurentin, có chương trình phát thanh 5 kỳ về Robespierre (‘‘Avoir raison avec… Robespierre’’). Không bào chữa cho các bạo lực của chính quyền cách mạng giai đoạn này, 5 sử gia tham gia chương trình cố gắng phục dựng lại các diện mạo khác nhau của nhân vật lịch sử đặc biệt nói trên. L’Obs nhấn mạnh, trong bài viết này, quan điểm của sử gia François Furet rất uy tín cũng không hẳn là ‘‘vĩnh viễn’’ đúng.

 

Chương trình về Robespierre của France-Culture có phần nhận định của sử gia Jean-Clément Martin,tác giả cuốn ‘‘Robespierre : la fabrication d'un monstre’’ (tạm dịch là Robespierre : sự tạo dựng hình ảnh một quái vật’’ (Perrin, 2018).Trong cuốn sách nói trên, tác giả cố gắng khôi phục lại nguồn gốc của hình ảnh ác độc tài khủng khiếp của Robespierre trong con mắt hậu thế, được hình thành trong 6 tháng sau cái chết của nhân vật này. Vì đâu nên nỗi ? Sự tìm tòi của sử gia cho phép công chúng xuyên qua những hỏa mù của tuyên truyền, ảo ảnh, để đến gần hơn với sự thật.  

 

Vì sao ‘‘Cách mạng Pháp chưa kết thúc’’?

 

 Trong một bài khác, nhà báo, nhà cải cách cánh tả Laurent Joffrin một mặt cực lực lên án quan điểm biện minh cho bạo lực trong giai đoạn ‘‘Khủng bố’’ 1793-1794, mặt khác ông nhấn mạnh : ‘‘Cuộc Cách mạng Pháp còn chưa kết thúc’’. Triết gia Đức Hegel và chính sử gia François Furet sau này đã gọi Cách mạng Pháp là ‘‘buổi bình minh’’. ‘‘Cuộc Cách mạng Pháp còn chưa kết thúc’’ là tựa đề cuộc tranh luận giữa Laurent Joffrin và chính trị gia đảng LFI Alexis Corbière.

 

Hai điều mới mẻ mà cuộc Cách mạng Pháp đem lại, theo Laurent Joffrin, là ‘‘lần đầu tiên những con người trong một xã hội quyết định đứng lên tự quyết định số phận của chính mình, và khẳng định họ là những người bình đẳng’’. Trong hiện tại, ‘‘Tự do thực sự, bình đẳng thực sự, và cái còn khó tìm hơn nữa là tình bác ái thực sự vẫn còn là điều đang được tìm kiếm’’.

 

Vẫn theo bài ‘‘Cuộc Cách mạng Pháp còn chưa kết thúc’’, hình ảnh đau thương đen tối của năm 1793 có phần làm lu mờ những bước tiến ngoạn mục của Cách mạng trong thời gian này, trong đó có ‘‘Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền Công dân 1793’’, đi xa hơn một bước so với ‘‘Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền Công dân 1789’’, hay bản Hiến pháp đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng Hòa Pháp 1794, được coi là đi trước thời đại.

 

Nhiệt độ Trái đất gia tăng: Đến biển cả cũng ‘‘lên cơn sốt’’

 

Khí hậu hâm nóng tiếp tục là chủ đề chính của nhiều tuần báo Pháp. Courrier International nói đến ‘‘Cơn sốt trong lòng các đại dương’’. Tuần san Pháp chọn từ ‘‘Cơn sốt’’ (La fièvre) để mô tả trạng thái bệnh lý của đại dương mênh mông, mà trong quan niệm thông thường vốn được coi như ít chịu tác động của biến đổi khí hậu. Việc Trái đất bị hâm nóng đã liên tục được nói đến. Điều đáng sợ mới là không chỉ bầu không khí trên mặt đất, mà cả đại dương cũng bắt đầu sôi sục.

 

Nhiệt độ gia tăng trong lòng biển, tại Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Nước lên đến 38°C hồi tháng 7 vừa qua tại vùng biển ngoài khơi bang Florida nước Mỹ. Courrier International giới thiệu bài viết trên nhật báo Tây Ban Nha El Pais tổng hợp tình hình về chủ đề này. Hồi tháng 5, nhiệt độ bề mặt của tất cả các đại dương cao chưa từng có, và tiếp tục tăng trong 7. Nhiệt độ trung bình vượt 21°C, tức hơn 1°C so với mức trung bình giai đoạn 1981-2012.

 

Hậu quả đối với khí hậu Trái đất của mức tăng này là gì ? Theo nhà khí tượng học của Meteored, ông Francisco Martín León, nước trong biển bị hâm nóng gây ra các trận bão tố tại các vùng xích đạo. Bão tố chính là cách thức mà biển cả trả lại hơi nóng vào bầu khí quyển. Các thay đổi diễn ra với tốc độ chưa từng có, và hệ thống khí hậu hiện tại đang bước vào giai đoạn ‘‘ngoài vòng kiểm soát’’. Nhà khí tượng học giải thích thêm: các đại dương hút đến 80-90% nhiệt lượng gây ra trong khí quyển do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và các hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên là kết quả của một phần nhiệt lượng mà đại dương trả lại khí quyển.

 

Nắng hạn biến cây rừng thành ‘‘những que diêm khổng lồ’’, sẵn sàng bắt lửa, là hình ảnh của Courrier International về nạn cháy rừng tàn phá miền tây Canada. Diện tích rừng rộng bằng Hy Lạp biến thành than trong ít ngày gần đây.

 

Ukraina: ‘‘Hãy đứng vững !’’

 

L’Express tuần này dành gần trọn số báo cho cuộc chiến chống xâm lược Nga của Ukraina. Trang bìa của L’Express đăng hình tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, mang áo chống đạn, tay cầm hoa hai màu vàng và xanh da trời, tức mầu quốc kỳ Ukraina. Bên cạnh là một từ duy nhất : ‘‘Tenir !’’ (tạm dịch là : ‘‘Hãy đứng vững’’). Ukraina đã đứng vững sau ‘’18 tháng chiến tranh hao mòn’’ chống xâm lược Nga. Nhưng các thách thức trước mắt với Ukraina là vô cùng lớn, thách thức chiến tranh và thách thức tái thiết.

 

Hồ sơ ‘‘Ukraina : Những thách thức vô bờ của chiến tranh và sau đó’’ cho biết : trước hết Ukraina phải chiến thắng trong cuộc chiến tranh, dự kiến sẽ kéo dài trong năm 2024, và có thể xa hơn. Quân đội Ukraina phải sẵn sàng cho một mùa đông khắc nghiệt thứ ba, cuối 2024. Tình hình sẽ đặc biệt khó khăn, nếu một chính trị gia đảng Cộng Hòa trở thành tổng thống Mỹ. Thách thức sau hòa bình, một khi ngừng bắn, có thể còn khó khăn hơn. Dù chiến tranh kết thúc thế nào, Ukraina vẫn sẽ phải chuẩn bị để đối phó với một nước Nga đế quốc mới (dù có hay không có Putin). Đường biên giới dài 1.500 km cần trở thành ‘‘bức tường bất khả xâm nhập’’. Đẩy lùi được tham nhũng, và xây dựng được thể chế pháp quyền là thách thức to lớn mà Ukraina phải hóa giải, nếu muốn nhận được ủng hộ mạnh hơn từ phương Tây.

 

Tổng thống Pháp: ‘‘Tất cả các lực lượng chính trị cần đoàn kết…’’

 

Le Point dành một phần ba số báo tuần này cho bài phỏng vấn tổng thống Emmanuel Macron tại nơi nghỉ dưỡng mùa hè của nguyên thủ Pháp, pháo đài Brégançon. Tổng thống Macron đề cập hàng loạt vấn đề lớn với nước Pháp, từ bạo động đến nợ công, khí hậu, giáo dục, Ukraina. Trả lời Le Point, tổng thống Pháp ‘‘vén lộ’’ một số nét chính của ‘‘Sáng kiến chính trị’’, mà ông hứa hẹn sẽ công bố với toàn dân vào dịp ra hè, điều đang được công chúng chờ đợi.

 

‘‘Tất cả các lực lượng chính trị cần nỗ lực đoàn kết hành động’’ là một thông điệp chính của tổng thống Macron. Tổng thống cho biết, ngay trong tuần tới, ông sẽ mời đại diện chủ chốt của các lực lượng chính trị họp tại một địa điểm trong vùng thủ đô. Nội dung dự kiến sẽ xoay quanh tình hình quốc tế, ‘‘các đảo lộn địa chính trị, khí hậu, công nghệ’’, các hệ quả đối với nước Pháp, đợt bạo động mùa hè, với mục tiêu đưa ra các quyết định chung nhằm ‘‘tăng cường độc lập’’ của đất nước…

 

Tổng thống Macron thừa nhận mức độ chia rẽ rất cao trong chính giới Pháp, nhưng tỏ ra tin tưởng ở khả năng lèo lái của liên đảng cầm quyền (chỉ có ‘‘đa số tương đối’’ tại Quốc Hội), khi so sánh với bốn năm 1958-1962, khi nhiều cải cách vẫn được tiến hành trong bối cảnh chính phủ cũng chỉ có ‘‘đa số tương đối’’ tại Quốc Hội. Tổng thống Macron nhấn mạnh : mục tiêu chính của 4 năm tới là bảo vệ được sự đoàn kết của ‘‘khối các lực lượng chính trị trung tâm’’ (bao gồm nhóm xã hội – dân chủ, cánh trung, đảng xanh, cánh hữu tự do và cánh hữu cộng hòa).

 





No comments: