Thursday, August 3, 2023

BỐN CÔ GÁI BLACKPINK DẠY CHO "TỨ TRỤ VIỆT NAM" BÀI HỌC GÌ? (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Bốn cô gái Blackpink dạy cho “tứ trụ Việt Nam” bài học gì?

Tùng Phong-  -  Saigon Nhỏ

3 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/bon-co-gai-blackpink-day-cho-tu-tru-viet-nam-bai-hoc-gi/

 

Buổi diễn của ban nhạc Hàn Quốc Blackpink đã kết thúc nhưng dư âm và hình ảnh của nó vẫn tràn ngập trên mạng xã hội cùng những bài viết khen chê theo những góc nhìn khác nhau. Đã lâu Hà Nội mới có sự kiện giải trí thu hút được lượng lớn khán giả trẻ đến vậy.

 

Hàng trăm ngàn người Việt bày tỏ tình cảm hâm mộ cuồng dại những idol đến từ xứ Kim Chi và sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng, thậm chí vay nợ để tìm một chiếc vé. Bất chấp những lời kêu gọi tẩy chay buổi trình diễn vì liên quan vấn đề nhạy cảm “lưỡi bò” cũng như thủ tục cấp phép, Blackpink vẫn thành công ngoài dự đoán và thu về hơn 200 tỷ sau hai buổi tối. Những con số tự nó đã nói lên tất cả.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/hh.jpg

Nhóm Blackpink trong buổi diễn trên sân khấu Mỹ Đình, Hà Nội ngày 29 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Hà Thu, VNE)

 

Trong vụ này, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra nhanh nhạy và thực dụng đến bất ngờ. Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính lập tức đánh lời “đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ công nghiệp giải trí”. Ngài “đô trưởng” Hà Nội Trần Sỹ Thanh thậm chí có cả thư cảm ơn ban nhạc Blackpink. Sự quan tâm thái quá cũng khiến cho dân tình bàn ra tán vào. Là chủ tịch thành phố lớn nhất nước, bận trăm công ngàn việc, thế mà ngài đô trưởng cũng tỏ ra quan tâm đến các cô nàng Đen-Hường vốn chỉ thu hút các em tuổi teen. Đám công chức rảnh rang tụ tập ở quán café thì cười khẩy “phong bì đậm quá mà!”

 

Lời đề nghị của ông Thủ tướng Chính cũng nhận được vô số comment:

 

Thế bao nhiêu năm qua xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc giờ lại chạy theo học đòi bọn Đại Hàn thì còn gì là văn hiến, chủ nghĩa xã hội nữa…?

 

Tại sao không có nhóm nhạc Việt Nam nào sang Hàn biểu diễn được hoan nghênh nhiệt liệt?

 

Vì sao không có thanh niên Hàn nào tha thiết hôn mặt ghế mà các ca sĩ Việt Nam đã ngồi?

 

Xem ra, các lãnh đạo Việt Nam lúc này cũng thích “đu trend”. Điều đó không hẳn là điều xấu. Bởi qua mạng xã hội, quan chức Việt Nam biết rõ “tâm tư, tình cảm” dân chúng – một điều cần thiết cho những “công bộc” vì dân. Thế nhưng, có vô số tâm tư của người dân đã và đang bị chính quyền các cấp phớt lờ. Nhiều ý kiến đã bày tỏ từ sự kiện này. Facebooker Thái Hạo viết một bài ngắn giàu cảm xúc:

 

Trong lúc giới trẻ Việt đang sung sướng đến ngất xỉu khi được nhìn thấy thần tượng của mình trên đất thủ đô “ngàn năm văn hiến” và những người già thì đang càm ràm về đủ mọi chuyện trịnh trọng, thì tiền vẫn không ngừng chảy vào túi Blackpink, giữa lúc dòng người An Nam vẫn ùn ùn kéo qua Hàn làm Osin…

 

… Nhìn vào giới trẻ Hàn Quốc với những Blackpink, ta thấy tài năng, sức sống, óc thực tiễn và một tinh thần dân tộc không nhiều lời. Tất nhiên, để có những lớp người như thế, xã hội, chính trị, giáo dục của Nam Triều Tiên phải được xây dựng trên tinh thần thiết thực, văn minh, khai phóng, chứ không phải quanh năm chạy theo thành tích giả để báo cáo cho nhau nghe rồi ngồi vỗ tay giữa tiếng rao xao xác của những gánh hàng rong giữa trưa hè nhễ nhại.

 

Giới trẻ Hàn Quốc thật may mắn khi không bị tẩy não bởi hệ thống giáo dục giáo điều, bị “lãnh đạo” bởi đám “hồng phúc dân tộc”. Không có đảng quang vinh, những thế hệ người Hàn Quốc với tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đã làm nên “kỳ tích sông Hàn” khiến cả thế giới thán phục. Một Hàn Quốc hùng mạnh hôm nay là kết quả quá trình học hỏi không ngừng nghỉ những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới văn minh, tinh thần làm việc chăm chỉ và kỷ luật sắt làm nên những thương hiệu quốc gia như Samsung, Huyndai, LG, KIA, Daewoo…Giờ đây, thế hệ GenZ tài năng trong đó có những gương mặt tài tử trẻ hoặc các nghệ sĩ như Blackpink đang tiếp nối tinh thần đó với sự sáng tạo không giới hạn của tuổi trẻ.

 

Nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc không chịu sự định hướng và quản lý của những cơ quan như Ban tuyên giáo Trung ương hoặc Bộ Văn hóa như ở Việt Nam. Nó được xây dựng từ một nền tảng văn hóa bản sắc, thực dụng, biết tiếp thu tinh hoa những nền văn hóa khác, đồng thời sáng tạo lối đi riêng độc đáo, kết hợp những thành tựu công nghệ đỉnh cao.

 

Hàn Quốc không có những kỷ lục “to nhất, dài nhất” và hàng ngàn phong trào thi đua vô bổ, hình thức. Những nghệ sĩ tài năng của Hàn Quốc không cần những danh hiệu mỹ miều “nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú”. Thế nhưng văn hóa Hàn, phim ảnh Hàn, nhạc Hàn… đang xâm chiếm mọi ngóc ngách thế giới, trở thành một thứ quyền lực mềm vô cùng mạnh mẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà của họ.

 

Có rất nhiều lời chê trách giới trẻ Việt Nam qua sự kiện Blackpink vừa qua. Có những ý kiến thái quá. Giới trẻ Việt Nam, như giới trẻ Tây Phương hay bất cứ quốc gia nào, cũng đều có nhu cầu giải trí và thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao – điều họ không thể tìm thấy ở nền âm nhạc, phim ảnh, văn chương, thơ ca bị bóp nghẹt theo góc nhìn méo mó của quyền lực chính trị. Thành công của đêm diễn Blackpink nếu đem phân tích dưới góc nhìn xã hội học sẽ có rất nhiều điều đáng ngẫm.

 

Thử nhìn đám đông người Việt ở hai sự kiện Blackpink và lễ hội ở chùa Tam Chúc. Một đằng là sự bừng nở cảm giác sung sướng hạnh phúc cảm thụ một sản phẩm văn hóa; một đằng là sự ồn ào nhốn nháo của một thái độ mụ mị thảm hại. Trong đám đông “đi lễ” chùa Tam Chúc, chỉ thấy những người bị cuốn vào sự cuồng loạn mà theo cách gọi của Freud là “sự khốn cùng tâm lý”. Những đám đông nhân danh tín ngưỡng này thể hiện sức mạnh hoang dã bầy đàn.

 

Sự kiện Blackpink còn cho thấy một điều rằng đảng cai trị đã thất bại tuyệt đối trên mặt trận văn hóa. Sẽ không bao giờ có “sự kiện ca nhạc” nào khoác tấm áo đỏ cộng sản lại thu hút được sự hưởng ứng kinh khủng như thế. “Hãy cho đám đông bánh mì và những rạp xiếc, chúng sẽ quên đi mọi bất công”. Những bộ não cai trị độc tài hiểu điều đó nhưng làm được hay không là chuyện khác. Người cộng sản luôn coi trọng nghệ thuật thao túng đám đông quần chúng và coi văn hóa là một “mặt trận tư tưởng”. Nhưng đã từ lâu, đảng đánh mất vai trò và khả năng đó. Chính ngài đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng còn phải thừa nhận tình trạng “nhạt đảng, khô đoàn, rời xa chính trị”.

 

Điều đáng chú ý nhất rút ra được từ sự kiện Blackpink biểu diễn tại Hà Nội là có một khoảng cách quá lớn giữa hai nền công nghiệp giải trí, hai nền văn hóa, hai thể chế chính trị và hai nền kinh tế vốn gần như có cùng một xuất phát điểm. 50 năm trước, thanh niên Hàn Quốc còn phải làm lính đánh thuê trong lực lượng đồng minh tham chiến ở chiến tranh Việt Nam. 50 năm trước, người Hàn Quốc nhìn về Sài Gòn với niềm mơ ước một ngày nào họ có thể sánh cùng “hòn ngọc Viễn Đông”.

 

Còn 50 năm sau, chỉ có bốn cô gái Hàn Quốc, bốn mà thôi, đã dạy cho “tứ trụ Việt Nam” một bài học giá trị: Chừng nào thể chế cộng sản độc tài còn tồn tại thì đất nước các ông vĩnh viễn không có cơ hội bừng sáng. Sân Mỹ Đình, sau khi ánh đèn sáng rực rọi chiếu sân khấu Blackpink tắt đi, lại tối om om và bẩn thỉu nhếch nhác. Tương lai văn hóa Việt Nam trên sân khấu hội nhập toàn cầu cũng như sân Mỹ Đình sau buổi diễn Blackpink vậy.





No comments: