Bình luận của Chính Đệ
2023.08.14
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/three-ministries-confuse-08142023123138.html
Một trong những cựu tử tù nổi tiếng đã được minh oan và trả tự do (may
quá, khi họ còn sống) là ông Hàn Đức Long ở tỉnh Bắc Giang.
Nói thêm, một cựu tù cực kỳ nổi tiếng khác đã ghi danh kỷ lục được bồi
thường án oan với số tiền cao nhất lịch sử tố tụng Việt Nam cho đến nay là ông
Nguyễn Thanh Chấn, cũng ở Bắc Giang. Vụ ông Chấn xảy ra năm 2003, vụ ông Long xảy
ra năm 2005. Kiểm sát viên xử lý vụ ông Chấn cũng chính là kiểm sát viên tham
gia xử lý vụ ông Long ở giai đoạn điều tra ban đầu và phiên xử sơ thẩm lần thứ
nhất, vào năm 2007.
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội (Reuters)
Bỗng
dưng bị bắt
Sau khi hai vụ án lần lượt bị phát hiện đã bị làm sai lệch hồ sơ, ép cung
dẫn tới oan sai, kiểm sát viên nói trên cùng một thượng tá công an và một cựu
thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao đã bị bắt. Họ là những người có
vai trò chính trong việc gây ra oan sai cho ông Long và ông Chấn. Cựu thẩm phán
được tạm đình chỉ điều tra do sức khỏe yếu, còn hai vị cựu kiểm sát viên và cựu
điều tra viên bị xét xử và phạt tù.
Ông Long may lắm lắm lắm! Vì trải bốn lần bị tuyên tử hình lần lượt ở hai
phiên tòa sơ thẩm và hai phiên tòa phúc thẩm, nhưng ông vẫn kiên gan, nhất định
không nhận tội (cho xong). À quên, chỉ khi ra trước tòa ông mới kêu oan, và nhất
định kêu oan. Còn trước đó, tại cơ quan điều tra thì ông ký hết vào các biên bản
lấy lời khai, nhận mình chính là thủ phạm giết, hiếp bé gái tên Y ở cùng làng.
Hừ, mấy người tử tội này thật không đáng tin. Người nào cũng bất nhất, ở
công an thì nhận tội thun thút, mà ra trước tòa ai cũng kêu oan. Đã thế, ai
cũng kêu bị nhục hình bức cung, mớm cung, không chịu nổi nên mới khai theo… hướng
dẫn của công an.
Ông Long này, ông Nguyễn
Thanh Chấn này, rồi Nguyễn Văn Chưởng, và trước đó nữa, khá nhiều:
- Anh Nguyễn Văn Nhiên ở tỉnh Hậu
Giang bị bắt và kết án 10 năm với tội danh giết người. Người bị “giết” là em Tỏ,
em vợ của Nhiên. Anh Nhiên ngồi tù được hai năm thì “một ngày đẹp trời kia, em
Tỏ lù lù trở về sau hai năm bỏ nhà đi chăn vịt mướn ở một huyện kế bên” (theo
bài báo Từ một ngày đẹp trời của luật sư Lương Vĩnh Kim).
- Anh Nguyễn Duy Minh ở Lâm Đồng
“bỗng dưng bị bắt” theo một lệnh truy nã tội phạm tên Nguyễn Xuân Minh. Anh
Minh (bị bắt) vật vã kêu tuy mình cũng Minh, nhưng là Minh này chẳng phải Minh
kia!
- Mược (mặc kệ) - ba bộ đồng tình nói. Đã minh xét, trong tình trạng trí
tuệ minh mẫn, nhất trí viết lên một sự thật minh bạch, rằng Minh này chính là
Minh nọ đấy. Alê hấp vào tù!
+ Ơ mày là ai?
Ngày nọ, bằng hữu của Minh kia nghe bạn mình vừa vào trại vui quá liền đến
thăm. Bằng hữu và Minh kia, chẳng phải ai xa lạ, chính là hai kẻ cùng sát cánh
trong vụ án, nhưng bằng hữu nhập trại trước. Bằng hữu nhìn thấy Minh này thì tí
nữa ngã lăn ra sàn.
-Bạn Minh tao đâu? Mày mạo nhận bạn tao phải hem?
Minh này suýt khóc. Bừng nắng hạ rồi, công lý là đây lẽ phải đây rồi.
Bằng hữu tức giận viết một lá thơ gởi trại giam, nói rõ cái sự trớ trêu.
Sau ba năm làm kiếp nông dân chăn kiến, Minh này cuối cùng cũng được trả
lại tên.
Anh Bùi Minh Hải ở tỉnh Đồng Nai bị kết án chung thân vì tòa phán
anh có tội hiếp dâm, cướp của, giết người. Dù có bằng chứng ngoại phạm rất thuyết
phục nhưng anh kêu oan kệ anh, tòa kết tội là việc của tòa.
Lại may cho anh Hải. Trong khi anh đang làm đơn kháng cáo thì một vụ án
giết người, hiếp dâm, cướp của khác xảy ra. Từ nhiều nhân chứng và vật chứng
không thể chối cãi, thủ phạm bị bắt nhanh chóng. Hắn khai tên Nguyễn Văn Tèo.
Sau khi nhận tội, Tèo bỗng dưng thành khẩn. Hắn tự động khai thêm hai vụ
án cướp-giết-hiếp nữa. Trong đó một vụ nạn nhân may mắn thoát chết. Còn nạn
nhân kia chính là người bị sát hại trong vụ án Bùi Minh Hải.
Sau hơn 400 ngày hàm oan, anh Hải được tuyên vô tội, trả tự do, sau đó được
tòa án xin lỗi và bồi thường.
-Ông Trần Văn Chiến ở Tiền
Giang cũng bị kết án chung thân về tội giết người. Ông Chiến kêu oan, nói từng
nghe ông U, người cùng xã chạy qua lối xóm kêu lên rằng mình vừa giết người
kia. Nhưng U đã bỏ đi biệt tích, còn ông Chiến bỗng dưng ngồi tù oan đằng đẵng
suốt 16 năm.
Sau 16 năm, ông Chiến được ân xá.
Hai năm sau, U đột ngột xuất hiện trở lại ở địa phương và bị bắt. Tại
phiên tòa, U khai chỉ một mình gây án, không liên quan gì đến ông Chiến.
-Anh Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh
bị hai cấp tòa tuyên tử hình vì cáo buộc vận chuyển ma túy. Sau bốn năm kêu oan,
một ngày kia kẻ cầm đầu đường dây ma túy bỗng phản cung, xin tòa tha tội cho
anh. Người này khai trước đó bị cán bộ điều tra mớm cung, một nữ điều tra viên
của Công an Tây Ninh đã xóa, ghi thêm vào sổ giao nhận ma túy của mình, trong
đó có tên của Hùng.
Công an Tây Ninh đã phải phục hồi điều tra đến lần thứ ba nhưng vẫn không
đủ chứng cứ buộc tội cho Hùng. Cuối cùng, cộng với các chứng cứ buộc tội có nhiều
mâu thuẫn và nhất là một chứng cứ ngoại phạm do vợ anh lặn lội đi tìm, Hùng được
minh oan và trả tự do.
-Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án
chung thân về tội giết một phụ nữ ở cùng xã. Khi ông ngồi tù được 10 năm thì thủ
phạm của vụ án là L.N.C ra đầu thú, khai nhận tội ác.
Trước đó vợ ông Chấn đã ròng rã đi tìm bằng chứng để chứng minh chồng bà
bị oan. Một thời gian sau khi ông Chấn đi tù, do mâu thuẫn nội bộ, một số thành
viên của gia đình hung thủ đã tiết lộ sự thật với bà. Vợ ông Chấn ghi âm những
cuộc nói chuyện này gửi đến các cơ quan trung ương để kêu oan cho chồng.
Tuy nhiên nếu thủ phạm không ra đầu thú thì khả năng vụ án ông Chấn được
xem xét lại là khá thấp.
Gia đình và những người đồng cảnh ngộ kêu oan cho tử
tù Nguyễn Văn Chưởng. (Facebook/Nguyễn Trường Chinh)
Giữ
lại tính mạng nhờ một sự tình cờ
Trong các kỳ án oan sai ở trên, sinh mạng những người bị oan khuất chỉ được
giữ lại nhờ tình cờ. Đó là hung thủ thực sự ra đầu thú hoặc bị bắt, hoặc chính
người bị nhận định là đã bị giết lại còn sống nguyên trở về.
Nhưng nếu hung thủ không bị bắt, không ra tự thú hoặc không khai nhận những
vụ án từng ra tay? Hoặc đơn giản là đã bỏ đi biệt tích, hoặc đã chết?
Thì chắc chắn trên mồ những tử tù chết oan đó cỏ đã mọc cao.
Nhưng đau đớn hơn là thân xác dù tan rã nhưng cái tiếng ghê rợn giết người,
cướp của, hiếp dâm vẫn có thể cùm xích cả một gia đình họ vào tương lai không lối
thoát. Ai dám cho con mình làm vợ làm chồng với con của một tội phạm sát thủ
máu lạnh? Ai dám qua lại thân thiết, làm ăn buôn bán với gia đình một kẻ giết
người? Tận hàng đời hàng đời con cháu sau, trừ khi giấu biệt nhân thân, thay họ
đổi tên đi làm ăn nơi khác, nếu không cái nhãn khủng khiếp “con cháu nhà thằng
cướp của hiếp dâm giết người” vẫn đè dí xuống cuộc đời họ.
Cũng một con người đó, nhưng trước đó những lời kêu oan của họ không hề lọt
vào tai một vị điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nào. Họ không phải là
hung thủ, vậy tại sao trước đó tất cả các lời khai của họ đều “phù hợp với chứng
cứ tại hiện trường”? Còn không phải là do bị mớm cung sao? Mà tại sao phải mớm
cung? Còn không phải là để nhanh chóng hoàn tất vụ án, trả cho gia đình người bị
hại hai chữ công lý sao?
Hai chữ công lý trong những trường hợp này mỉa mai và đáng sợ làm sao!
Ngẫm mà rùng mình. Một sinh mạng có thể nặng như non, cũng có thể nhẹ bỗng
phất phơ như cánh chuồn vậy thôi.
Thế
hung thủ thực sự đâu?
Một lần nữa: trong các vụ án oan, nếu hung thủ không bị bắt, không ra tự
thú hoặc không khai nhận những vụ án từng ra tay? Hoặc đơn giản đã bỏ đi biệt
tích, hoặc đã chết?
Thì kẻ sát nhân thực sự có thể mãi mãi trốn thoát khỏi công lý.
Buổi lễ xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long tại địa phương đã không diễn
ra trang nghiêm và chân thành như hai bên mong đợi. Nhiều người thân của nạn
nhân tràn lên la hét, giật đổ tấm biển lễ xin lỗi, gào thét rằng họ không phục.
Nhiều người ào cố vượt qua hàng rào công an đứng thành vòng bảo vệ vị Phó Chánh
án Tòa án cấp cao tại Hà Nội đang đọc lời xin lỗi, để ném dép, ném mũ, chửi bới
ông, ngăn cản ông đọc trọn bản xin lỗi.
Vì nếu ông Long oan, thì hóa ra kẻ sát nhân vẫn đang còn sống nhơn nhơn ở
trên đời, trong khi đứa con bé bỏng của họ đã chết oan ức hàng bao nhiêu năm trời.
Thế thì đau xót quá trời đất ơi, đau xót đến không thể chịu đựng nổi với
gia đình nạn nhân. Họ đã trải qua nhiều năm tin tưởng vào kết quả điều tra của
công an, tin tưởng vào quá trình xét xử của tòa án, tin rằng con họ đã được báo
thù. Thế rồi mọi sự bẽ bàng. Như trời sập. Họ cảm thấy bị công quyền lừa gạt, sự
mất mát và nỗi đau của gia đình bị xem nhẹ.
Tâm lý của người dân lúc này vẫn là tin vào cơ quan công quyền, nhưng chỉ
tin những điều giúp xoa dịu trạng thái cảm xúc của họ. Phần còn lại, họ không
tin, mà sẵn sàng chỉ trích cả cơ quan pháp luật và người được kết luận oan sai
là đã thông đồng, ăn đút lót, hối lộ để làm sai sự thật. Làm sao có thể tin được
người kia bị oan khi cả bốn phiên tòa đều nhất trí tử hình, khẳng định thủ phạm
như đinh đóng cột, rồi chỉ vài tháng sau lại cúi đầu bảo không, chúng tôi sai rồi,
người này không phải là thủ phạm?
Với gia đình người bị hại, tin rằng có sự đút lót để thay đổi thủ phạm
trong vụ án thì dễ thuyết phục hơn và được an ủi hơn việc kẻ sát nhân vẫn chưa
bị đền tội.
Nên, tuy được trả tự do và khẳng định oan sai nhưng cái dằm trong tim của
cả hai bên vẫn còn đó.
Bối
rối của ba bộ
Không chỉ họ, lúc này cả ba ngành điều tra, kiểm sát, tòa án đều rơi vào
bối rối, lúng túng đến bất lực.
Khi bị tòa án cấp trên khẳng định không đủ chứng cứ kết tội bị cáo, cơ
quan công an thường phải phục hồi điều tra để tìm thêm chứng cứ. Nhưng, cuộc điều
tra đầu tiên đã bị lệch hướng ngay từ khi bắt đầu. Chủ yếu vì ý chí chủ quan của
cán bộ điều tra tin chắc A chính là thủ phạm nên chỉ chú ý thu thập chứng cứ buộc
tội A mà không để ý đến chứng cứ gỡ tội, hoặc các chứng cứ buộc tội cho người
khác. Tâm lý này vững chắc đến nỗi có điều tra viên thậm chí không thèm bảo vệ
đúng pháp luật các vật chứng thu thập tại hiện trường, dẫn đến sai, thiếu, sót
vật chứng, có thể khiến vụ án mãi mãi không tìm ra thủ phạm.
Điển hình như vụ kêu oan của tử tù Hồ Duy Hải, điều tra viên làm mất chiếc
thớt dính máu nằm gần đầu nạn nhân và một con dao bị giấu sau chiếc bảng, sau
đó liều mạng và chủ quan đến nỗi ra chợ mua chiếc thớt và con dao trông giống
như vậy về bổ sung tang vật.
Ngoài ra, khi bị phục hồi điều tra thì thường đã cách lần điều tra đầu
tiên nhiều năm, hiện trường đã bị thay đổi, xáo trộn hoặc mất hết, không còn dấu
vết gì để thu thập nữa. Giả sử lúc này có hướng điều tra đến thủ phạm khác thì
cũng gần như tuyệt đối không còn khả năng chứng minh.
Sự bối rối lúc này là cùng cực. Cả ba ngành đối mặt với nguy cơ một vụ án
vừa bị tắc, vừa oan. Sai sót này là điểm đen rất lớn trong quá trình làm việc.
Họ sẽ bị kỷ luật không nhẹ và dừng lại hết các khả năng thăng chức.
Không phải ai cũng đủ trung thực và thẳng thắn đế chấp nhận hậu quả đó.
Tư
tưởng lập công
Nói về oan sai, cố bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (1956-2018) từng
đưa ra một số nguyên nhân:
- Biên chế lực lượng điều tra còn thiếu, có nhiều nơi mỗi điều tra viên
phải thụ lý 30-50 vụ án, thậm chí 70 vụ án/năm gây áp lực lớn, ảnh hưởng xấu đến
chất lượng điều tra.
- Một số điều tra viên chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc
đòi hỏi kết thúc vụ án sớm do sức ép dư luận.
- Có khi do tư tưởng lập công dẫn đến nóng vội trong thu thập, đánh giá,
sử dụng chứng cứ, hoặc chủ quan thỏa mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan
tâm đến chứng cứ khác.
- Tiêu cực, vi phạm pháp luật ở người thực hiện pháp luật.
Với nguyên nhân cuối cùng, nhiều khả năng sẽ có tâm lý đâm lao phải theo
lao, dàn dựng và ép cung đến cùng để bảo vệ việc làm của mình.
____________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/nhung-vu-an-oan-rung-dong-viet-nam-2906196.html
https://plo.vn/bai-hoc-tham-thia-tu-an-oan-bai-2-su-chu-quan-chet-nguoi-post250299.html
https://vnexpress.net/nguoi-bi-oan-38-nam-khang-cao-viec-khong-the-kien-doi-boi-thuong-4639378.html
https://vnexpress.net/hon-loan-tai-buoi-toa-an-xin-loi-ong-han-duc-long-3575525.html
https://vov.vn/chinh-tri/ban-noi-chinh-trung-uong-se-theo-doi-vu-viec-co-dau-hieu-oan-sai-414533.vov
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_H%C3%A0n_%C4%90%E1%BB%A9c_Long
---------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á
Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment