BIẾT
THUA ĐỂ NHƯỜNG CHỖ CHO CÔNG LÝ
Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng
án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian
kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ
động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông
Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một
người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn
Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một
vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến
khi hung thủ tự đến đồn công an.
Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh
niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ
cướp của giết người ra đầu thú.
Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận
“hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng
trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ
khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung
mới được xác nhận hóa ra là đúng.
Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu
thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến
hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không
được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn
mạnh.
Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy
thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của
mình bị phát hiện.
Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa”
làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ
sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ
rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp
đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ
xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều
cấp xét xử.
Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không
bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc
đã phải là những người được tuyên vô tội.
Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường
cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại
giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những
hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng
người] thì trả.
Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ
Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi
nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra
đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố
tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị
cáo.
Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh
án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến
hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng
sự.
Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều
có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến,
việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất
vụ án” đáng sợ thế nào.
Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN
[khiên – cho dân].
Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung
thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị
tù oan].
Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là
có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa”
mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì
thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một
khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=6318285948206533&set=a.305706452797876
Pháp trường
.
No comments:
Post a Comment