Biển Đông: Xịt vòi rồng
tàu Philippines, Trung Quốc muốn thử phản ứng, Việt Nam cần ứng phó thế nào
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.08.07
Hành động của tàu Trung Quốc ‘xịt’ vòi
rồng vào tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây trên Biển Đông (hôm
5/8-pv) có tính chất thử phản ứng của các nước ở khu vực. Tuy nhiên, trong lúc
Philippines có sự hậu thuẫn mạnh của Mỹ, Việt Nam với chính sách 'bốn không'
đang tự đặt mình vào tình thế khó khăn trước Trung Quốc. Một nhà quan sát an
ninh và tranh chấp trên Biển Đông và khu vực nói với Đài Á Châu Tự Do như vậy
hôm 07/8/2023.
Tàu hải cảnh TQ phun vòi rồng vào tàu của
Philippines ở Bãi Cỏ Mây hôm 5/8/2023 (Reuters)
Hoa
Kỳ và Philippines phản ứng hành động của TQ
Hôm 6/8, một ngày sau khi Trung Quốc đã sử dụng thiết bị bắn nước, hay
còn gọi là "vòi rồng", ngăn tàu Philippines, các hãng tin Reuters,
AFP cho biết Philippines đã lên tiếng tố cáo hải cảnh Trung Quốc và lên án, coi
đây là các hành động ‘quá đáng và gây hấn’. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng lúc
cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc, cho rằng, hành động của Bắc Kinh đã trực
tiếp đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt, trên tư cách đồng minh
của Philippines, Hoa Kỳ, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định rằng
“một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu, máy bay và
lực lượng vũ trang của Philippines bao gồm cả những sự việc liên quan đến tàu
tuần tra ở khu vực Biển Đông sẽ khiến kích hoạt cam kết về quốc phòng bảo vệ lẫn
nhau của Mỹ theo Điều IV Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines 1951.”
Tiếp theo đó, Manila cũng đã có động thái triệu đại sứ Trung Quốc tại
Philippines để phản đối, với lời lẽ được cho là mạnh mẽ, hành động của phía
Trung Quốc, theo nguồn tin ngoại giao của Philippines được truyền thông loan tải
hôm 07/8.
Bình luận trên quan điểm cá nhân về diễn biến và các phản ứng liên quan
này, từ Marseille, Pháp, nhà quan sát Trương Nhân Tuấn hôm thứ 7/8
nói với RFA Tiếng Việt:
“Theo tôi, Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của Philippines, sau khi
Philippines đã có tổng thống mới và chính sách ngoại giao của Philippines thay
đổi và bây giờ Philippines thân với Mỹ nhiều hơn. Trung Quốc cũng đưa ra một
thăm dò coi thử phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào và chúng ta đã thấy ngay sau đó
Mỹ đã có một câu trả lời rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực đối
với Philippines.
Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là Trung Quốc muốn
khẳng định chủ quyền của họ ở bãi Cỏ Mây và điều này Trung Quốc đã có tuyên bố
một cách chung chung từ năm 1951 rằng ‘tất cả những quần đảo hay là đá’ ở Biển
Đông, cho tới bãi Tân Mẫu là ‘thuộc về Trung Quốc’, trong đó có bãi Cỏ Mây…
Theo tôi nghĩ, những hành vi chưa gây đổ máu, chưa gây đổ vỡ, hay chưa bắn chìm
tàu lẫn nhau vẫn còn trong vùng xám, những hành vi của Trung Quốc là muốn làm mở
rộng ranh giới của vùng xám.”
Theo ông Trương Nhân Tuấn, nếu tiếp cận vấn đề theo hướng pháp lý, thì
‘vùng xám’ này là một vùng ‘tranh tối, tranh sáng’, không có pháp lý rõ ràng, tức
là Trung Quốc sử dụng những biện pháp mà có thể là ‘hợp lý’ mà có thể là ‘không
hợp lý’, để bành trướng, để khẳng định chủ quyền hoặc giành những lợi ích của họ
ở Biển Đông, về độ phức tạp của chiêu thức này của Trung Quốc, nhà quan sát từ
Pháp nói tiếp:
“Để đối phó với chiến thuật ‘vùng xám’ này rất phức tạp bởi vì Trung
Quốc có quá đông lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển. Nên nhớ rằng về
dân quân biển, dân quân (Trung Quốc) khi không cần thiết thì họ là ngư dân,
nhưng khi cần thiết thì họ là ‘lính’, là ‘hải quân’, đó là một lĩnh vực mà luật
lệ không phân định được, chúng ta không thể biết được rằng họ là ‘dân’ hay là
‘quân’. Đó là một thủ thuật vùng xám của Trung Quốc mà họ sử dụng như một lực
lượng để bành trướng lãnh thổ của họ.”
Philippines:
Khác biệt chính sách giữa hai đời tổng thống
Từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nhà nghiên cứu và phân
tích, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang chia sẻ
quan điểm với Đài Á Châu Tự Do cùng về vấn đề trên:
“Thực ra chúng tay thấy so sánh những hành động của
Philippines so với những hành động khác của Philippines dưới thời của Tổng thống
Rodrigo Duterte, rõ ràng chúng ta thấy có sự phát triển rất là khác về thái độ,
cách ứng xử cũng như hành động. Dưới thời của Tổng thống Duterte, ông muốn có một
thái độ gần gũi hơn với Trung Quốc, nên thường cố gắng xoa dịu những mâu thuẫn
và những xung đột có thể có ở trong khu vực tranh chấp ở trên Biển Đông. Tuy
nhiên khi Tổng thống Ferdinand Marcos đệ nhị lên nắm quyền, có vẻ ông muốn tỏ
thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt về vấn đề chủ quyền. Thứ hai là kể
từ khi Tổng thống Marcos đệ nhị lên cầm quyền, mối quan hệ giữa Philippines và
Mỹ lại trở nên nồng ấm hơn so với thời kỳ trước của ông Duterte”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay nhau tại Bắc Kinh hôm 30/8/2019. Reuters
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng, với những diễn biến lớn đó về quan hệ
giữa Philippines và Mỹ với Trung Quốc, có thể thấy nó ảnh hưởng rất lớn đến
cách ứng xử, cũng như tỏ thái độ của Philippines với Trung Quốc, khi gặp phải vấn
đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ ở trên Biển Đông.
Liên hệ với Việt Nam trong vấn đề an ninh trên Biển Đông trước những đe dọa
và thách thức chủ quyền biển, đảo bởi Trung Quốc thời gian gần đây và nhìn tới
về mặt giải pháp ứng phó trong ngắn cũng như trung hạn,
ông Nguyễn Khắc Giang nói:
“Với Việt Nam, tôi nghĩ tất cả những sự cố tương tự như vậy đã từng xảy
ra, và không phải là ít. Ở Việt Nam đã có những sự cố rất lớn và căng thẳng đã
đưa lên báo chí và truyền thông giữa các bên (Trung Quốc với Việt Nam) như là
vào năm 2014 hay 2019, tôi nghĩ Việt Nam đã xử lý theo năng lực tốt nhất có thể,
đặc biệt trong bối cảnh những ràng buộc về mặt kinh tế, chính trị, và chính
sách ‘bốn không’ về quốc phòng của Việt Nam, nói về kinh nghiệm của mỗi nước,
tôi nghĩ là khó.
Mỗi nước có một thái độ, hoàn cảnh, có những tiếp cận
riêng về tranh chấp ở Biển Đông, kể cả tranh chấp của từng nước cũng khác nhau,
không giống nhau, cho nên qua chuyện này, tôi nghĩ câu chuyện quan trọng nhất
không chỉ với Việt Nam, mà cả với Philippines, Malaysia, Indonesia và các nước ở
trong khu vực Đông Nam Á mà có tranh chấp với Trung Quốc, điều quan trọng nhất
là phải thống nhất được bất đồng nào đang có giữa các nước Đông Nam Á và tạo một
mặt trận chung để cùng nhau, ít nhất là đàm phán với Trung Quốc để giải quyết vấn
đề Biển Đông làm sao có lợi nhất cho các nước ASEAN, đặc biệt là khi mà các nước
ASEAN đang cố gắng đàm phán Bộ Quy cách Ứng xử ở trên Biển Đông (COC) mà đặc biệt
vẫn ở trong giai đoạn tương đối phức tạp như hiện tại.”
Việt
Nam: Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Đối với nhà quan sát Trương Nhân Tuấn qua diễn biến
mới đây ở bãi Cỏ Mây và qua ứng xử của Philippines và phản ứng của Hoa Kỳ trước
Trung Quốc, ông cho rằng:
“Thứ nhất, về chế độ chính trị, phải minh bạch hóa, trong sự phản đối
của Philippines, nếu không có các lực lượng đối lập phản đối (Trung Quốc), thì
chưa chắc chính phủ Philippines đã có những phản ứng mãnh liệt, mạnh mẽ như vậy,
tại vì họ minh bạch hết tất cả những chuyện gì xảy ra liên quan chủ quyền lãnh
thổ, những chuyện đó đều được báo chí đăng tải, và khi báo chí đăng tải, thì được
người dân quan tâm. Và khi người dân quan tâm rồi, những lãnh đạo không dám làm
trái ý của người dân, bởi vì họ sợ lần sau người dân sẽ không bầu cho họ nữa.
Khi đối chiếu với Việt Nam, tất cả những chuyện gì xảy
ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không biết, ngoài những
tuyên bố chung mà chúng ta thấy hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, mà tuyên bố
chung sau cùng, gần nhất, thấy Việt Nam ‘cam kết’ khai thác chung với Trung Quốc
‘ở những vùng tranh chấp’. Giả xử như bây giờ, giữa Philippines và Trung Quốc,
hai chính phủ tuyên bố là ‘khai thác chung’ ở những vùng tranh chấp, thì dĩ
nhiên phe đối lập và người dân Philippines đâu có đồng ý. Cho nên thứ nhất là
phải minh bạch, và để có sự minh bạch về báo chí đó, Việt
Nam phải thay đổi chế độ chính trị, tức là thoát Trung về ý thức hệ.”
Điểm tiếp theo, từ quan điểm riêng của mình, nhìn vào thế ứng xử của
chính quyền Philippines, trong so sánh và liên hệ với Việt Nam, ông
Trương Nhân Tuấn nói tiếp:
“Philippines mạnh dạn tuyên bố, nhưng nếu không có ủng
hộ của Mỹ, chưa chắc Philippines đã có những phản ứng mạnh như vậy, và sau khi
Philippines phản ứng, thì Mỹ lên tiếng liền”.
Do đó ông cho rằng Philippines có một “bảo hiểm sinh mạng từ Mỹ”, khiến họ
cảm thấy an tâm, bởi vì trong quá khứ, Mỹ chưa bao giờ phản bội bất cứ đồng
minh nào có ký hiệp ước với Mỹ cả.
Với phân tích đó, theo ông Tuấn, Việt Nam nên bắt
chước Philippines, đi con đường mà Philippines đang đi.
Và nhà quan sát từ Marseille, Pháp nêu giả định rằng nếu vào thời điểm hiện
tại, Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố rằng nước này ‘sẵn sàng ủng hộ’ Việt Nam, nếu Trung
Quốc sử dụng vũ lực đối với Việt Nam', thì theo ông: "Đó chỉ là áp dụng
"đối với đất liền mà thôi, còn đối với những hải đảo, hay những vùng hải
phận có tranh chấp mà Trung Quốc có yêu sách, Hoa Kỳ sẽ rất khó có hành động
gì, vì giữa Việt Nam và Trung Quốc không có gì minh bạch hết để đảm bảo,"
ông Trương Nhân Tuấn nói.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Giang, nếu quan hệ
đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ‘nâng cấp’ lên mức ‘đối tác chiến lược’,
như có gợi ý trong một số giới quan sát và phân tích cho rằng sự kiện này có thể
sẽ diễn ra trong năm 2023, thì sẽ có một số thay đổi mà theo ông là tích cực,
song có sự khác biệt rõ ràng với trường hợp quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ,
nếu đem so sánh, ông nói:
“Sẽ có thay đổi theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên nó sẽ không lớn,
bởi vì rõ ràng nhìn vào chính sách của Việt Nam về mặt ngoại giao của Việt Nam
trước kia là ‘ba không’, bây giờ là ‘bốn không’, trong đó chắc chắn sẽ không có
một đồng minh quân sự nào cả. Và Mỹ đương nhiên không phải là đồng minh của Việt
Nam, cho nên Việt Nam sẽ không có những cái gọi là ‘đòn bẩy’ như là Philippines
có để đưa ra những ứng xử theo cách mà họ làm.
Cách mà Việt Nam luôn thực hiện từ sau khi Liên Xô sụp
đổ là muốn tạo ra một nền ngoại giao đa phương và dựa vào một mạng lưới đối tác
và bạn bè mạnh ở trong khu vực, để từ đó tạo ra những ‘đòn bẩy’ để một là nâng
cao vị thế Việt Nam, và hai là sử dụng đòn bẩy ấy đặc biệt trong những nền tảng
đa phương để xử lý những tranh chấp và bất đồng. Vậy khi chúng ta thấy mối quan
hệ giữa Việt Nam với Mỹ nếu nâng cấp lên cấp chiến lược, thì đó là một dấu hiệu
rất tốt, cho thấy mục đích của Việt Nam là có thêm những bạn bè có tầm ảnh hưởng
trong khu vực là Mỹ, mà lại trở thành đối tác chiến lược.”
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh thêm với RFA:
"Tuy nhiên nó sẽ không thay đổi nhiều, tác động nhiều so với cách
tiếp cận của Việt Nam so với các vấn đề liên quan đồng minh quân sự hay liên
quan câu chuyện ngoại giao quốc tế của Việt Nam... Trong cách ứng xử đối với
Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam vẫn sẽ cố gắng tiếp cận vấn đề một là thận trọng,
hai là tránh sao cho không có những vấn đề leo thang căng thẳng và thứ ba, khi
có thể, sẽ cố gắng lôi kéo những sức ảnh hưởng của các diễn đàn đa phương, những
tổ chức lớn và những nước có ảnh hưởng lớn cùng tham gia. Nói tóm gọn là quốc tế
hóa vấn đề Biển Đông để làm sao không để Việt Nam bị cô độc, khi đối phó với những
hành động của Trung Quốc.”
No comments:
Post a Comment