Ảo tưởng và thực tế trong cạnh tranh chiến lược Mỹ –
Trung
Jude
Blanchette và Christopher Johnstone - Foreign Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng,
biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/08/10/ao-tuong-va-thuc-te-trong-canh-tranh-chien-luoc-my-trung/
Tại sao các cường quốc tầm trung – và các nước nhỏ –
lại quan trọng đối với chiến lược của Mỹ?
Thời điểm hiện tại có thể là một thời điểm khó hiểu và không thể đoán trước
trong nền chính trị toàn cầu, nhưng chúng ta không thiếu những khuôn khổ và
quan điểm nhằm giải thích, hoặc chí ít là mô tả, những diễn biến chính. Đối với
nhiều nhà quan sát, cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin và
thái độ ngày càng hung hăng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trên khắp Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương đã chia thế giới thành nhiều khối, kéo Mỹ và các đồng
minh vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” đối đầu Bắc Kinh và Moscow. Những người
khác lại xem đây là kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc, với nhân vật
chính là Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược An ninh Quốc gia mới nhất của Mỹ phản ánh
quan điểm này, kết luận rằng “một cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa các cường
quốc để định hình những gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Tuy nhiên, những khuôn khổ này đã bị đơn giản hóa quá mức và lỗi thời:
chúng đề cao sức mạnh đơn phương của Mỹ và Trung Quốc, trong khi đánh giá thấp
sự phụ thuộc của hai nước này vào các nước khác, và bỏ qua tầm quan trọng sống
còn của các cường quốc vừa và nhỏ, cũng như các thực thể thương mại và các chủ
thể phi nhà nước khác. Dù một số khía cạnh của Chiến tranh Lạnh vẫn đúng cho đến
ngày nay, chẳng hạn như sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc có hệ
thống chính trị và ý thức hệ khác biệt đáng kể, sự hội nhập và phụ thuộc lẫn
nhau, vốn là đặc điểm của hệ thống quốc tế trong thế kỷ này, đã đặt các nhà hoạch
định chính sách ngày nay vào một bối cảnh rất khác so với thế kỷ 20 mà những
người tiền nhiệm của họ phải đối mặt.
Cuộc cạnh tranh mà người Mỹ đang phải đối diện không đơn thuần là cuộc đối
đầu song phương với một cường quốc khác. Nó cũng không phải một cuộc cạnh tranh
giữa hai khối độc tài và dân chủ được phân định rõ ràng. Thay vào đó, nó là một
cuộc cạnh tranh không ngừng thay đổi của các liên minh và các nhóm đối tác đặc
biệt, những người sẽ bắt tay cùng nhau giải quyết một vấn đề hoặc một vài vấn đề
cụ thể. Như Hal Brands và Zack Cooper đã lưu ý vào năm
2020, các liên minh này khác nhau tùy thuộc vào vấn đề được quan tâm. Các đối
tác tham gia vào việc cân bằng địa chính trị chống lại sức mạnh quân sự ngày
càng tăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương có thể khác với các đối tác bảo
vệ và thúc đẩy các công nghệ tiên tiến. Một số nhóm được hình thành một cách tự
nhiên, bao gồm các đối tác sẵn sàng hợp tác và có cùng chí hướng. Những nhóm
khác là tập hợp các đối tác bất đắc dĩ, trong các mối quan hệ được hình thành
do sự cần thiết hoặc thuận tiện.
Trong thế giới của các nhóm và liên minh đặc biệt này, đôi khi,
Washington phải hợp tác với những chủ thể không ủng hộ – thậm chí hoàn toàn thù
địch với – một số lợi ích hoặc giá trị của Mỹ. Đôi khi, Mỹ sẽ cần sử dụng các
biện pháp khuyến khích và thậm chí là gây áp lực để khiến các bên liên quan
tuân theo các mục tiêu của Mỹ. Nhưng nếu các liên minh, các nhóm, và các quan hệ
cá nhân này được quản lý một cách khéo léo và có mục tiêu rõ ràng, thì Mỹ có thể
thúc đẩy lợi ích của chính mình, đồng thời giúp xây dựng một trật tự quốc tế
kiên cường và ổn định, duy trì sự thịnh vượng cho các đồng minh và đối tác của
họ.
Những thực tế mới này đòi hỏi một sự thay đổi trong chiến thuật và chiến
lược của Mỹ – và có lẽ quan trọng nhất, chúng đòi hỏi một tư duy dài hạn mới.
Trước tiên, một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả đòi hỏi
Washington phải chú ý nhiều hơn đến các cường quốc vừa và nhỏ – ở châu Âu, Đông
Nam Á, và trên khắp lục địa châu Phi – những nước sẽ đóng vai trò quan trọng
trong việc đối phó với năng lực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Nói rộng hơn, để
theo đuổi một đại chiến lược trong một thế giới không chỉ có các đối tác và đồng
minh thân thiết, mà còn có các quan hệ song phương thuận tiện và các liên minh
không cố định, Mỹ sẽ cần phải chấp nhận hoạt động trong vùng xám giữa sự phụ
thuộc lẫn nhau và tự quyết, giữa trật tự đa cực và trật tự khối, và với các đối
tác mà sự sẵn lòng hợp tác với Washington sẽ thay đổi từ vấn đề này sang vấn đề
khác.
Cách tiếp cận lấy liên minh làm trung tâm không có nghĩa là chỉ dựa vào mẫu
số chung nhỏ nhất, mà là tìm cách phối hợp và điều chỉnh với các đối tác chính,
để duy trì một mạng lưới mạnh mẽ gồm nhiều bên liên quan, tập trung vào một loạt
mục tiêu rõ ràng. Nhìn chung, chính quyền Biden đã triển khai hiệu quả cách tiếp
cận này, nhưng họ đang bị chống đối ở Washington ngày nay, khi một số tiếng nói
ủng hộ một cuộc cạnh tranh đơn phương, có tổng bằng không với Trung Quốc, theo đó
buộc các đối tác của Mỹ phải chọn phe. Tuy nhiên, quan điểm đó sẽ tạo cơ hội
cho Bắc Kinh tiếp cận các đối tác của Mỹ, khiến Mỹ bị cô lập hơn, và sau cùng sẽ
trở nên kém an toàn hơn.
VÒNG
QUANH THẾ GIỚI
Không ở đâu mà nhu cầu về một tư duy mới rõ ràng hơn ở Đài Loan. Để có thể
ngăn chặn và sau cùng là bảo vệ hòn đảo khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng từ
Trung Quốc, quân đội Mỹ phải nhìn xa hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi các căn cứ của
Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Ngoại trừ Australia, nơi sự hiện
diện quân sự của Mỹ đang mở rộng và hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng, những
nơi khác mà Washington có thể tìm kiếm cơ hội mới là ở Đông Nam Á và các quần đảo
Thái Bình Dương. Trong thập niên vừa qua, Singapore, một quốc gia với dân số
năm triệu người, đã lặng lẽ trở thành một đối tác quan trọng trong lĩnh vực
này. Dù không phải là một đồng minh chính thức của Mỹ, nhưng ngày nay,
Singapore đang củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, hỗ trợ việc
triển khai luân phiên các tàu chiến ven bờ, máy bay giám sát – và sắp tới còn
có cả máy bay không người lái. Singapore cũng đóng vai trò như một trung tâm hậu
cần và tiếp liệu. Các thỏa thuận gần đây nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, tập trận,
và huấn luyện với Philippines, tăng cường hợp tác quốc phòng với Papua New
Guinea, cũng phản ánh nỗ lực đa dạng hóa cần thiết cho người Mỹ.
Về mặt kinh tế, các chuỗi cung ứng phức tạp và các hệ sinh thái đổi mới
làm nền tảng cho sự phát triển và sản xuất các công nghệ tiên tiến đang thúc đẩy
sự hội nhập xuyên biên giới chưa từng có, trong đó các nền kinh tế nhỏ thường
đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp then chốt. Để phát triển
chuỗi cung ứng an toàn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn, Washington đang củng
cố sự hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan. Và để giảm sự phụ
thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng, Australia và Indonesia
– cùng nhiều đối tác tiềm năng khác của Mỹ ở Nam Mỹ và Châu Phi – đang định vị
mình là những nguồn cung thay thế chính. Thật vậy, một trong những lý do khiến
Bắc Kinh nỗ lực lôi kéo châu Âu và các nước phương Nam toàn cầu là vì Trung Quốc
hiểu các chủ thể trong khu vực này đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc
định hình cuộc cạnh tranh chiến lược lớn hơn.
Không có gì trong những điều trên làm giảm đi lợi thế và sức mạnh đáng kể
mà Mỹ vẫn đang sở hữu. Nhưng vai trò của các nước nhỏ đang lớn dần trong cuộc cạnh
tranh giữa các liên minh trong thế kỷ 21. Hãy xem xét trường hợp của Hà Lan. Đất
nước có dân số dưới 20 triệu người này là trụ sở của công ty ASML đóng vai trò
sống còn đối với sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. ASML là nhà cung cấp toàn cầu
duy nhất của thế hệ thiết bị quang khắc mới nhất, vốn rất quan trọng đối với việc
sản xuất chip logic tiên tiến. Đó là lý do tại sao việc liên kết với Hà Lan –
và Nhật Bản, một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn quan trọng khác –
là cần thiết cho sự thành công của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng
mà chính quyền Biden áp đặt kể từ tháng 10/2022, nhằm hạn chế các vật liệu và
công nghệ có sẵn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Vì thế, nỗ lực của
Washington nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong một công nghệ quan trọng
phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nền kinh tế lớn thứ 18 trên thế giới và sự tuân thủ
của một công ty tư nhân.
Tất nhiên, các đồng minh hiệp ước lâu đời và các nền kinh tế lớn trên thế
giới sẽ tiếp tục là trụ cột chính cho chiến lược của Mỹ. Kể từ khi Nga xâm lược
Ukraine, diễn đàn G-7 đã trải qua một quá trình hồi sinh mạnh mẽ, và đang đóng
vai trò là diễn đàn chính để phối hợp chính sách đối đầu với Moscow và hỗ trợ
Ukraine. Trong nhiều vấn đề liên quan đến cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc,
hợp tác với G-7 sẽ tiếp tục là điểm xuất phát của Mỹ, chẳng hạn như khi xem xét
giới hạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc. Các biện pháp như vậy
chỉ có thể có hiệu quả và tránh gây tổn thất cho các công ty Mỹ nếu các quốc
gia khác chịu áp dụng các biện pháp tương tự trong cùng lĩnh vực – và việc xây
dựng liên minh sẽ bắt đầu với G-7. Về quốc phòng, NATO và các liên minh hiệp ước
của Mỹ ở châu Á, vốn cung cấp khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự hiện diện và
hoạt động quân sự của Mỹ, sẽ tiếp tục là nền tảng cho chiến lược của Mỹ.
Nhưng động lực lớn hơn, trong đó Mỹ phụ thuộc vào các quốc gia và đối tác
thương mại thuộc mọi quy mô và thành phần để tạo ra một chính sách Trung Quốc
và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả và bền vững, sẽ xuất hiện lặp
đi lặp lại trên toàn cầu và trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của cạnh tranh
chiến lược. Dù là Mỹ đang cố gắng xây dựng ảnh hưởng trong các cơ quan thiết lập
tiêu chuẩn, hay đảm bảo thế phòng thủ hiệu quả nhằm ngăn chặn sự xâm lược của
Trung Quốc, thì thành công cũng phụ thuộc vào khả năng Washington hợp tác và
liên kết với nhiều bên khác nhau, bao gồm cả những nước vừa và nhỏ.
Nhưng một chiến lược xây dựng liên minh thành công đòi hỏi phải cân nhắc
các thực tế về chức năng và cấu trúc mà các đối tác của Mỹ phải đối mặt, đồng
thời thực hiện điều đó một cách khéo léo và kiên nhẫn. Có lẽ quan trọng nhất,
các thành viên của bất kỳ liên minh hoặc nhóm nào cũng sẽ có quan hệ kinh tế và
ngoại giao sâu sắc với Trung Quốc, không muốn tham gia một khối công khai chống
Trung Quốc – và họ gần như không có khả năng làm như vậy, xét đến thực tế chính
trị trong nước. Điều này đúng với cả nước lớn lẫn nước nhỏ. Ngay cả Nhật Bản,
được cho là quốc gia ở châu Á lo ngại nhất về sức mạnh ngày càng tăng của Trung
Quốc, cũng phụ thuộc sâu sắc vào nền kinh tế Trung Quốc vì sự thịnh vượng của
chính họ. Điều tương tự cũng xảy ra với các thành viên Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á, tất cả đều có liên kết kinh tế sâu rộng và ngày càng tăng với Trung
Quốc. Do đó, bên cạnh sự phụ thuộc lẫn nhau của chính họ với Trung Quốc, Mỹ sẽ
bị ảnh hưởng và bị hạn chế trong việc đẩy lùi sức mạnh của Trung Quốc bởi sự phụ
thuộc lẫn nhau của các đối tác liên minh. Dù nhiều quốc gia trong khu vực quan
ngại sâu sắc về tham vọng của Trung Quốc, không nước nào sẵn sàng liên minh
công khai để chống lại tham vọng đó, và hầu hết đều thận trọng về mức độ mà họ
có thể trực tiếp tấn công Bắc Kinh. Các đối tác này sẽ tiếp tục theo đuổi các
chiến lược phòng bị nước đôi nhằm tìm cách cân bằng sự can dự của các cường quốc
bên ngoài. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số người dân khắp châu Á tin rằng
hậu quả của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ là tiêu cực; hơn 60% nghĩ rằng an
ninh quốc gia của đất nước họ sẽ gặp rủi ro. Đối với các nước láng giềng của
Trung Quốc, viễn cảnh xung đột luôn hiện hữu. Như Tổng thống Philippines,
Ferdinand Marcos, Jr., đã nói trong một cuộc phỏng
vấn gần đây về căng thẳng Mỹ-Trung xoay quanh vấn đề Đài Loan: “Tôi đã
học được một câu nói của người châu Phi: Khi voi đánh nhau, kẻ thua cuộc là cỏ.
Chúng tôi là cỏ trong tình huống này. Chúng tôi không muốn bị chà đạp.”
Về phần mình, Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình hình địa chính trị phức
tạp tương tự. Dù sở hữu sức mạnh kinh tế và quân sự lớn, Bắc Kinh vẫn phụ thuộc
vào các quan hệ thương mại và quan hệ song phương quan trọng để tăng sức mạnh
cho nền kinh tế và hiện đại hóa quân đội. Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng
ròng, họ cần tiếp tục tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ kiểm soát, và
vẫn thua xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, và các quốc gia chủ chốt của châu
Âu về thiết kế và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Bất chấp những lời tán dương
của Bắc Kinh về tính ưu việt của hệ thống chính trị và khả năng tự cung tự cấp
của họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang có những sự phụ thuộc quan trọng, vốn
sẽ không biến mất trong tương lai gần. Điều đó giúp giải thích tại sao Trung Quốc
lại duy trì một cách vụng về quan hệ tốt đẹp với các nước châu Âu (vốn nằm
trong số các đối tác thương mại và công nghệ lớn nhất của họ) và Moscow (một đối
tác năng lượng và an ninh quan trọng), dù mối quan hệ với Moscow sẽ đe dọa mối
quan hệ với châu Âu. Bắc Kinh, giống như Washington, bị mắc kẹt trong một thế
giới của những sự đánh đổi.
QUAY
VỀ THỰC TẾ
Giữa lúc phải vật lộn trong một hệ thống quốc tế biến động, người Mỹ nên
tuân thủ một số nguyên tắc chính. Đầu tiên, trong một thế giới có ít quốc gia sẵn
sàng liên minh trực tiếp chống lại Trung Quốc, Mỹ cần phải cẩn trọng khi đưa ra
cho các đối tác những lựa chọn có tổng bằng không, chỉ nên giới hạn những lựa
chọn này trong các trường hợp mà sự liên kết rõ ràng chống lại Trung Quốc là
hoàn toàn cần thiết để bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ. Mỹ cũng cần các định
nghĩa hẹp về những yếu tố của cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thực sự
đòi hỏi sự hợp tác từ các nước khác, và trong những trường hợp đó, Mỹ phải vận
dụng toàn bộ sức nặng ngoại giao và khả năng thuyết phục của mình. Nhưng trong
những trường hợp khác, Washington phải cho các chính phủ đối tác không gian để
xác định quan hệ của họ với Trung Quốc theo những cách phù hợp với lợi ích của
họ và thực tế khu vực. Theo đó, cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với cuộc
cạnh tranh công nghệ – xây dựng “hàng rào cao” xung quanh “sân nhỏ” gồm các
công nghệ tiên tiến có ứng dụng quân sự – sẽ có ý nghĩa nếu được áp dụng triệt
để. Nhưng Washington phải chống lại áp lực trong nước về việc không ngừng mở rộng
danh sách các công nghệ bị kiểm soát và các biện pháp khác được thiết kế để cản
trở bước tiến của Trung Quốc. Lý do đơn giản là vì hàng rào càng cao thì càng
khó xây dựng và duy trì một liên minh. Đối với một số công nghệ then chốt, chẳng
hạn như chất bán dẫn, đúng là cần gây áp lực đáng kể lên các quốc gia đối tác
và các chủ thể thương mại để buộc họ đi theo sự dẫn dắt của Mỹ. Nhưng đối với
những công nghệ và hành động khác, chẳng hạn như sàng lọc đầu tư ra nước ngoài,
Washington nên thận trọng điều chỉnh cách tiếp cận của mình để duy trì tính
toàn vẹn và hiệu quả của liên minh, đồng thời tránh làm tổn hại đến lợi ích của
các chủ thể thương mại Mỹ.
Các vấn đề liên quan đến Đài Loan cũng cần nhận được sự quan tâm tương tự.
Dù các quốc gia ngày càng sẵn sàng lên tiếng ủng hộ hòa bình và ổn định ở Eo biển
Đài Loan (như được minh họa bằng tuyên bố chung giữa Marcos và Tổng thống Mỹ
Joe Biden hồi tháng 5), hỗ trợ chính trị hoặc vật chất cho Đài Loan lại là một
vấn đề hoàn toàn khác – ngay cả đối với một quốc gia như Nhật Bản, nước có vị
trí địa lý gần kề và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc xung đột xuyên eo biển.
Washington cần tiếp tục đi đầu trong vấn đề này và tăng cường hỗ trợ Đài Loan
trong việc đẩy lùi áp lực từ Trung Quốc, mở rộng sự ủng hộ quốc tế dành cho Đài
Loan, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế và khả năng phục hồi của hòn đảo.
Nhưng để mở rộng liên minh ủng hộ sự thịnh vượng và an ninh của Đài Loan, Mỹ phải
cân bằng giữa nhu cầu hành động kiên quyết trước sự hiếu chiến của Bắc Kinh với
sự miễn cưỡng có thể hiểu được của nhiều cường quốc vừa và nhỏ khi bị lôi kéo
vào cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh tại Đài Loan. Nếu Washington thực
sự muốn ngăn chặn Bắc Kinh, họ sẽ cần một liên minh lớn, chặt chẽ, và đáng tin
cậy gồm các đối tác, những người có thể – theo cách riêng của họ – nhắc nhở cho
Bắc Kinh về chi phí ngoại giao, kinh tế, và quân sự đáng kể mà nước này sẽ phải
trả nếu tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Eo biển Đài Loan. Và, điều quan
trọng là, Washington càng kiên định và thống nhất trong cách tiếp cận các vấn đề
xuyên eo biển, thì họ càng mang lại cho các thành viên hiện tại và tương lai của
liên minh sự tự tin và không gian chính trị để hoà hợp với các nỗ lực của Mỹ.
Dù quan hệ chặt chẽ với Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc
gia trong khu vực, nhưng họ cũng nhận ra lợi ích vật chất đáng kể khi hợp tác với
Bắc Kinh. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, bức tranh này có thể sẽ
khác trong một thập niên tới. Nhưng hiện tại, đây là một thực tế mà Mỹ không thể
tránh khỏi. Do đó, Washington sẽ cần khuyến khích sự tham gia vào các liên minh
mà họ lãnh đạo, với những động cơ tích cực thúc đẩy lợi ích quốc gia của các đối
tác của Mỹ. Về khía cạnh này, chính sách của Mỹ gần đây đã thất bại: dù nhiều
quốc gia trong khu vực đánh giá cao sự tập trung an ninh mới của Mỹ vào Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương – bao gồm tăng cường liên minh với Australia, Nhật Bản,
Philippines, và Hàn Quốc – sự vắng mặt của một chương trình nghị sự kinh tế khu
vực hấp dẫn đã làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương do Mỹ khởi xướng là một đối thủ cạnh tranh kém so với các liên kết
thương mại và đầu tư rộng lớn mà Trung Quốc cung cấp. Lời hứa tăng khả năng tiếp
cận thị trường Mỹ, thông qua các hiệp định thương mại có tính ràng buộc về mặt
pháp lý, tiếp tục là công cụ thuyết phục nhất mà Washington có sẵn để tăng cường
hợp tác và khuyến khích các đối tác đưa ra quyết định trong nước mà họ vẫn đang
chần chừ. Một yếu tố quan trọng khác là chiến lược của Mỹ phải bao gồm các cam
kết mới đối với hệ thống thương mại đa phương và sự sẵn lòng đàm phán các thỏa
thuận tiếp cận thị trường có ý nghĩa. Tất nhiên, trong thời gian tới, cách tiếp
cận này sẽ đối mặt với những trở ngại chính trị gay gắt trong nước, nhưng Mỹ
không thể yêu cầu các đối tác hy sinh các cơ hội kinh tế và thương mại ở Trung
Quốc mà không bù đắp bằng các ưu đãi hữu hình của riêng họ.
Washington cũng cần thể hiện nhận thức rõ hơn về các tình huống chính trị
trong nước mà các đối tác của họ phải đối mặt. Việc một số đối tác liên minh và
đối tác cá nhân có một câu trả lời lúc riêng tư và một câu trả lời khác trước
công chúng thường không phải là biểu hiện của sự hèn nhát, mà là sự phản ánh những
thực tế chính trị và kinh tế đang hạn chế các hành động chống Trung Quốc một
cách công khai. Lúc riêng tư, các quan chức trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về ý định và hành động của Trung Quốc, đồng thời
hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại tác động xấu của Bắc Kinh đối với
trật tự khu vực. Tuy nhiên, việc công khai về những lo ngại này sẽ kích động phản
ứng chính trị, ngoại giao, và kinh tế từ Bắc Kinh. Dù Mỹ, một siêu cường kinh tế
và quân sự, có thể chịu được những áp lực mà Trung Quốc có thể gây ra, nhưng hầu
hết các quốc gia khác không đủ khả năng để tự tin hành động như vậy. Mỹ phải giúp
xây dựng khả năng phục hồi của các thành viên liên minh, những người đang phải
đối mặt với cưỡng ép kinh tế từ Bắc Kinh. Nhưng cho đến khi khả năng đó được
hình thành, người Mỹ luôn cần phải nhạy cảm với những rủi ro thực tế mà các nền
kinh tế nhỏ hơn phải đối mặt.
Washington có thể giúp hỗ trợ các nhà lãnh đạo của các thành viên hiện tại
và tiềm năng của liên minh bằng cách điều chỉnh những lời lẽ và hành động của
chính mình để phản ánh thực tế trong nước của các đối tác. Định hình hành động
của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên cạnh tranh chiến lược với Trung
Quốc sẽ khiến việc xây dựng động lực trong khu vực trở nên khó hơn, chứ không
phải dễ hơn. Một tuyên bố chung gần đây được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo của
các thành viên Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) – Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và
Mỹ – chính là một ví dụ thành công của cách tiếp cận có điều chỉnh này. Văn bản
khoảng 3.000 từ mô tả kế hoạch của các nước Quad nhằm tăng cường hợp tác ở Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không được đề cập. Trong một
thế giới mà Washington phải nhanh chóng xây dựng nhiều liên minh khác nhau để đẩy
lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc và ủng hộ một trật tự tự do và cởi mở hơn,
sẽ là khôn ngoan nếu không nói ra những điều cần được giữ im lặng.
---------------------------
Jude Blanchette là giám đốc
về nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông là
tác giả cuốn sách “China’s New Red Guards: The Return of Radicalism and the
Rebirth of Mao Zedong.”
Christopher Johnstone là cố vấn cấp
cao và giám đốc về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Tại
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông giữ chức Trưởng ban phụ trách Đông Á từ năm
2021 đến 2022 và Trưởng ban phụ trách các vấn đề Nhật Bản và châu Đại Dương từ
năm 2014 đến 2016.
Nguồn: Jude
Blanchette và Christopher Johnstone, “The Illusion
of Great-Power Competition,” Foreign Affairs, 24/07/2023
No comments:
Post a Comment