Đảo
chính tại Niger : Pháp và Mỹ bất lực ?
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 09/08/2023 - 16:32
Các báo Paris ra hôm 09/08/2023 đề cập
nhiều đến nhiều chủ đề xã hội liên quan đến nội bộ Pháp. Tuy nhiên, thời sự quốc
tế nổi bật được các báo chú ý theo dõi là khủng hoảng chính trị tại Niger với
cuộc đảo chính quân sự hôm 26/07/2023.
Dân Niger ủng hộ cuộc đảo chính. Ảnh chụp tại thủ đô
Niamey, ngày 06/08/2023. REUTERS - STRINGER
Trước hết với nước Pháp biến động chính trị tại Niger cho thấy «
Chiến lược của tổng thống Macron tại Sahel thất bại », tựa bài viết
trên Le Figaro. Lần lượt các nước từng được coi là sân sau của Pháp ở châu Phi
những năm qua đã có đảo chính, thay bằng những chính quyền chống Pháp ra mặt.
Niger mới đây chỉ là thêm một ví dụ.
Theo Le Figaro, thực tế này đánh dấu thất bại trong chính sách châu Phi của
Pháp, dưới thời tổng thống Macron. Theo tờ báo, « những kết quả mà
tổng thống Emmanuel Macron đạt được ở châu Phi rất nghèo nàn : Rút quân, mất
ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, gia tăng tâm lý chống Pháp… »
Cũng như Pháp, Mỹ có quan hệ đối tác quân sự tốt với chính quyền của tổng
thống Mohammed Bazoum, hiện đang bị phe đảo chính bắt giữ. Hiện tại, Mỹ vẫn còn
1500 quân đóng tại Niger trong khuôn khổ hợp tác chống khủng bố thánh chiến.
Tuy nhiên Washington tỏ ra khá dè dặt trước cuộc khủng hoảng hiện nay, chưa biết
làm gì, theo ghi nhận của nhật báo Libération. Theo tờ báo, cho đến giờ dù phe
đảo chính vẫn tránh không chỉ trích quan hệ đối tác quân sự với Hoa Kỳ, nhưng họ
thẳng thừng từ chối các đề xuất trung gian giàn xếp của Mỹ nhằm tái lập chính
quyền vừa bị lật đổ. Phe quân nhân đảo chính tỏ ra vẫn tôn trọng Mỹ nhưng họ
không nhượng bộ gì.
Mỹ đến lúc này có vẻ thận trọng, đứng ngoài không can thiệp trực tiếp,
tuyên bố thiên về giải pháp ngoại giao đồng thời đá quả bóng xử lý khủng hoảng
sang sân của cộng đồng các nước Tây Phi. Điều mà các nước phương Tây lo ngại nhất
lúc này là khả năng phe đảo chính cầu viện đến sự trợ giúp của lực lượng đánh
thuê Nga Wagner và Niger rơi vào vòng ảnh hưởng của Matxcơva. Nếu điều này
xảy ra thì chiến lược chống khủng bố và sự hiện diện của Mỹ và Pháp tại khu vự
Tây Phi này sẽ bị đảo lộn.
Khủng
hoảng Niger và nguy cơ khủng hoảng di dân cho EU
Nhật báo Le Monde quan tâm đến tác động của cuộc khủng hoảng đối với Liên
Hiệp Châu Âu qua bài : « Niger : Con đường di dân, một thách thức
với Liên Âu ». Lý do là vì từ năm 2016, chính quyền Niamey đã giúp Liên Hiệp
Châu Âu nhiều trong việc ngăn chặn làn sóng di dân từ vùng hạ Sahara (Bắc
Phi).
Le Monde nhận thấy, « một cuộc khủng hoảng có thể che giấu một
khủng hoảng khác. Đằng sau những sôi sục về ngoại giao và quân sự xung quanh cuộc
đảo chính ở Niamey là một thách thức nặng nề đối với người châu Âu: vấn đề di
dân vùng hạ Sahara. Niger thực sự chiếm một vị trí chiến lược trên các tuyến đường
di cư của lục địa như một hành lang quá cảnh dễ dàng tới Libya, và là một bàn đạp cho
di dân từ Tunisia qua Ý ». Đó là lý do để Roma lo
ngại.
Kể từ cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26 tháng
7, các nhà lãnh đạo Ý đã nhiều lần cảnh báo chống lại ý định can thiệp quân sự
vào Niamey, theo họ, điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn
ở Sahel. Một cuộc chiến tranh trong khu vực này sẽ tạo một làn sóng di dân
mới đổi vào châu Âu ; Niger hoàn toàn có trong chiến lược kiểm soát
làn sóng di dân của Liên Hiệp Châu Âu (EU) mà lục địa này đã phải đối mặt với
quy mô chưa từng có trong những năm 2010. Khi đó, dưới áp lực từ Bruxelles,
chính quyền Niamey đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm hạn chế di dân tiếp
cận biên giới phía bắc với Libya. Người đóng góp chủ yếu vào kế hoạch đó chính
là bộ trưởng Nội Vụ Niger lúc bấy giờ chính là Mohamed Bazoum, hiện giờ là tổng
thống bị đảo chính lật đổ.
Ukraina :
chiến lược bắn phá cầu đường
Về chiến tranh tại Ukraina, nhật báo Le Monde có bài : Ukraina gia
tăng « chiến tranh cầu » đề cập đến việc những ngày gần
đây Kiev tăng cường các cuộc bắn phá vào những công trình đường bộ nối phần đất
liền Nga với bán đảo Crimée, đã bị Matxcova sáp nhập.
Đây là một giai đoạn mới trong cuộc chiến tiêu hao mà Ukraina và Nga đã
tiến hành kể từ đầu cuộc chiến tranh cách đây 1 năm rưỡi. Chủ Nhật ngày 6 tháng
8 vừa rồi, quân đội Kiev đã bắn phá hai cây cầu đường bộ nối bán đảo Crimée với
đất liền, buộc quân đội Nga phải chuyển hướng hậu cần của họ sang một trục đường
dịch sang phía tây và như thế đường tiếp viện của mặt trận phía nam bị dài hơn.
Nằm ở phía đông khu vực tiếp giáp Crimée với tỉnh Kherson, hai vùng lãnh
thổ do Nga chiếm đóng, cầu Chonhar và Henichesk đã bị phá hủy một phần sau cuộc
tấn công bằng tên lửa. Những cuộc bắn phá như vậy nằm trong chiến lược tiêu hao
được chính quyền Ukraina áp dụng, bao gồm việc ưu tiên các cuộc tấn công vào
các trục hậu cần nằm phía sau mặt trận, để phá vỡ hoặc thậm chí ngăn chặn việc
tiếp tế của quân địch, thay vì đối đầu trực diện có rủi ro thiệt hại về người
và vật chất. Chiến lược này đã được áp dụng thành công, đặc biệt là vào
mùa thu năm ngoái trong cuộc phản công giải phóng thành phố Kherson và đẩy quân
Nga sang bên bờ tả ngạn sông Dnepr.
Theo Le Monde, bán đảo Crimée trong những tháng gần đây đã trở thành một
trong những trục được Matxcơva ưa dùng để tiếp tế cho quân đội của họ ở miền
nam Ukraina. Đã không ít lần, quân đội của Kiev oanh kích các tuyến đường sắt
băng qua bán đảo hoặc tiến hành các hoạt động phá hoại nhằm vào các trạm biến
áp điện để làm tê liệt các đoàn tàu quân sự của Nga. Cây cầu Kerch, nối miền
nam Crimée với lục địa Nga, cũng là mục tiêu của hai cuộc tấn công, vào ngày 22
tháng 10 năm ngoái và sau đó là ngày 17/07, dù Ukraina không thể phá hủy được
cây cầu biểu tượng cho việc sáp nhập Crimée vào Nga.
Một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của chiến lược bóp nghẹt Crimée này
là hôm 04/08 vừa rồi, Ukraina đã dùng drone tấn công một tàu đổ bộ dài
112 mét của hải quân Nga dùng để tiếp viện cho bán đảo Crimée. Vụ tấn công được
bộ Quốc Phòng Anh mô tả là đòn nặng nề đối với Hạm đội Hắc Hải
của Nga.
Theo Matxcơva, các vụ tập kích vào hệ thống cầu đường như vậy được
Ukraina thực hiện bằng các loại tên lửa hành trình Storm Shadow và Scalp-EG do
Anh và Pháp cung cấp. Loại hỏa tiễn không đối địa này được lắp vào các chiến đấu
cơ có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km. Để đáp trả, Nga tăng
cường các cuộc oanh kích vào những căn cứ không quân của Ukraina, nơi xuất phát
của những chiến đấu cơ Su-24 được trang bị các loại tên lửa nói trên.
Nắng
nóng gây thiệt hại tăng trưởng kinh tế
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài đề cập đến việc những đợt nắng nóng
đang gây thiệt hại thế nào đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những đợt nắng nóng đặc biệt
khắc nghiệt. Tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất.
Theo một nghiên cứu gần đây của hãng bảo hiểm Allianz Trade, nhiệt độ khắc nghiệt
ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng: Năm 2023, các đợt nắng nóng dự kiến sẽ làm giảm
0,6% GDP toàn cầu.
Tác động của một ngày nóng trên 32° sẽ tương đương với thiệt hại của một
cuộc đình công kéo dài nửa ngày, đó là kết quả một khảo sát của các nhà kinh tế.
Theo tính toán của công ty bảo hiểm, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Hy Lạp bị
ảnh hưởng đặc biệt và đã mất lần lượt 1,3, 1 và 0,9 điểm GDP do đợt nắng nóng đỉnh
điểm năm 2023. Hoa Kỳ và Pháp ít bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn
do đó chỉ thâm hụt từ 0,3 và 0,1 điểm.
Các nước nghèo, ít được trang bị để đối phó bị ảnh hưởng rất lớn. Theo một
nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm ngoái trên tạp chí Science, sự gia
tăng các đợt nắng nóng do hoạt động của con người, ở các nước kém phát triển nhất,
tương đương với thiệt hại 7% GDP bình quân đầu người. Tổ chức lao động quốc tế
dự tính từ nay đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ mất 2% thời gian lao động do
nhiệt độ cao không thể làm việc. Con số này tương ứng với gần 80 triệu việc
làm.
Các chuyên gia cho rằng, do không thể ngăn chặn được các đợt nắng nóng
nên các nền kinh tế có cách phải biết thích nghi, thay đổi trên quy mô lớn từ
trang thiết bị tiện nghi đến thói quen sinh hoạt, và nhất là tổ chức lại công
việc.
Tuyển
bóng đá nữ Pháp vào tứ kết Cúp thế giới
Tin thể thao mà tất cả các báo Pháp ra hôm nay đều đăng tải là chiến thắng
của đội tuyển bóng đá nữ Pháp trước đội tuyển Maroc ngày hôm 08/08/2023
trong trận loại trực tiếp vòng 1/8 Cúp thế giới bóng đá nữ đang diễn ra tại Úc
và New Zealand. Đội tuyển Pháp đã đè bẹp đội đại diện châu Phi với tỷ số 4-0.
Maroc là đội bóng có tới 8 cầu thủ đang chơi bóng ở Pháp. Với kết quả này tuyển
nữ Pháp lần thứ tư liên tiếp vào vòng tứ kết Cúp thế giới.
Ngày thứ Bảy tới Pháp sẽ gặp chủ nhà Úc. Nhật báo Công giáo La Croix dành
bài xã luận với tiêu đề Trình độ cao để ca ngợi chiến thắng của
các nữ cầu thủ Pháp, khẳng định đội tuyển nữ của Pháp đang có tất cả các điều
kiện tốt nhất để thực hiện tham vọng lớn.
No comments:
Post a Comment